7 chữ T của nhạc sĩ Trần Hoàn
Sau khi nhạc sĩ rời khỏi vị trí Bộ trưởng Bộ Văn hóa và về làm Phó trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương những năm đầu thế kỷ XXI, ông cũng đã dành cho tôi một cuộc trò chuyện rất cởi mở trước khi ông mất hơn một năm. Một phần nội dung cuộc trò chuyện đó đã được công bố ngay sau khi nó diễn ra. Thế nhưng, rất nhiều tâm sự của ông vẫn còn nằm nguyên trong những ghi chép của tôi. Và hôm nay tôi muốn giới thiệu cùng bạn đọc thêm một số suy tư của nhạc sĩ Trần Hoàn để chúng ta có thể hiểu hơn về ông. Hóa ra có những vấn đề mà từ thời nhạc sĩ Trần Hoàn đã nhìn thấy nhưng cho tới hôm nay vẫn chưa giải quyết được triệt để...
- PV: Ngày xưa, như trong bài “Mưa rơi” mà ông đã phổ nhạc thơ của Tố Hữu, người ta yêu nhau, nhưng “muốn hôn quá lại thôi”. Lớp trẻ bây giờ, lắm khi chưa muốn hôn đã hôn rồi...
- Nhạc sĩ Trần Hoàn: Ngày xưa mới nhìn nhau thôi là đã đủ sâu sắc, úi giời, chạm cái tay vào một lát là rung động thật sự, như điện ấy!
- Tôi biết là bây giờ ông vẫn muốn sáng tác những ca khúc mới cho lớp trẻ. Thế nhưng, trong sự thay đổi “khí hậu tình cảm” như vậy thì ông có dám tin rằng những bài hát của ông sẽ có một sức sống nào đấy với công chúng tương lai hay không?
- Khó!
- Bản thân ông cũng cảm thấy khó?
- Không, thực ra thì cũng có thể làm được, nhưng mà phải tự xem sức lực của mình. Việc thứ nhất là anh phải bắt gặp cái vốn sống mình yêu thích, nhưng trong sự yêu thích của nó cũng có cái chính xác, có cái không chính xác. Từ cái chỗ đó mà anh dắt nó lên, anh phê những việc đó là đúng, nhưng mà phê để làm gì? Bây giờ anh phải đưa cái gì để cho người ta phê? Bây giờ anh phê là đúng rồi, nhưng công việc của chúng ta không phải là phê. Văn học nghệ thuật đúng ra mà nói, như người xưa đã bảo, chức năng lớn nhất của văn học nghệ thuật là dùng những tác phẩm tốt để cổ vũ, giáo dục con người. Anh muốn làm gì, anh muốn đấu tranh gì, nhưng anh phải có tác phẩm tốt để cổ vũ giáo dục con người.
- Và nếu như hiện tại, một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ đang ưa thích những loại nhạc phẩm, ca khúc nói một cách nhẹ nhàng, không mấy chất lượng, thì chắc chắn là có một phần lỗi ở những lớp nhạc sĩ đứng tuổi?
- Nhiều, nhiều! Nói cho cùng, để cho các em thích như thế là lỗi của chúng ta. Không chỉ là âm nhạc đâu, trong tất cả những thứ trên đời này, cả tình yêu, cả cuộc sống... Nếu có ai đó trong lớp trẻ coi giá trị của đồng tiền là cao hơn tất cả, thì nói chung, đó là có lỗi của chúng ta. Đánh giá cho đúng thì, hiện nay xã hội cũng đang phân tâm, có cái tích cực, có cái không tích cực... Nhu cầu của thời hoà bình nó khác trong chiến tranh. Chiến tranh là phải gò bó lại, tập trung vào mũi nhọn. Nhưng bây giờ, anh có thể đi như thế này nhưng anh khác không cần đi, nó sống vẫn thế... Chứ không như ngày xưa, không đi chiến đấu là chết. Anh phải sống một cách trung thực, nhưng bây giờ, có loại nó có trung thực gì đâu mà nó vẫn được ăn nên làm ra và giàu có. Việc phản ánh sự thực của sự tha hoá trong cơ chế thị trường này chưa có định hướng đầy đủ. Sự phân tâm của nhiều thành phần xã hội khác nhau có trong thanh niên và có cả trong đội ngũ văn nghệ sĩ. Trong xã hội này, anh định viết cái gì? Nhân vật trung tâm là ai? Anh thấy rất nhiều cái biến hoá, sự phân tầng giai cấp cũng rất nhiều. Những mâu thuẫn nội bộ nảy sinh với nhau, ta chưa lường hết được. Mọi sự không phải như ngày xưa....
- Ông có cảm thấy đôi khi chúng ta hơi bị ngây thơ không, tức là chúng ta khi tiến hành một cơ chế chính sách nào đấy, chúng ta chỉ nghĩ là nó chỉ có tích cực thôi, mà cuộc đời lại không bao giờ như thế cả?
