Người được Pauxtopxki dắt đi học vẽ dắt đi học vẽ

Thứ Ba, 26/09/2017, 08:26
Người ta biết đến anh, một kỹ sư - thạc sĩ hóa học giỏi ngoại ngữ mà dấu chân đã in đậm ở nhà máy chè, Supe photphat, điện Phú Thọ, điện Thanh Hóa, Apatit Lào Cai,... 

Thực tiễn hoạt động đã dẫn anh thành trợ lý của một lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong hơn 10 năm. Anh đã đi, học và làm việc ở mấy chục nước nên người ta thấy tên anh ký dưới nhiều bài báo và trên bìa 20 cuốn sách như “Những người bạn quốc tế của Bác Hồ” (1990), “Vòng quanh nước Mỹ” (1994), “Thăm bạn láng giềng” (2001), “Leo núi Phú Sĩ” (2003), “Theo bước chân Người” (2009)… và những cuốn thơ “Chiều Phù Ninh”, “Thương”,…

Đầu tháng 8-2017, Hội Mỹ thuật TP HCM tổ chức triển lãm tranh của họa sĩ Trần Quân Ngọc (từ 11 đến 20-8, triển lãm cá nhân lần thứ 8 của anh). Vâng, lúc này chàng thạc sĩ hóa học đã ở tuổi 80. Mê vẽ nhưng để thành tài thì may mắn khi số phận cho anh gặp Pauxtopxki để ông… dắt anh đi học vẽ!

Tuổi thơ ấu của Trần Quân Ngọc trôi qua hết trên đảo vắng lại đến núi rừng. Bố cậu trong những năm 30, khi làm việc trên một chiếc tàu thủy lớn của Pháp, đã làm liên lạc cho Đảng Cộng sản Đông Dương trong quan hệ với Đảng Cộng sản Pháp và Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Người trí thức trực tính ấy không chịu nổi sự bất công, xúc phạm đã thẳng tay tát vào mặt viên Giám đốc Sở Vô tuyến điện Đông Dương nên ông cùng cả nhà bị đày ra một hòn đảo trên quần đảo Hoàng Sa, rồi đến núi rừng Lai Châu... 

Cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà thơ mộng đã tác động không nhỏ đến tâm hồn cậu bé đa cảm Trần Quân Ngọc. Thế rồi, với mẩu bút chì nhặt được, lúc lại thêm viên thuốc kí ninh, lọ thuốc đỏ... cậu vẽ biển, cây cỏ, núi rừng... Ngọc bắt đầu học chữ cùng trẻ em người dân tộc.

Bên chân dung chiến sĩ Xôviết.

Năm 1945, cha mẹ cậu tham gia cướp chính quyền ở Mộc Châu. Lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng được chính thức kéo lên ở vùng cao nguyên ấy. Cậu bé Ngọc 7 tuổi đứng trong hàng ngũ Đội Nhi đồng cứu quốc hát: "Ngày nay anh em chúng ta cùng nhau kết đoàn chào cờ cứu quốc...".

Cách mạng thành công, cả nhà lại trở về Hà Nội, rồi kháng chiến bùng nổ, bố lên chiến khu, mẹ đi hoạt động phụ nữ ở Phú Thọ, Khu 10... Anh em Ngọc được gửi đi học ở an toàn khu. Những ngày gian khổ ấy không làm mất đi hứng thú vẽ của Quân Ngọc. Cậu nhớ mãi cái sân ở làng Phương Giao, sân đất nện mà láng bóng như tráng xi măng, ngày ngày cậu nhặt những viên gạch đỏ về hí hoáy vẽ lên nền sân tất cả những gì thấy được ở làng quê trung du.

Rồi bức tranh đầu đời mà mẹ cậu còn giữ được cho đến ngày hôm nay cũng được vẽ ở làng quê ấy khi cậu đã biết thực hiện nó trên giấy kẻ khổ nhỏ. Cậu đã vẽ ngôi nhà có cửa hàng bán cái kẹo, trái chuối, có sân rộng với đàn gà vịt, có giếng nước mà phía sau là một dãy đồi...

Để phòng người xem không hiểu những cái mình vẽ, cậu đề chữ vào đó: "cây chuối", “giếng", "nải chuối”... Những năm 1949-1950, khi Ngọc mới 11, 12 tuổi, do yêu cầu ngoại giao, nhà nước ta đã triệu tập kiến trúc sư Vương Quốc Mỹ, các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Khang, Tạ Thúc Bình và người cậu họ của Ngọc là họa sĩ Trần Văn Cẩn thiết kế trang trí một khu giao tế để đón tiếp khách nước ngoài trong rừng.

Ngọc đã đi theo các bậc cha chú để ngắm nghía, chiêm ngưỡng và cũng để tập vẽ. Sau này anh tâm sự, những ngày ấy thật hạnh phúc cho tôi, bởi ngày nào cũng được thưởng thức những bữa tiệc thịnh soạn về nghệ thuật hội họa...

