Một người cha rất đỗi nhân văn của làng trẻ em SOS Việt Nam

Chủ Nhật, 01/04/2018, 08:25
Đó là chia sẻ của bà Trần Thị Kim Dung, nguyên Phó Giám đốc Quốc gia Làng trẻ em SOS Việt Nam với chúng tôi về Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện.

1. Có những con người, có những cuộc đời khi thân xác rời trần thế dù thời gian ngắn hay dài nhưng họ luôn để lại trong tâm khảm của những người đi sau hình bóng và kỷ niệm không thể phai mờ. Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện là một người như thế. 

Chúng tôi hỏi bà Trần Thị Kim Dung, mà bà muốn được gọi thân tình là chị: “Chị biết ông Hoàng Thế Thiện là một vị tướng trong chiến trường ra. Vậy trong quá trình làm việc chị có thấy những biểu hiện của một vị tướng không?”. 

Người phụ nữ từng làm Phó Giám đốc Quốc gia Làng trẻ em SOS Việt Nam đã trả lời ngay: “Không! Đến bây giờ tôi vẫn hình dung ra khuôn mặt bác Thiện như thế nào, cách cư xử của bác như là một người cha. Tất cả những giải pháp, những căng thẳng bác xử lý không hề có hình ảnh hay vai trò của một vị tướng. Bác Thiện là một người bao dung và biết chia sẻ”.

Theo chia sẻ của chị Dung, có thể với đặc điểm của chương trình làm về trẻ em thì ông Hoàng Thế Thiện ứng xử nhẹ nhàng, thân thiện. Hoặc cũng có thể, với những công tác đã qua cùng cương vị công tác đang đảm nhiệm khi ấy, ông có những kinh nghiệm để giải quyết mọi việc không cứng nhắc. 

Đúng là cách quản lý và ứng xử của một người đã từng đối mặt với chiến tranh, đối mặt với hiểm nguy trong gang tấc cho nên khi xử lý tình huống, ông luôn thể hiện sự mềm mỏng của người mong muốn có hòa bình. 

Điều này càng khiến chúng tôi nhớ đến ký ức của nhiều vị tướng ở chiến trường đã không quên Chính ủy Hoàng Thế Thiện với cư xử mềm mỏng trong quân ngũ: Lấy cái mềm mỏng để giải quyết những vấn đề khó khăn.

Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện lánh trần gần ¼ thế kỷ nhưng chị Kim Dung vẫn không thể quên được khuôn mặt ông: “Bây giờ tôi vẫn hình dung ra khuôn mặt của bác Thiện, tròn như một ông Phật. 

Nhiều người có thể tôi đã quên nhưng khuôn mặt bác Thiện tôi vẫn hình dung ra. Vóc dáng cao lớn, đi đứng từ tốn, nói năng nhẹ nhàng. Bác hiền từ, không quan cách hay có sự khác biệt với những người xung quanh, dù là cán bộ hay nhân viên”.

Thứ trưởng Hoàng Thế Thiện (thứ hai, từ trái qua) ký văn bản Làng trẻ em SOS Quốc tế tại Việt Nam (1987).

2. Việt Nam ngay năm đầu đổi mới sau Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), đã hơn 10 năm ngày thống nhất hai miền, đất nước bắt đầu mở cửa.

Cũng ngần ấy thời gian mô hình Làng trẻ em SOS ở Gò Vấp và Đà Lạt giải thể. Trẻ em không gia đình và bị bỏ rơi sau chiến tranh sống vất vưởng ngoài xã hội không được chăm sóc suốt một thời gian dài. Những trẻ em này nghĩ ra đủ chiêu trò để tồn tại. 

Có lẽ, mỗi khi nhìn những đứa trẻ vô gia cư ấy, ông Hoàng Thế Thiện lại xót xa. Ông nghĩ đến con trai út của mình ở nhà, được cha mẹ chăm sóc, được học hành, còn những đứa trẻ cầu bất cầu bơ lang thang ngoài xã hội phải tự sinh tồn. 

Vì thế, ông luôn bao dung và chia sẻ với chúng. Chính ông đã nỗ lực hết sức bằng uy tín cá nhân mình thuyết phục Nhà nước đồng ý đưa mô hình Làng trẻ em SOS trở lại Việt Nam sau hơn 10 năm vắng mặt.