- Thật ra chúng ta có thể tiên đoán, nhưng thực tiễn nó phong phú hơn. Sự biến tướng của thằng tiêu cực, anh không lường thấy được. Nói chung nó cũng là cái tất yếu thôi. Bây giờ mình dần dần biết như thế, thì chính bây giờ mình phải tìm cái phương thức như thế nào để ta nắn cái đó lại. Đối với âm nhạc, ta phải nắn lại bằng các tác phẩm âm nhạc và với các tác phẩm văn nghệ nói chung thì một là, phải đúng; hai là, đúng chưa đủ mà còn phải đạt nữa, vì văn học nghệ thuật cần phải đẹp... Và phải có cách riêng đối với từng đối tượng, từng tình huống. Thanh niên họ có nhu cầu khác người già, bắt họ nghe như người già thì họ đâu có chịu.
- Tiêu chí thì rõ ràng rồi, nhưng tại sao lại không thực hiện được?
- Là bởi nghệ sĩ. Một là, bị phân tầng ra nhiều loại, những loại già như chúng tôi thì vốn sống thực tiễn vẫn cập nhật, nhưng phải thừa nhận rằng vốn sống thực tiễn nhiều anh không theo kịp, không được như trước. Trước, anh sống với người ta đồng sàng đồng mộng, hàng ngày hàng giờ. Bây giờ thì có đơn giản đâu? Nghệ sĩ bây giờ nếu chỉ loanh quanh với những sinh hoạt hàng ngày thì làm sao biết đủ được thực tiễn đời sống xã hội muôn màu muôn vẻ. Cho nên tôi đã nói có 7 chữ “T” mà mình thiếu. Chữ “T” thứ nhất là cái Tầm, tầm nhìn chính trị của mình, phải nhìn thấy cơ chế thị trường có hai mặt. Cứ như Đường Tam Tạng thì có biết cái gì đâu...
- Cái bi kịch của chúng ta là thiếu Tôn Ngộ Không và nhiều Đường Tam Tạng...
- Đường Tam Tạng nhiều quá, đúng không. Cái đó thì cả trong văn nghệ sĩ nữa.
- Trong xã hội thì Đường Tam Tạng rất cần thiết, nhưng có một Đường Tam Tạng thôi trong “Tây du ký” mà Tôn Ngộ Không đã khổ rồi!
- Lăn vào cuộc chiến đấu thực sự cho cái tốt cái đẹp chính là Tôn Ngộ Không. Lăn vào thì mới thấy được cuộc sống, có khi thực tiễn ngổn ngang như thế mà anh sống thì nó lại khiến cho anh có cái tầm tương đối, khiến cho anh phải vận động. Văn nghệ sĩ mình đang lúng túng ở cái ấy. Chuyện này rất rõ ràng vì mô hình mới quá, mới hôm qua vừa mới nói tư bản nó thế này, hôm nay đã thấy nó khác. Thế nhìn như thế nào cho nó đúng? Quay lại ngày xưa ngăn chặn hết cả, không được! Nhưng mà thoải mái, không quản lý gì cả để nó diễn lung tung thì lại nguy hiểm. Cho nên dần dần mới rút ra kinh nghiệm về quản lý. Thằng địch nó cũng rút kinh nghiệm, mình thông qua nó cũng rút kinh nghiệm... Chữ “T” thứ hai là Thực tiễn. Vốn sống thực tiễn của nghệ sĩ. Thực tiễn ngồn ngộn như cây đời xanh tươi, như tất cả các thứ. Nhưng trong thực tiễn bây giờ nó không giản đơn, nó ngổn ngang cả tích cực lẫn tiêu cực.
- Nhưng xem ra các nghệ sĩ bây giờ “bụi đời” hơn trước rất nhiều, ngày xưa là viên chức...
- Cũng “bụi đời”, nhưng mà bụi đời có nơi. Ngày xưa tại sao tôi viết được? Vì không ai cần kêu gọi, mình đã sống rồi, Đảng chưa cần kêu gọi mình đã đi rồi. Tôi gần bộ đội nhất, mình mắc võng cùng họ ở núi rừng Trường Sơn. Ngày xưa chuyện đó không thành vấn đề gì hết, nhưng mà bây giờ nó thành vấn đề. Nếu như sống bụi nhưng sống bụi trong khu phố của anh, trong nhóm của anh thì chỉ một số anh em mới quậy, còn thực tế nhân dân đang lao động, đang tác chiến thì anh khó mà theo được vì anh không tha thiết, vì cuộc sống bên cạnh đang níu anh, anh nghĩ rằng như thế là thích hợp, cho nên mới đi đến cái chỗ là anh có viết cái gì khác đâu. Anh chỉ viết về cuộc sống xung quanh anh, tình yêu này khác, đó là cái xúc động lớn nhất của anh. Đã viết là phải xúc cảm, mà đối với thực tế cuộc sống không hiểu cái đau cái khổ thì xúc cảm không thật. Nhưng mà anh ở nhà, anh thất tình thì anh cũng xúc cảm, xúc cảm thật sự. Có người xúc cảm ghê gớm là một phút không gặp nhau cũng xúc cảm, nên mới “cho em một giờ, cho em một phút”... Nhưng tiếc thay, cái sự gắn thực tiễn là gắn với thực tiễn của riêng lòng mình thôi. Chúng ta muốn có cái tầm nhìn sâu rộng hơn, may ra...
