Sự im lặng của sen

Thứ Sáu, 26/01/2018, 09:04
Chị có cái tên rất đẹp - Triệu Thị Hồng Liên. Xuất thân của chị cũng vô cùng đặc biệt. Mẹ chị bám lại quê hương hoạt động cách mạng.

Bất đồng chính kiến với chồng, bà chia tay ông, gần như một nách nuôi đàn con thơ dại. Cha chị lên Sài Gòn, được tuyển dụng làm cảnh sát ở quận 5, dần leo đến chức trung tá. Ông lấy vợ khác. Những năm chiến tranh ác liệt, bà Thiện đành cắn răng chấp nhận cho ông đưa Hồng Liên về Sài Gòn. Cô nữ sinh trường Gia Long danh giá được cha rất cưng chiều nhưng thiếu vắng tình cảm ấm áp của mẹ.

Có thêm đàn con với người vợ sau, cha cô luôn bận rộn. Sống trong nhung lụa nhưng cô luôn thấy mình lạc lõng, cô đơn. Không ai nghĩ một cô gái còn rất trẻ, được bao bọc trong ngôi biệt thự có giàn ti-gôn trước cổng, lại làm một chuyện động trời như thế.

Triệu Thị Hồng Liên - nữ chiến sĩ Ban An ninh T4 (khu Sài Gòn - Gia Định), ngày 21-12-1968, ra trận trong bộ áo dài màu thiên thanh, lái chiếc Honda 2 bánh nhồi đầy thuốc nổ, từ huyện Châu Thành, Bến Tre lên tổng nha cảnh sát Sài gòn “tìm người thân”, để lại chiếc xe ngoài bãi, phát nổ. Trận đánh như một đòn vỗ mặt vào tổng nha cảnh sát - cơ quan gần như bất khả xâm phạm sau những ngày Mậu Thân ác liệt.  

Trận đánh động trời

Tổng nha cảnh sát - cơ quan quyền lực mà chính quyền Sài Gòn tự hào là một vị trí bất khả xâm phạm. Ngay đợi 1 Mậu Thân 1968, nhiều vị trí trọng yếu như Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, bộ tư lệnh hải quân, bộ tổng tham mưu, đài phát thanh bị tấn công, tổng nha cảnh sát vẫn an toàn.

Vào đợt 2 Mậu Thân, Hồng Liên nhận nhiệm vụ cùng Hoàng Sinh trinh sát mục tiêu này. Chị vô cùng xúc động, hồi hộp khi được lãnh đạo đặt trọn niềm tin, giao nhiệm vụ đặc biệt.

Triệu Thị Hồng Liên (bên trái) cùng người bạn gái thời thiếu nữ. Bức ảnh này được Đại tá Hoàng Sinh lưu giữ hơn 40 năm…

Để chuẩn bị cho trận đánh, ở căn cứ, Hồng Liên tập dượt nhiều ngày, thử  lái chiếc Honda có 2 bánh nhồi đầy thuốc nổ. Lốp xe bể, thuốc nổ rơi ra đường. Từ đó, đơn vị B5 điều chỉnh lượng thuốc nổ để xe chạy được khoảng 100km mà 2 bánh vẫn an toàn.

Sáng hôm ấy, Nguyễn Tài, Tám Nam - những vị lãnh đạo B5 làm buổi tiệc tiễn Hồng Liên vào trận. Chị trang điểm kĩ hơn những lần vào ra thành phố trước, lòng thầm nghĩ: “Mình sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ. Còn nếu thất bại, hy sinh là không tránh khỏi. Có chết, mình cũng phải trong tư thế đẹp”.

Từ huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, Hồng Liên trong bộ áo dài tha thướt, lái chiếc Honda “đi Sài Gòn thăm bà con”. Nhưng đó không là chiếc Honda bình thường mà 2 bánh của nó chứa đầy thuốc nổ. Người lái xe phải rất dũng cảm mới dám đặt sinh mệnh mình trên chiếc xe như thế, bởi khi bánh xe lăn trên đường, ma sát có thể làm thuốc nổ nhồi trong bánh xe nổ tung bất cứ lúc nào. Để tránh nguy hiểm, Hồng Liên phải chạy xe “chậm như rùa”...

