7 sai lầm của cựu Tổng thống Viktor Yanukovych

Chủ Nhật, 06/07/2014, 09:00

Để có thể trụ lại trên cương vị nguyên thủ quốc gia, tân Tổng thống Ukraine, Petro Poroshenko nên biết cách rút ra kết luận cần thiết từ những sai lầm đã khiến người tiền nhiệm Viktor Yanukovych phải “bỏ của chạy lấy người”.

Theo website pravda.ru. nếu cần phải soạn một giáo án dành cho người mới chân ướt chân ráo làm tổng thống, thì có thể tìm thấy rất nhiều dẫn chứng trong cách hành xử của cựu Tổng thống Ukraine, Yanukovych, để minh họa cho những việc mà một nguyên thủ quốc gia không nên làm để tránh cho đất nước mình rơi vào thảm cảnh đầu rơi máu chảy và nội chiến.

Nguyên tắc thứ nhất cần được đặt ngay trước lời nói đầu giáo trình này là: Đừng ham hố giành lấy quyền lực nếu chưa làm chủ được nghệ thuật biến cái không thể thành có thể, tức là nghệ thuật chính trị. Ai cũng biết rằng để ngồi vào được Nhà Trắng, đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng phải qua nhiều khóa đào tạo kỹ năng điều hành quốc gia. Phương án duy nhất có thể dẫn tới thành công trên chính trường ở nước Mỹ - đó là phải vượt qua được vô số những phin lọc trong nội bộ thiết chế của hai chính đảng Dân chủ hoặc Cộng hòa. Ở châu Âu cũng phải tuân theo quy tắc này. Tại Trung Quốc, các “thế tử” được quy học và phát triển từ cả chục năm trước, bắt đầu từ cơ sở đảng thấp nhất. Trong không gian “hậu Xôviết” hiện nay, những vị tổng thống thành công và trụ vững nhất, thí dụ như Tổng thống Kazakhstan, Nursultan Nazarbayev hay Tổng thống Belarus, Aleksandr Lukashenko, đều xuất thân từ “đội cận vệ già” của Đảng Cộng sản Liên Xô, những người biết cách tìm ra ý tưởng đoàn kết dân tộc và đồng thuận quốc gia.

Những gương mặt mới bước vào chính trường mà đạt được thành công thì phải là những người có được sự nhạy bén chính trị cao độ,  thí dụ như đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong giai đoạn đầu, khi mới bước vào Điện Kremli, ông Putin đã cố gắng để có thể là một người bạn của Hoa Kỳ, nhưng rồi ông đã mau chóng nhận ra rằng, điều đó sẽ không có lợi cho nhân dân Nga. Một thí dụ tương tự khác là ông Lech Walesa, đã từ một người thợ nguội bình thường ngoài bến cảng trở thành lãnh đạo của công đoàn Đoàn kết rồi sau đó, đã thực thi các chức phận của một Tổng thống khá thành công. Trên chính trường Ukraine, chính trị gia có thể nêu ra làm ví dụ theo cách này là cựu nữ Thủ tướng Yulia Tymoshenko, khi đương nhiệm đã luôn biết cách tìm ra tiếng nói chung với Tổng thống Nga Putin, khả năng mà thật đáng tiếc, đã không có ở ông Yanukovych...

Cựu Tổng thống Viktor Yanukovych trong tình huống tốt nhất thì cũng chỉ xứng đáng được gọi là một nhà quản lý. Và đó là nguyên nhân dẫn đến mọi vấn đề rắc rối cho ông và cho Ukraine... Viktor Yanukovych đã không có đủ ý chí chính trị để đưa ra  các quyết định, hoặc các quyết định đó đã không nhất quán. Một trong những ví dụ về sự vắng, hay đúng hơn, sự thiếu ý chí chính trị, chính là thất bại của ông trên quảng trường Maidan và việc ông phải chạy tháo thân ngày 22/2 vừa qua. Một nhà quản lý lành nghề ít nhất cũng phải tập hợp được quanh mình một đội hình tốt. Thế nhưng, ngay cả việc này ông Yanukovych cũng đã không làm nổi. Ông tin cậy giao việc quốc gia đại sự cho một nhóm thuộc hạ trẻ mang nặng tư tưởng dân tộc chủ nghĩa do chính con trai ông đứng đầu.

