Jack Ma, Alibaba và những điều cần suy ngẫm

Thứ Ba, 28/11/2017, 14:20
Vừa qua, nhiều người Việt, đặc biệt những người trẻ phấn khích gần như phát cuồng trước tỷ phú Jack Ma, người đàn ông giàu nhất nhì châu Á khi ông này sang Việt Nam và truyền bá hàng loạt những quan điểm sống, cách thức làm giàu… 

Cuốn vào trong cơn cuồng ấy, người ta rất có thể lầm lẫn, ngộ nhận. Nhưng giờ đây, sau khi sự phấn khích dịu xuống, hãy cùng ngồi bình tĩnh và nhìn nhận lại, đằng sau Jack Ma và Alibaba, chúng ta thấy điều gì?

Mọi người biết đến Jack Ma vì Jack Ma sáng lập ra Công ty Alibaba và trở thành tỷ phú thứ 2 Trung Quốc. Jack Ma rất giàu, nhưng giàu nhờ ẩn mình kiếm tiền ở Trung Quốc, là nơi được nhà nước bảo hộ mạnh mẽ chống lại các doanh nghiệp nước ngoài. 

Còn người đàn ông trong ảnh là người sáng lập Amazon, ông đã vượt Bill Gates để trở thành người giàu nhất thế giới. Tuy là số 1 thế giới nhưng rất ít người Việt Nam viết được đúng tên ông, và rất ít người nhận ra mặt ông, trong khi hầu như ở Việt Nam giờ ai cũng biết Jack Ma. 

Trước hiện tượng Jack Ma nổi tiếng khác thường ở Việt Nam như vậy, có rất nhiếu ý kiến, nhận định, thậm chí nhiều người còn cho rằng có những người Việt Nam vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, nên muốn đưa Jack Ma vào Việt Nam để “tàn sát” các doanh nghiệp Việt, những người đó đã thổi tên tuổi Jack Ma ở Việt Nam lên một cách khéo léo, mà mới đây nhất là sự kiện Jack Ma đến truyền cảm hứng miễn phí gây xôn xao mạng xã hội suốt tháng 11. 

Vì vậy, việc chào đón Alibaba có thể kéo theo hệ lụy là đem hàng vạn công ty sản xuất Trung Quốc vào “tàn sát” nền sản xuất của Việt Nam bằng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Jack Ma

Sự tàn phá nền kinh tế đến từ chiến lược kinh doanh của Jack Ma. Jack Ma từng nói “Hàng giả từ các nhà máy của Trung Quốc còn tốt hơn hàng thật”. Người Trung Quốc lâu nay có quan điểm cho rằng phương Tây là bọn cướp suốt hàng trăm năm đã bóc lột và đè nén người Trung Quốc, giờ làm hàng giả “trộm” của Tây thì chẳng có gì xấu, thậm chí còn là anh hùng. 

Có thể do những quan điểm như thế từ xưa mà khi lập nghiệp, Jack Ma chọn tên công ty là Alibaba, vì Alibaba là tên câu chuyện trong Nghìn lẻ một đêm, về một chàng trai nghèo tự nhiên trở nên giàu có nhờ ăn trộm của bọn cướp. 

Trong suốt những năm qua, cùng với sự thành công và càn lướt của Alibaba thì họ cũng phải chịu lời cáo buộc từ các hãng phương Tây, tố cáo Alibaba là ổ bán hàng giả nhưng được bảo vệ chặt chẽ bởi chính quyền. Chính quyền Mỹ xếp Alibaba vào danh sách đen các nơi kinh doanh hàng giả, với lượng hàng giá ước tính tới 1.700 tỷ USD vào năm 2015.

Quan điểm “Hàng giả tốt hơn hàng thật” nếu phát biểu lại theo cách khác sẽ tương tự “Đi cướp nhanh ra tiền hơn đi làm”. Quan điểm này hoàn toàn có cơ sở nếu ta bỏ qua các ràng buộc về quyền con người, về đạo đức, về tương lai chung của nhân loại. 

Nếu ai cũng chờ người khác bỏ công nghiên cứu sáng chế, chế tạo ra hàng thật rồi nhái theo để đỡ công nghiên cứu, thì sự sáng tạo sẽ bị thui chột, nhân loại sẽ không còn ai muốn sáng tạo nữa vì không lợi bằng làm giả của người khác, kết quả cuối cùng là sẽ không còn hàng thật, nên cũng chẳng còn hàng hóa nào nữa. 

Nếu ai cũng chờ người khác làm ra để mình đi cướp thì sẽ không còn ai muốn làm việc nữa, chỉ chờ cơ hội cướp, giết lẫn nhau, khi đó loài người sẽ tuyệt chủng.

Jack Ma gần đây liên tục đi khắp thế giới kể về các câu chuyện và các quan điểm của mình. Điều này đặc biệt khác thường đối với các tỷ phú vì trừ các tỷ phú đã “về hưu” không còn kinh doanh nữa mà chỉ làm công tác xã hội như Bill Gates thì các tỷ phú tự thân đều bận rộn, lấy đâu thời gian mà đi diễn thuyết. 

Những điều Jack Ma nói trùng với những quan điểm về giấc mơ Trung Hoa, nên rất có thể Jack Ma chính là sứ giả ngầm, được cử đi tô vẽ hình ảnh Trung Quốc để tăng tầm ảnh hưởng văn hóa lên các nước.

Nếu những quan điểm Jack Ma nói là đáng học hỏi thì ta cần phổ biến rộng rãi, tuy nhiên, nguy hiểm là những điều Jack Ma nói đều hào nhoáng và lạc quan y như trong 1 lớp dạy làm giàu, ví dụ như kiểu “đừng bao giờ phàn nàn”, “những người nhỏ bé rồi sẽ trở thành khổng lồ”, “ngày nay kiếm tiền rất đơn giản”. 

