A.Riedl: Hành trình chữ nhẫn

Thứ Sáu, 24/08/2007, 16:53
Những người đôi chút hơi hướm tâm linh và có kiến văn về chiêm tinh học khi nhìn ngày sinh của A.Riedl (2/11/1949), thì không khỏi thừa nhận, ông mang những tính cách điển hình của những người sinh ra dưới chòm sao Scorpio - Bọ cạp: Những con người có thể kiên cường vượt qua mọi thử thách và kiên định con đường mình đã chọn.

Những con người luôn có một lòng tin sâu sắc rằng, cuối cùng họ sẽ chiến thắng, cho dù hiện tại phải đón nhận mọi đòn roi của số phận, mọi cay đắng của nghịch cảnh. Con đường mà A.Riedl đã đồng hành với bóng đá Việt trong hơn 2 năm qua, là một sự chứng minh…  

Lần tìm cuốn sổ của những năm về trước, tôi bắt gặp những dòng ghi chép của mình trong một ngày cuối tháng 4/2005 về lễ ký hợp đồng làm HLV trưởng đội tuyển Việt Nam của A.Riedl: "Sau khi đặt bút ký vào bản "hôn ước" lần thứ 3 với bóng đá Việt, HLV A.Riedl tuyên bố: Mục tiêu lớn nhất của tôi trong 3 năm làm việc tới đây là cùng đội tuyển đạt được một cái gì đó tại ASIAN Cup 2007, giải đấu mà Việt Nam là nước chủ nhà".

Vâng, cho tới giờ này, thì nhà cầm quân người Áo đã hoàn thành lời ước hẹn của mình với bóng đá Việt Nam bằng việc dẫn dắt các học trò làm nên cú vượt ngưỡng lịch sử tại ASIAN Cup 2007.

Hơn 2 năm cho một lời hứa. Hơn 2 năm, khoảng thời gian đó có thể là ngắn ngủi đối với những người ở độ tuổi 20, nhưng còn Riedl một con người đã mấp mé cái tuổi 60 nắng xế cõi nhân gian, lại mang trong mình trọng bệnh, thì 2 năm đâu có phải là ngắn.

Và sẽ càng không ngắn nếu như nhìn lại hành trình mà nhà cầm quân này đã trải qua, có nhiều thời điểm bão dông và cả những khúc quanh hãi hùng mà tưởng chừng như ông không thể vượt qua để đi đến cái đích cuối đường ngọt ngào và vinh quang của ngày hôm nay…

"Anh có phải là bạn tôi không?"

Thất bại trong điệp vụ đổi màu tấm HCB tại SEA Games 23, cộng thêm dư chấn của vụ án bán độ của một số tuyển thủ U.23, đã mở ra một thời kỳ đen tối đối với A.Riedl trên chiếc ghế nóng HLV trưởng đội tuyển Việt Nam.

Đây cũng là thời điểm xuất hiện những dấu hiệu ban đầu của cuộc chiến giữa ông thầy người Áo với một số báo chí và dư luận. Trong suốt năm 2006, cứ sau mỗi giải đấu dù lớn hay nhỏ, Riedl đều gặp phải những làn sóng chỉ trích về sự bảo thủ nhân sự, cũ kỹ và máy móc trong lối chơi của ông.

Thậm chí, cứ mỗi lần Riedl chuẩn bị dẫn quân tham dự một giải đấu nào là y như rằng, một số người lại lớn tiếng "cảnh báo" giải đấu đó là "cơ hội cuối cùng" cho ông cải thiện hình ảnh của đội tuyển, cầm bằng không được, ông thầy này nên từ chức.

Tất nhiên, những điều dư luận "soi", dư luận "mổ" về cái đội tuyển trong tay nhà cầm quân này có đúng, có sai và có cả những điều quá đà thành… cầm đèn chạy trước ôtô và thành cả dạy khôn, hoặc "bới lông tìm vết" theo cái kiểu "cầu thủ ốm cũng do… lỗi của Riedl".