Theo nhận xét của nhà chính trị học Vladimir Dzharalla ở Crimea, “đó là những phần tử trẻ mang nặng tư tưởng dân tộc chủ nghĩa một cách tuyệt đối. Cái thứ chủ nghĩa dân tộc tuyệt đối này có một nét lạ lùng là:  Họ ghét nước Nga, tiếng Nga và cuộc sống đã từng có trước đây nhiều hơn là yêu chính dân tộc mình. Và hệ lụy của chính sách đó là những gì mà chúng ta đang phải chứng kiến hôm nay. Đó chính là thái độ không chịu nghe ý kiến của chính đồng bào mình, đó là hệ tư tưởng chỉ nhìn thấy toàn kẻ thù. Và vẫn không rõ được là cần phải đổ thêm bao nhiêu máu nữa thì họ mới hồi tâm lại mà trở nên tỉnh táo...”.

Hiện tượng nguyên thủ quốc gia không biết tập hợp một đội ngũ chuyên gia quanh mình như thế còn có thể nhìn thấy trên chính trường Pháp hôm nay. Tuy nhiên, cái khác là ở chỗ, thái độ của Washington đối với Pháp: người Mỹ không có nhu cầu phải lật đổ nội các của Tổng thống Francois Hollande. Cũng chính từ sự việc này, cần phải đưa ra quy tắc thứ hai cho giáo trình. Ta cần phải thận trọng gấp hai hay ba lần, nếu ta không là đồng minh hoặc chư hầu của Hoa Kỳ! Ông Yanukovych không phải như thế vì ông đã nhận được phiếu bầu của cả các cử tri nói tiếng Nga ở miền Đông Ukraine và ông đã không ký thỏa thuận hợp tác với Liên minh châu Âu (EU). Trong những điều kiện chủ quan và khách quan như thế, ông Yanukovych đã phạm phải những sai lầm chí tử khiến ông sụp đổ.

Sai lầm thứ nhất: ông Yanukovych đã làm tan rã quốc gia bởi nạn tham nhũng và bản thân ông cũng tư túi khá nhiều. Theo nhận định của Konstantin Zatulin, Giám đốc Viện các nước SNG: “Sai lầm chính mà Tổng thống  Petro Poroshenko có thể gây nên,  đó là đi theo con đường tìm mọi cách để “phì gia”, điều nói cho cùng đã nhấn ông Viktor Yanukovych chìm xuống đáy và tạo ra sự thông cảm từ đa số người dân Ukraine đối với những gì xảy ra trên quảng trường Maidan...”.

Sai lầm thứ hai mà ông Yanukovych đã mắc phải: Đem bỏ tù đối thủ chính trị chính yếu của mình, cựu nữ Thủ tướng Yulia Tymoshenko theo luật hình sự một cách rất khiên cưỡng. Tổng thống Petro Poroshenko sẽ cư xử thế nào đối với các đối thủ chính trị của mình? Trong bất luận trường hợp nào, Yulia Tymoshenko đã từng đe là sẽ thực hiện một  cuộc Maidan nữa ở Ukraine. Tuy nhiên, kẻ thù chính của nhà tài phiệt làm chính trị hiện giờ không phải là Yulia Tymoshenko mà là thực thể Novorossia (Nước Nga mới, tức là liên minh những khu vực miền Đông Ukraine muốn trở thành độc lập, tách biệt khỏi Kiev). Ở đây đã xảy ra những vụ bắt cóc và chiếm đoạt, những vu cáo dựa trên tài liệu ngụy tạo, những vụ đàn áp chống đối bằng vũ lực, với cả sự giúp đỡ của  những phần tử dân tộc cực đoan từ nơi khác tới, của đám lính đánh thuê và quân đội. Và đó là một sai lầm khiến vị tổng thống mới sẽ phải trả một giá đắt trong tương lai...

Sai lầm thứ ba: Tàn phá nền kinh tế. Trong lúc nhà quản lý Viktor Yanukovych lo việc phân phối lại vốn và vùng ảnh hưởng, ông ấy đã hoàn toàn quên mất rằng ông ấy lẽ ra phải lo việc làm ăn cho đất nước. Ở nhiều khu vực, chẳng hạn như Crimea, hàng mấy năm liền không được đầu tư bất cứ thứ gì. Nền kinh tế Ukraine hôm nay, đó là sự phá sản toàn phần. Cần phải thanh toán nợ, không chỉ với nước Nga mà bây giờ là với cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Ông Poroshenko sẽ là nhà điều hành kinh tế như thế nào? Điều này sẽ trở nên rõ ràng trong một vài tháng tới.