- Có vấn đề như thế này, ở bất kỳ xã hội nào, người nghệ sĩ vẫn là cái nhiệt kế của xã hội, bởi đó là bộ phận nhạy cảm nhất của xã hội. Một khi nghệ sĩ như thế chứng tỏ xã hội của chúng ta có vấn đề, nó thiếu một cái tầm bao quát sâu rộng và tập trung vào những vấn đề riêng tư quá nhiều, và thiếu một sức huy động cả dân tộc như những bài hát ngày xưa mà thế hệ của các ông đã làm được...
- Thật đúng là thế, bây giờ là thế. Cho nên tôi muốn nói 7 chữ “T”... Chữ “T” thứ ba là Tài. Phải nói dứt khoát như thế này: tài là phải có trình độ, nhưng mà đừng nghĩ có trình độ là có tài. Trình độ là có học, học là giúp anh thêm thôi chứ thực ra quan trọng là bản thân anh có cái gì. Nhưng mà tài cũng phải có sự rèn luyện. Văn nghệ sĩ phải cọ xát với nhau, chạm với nhau bằng phê bình, bằng lý luận thì mới tự nâng được mình lên...
- Tức là để cho các loại tài nó tự phát triển hết số của nó trong cái sự va đập ấy?
- Tôi có học gì đâu. Bản thân tôi nói cho đúng tôi cũng chả học nhiều lắm về nhạc. Nhưng tôi mê... chữ “T” tiếp theo, với văn nghệ sĩ, tôi đặt cái Tình lên trên. Có tầm, có thực tiễn, có tài và có tình. Anh có nhiệt tình với việc đó đã, còn anh lơ mơ, anh tưởng đây là phương tiện để anh kiếm cái này khác thì anh vô duyên rồi.
- Và phải có học vấn nữa...
- Học vấn tất nhiên là cần. Nhưng có rất nhiều ông học đến đại học, sau đại học, rồi làm tiến sĩ nữa mà cũng không viết được cái gì nên hồn đâu. Có những người chưa chắc học rất nhiều nhưng đã viết được, có những người học hành được mấy đâu mà sao viết hay thế! Có cách gì để bộc lộ, phát triển việc này lên? Theo tôi, phương thức tốt nhất của văn học nghệ thuật hiện nay là chúng ta truyền đạt kinh nghiệm cho nhau, người đi trước tâm sự trao đổi, chứ không ai ép ai cái gì, không ai khuyên bảo ai cái gì cả... Cho nên tôi từng nói, lập ra trường đào tạo viết văn là tầm bậy! Không thể đào tạo anh thành người viết văn được, bồi dưỡng cho anh kiến thức thì được, còn việc văn hay hay không là đời, là vốn sống của anh, cái bản lĩnh.
- Thế còn chữ “T” thứ năm là gì?
- Anh có tài, anh viết rồi, thế cái kích thích anh là cái gì? Đấy là Thi. Nền văn nghệ mà không có thi cử thì không chọn lọc được. Anh nào viết thì viết nhưng mà phải có cái gì đấy kích thích người ta, nhất là đối với phong trào.
- Nhưng mà mỗi cuộc thi đều có những hạn chế của nó?
- Tôi cũng phải nói luôn, ngay cả người chấm thi cũng là tương đối. Tôi không thi thì đấy là quyền của tôi, và cũng đừng mạt sát người chưa thi, họ chỉ theo cách của họ thôi, mạt sát họ làm gì. Nhưng mà qua mỗi giải để khẳng định giá trị của một tác phẩm là không đúng đâu, đấy còn là vấn đề thời gian... Một “T” nữa, quan trọng nhất, đó là Thẩm định. Phải để công chúng thẩm định, thời gian thẩm định, đừng có vội vã giơ lên 10 điểm. Có đứa nó hào hoa nó đẹp quá, ông cho nó điểm ngay khi nó chưa kịp hát... Cuối cùng là Truyền bá. Vấn đề lớn của chúng ta bây giờ là có những tác phẩm rất hay nhưng cơ quan truyền bá lại không mua. Cái đối tượng mua bây giờ là ở trong thành phố, trong đô thị. Bây giờ tác phẩm lê nhê lang nhang vẫn là cát-sê 6-7 triệu đồng một bài hát như thường. Những bài hát như của Huy Du thì không biết cách đưa, không biết đường đưa ra thì nó thành phản tác dụng, đấy là cái nguy hiểm...