Qua kính chiếu hậu, Liên nhìn thấy chiếc xe Jeep, trên ấy có lính biệt động quân bám theo. Cố tỏ ra bình tĩnh, Liên tìm cách cắt đuôi chiếc xe. Liên không hề biết rằng chính Hoàng Sinh đang bám theo “hộ tống”.

Anh đã sắp sẵn kế hoạch, nếu chiếc xe chở “tử thần” của Hồng Liên bị phát hiện, anh sẽ áp xe, tống Hồng Liên lẫn chiếc Honda lên xe Jeep. Sau đó, anh sẽ tìm cách giúp cô thoát hiểm. Rất may, suốt lộ trình dài dằng dặc, cô không bị chặn lại để khám xét...

Cuối cùng, Hồng liên cũng đưa được chiếc xe “tử thần” về đến biệt thự hoa ti-gôn. Sáng hôm sau, Hồng Liên chọn bộ áo dài màu thiên thanh, quần lụa trắng - như cách ăn mặc của những “Thiên nga” hay ra vào tổng nha.

Từ biệt thự hoa ti-gôn ở Phú Lâm, Hồng Liên lái xe về phía tổng nha. Để xe vào bãi, với vẻ hồn nhiên, Liên đến gặp gác cổng, xin cho gặp người bác ruột. Thấy người đẹp đến gặp ngài “đại tá cảnh sát”, người gác bãi xe nhiệt tình hướng dẫn cô cách đi vào tòa nhà tổng nha bên kia đường.

Vờ chỉnh đốn lại trang phục, Hồng Liên bí mật bấm kíp nổ chậm giấu dưới yên xe, rồi bình thản đi vào gặp người nhà. Sau đó cô rời khỏi cửa chính của tổng nha, đi về phía cửa phụ, bỏ lại chiếc Honda đã gài kíp nổ ngoài bãi giữ xe. Hồng Liên vào một quán cà phê trên đường Võ Tánh đã hẹn với Hoàng Sinh.

Trong vai đôi tình nhân, họ hồi hộp chờ đợi... Một tiếng nổ dữ dội vang lên, tổng nha khói bốc lên mờ mịt. Trong tiếng còi hú vang của cảnh sát, những chiếc xe chữa cháy, tiếng động cơ trực thăng, “đôi tình nhân” nắm chặt tay nhau, cố kìm nén tiếng hô lớn “thắng lợi rồi” chực trào khỏi lồng ngực thanh xuân của họ.

Rồi không thể kìm đuợc nữa, Hồng Liên gục đầu vào ngực Hoàng Sinh, bật khóc vì xúc động. Kết quả trận đánh thật bất ngờ, gần 70 tên địch chết, hơn 100 chiếc xe máy bị phá hủy. Báo chí công khai ở nội thành hồi đó đã đưa tin về vụ nổ mìn ở bãi để xe trước cổng tổng nha cảnh sát đúng vào giờ tan tầm, làm chết và bị thương khá nhiều cảnh sát.

Tối hôm ấy, Hồng Liên trong bộ quần áo dài trắng, ôm cặp bước vào nhà. Trong phòng khách, cha chị đang quát vào điện thoại: “Việt Cộng đánh vào tổng nha? Làm sao có thể như vậy được! Chuyện không thể tin được! Việt Cộng làm sao biết được chỗ ấy mà đặt mìn, thật lợi hại, trừ khi...”.

Khẽ liếc nhìn trạng thái xúc động của cha, Hồng Liên nép vào bức tường, lặng lẽ bước vào phòng.

Sen hồng trong bão táp

Sau trận đánh, Hồng Liên và Hoàng Sinh được gọi về căn cứ tuyên dương. Cô được thủ trưởng Nguyễn Tài cho biết: Chủ tịch Mặt trận Huỳnh Tấn Phát đã ký Huân chương Chiến công hạng 3 cho cô vì đã lập chiến công đặc biệt. Chị thấy mình lớn lên rất nhiều lần, cảm thấy mình hạnh phúc hơn bất cứ cô gái nào trên thế gian vì có được một tình yêu cao đẹp.

Hoạt động trong lòng địch, họ luôn đi qua sợi dây căng nguy hiểm, giữa một bên là nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ tổ chức giao phó; một bên là tù đày, cái chết. Họ đã vượt qua muôn vàn hiểm nguy rình rập. Có lần Hồng Liên phải tạm lánh về nhà Hoàng Sinh ở Củ Chi. Khi nhận được lá thư “giới thiệu vợ con” cho mẹ, mọi người đều tin chắc “thằng Sinh đã có vợ”.