Sai lầm thứ tư: Ông Yanukovych đã không xây dựng được ý tưởng quốc gia. Nhà chính trị học Vladimir Shapovalov, Giám đốc Viện Chính trị, Luật và Phát triển xã hội thuộc Trường Đại học Tổng hợp Nhân văn quốc gia Moskva (MGGU) mang tên Sholokhov nhận định: “Về bản chất,  lỗi chủ yếu của toàn bộ giới tinh hoa chính trị, toàn bộ giai tầng chính trị ở Ukraine và đã được Victor Yanukovych tiếp tục phạm phải, đó là việc đất nước vẫn còn chia rẽ như trước trong nhiều thập niên cả về lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, chính trị. Chính điều đó đã không đoàn kết  được toàn bộ nhân dân Ukraine trong khuôn khổ một ý tưởng thống nhất, một ý tưởng sáng tạo tích cực...

Nhìn từ góc độ này, có thể nói gì về Peter Poroshenko? Tổng thống đã từng nhấn mạnh trước bầu cử rằng, hội nhập châu Âu có thể trở thành một ý tưởng quốc gia và đoàn kết Ukraine. Đây là một tuyên bố không thỏa đáng vì ý tưởng đó đã không nhận được sự đồng tình của cả một nửa đất nước. Ông Poroshenko cũng cho biết ông không công nhận các trưng cầu dân ý tại nước cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk  và sẽ tiếp tục cái gọi là “chiến dịch chống khủng bố” ở niềm Đông Nam Ukraine. Điều này có nghĩa là sẽ không bao giờ ông thu nhận được một nước Ukraine trong hình thái đúng như ông mong muốn...

Sai lầm thứ năm: Yanukovych đã không tách mình  ra khỏi các nhà tài phiệt. Ngược lại, còn tạo điều kiện để những người này tác động tới chính trường. Và cũng không dân tộc hóa đội ngũ tinh hoa như Tổng thống Vladimir Putin đã làm. Chính vì thế, vào đúng thời điểm nguy cấp, thì giới tinh hoa đó đã bỏ rơi ông ta. Bản thân ông Poroshenko cũng là một nhà tài phiệt, điều đối với lợi ích quốc gia cũng bi thảm như sự hiện diện của một nhà quản lý không có chuyên môn. Bởi theo ý tưởng căn nguyên muôn thuở, các doanh nhân không nên có quyền quản lý xã hội vì sẽ đánh mất sợi chỉ liên kết chung, bởi lẽ thương mại bao giờ cũng chỉ đổ mồ hôi sôi nước mắt làm đầy túi tiền riêng của mình.

Theo đánh giá của nhà chính trị học Vladimir Shapovalov, “Poroshenko là một đại diện điển hình của tầng lớp chính trị ở Ukraine, của đội ngũ các ông trùm tài phiệt. Tất cả họ đều ít nhiều có công việc làm ăn dính dáng đến nước Nga. Nhưng họ lại gắn bó số phận của mình, những khoản tiết kiệm của mình, quan hệ, đầu mối, gia đình với phương Tây. Tức là, họ kiếm ăn ở nước Nga, nhưng mắt lại vẫn hướng tới phương Tây. Họ gửi tiền vào các ngân hàng phương Tây, họ chuẩn bị ở đó những sân bay dự trữ, họ cho con cái vào học ở các trường phương Tây. Tóm lại, có thể thấy rõ định hướng vọng phương Tây khá rõ của giới thương gia, của tầng lớp tài phiệt Ukraine...”. Và cũng chính vì thế họ chống lại việc liên kết với Moskva trong khuôn khổ Liên minh thuế quan...

Sai lầm thứ sáu: Yanukovych đã cho phép các cơ quan tình báo phương Tây làm việc thông qua các tổ chức phi chính phủ, rảnh tay hành sự, tham gia vào các dự án hội nhập, mà bản thân ông không hiểu gì mấy (do ông ấy đã để đội hình của mình qua mặt). Còn Petro Poroshenko là người được phương Tây bảo trợ, và trong Cơ quan An ninh quốc gia Ukraine (SBU) của ông ấy từ lâu đã có mặt các chuyên gia CIA. Lãnh đạo SBU cũng do CIA tuyển mộ.

Sai lầm thứ bảy: Yanukovych đã thua trắng bụng trong cuộc chiến  truyền thông. Trong bốn năm ông ấy làm tổng thống, thậm chí một nhóm nhỏ các kênh truyền hình, các công thông tin điện tử và các nhà báo, vốn có xu hướng ủng hộ chính phủ, cũng ngừng làm việc để hỗ trợ cho chính quyền. Hơn nữa, họ còn quay đầu lại gièm pha các nhân vật đại diện cho chính quyền. Cuộc chiến truyền thông đó, được thúc đẩy bởi phương Tây, nhằm vào mục đích gieo rắc hận thù đối với nước Nga và những gì thân thuộc với tâm hồn Nga rồi dần dà mở rộng tới toàn bộ những người Ukraine nói tiếng Nga...

Nguyễn Trung Tín
.
.