Năm 1961, Ngọc thi đại học đậu điểm cao, được cử đi học về ngành hóa tại trường Đại học Lômônôsôv Matxcơva. Cậu lao vào học. Ngày nghỉ đi lao động để lấy tiền mua giấy, màu thỏa mãn đam mê vẽ. Ngày nọ, cậu đang say sưa vẽ ở ngoại ô Matxcơva thì có một cụ già ghé đến. Ông ta chăm chú nhìn cậu vẽ ở mọi góc độ rồi chép miệng nhận xét: “Chú em có tâm hồn nhưng thiếu kỹ thuật” và hứa sẽ giới thiệu cho một ông thầy dạy vẽ.

Được lời như cởi tấm lòng, Trần Quân Ngọc đã theo ông đến gặp thầy giáo nọ. Sau này, thầy dạy họa của Ngọc mới cho anh biết, cụ già giới thiệu Ngọc chính là nhà văn nổi tiếng Pauxtopxki, tác giả Bông hồng vàng, cuốn sách mà người Việt Nam ta rất yêu thích.

Anh đăm chiêu “...chính người đã dắt tôi đi học vẽ...”. Thế rồi Ngọc kinh qua cuộc thi thử sức một thầy một trò. Xin ghi lại đoạn đối thoại mở đầu:

- Anh đã học vẽ chưa?

- Dạ, chưa!

- Anh phải dự thi kiểm tra, đậu mới được học!

- Dạ!

- Người ta đã học được 3 tháng rồi, anh có dám dự thi học kì không?

- Dạ, có!

Tiếp đó là những bài kiểm tra. Thầy khóa cửa phòng rồi đưa cho trò một tờ giấy trắng ra đề: Trước khi vào phòng thấy gì thì vẽ. Ngọc đã vẽ cái hành lang dài hun hút một bên là các ô cửa hình vuông và một bên là cửa vòm. Thầy xem, gật đầu ra đề tiếp theo: sáng tác một bức tranh. Ngọc cắm cúi vẽ về một làng quê Việt Nam với mái nhà tranh, khóm tre, đồi núi... Thầy xem trong ánh mắt ngạc nhiên rồi tủm tỉm cười.

Cuối cùng ông đưa ra một bức tượng bằng thạch cao cho Ngọc vẽ. Anh đã hoàn thành rồi nộp thầy sau 1 giờ đồng hồ. Ông nói: đề tài này có thể thực hiện trong 4 giờ vẫn còn ít, tất cả là còn tùy... Thế rồi Ngọc thi đỗ vào Khoa Mỹ thuật trường Đại học Sư phạm Lênin và học ở đó vào ban đêm trong 5 năm liền, 1967 thi tốt nghiệp đồng thời với bằng thạc sĩ hóa học trường Đại học Lômônôsôv.

Về thời gian ấy, Ngọc hồi tưởng: 6 năm trời tôi học cả ngày lẫn đêm, nghỉ thì đi làm thêm, đi vẽ. Thầy giáo dạy vẽ cho tôi là một cựu chiến binh bị cụt 2 chân phải đi bằng chân giả rất khó khăn. Ông sống độc thân bởi từ mặt trận trở về, cả nhà ông đều đã chết vì bom đạn chiến tranh. Chúng tôi coi ông như bố.

Ông trích từ món tiền ít ỏi của mình để mua màu vẽ cho chúng tôi. Nhiều hôm tôi vội vã chạy từ Lômônôsôv sang thì đã tối mịt, thầy vẫn ngồi đấy đợi để dạy trò. Đói bụng, ít tiền, thầy trò mua bánh mì đen chấm mù tạt ăn với nhau. Khuya lắm, trò dìu thầy lê trên cặp chân giả đau nhức ra ga xe điện ngầm về nhà...

Vì nhiều lý do đôi lúc tôi đã chán nản muốn bỏ học vẽ, song đã vượt qua được bởi hình ảnh của thầy. Ông đã dạy tôi vẽ và dạy tôi làm người...

Năm 1967 trở về nước, Trần Quân Ngọc đã làm tốt nhiều việc ở các phòng thí nghiệm, ở một số nhà máy. Khi đi công tác nước ngoài, trong lúc anh em cùng đoàn nghỉ ngơi hoặc mua sắm đồ đạc thì anh vẽ. Có hàng trăm bức kí họa anh vẽ về các đất nước Cuba, Liên Xô, Trung Quốc, Thụy Điển, Australia, Pháp, Anh, Mỹ, các nước Đông Nam Á...

Trong tâm tưởng, Lênin là hình tượng của Trần Quân Ngọc. Trong nhiều năm anh đã sưu tầm các bưu ảnh, sách viết về Lênin ở bất cứ đất nước nào mà anh đặt chân đến. Anh hiện có 2 bộ ảnh về Lênin từ nhỏ cho đến lúc qua đời (1 bộ tặng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh). Đặc biệt nhà anh đang lưu giữ gần 500 huy hiệu có liên quan đến Lênin mà anh đã sưu tập trên 10 năm. 

Việc sưu tầm của anh thật công phu, tỉ mẩn bởi chẳng có cái nào trùng nhau và nếu giống về hình dáng thì phải khác màu sắc. Và thời kì đó, người ta đi học, đi làm hay đi công tác ở nước ngoài thường dành dụm chắt bóp để mua về cho được một chiếc xe máy hoặc một vật dụng có giá trị ở nhà thì tất cả những cái ấy được Quân Ngọc đổi thành những chiếc huy hiệu Lênin...