Tháng 11-2007, Hoàng Sinh về thăm chị Hồng Liên tại xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, Bến Tre. Họ bùi ngùi nhắc lại chuyện xưa…

Họ rất quý mến vẻ dịu dàng, thương khó của cô. Khi được báo tình hình đã yên, chị từ biệt gia đình Hoàng Sinh trong yêu thương, quyến luyến. Họ đâu biết khi bước ra khỏi cổng, cô đã để rơi những giọt nước mắt đa cảm. Cô ao ước những gì đang diễn ra trong gia đình Hoàng Sinh là sự thật.

Nhưng rồi cô lau nước mắt, tự an ủi: đất nước chưa hòa bình, thống nhất; cô và Sinh còn phải tiếp tục dấn thân. Họ đã vượt qua bao hiểm nguy, bao tình huống sống chết trong gang tấc. Nhưng rồi họ đã không vượt qua định mệnh chia cắt đời nhau...

Hôm ấy, Hồng Liên nhận nhiệm vụ chuyển khẩu K-54 cho một chiến sĩ trinh sát vũ trang an ninh. Như thường lệ, cô cho súng vào cặp; trong bộ quân áo dài trắng, cô bình thản lái xe đến trường. Hoàng Sinh đi phía sau, theo dõi sự an toàn của cô. Đến ngã tư Phú Lâm và bùng binh cây Gõ, Hồng Liên bị cảnh sát chặn lại. Cô còn đang ngơ ngác thì đã bị đẩy lên xe. Hoàng Sinh chết lặng trước sự kiện đột ngột diễn ra. Liên không được đưa vào tổng nha vì ở đó có cha chị làm việc, sẽ gây khó xử mà bị đưa qua nha cảnh sát đô thành. Hiện tượng đó khiến Hoàng Sinh hiểu tình thế đã vô cùng khốc liệt. Lòng anh rối bời, lo lắng cho Hồng Liên.

Trong đầu anh quay cuồng muôn vàn câu hỏi. Hồng Liên đang nắm trong tay sinh mạng của anh. Nếu vì chịu đòn không nổi, cô khai ra, anh có thể vượt thoát hoặc chung số phận như Hồng Liên.

Điều quan trọng trong lúc này là tìm cách giúp Hồng Liên tránh được những nhục hình tra tấn. Anh đánh liều đến nhà Hồng Liên báo hung tin. Ông Mẫn quá sức kinh ngạc và bi phẫn khi thấy con gái bị đánh đập tàn nhẫn. Nghe từ chính miệng con gái xác nhận làm “Việt Cộng”, ông phẫn nộ tuyên bố “từ con”.

Nỗi cô đơn nghiệt ngã

Một tiểu thư lá ngọc cành vàng, mới 18 tuổi bị sa vào chốn hang hùm nọc rắn. Những ngón đòn dã man nhất chúng đã dành cho Hồng Liên. Vậy mà chị cắn răng chịu đựng, không khai báo, dù Hoàng Sinh đã liều lĩnh xuất hiện trước mặt chị.

Cho đến khi quá sức chịu đựng, chị nhận mình làm cộng sản, nhận tất cả về phần mình. Chị nghĩ rằng, cứ nhận đại, rồi sau này sẽ tìm đường tìm về với tổ chức. Chị tin là nếu còn sống, Hoàng Sinh sẽ cứu được chị. Hôm ấy, Hồng Liên ôm cả khối thuốc nổ, được ngụy trang trong tuýp thuốc Rubi. Cô vào căn cứ.

Gặp được Hoàng Sinh và các chú lãnh đạo, Hồng Liên òa khóc: “Bọn chúng bắt con đem khối thuốc nổ về đây giết anh Sinh và các chú. Nhưng con không thể làm như vậy. Con để khối thuốc nổ ngoài kia, vô đây gặp các chú để nói rõ, là con... vì chịu đòn không nổi nên nhận lời làm cho bọn chúng. Con định bụng vô được trong này, con ở lại đây luôn!”.