Trong khi đó, những "người bạn" của ông - các quan chức LĐBĐVN thì không phải lúc nào cũng "đạn bắn không thủng" trước sức ép của dư luận. Hệ quả là Riedl từ một quý ông lịch thiệp với báo giới, trở nên "ông già lựu đạn", đụng là… nổ trong những cuộc tiếp xúc với giới truyền thông.

Từ chuyện ông mắng một số phóng viên là "ngu ngốc" trong một cuộc trao đổi tại căngtin trung tâm Nhổn trước thềm Bách Việt Cup 2006, tới việc ông thẳng thừng tuyên bố không hợp tác với những tờ báo nào chỉ trích mình.

Thậm chí, trong một cuộc họp báo sau trận đấu ở Agribank Cup 2006, ông Riedl đã từ chối trả lời câu hỏi của một phóng viên từng có bài viết chỉ trích ông bỏ việc huấn luyện đi ký… nồi cơm điện tại siêu thị.

Cuộc chiến tranh lạnh giữa Riedl với một số tờ báo cứ thế giằng co, bên kéo, bên đẩy. Và rồi, sau những màn trình diễn nghèo nàn của bóng đá Việt tại AFF Cup, A.Riedl thực sự bị rơi vào tâm bão của sự hoài nghi, mất lòng tin và chỉ trích từ phía dư luận.

Chuyện ông về nước thay thận trở thành cái cớ để người ta đặt vấn đề đòi ghế HLV trưởng của ông một cách liên tục và dồn dập trên những trang báo.

Vào cái thời điểm mà Riedl cần nhất điểm tựa từ phía "ông chủ" LĐBĐVN, thì ngay đến cả những quan chức cao cấp của Liên đoàn cũng ngả nghiêng theo dư luận. Đã có những phương án thay thế Riedl được đặt trên bàn lãnh đạo Liên đoàn và cũng được "bắn" ra cho báo chí một cách có chủ đích.

Chuyện đó khiến Riedl trở thành một cánh chim cô đơn giữa biển người. Một cánh chim cần lắm nhu cầu sẻ chia, nhưng cũng sợ hãi lắm trước cành cong. Đến độ khi một bạn nghề gọi điện đề nghị xin phỏng vấn, thì câu đầu tiên Riedl nói: "Anh có phải là bạn tôi không?". Nếu trả lời "có", thì OK. Cầm bằng hơi có chút băn khoăn là "ăn" ngay một tiếng cúp máy đến rụp.

Vì sao yêu nhau mà không đến được với nhau?

Trước khi Riedl về phép chữa bệnh tại quê nhà, nhiều người đã chờ đợi một lá đơn từ chức của ông. Thế nhưng không, dù phía trước là một trận đấu sinh tử - ca phẫu thuật thay thận, phía sau là những đắng đót của đòn roi báo chí và một phần nào đó là cảm nhận về sự phụ bạc của những người tưởng như gần ông nhất lại trở nên xa cách trong lúc "hoạn nạn", nhưng nhà cầm quân người Áo vẫn một mực không chịu rút lui với tuyên bố cực kỳ cứng rắn: "Tôi không bao giờ từ chức. Sau ca phẫu thuật, tôi sẽ trở lại đúng hẹn, bằng không tuỳ ý Liên đoàn xử sao cũng được".

Ông Riedl đã từng không ít lần lỡ hẹn với người hâm mộ về tấm HCV Đông Nam Á, nhưng ông lại rất đúng hẹn với Liên đoàn. Sau ca phẫu thuật, nhà cầm quân người Áo đã trở lại Việt Nam đúng ngày đã định với Liên đoàn.