*

Nhớ lại hơn 10 năm trước tôi đến thăm anh tại nhà riêng trên đường Trần Đình Xu vào một buổi sáng sớm. Đón tôi, vẫn thế, là vợ anh, chị Định Tân, một nghệ sĩ kịch nói đã nghỉ hưu, người mà Quân Ngọc khẳng định là điểm tựa để anh làm nên những thành công trong nghệ thuật và trong cuộc đời. Tôi đưa mắt ngạc nhiên nhìn một chiếc kèn nhựa xanh đỏ của trẻ con để lăn lóc ở bàn ăn bởi lúc đó cậu con trai độc nhất của anh chị đang theo học cao học ở xa chưa có vợ nên chắc chắn chưa có con.

Như đoán được ý tôi, chị Định Tân giải thích: “Khi đã vào phòng vẽ, anh Ngọc chẳng còn biết thời gian, mọi tín hiệu anh đều để ngoài tai, có khách hay đến giờ ăn tôi phải sử dụng âm thanh riêng biệt của chiếc kèn này làm quy định mời anh xuống nhà”. 

Như thường nhật, kể từ lúc nghỉ hưu sáng nào hai anh chị cũng đi bộ một tiếng đồng hồ và lúc này anh chị mới đi bộ về. Quân Ngọc tiếp tôi mà tay vẫn cầm một mảnh giấy nhỏ ghi một vài tiếng Anh. Mở mắt ra là anh học tiếng Anh, Esperanto kể cả những lúc đi bộ, nghỉ ngơi.

Chân dung Lênin được kết bằng các huy hiệu Lênin.

Anh cười hồn nhiên: “Để chống lão hóa ấy mà!”. Giờ đây với anh đã thành nếp: 6 giờ sáng dậy đi bộ 1 tiếng đồng hồ, ăn sáng xong là vào phòng tranh vẽ hoặc đọc sách, chiều cũng vậy. Tối đọc sách, xem ti vi cập nhật tin tức, thường xuyên học ngoại ngữ lúc nghỉ, 11h30 đi ngủ. Cái con người mà những năm của thập niên 1980 ấy vì công việc đã có đến 4 lần chảy máu dạ dày, lần thứ năm phải quyết định mổ thì đã bỏ trốn, ấy vậy mà bây giờ vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát.

Nghỉ hưu rồi, anh là báo cáo viên thời sự, chính trị cho phường, được Hội Quốc tế ngữ thế giới cử làm Ủy viên Ủy ban lãnh đạo phong trào quốc tế ngữ châu Á (gồm 6 người ở các quốc gia: Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pakistan, Ấn Độ và Việt Nam) và là Phó Chủ tịch Hội Quốc tế ngữ TP HCM.        

Chàng họa sĩ gần như là bẩm sinh mà khởi đầu là những đam mê ấy lúc học vẽ thì chỉ là ban đêm sau khi học kiến thức khoa học, công nghệ. Vẽ lúc nghỉ ngơi hay những phút rảnh rỗi sau một ngày học hay làm công việc chính, vậy mà đã có khá nhiều triển lãm tranh: 1965, 1967 hai triển lãm cá nhân ở Liên Xô; 1999 triển lãm tại Hà Nội; tại TP HCM 2001, 2003, 2007; tại Cần Thơ 2013; tại Vũng Tàu 2015 và nhiều lần tham gia trưng bày tranh với các họa sĩ Thủ đô; có tranh trong các bộ sưu tập cá nhân ở Pêru, Mỹ, Đan Mạch, Thụy Điển, Nga, Nhật Bản, Australia và Việt Nam.

Hiện anh có ba ngàn bức tranh lớn nhỏ, với chủ đề Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (1917-2017) và Kỷ niệm một thời Xô Viết. Anh đã chọn ra hơn hai trăm bức nhưng do khuôn khổ của phòng triển lãm nên chỉ trưng bày được chừng 140 bức ký họa, phong cảnh, chân dung với các chất liệu sơn dầu, thuốc nước, bột màu, chì, phấn.

Ngày khai mạc phòng triển lãm tranh của anh, những người đến sớm nhất chính là các cựu học sinh Trường Thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm và Khu học xá Trung ương (1951-1958). Chiêm ngưỡng tranh của anh, những người bạn ấy một lần nữa như được đắm mình trong những hoài niệm về phong cảnh nước Nga tuyệt vời và về những con người Xôviết hiền hòa, nhân hậu mà có một thời từng cùng sống và làm việc.

Ngay sau đó là sự xuất hiện đồng thời của nguyên Đại sứ CHLB Nga tại Việt Nam đi cùng hai cháu gái và ông Tổng Lãnh sự CHLB Nga tại TP HCM. Phát biểu trong buổi lễ khai mạc, người nghe đã thật sự xúc động khi cả những người bạn Nga và tác giả đều nhấn mạnh vào hai từ đồng chí.

Lê Khắc Hân
.
.