Những lớp dạy làm giàu đều dạy những điều vô cùng tích cực, lạc quan, khiến người nghe cảm tưởng là “làm giàu không khó”, có ảo giác rằng mình sẽ trở thành triệu phú khi làm theo những lời vàng ý ngọc đó. Nhiều người nghe đã trở nên tôn sùng Jack Ma đơn giản vì Jack Ma đã đem đến cho họ niềm tin lạc quan mà chưa từng ai đem tới cho họ. 

Đỉnh cao của sự lệch lạc là có chàng thanh niên đã quỳ lạy Jack Ma trước hàng ngàn ánh mắt ở Trung tâm Hội nghị quốc gia. Việt Nam từng được nhiều nguyên thủ quốc gia hay tỷ phú còn giàu có hoặc cống hiến vĩ đại hơn Jack Ma đến thăm nhưng chưa từng ai được quỳ lạy như vậy. 

Những nội dung hào nhoáng, lạc quan sai lầm vô cùng nguy hiểm, vì nó chỉ làm người nghe bị ảo giác, làm lệch lạc nhận thức, khiến người nghe dễ mắc sai lầm trong cuộc sống, chứ thực ra làm gì có cách gì để dạy làm giàu. Nếu có cách dạy làm giàu thì cả thế giới làm gì còn người nghèo nữa, chỉ việc cho mỗi người học khóa dạy làm giàu là xong.

Cùng thời và cùng ngành với Jack Ma thì Jeff Bezos xây dựng Công ty Amazon ở Mỹ và phát triển ra các châu lục khác, giờ Jeff đã trở thành người giàu nhất thế giới. 

Các nguyên tắc của Jeff Bezos để xây dựng doanh nghiệp không hào nhoáng như Jack Ma nhưng nếu học được nó, mọi người sẽ học được những cách làm thực tế, hiệu quả. Tôi xin dịch các quan điểm chính thức của Jeff Bezos và Amazon để mọi người cùng tham khảo. Bản gốc đăng ở website https://www.amazon.jobs/principles

Tìm kiếm ứng viên và phát triển những nhân viên tốt nhất.

Người lãnh đạo phải biết nâng cao dần những thử thách cho nhân viên dưới quyền. Phải có khả năng nhận biết các tài năng đặc biệt và đề bạt họ lên những vị trí khác trong tổ chức của mình. Người lãnh đạo phải biết phát triển những người có tiềm năng lãnh đạo khác, có chí tiến thủ và biết hỗ trợ, kèm cặp nhân viên của mình.

Jeff Bezos.

Luôn đòi hỏi cao nhất.

Người lãnh đạo phải luôn có đòi hỏi cao, cho dù mới nhìn có thể thấy đó là những đòi hỏi cao không tưởng. Người lãnh đạo phải luôn nâng đòi hỏi lên cao hơn và thúc đẩy nhóm của mình cung cấp sản phẩm, dịch vụ và quy trình với chất lượng ngày càng cao hơn. 

Người lãnh đạo không bao giờ đẩy việc xử lý lỗi xuống cấp dưới và các vấn đề nảy sinh trong quá trình làm việc phải được sửa chữa một cách tin cậy.

Nghĩ lớn.

Tư duy nhỏ luôn là những dự cảm tự nó được thực hiện. Người lãnh đạo phải biết tạo hướng đi táo bạo và truyền đạt cảm hứng hướng tới kết quả. Người lãnh đạo có cách tư duy khác biệt và thấu đáo, tìm mọi cách để phục vụ khách hàng.

Ưu tiên hành động.

Tốc độ luôn đóng vai trò quan trọng trong kinh doanh. Nhiều quyết định và hành động có thể chỉ bằng cách trực giác và đều có thể làm lại. Chúng ta đánh giá cao việc dám chịu những rủi ro đã được tính toán trước.

Tiết kiệm.

Hãy tạo ra nhiều kết quả với chi phí ít hơn. Những khó khăn sẽ làm nảy sinh sự tháo vát, khả năng tự giải quyết vấn đề và những sáng kiến. Không nên tìm những lý do gì để tăng số lượng nhân sự, ngân sách và chi phí thường xuyên.

Lòng tin.

Người lãnh đạo phải biết nghe chăm chú, nói thẳng và luôn tôn trọng người khác. Họ luôn biết tự phê bình, dù việc tự phê bình và nhận lỗi đôi khi thật ngại ngùng. Người lãnh đạo đánh giá nhân viên của mình không qua vẻ bề ngoài, họ luôn luôn tự đánh giá bản thân và đội của mình với những đòi hỏi khắt khe nhất.

Nắm sâu vấn đề.

Người lãnh đạo hoạt động ở tất cả các cấp, nắm chắc các chi tiết, kiểm toán thường xuyên, và hoài nghi khi các số liệu và giai thoại không khớp. Không có gì phải ẩn giấu dưới những thông tin ấy.

Có lập trường, biết phản biện và cam kết.

Người lãnh đạo có trách nhiệm luôn đòi hỏi tôn trọng những quyết định khi có sự bất đồng, cho dù làm như vậy không hoàn toàn thoải mái. Người lãnh đạo có niềm tin và tính kiên trì. Họ không thỏa hiệp với định kiến của số đông. Một khi quyết định đã xác định, người lãnh đạo phải hoàn toàn cam kết.

Làm việc có hiệu quả.

Người lãnh đạo phải biết tập trung các đầu mối then chốt cho việc kinh doanh của mình và cung cấp sản phẩm chất lượng, kịp thời. Khi có khó khăn, họ dám đương đầu và không bao giờ buông xuôi.

Nguyễn Đình Nam
.
.