Trở lại một mình trên một chuyến bay dài từ Đức sang Hà Nội mà không cần y tá hay bác sĩ đi kèm. Trở lại với đầy đủ những hồ sơ y học để chứng minh ông hoàn toàn đủ sức khoẻ để tiếp tục công việc HLV trưởng của mình. Trở lại làm thất vọng không ít những người coi việc ông không kịp hồi phục là một giải pháp cho chuyện thanh lý hợp đồng mà không cần bồi thường.--PageBreak--

Trong cái ngày Riedl trở lại Việt Nam, trên chuyến xe bus tinh mơ ra sân bay Nội Bài săn tin như "tập quán" của cánh phóng viên, người viết đã mường tượng về một cuộc đón tiếp nồng ấm đối với vị HLV trưởng.

Chẳng gì thì giờ trong cơ thể của Riedl cũng đã có một phần máu thịt của người Việt. Nghĩa là nhà cầm quân này không còn là một ông Tây thuần chủng yêu Việt Nam giống như câu hát vẫn thường ồn ào trong các chương trình quảng cáo trên tivi: "Từ bao lâu tôi đã yêu Việt Nam".

Đón một Riedl "đặc biệt" như vậy, không ấm áp tình người mới là chuyện lạ. Ấy vậy mà quả là chuyện lạ, những giây phút đầu tiên nhà cầm quân người Áo bước ra khỏi phòng làm thủ tục, đón ông chỉ "nhõn" 5 phóng viên cả viết lẫn ảnh.

Ngoài ra, chẳng có ai cả. Không quan chức liên đoàn, không CĐV, và cũng không cờ mà cũng chẳng hoa. Trong khoảnh khắc đối diện với sự trống vắng đó, thoáng trong ánh mắt của Riedl có một vẻ gì đó như sững sờ, như buồn bã.

Những cái bắt tay chiếu lệ với các phóng viên không đủ để xua đi cái không khí lạnh lẽo và ảm đạm bao trùm lên "bệnh nhân người Áo".

Chẳng biết có phải vì thấm cái lạnh thấu xương của hai chữ "tình người" hay không mà một tay máy có mặt hôm đó, đã chú thích cho tấm ảnh chụp Riedl "cô đơn" tại sân bay bằng những con chữ nặng nề "âm khí": "Từ cõi chết trở về mà chẳng có ma nào ra đón!".

Thế nhưng, Riedl vẫn là Riedl: Một con người luôn biết nhẫn nhịn. Ông biện hộ cho "người nhà" với một lý do rất dễ thương: "Có lẽ tôi đến sớm nên chưa có ai ra kịp". Quả là vậy, các quan chức Liên đoàn có ra đón Riedl, có điều họ ra đúng giờ nên thành muộn.

Thế nhưng, có một bí mật mà cho đến giờ, sau những thành công nức lòng của đội tuyển tại ASIAN Cup, một lãnh đạo của Liên đoàn mới "bật mí" với báo giới: Phái đoàn của LĐBĐVN cử ra đón Riedl hôm đó tại sân bay mang theo sứ mệnh đặc biệt là thuyết phục ông thầy này tạm nghỉ một thời gian, chấp nhận để cho HLV phó Mai Đức Chung tạm thời dẫn dắt đội tuyển.

Và họ đã không hoàn thành nhiệm vụ một phần là do ông Chung nhất quyết trả ghế huấn luyện cho Riedl ngay tại sân bay; phần khác là không ai dám mở lời trước thái độ chuyên nghiệp và dũng cảm của Riedl.

Vị lãnh đạo này cũng thừa nhận, ông bị thuyết phục bởi sự kiên nhẫn, chịu đựng của Riedl. Cái chữ Nhẫn mà nếu không có nó, thì chưa chắc đến hôm nay bóng đá Việt đã có được chùm quả ngọt tại ASIAN Cup 2007.