Nhưng mọi việc không đơn giản như chị nghĩ. Thời chiến tranh, vì nguyên tắc bí mật, những cán bộ ở căn cứ luôn cảnh giác Hồng Liên. Biết làm sao được, sau Mậu Thân, địch khủng bố dữ dội. Chúng tung ra kế hoạch “Phượng hoàng” trà trộn vào hàng ngũ cán bộ, chiến sĩ, gây ly gián, chia rẽ, nắm bí mật và phá hoại từ bên trong.

Trong tình hình ấy, tổ chức cơ quan e ngại sự trở về của Hồng Liên cũng dễ hiểu. Nhưng vì Hồng Liên quá trong sáng, quá ngây thơ, đơn giản. Chính vì vậy, chị đã quá tổn thương khi bị tổ chức cơ quan né tránh, cô lập. Bề ngoài, không ai dám nói thẳng ra rằng cơ quan đang từ chối. Nhưng trong cư xử, làm sao Hồng Liên không nhận ra mình đang bị chối bỏ. Ngay hôm đó, chị được đưa ra nhà dân gửi. Giao liên nói xa gần: “Chị cứ ở ngoài này, chừng nào cần, mấy chú cho gọi”. Nhưng đợi hoài mà các chú không gọi.

Hôm ấy, chị đến cơ quan, quyết bày tỏ nỗi bức xúc của mình: “Các chú ơi, thà các chú cho con một phát đạn, trừng trị con như một tên phản bội, chứ đừng xa lánh, ghẻ lạnh con như thế. Con không còn con đường nào là trở về chiến khu với các chú!”. Cô kêu gào trong nước mắt: “Các chú, các chú ơi!”.

Không ai dám mở cửa, mở lòng ra đón chị. Đạn pháo ầm ầm dội vào căn cứ. Người ở bên trong nhà có hầm để tránh pháo. Còn Hồng Liên bên ngoài nhỏ nhoi, bơ vơ, chẳng biết nấp vào đâu. Chị đứng lặng, mặc cho những giọt nước mắt buồn tủi tuôn rơi... Trong tận cùng nỗi cô đơn, Hồng Liên thầm nghĩ: “Nếu như lúc này có một miểng pháo cứa ngang, mọi đau khổ sẽ kết thúc. Giá như lúc này mình được chết”.

Nhưng may mắn, chị vẫn sống. Và nỗi đau khổ bị bỏ rơi tiếp tục dày vò chị. Địch khủng bố ngày càng ác liệt. Nửa đêm, đơn vị hành quân dời qua biên giới Campuchia. Mấy ngày sau, Hồng Liên mới hay tin. Chị bám chặt vào vách lá căn nhà trước kia lãnh đạo đã ở, nơi nếu muốn, chị có thể xông vào bất cứ lúc nào, có thể đặt mìn nổ tan hoang căn cứ nếu chị phản bội. Giờ, nơi đây, tất cả đều hoang vắng. Chị tràn lên mặc cảm, buồn tủi, xót xa...

May mà lúc đó, ở địa phương, có một anh bộ đội đến với Hồng Liên. Anh trở thành bờ vai cho chị tựa vào, che chở, an ủi. Hồng Liên cũng không còn con đường nào khác hơn là ở lại địa phương. Cha từ bỏ, mẹ công tác mật không thể chia sẻ. Người chị yêu cũng biền biệt phương nào. Chị đau đớn tự hỏi: “Sao anh Sinh không trở về căn cứ? Anh ở đâu, có biết em đau khổ đến mức nào không?”.

Một ngày mùa xuân năm 1975, khi chiến tranh sắp kết thúc, anh Minh - chồng Hồng Liên hy sinh, để lại người vợ trẻ với 3 đứa con thơ. Rồi số phận đưa đẩy Hồng Liên rơi vào một mối tình trái ngang khác. Chị sinh thêm 2 đứa con nữa, sau đó chia tay anh ta. Chị lại một mình nuôi con, gánh nặng gia đình càng oằn xuống đôi vai... 

Triệu Thị Hồng Liên thì chọn lấy sự im lặng, bởi chị nghĩ “cái gì đã qua thì cho nó qua luôn, giải phóng là tốt rồi”. Người phụ nữ ấy ẩn mình trong ngôi nhà bé nhỏ dưới rừng dừa Phước Thạnh, Bến Tre, giấu đi thanh xuân, nước mắt chiến công vào đời thường thầm lặng. Vậy mà sao tôi nghe lòng mình bão nổi trước sự im lặng của chị...

TP HCM tháng 12-2017

Trầm Hương
.
.