Liên đoàn có thể "nhượng bộ" Riedl, nhưng những luồng dư luận nhằm vào ông thày người Áo thì không. Sự thể hiện tươi tắn của "người đóng thế" Mai Đức Chung với đội tuyển Olympic, trong thời gian Riedl vắng mặt, trở thành đề tài châm ngòi cho cuộc chiến mới với Riedl.

Tất nhiên, nói vậy không phải là đả kích những bài viết so sánh tài năng và mức lương giữa thầy nội và thầy ngoại, bởi dẫu sao thì trong những mỗi con người Việt đều có ít nhiều sự tự hào và tự tôn dân tộc.

Cái diện mạo giàu sức sống của đội tuyển Olympic dưới tay ông thầy nội Mai Đức Chung đáng để ngợi ca. Có điều dù sao thì A.Riedl cũng là một người châu Âu, đến từ một nền văn hoá khá coi trọng cái Tôi cá nhân.

Vậy nên việc so sánh quá đà giữa ông và người trợ lý nội trong một số bài viết, vô hình trung tổn thương đến lòng tự trọng của Riedl. Và đó là nguyên cớ dẫn đến một câu chuyện rất buồn.

Đúng vào ngày mà báo giới Việt Nam nói chung, và báo giới thể thao nói riêng tự hào là "ngày của chúng mình", bạn nghề bức xúc kể lại cái từ cực kỳ khiếm nhã mà anh nghe được từ chính mồm ông thầy người Áo "định danh" cho một tờ báo, chỉ vì cái tội dám đăng bài so sánh ông với trợ lý Mai Đức Chung. Riedl là thế chăng?

Từ trong sâu thẳm những phóng viên làm nghề, ít nhiều đều dành cho ông một sự kính trọng trên phương diện con người. Một phần vì những gì mà ông đã làm cho bóng đá Việt, và một phần vì sự lịch thiệp và hoà nhã mà ông dành cho báo giới (dù đó là cái thời đã xa).

Vậy mà hôm đó, hình như trong tôi có một hình ảnh bị rạn vỡ, có một niềm tin về nhân cách người bị vơi vai. Người viết biết tác giả bài báo đó. Tôi cũng tin vào nhân cách và tính chuyên nghiệp trong công việc của bạn tôi.

Phải chăng, việc chuyển ngữ vốn bản thân đã mang tính dị bản, cộng thêm những thành kiến và định kiến về nhau, đã khiến Riedl trở thành một con nhím xù lông đến độ dữ tợn trước bất kỳ một dòng chữ, một bài viết, một động thái nào bất lợi cho ông?

Tất nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại. Những phản ứng ngày càng nâng cấp độ quá khích của Riedl với báo giới trong thời gian đó, cũng khiến những người làm nghề phải cân nhắc hơn trong từng con chữ để tránh sự hiểu nhầm.

Vĩ thanh

Vẫn luôn là như vậy, người chiến thắng có tất cả. Cuộc chiến với giới truyền thông của Riedl phần nào điểm tô thêm cho chữ Nhẫn của ông thầy người Áo trong thành công tại ASIAN Cup 2007.

Ông Riedl đã phần nào giành lại được sự nể trọng từ phía dư luận. Nhưng có lẽ cả ông và một bộ phận báo giới thể thao dường như vẫn chưa viết được cho mình một chữ Nhẫn thật đẹp trong cách ứng xử với nhau?

Câu hỏi đó cứ trăn trở trong những cuộc họp báo ở ASIAN Cup 2007 khi nhìn cái cảnh ông Riedl thắm thiết với những phóng viên nước ngoài, nhưng luôn giữ một khoảng cách với báo giới Việt, những con người mà trong suốt thời gian qua ăn, ngủ và thở cùng với đội tuyển của ông.

Đời người có bao lâu mà cứ mãi làm dì ghẻ của nhau, dẫu rằng có những lúc ta phải cảm ơn những bà dì ghẻ đã cho đời ta động lực để chiến đấu và chiến thắng

Chi Mai
.
.