Khi đó, nhiều người còn chưa hiểu về mô hình xây dựng Làng trẻ em SOS ra sao. Cũng có nhiều ý kiến dè dặt, lo ngại. Thậm chí, không thiếu những ý kiến suy diễn, ngày xưa giám đốc Làng trẻ em SOS ở Sài Gòn là một “ông Tây”, vậy thì có thật sự là nuôi trẻ em Việt Nam lớn lên tại Việt Nam không hay là nuôi để nhằm phục vụ những mục đích không trong sáng nào khác.

Lúc này, ông Hoàng Thế Thiện đương nhiệm Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH). Ông nghiên cứu mọi tài liệu hồ sơ có sẵn và đã đến thăm 2 Làng trẻ em SOS ở Gò Vấp và Đà Lạt được thành lập trước năm 1975. 

Đồng thời, ông trực tiếp nghiên cứu, tìm hiểu các Làng trẻ em SOS hiện có ở châu Á để nắm cho rõ mô hình thế nào. Đích thân ông đến thăm Làng trẻ em SOS Quốc tế vào năm 1987 để thảo luận và hợp tác về vấn đề trẻ em vô gia cư và bị bỏ rơi sau chiến tranh. Khi đã hiểu, ông quyết tâm đẩy nhanh việc ký kết để cho ra đời Làng trẻ em SOS Việt Nam.

Chị Kim Dung nhớ lại, trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Làng trẻ em SOS Việt Nam (2007), có phóng viên hỏi và Chủ tịch Làng trẻ em SOS Quốc tế Helmut Kutin chia sẻ: “Ông Hoàng Thế Thiện đã nhắc tôi nên làm sớm trong giai đoạn trước khi ông ấy nghỉ để công việc và dự án được thực hiện”.

Sau những nghiên cứu và thực tiễn, thêm vào đó là sự hợp tác tích cực, sự thấu hiểu và hỗ trợ của Bộ LĐ-TB&XH, Làng trẻ em SOS Quốc tế được hoạt động tại Việt Nam trong niềm hân hoan, hạnh phúc. 

Lễ ký kết chính thức được thực hiện ngày 22-12-1987 tại Hà Nội giữa Thứ trưởng Thứ nhất Bộ LĐ-TB&XH Hoàng Thế Thiện và ông Helmut Kutin. 

Làng trẻ em SOS Việt Nam là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi không nơi nương tựa, dựa trên nền tảng gia đình với 4 nguyên tắc sư phạm của Làng trẻ em SOS Quốc tế: bà mẹ, anh - chị - em, mái ấm gia đình và cộng đồng làng.

Trước khi nghỉ hưu, Thứ trưởng Hoàng Thế Thiện đã tham gia xây dựng mới Làng trẻ em SOS Hà Nội ở Mai Dịch, khôi phục Làng trẻ em SOS ở Gò Vấp (TP HCM). Sau ngày ông nghỉ hưu, năm 1989 Việt Nam khôi phục thêm Làng trẻ em SOS ở Đà Lạt. 

Để vinh danh những đóng góp của ông đối với trẻ em mồ côi Việt Nam, ông Helmut Kutin đã mời ông làm giám đốc một chương trình đặc biệt hỗ trợ trẻ em trước năm 1975. Văn phòng chương trình đặt tại TP HCM.

Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (1922 - 1995).

Trong chương trình đặc biệt này có một số cán bộ vừa biệt phái, vừa hợp đồng. Họ đã cùng với ông Hoàng Thế Thiện hỗ trợ tài chính, tư vấn cho các em ở Làng SOS Gò Vấp và Làng SOS Đà Lạt cũ... 

Với thời gian khoảng 3 năm hoạt động của chương trình đặc biệt, vai trò của ông vừa như người cha, vừa như người lãnh đạo, khuyên nhủ các em lúc đấy cũng đã lớn, sống độc lập. Sau một thời gian, chương trình hoàn thành, ông yên tâm nghỉ tuổi già. 

Ghi nhận những đóng góp đặc biệt của ông trong việc đưa phong trào Hermann Gmeiner và Làng trẻ em SOS trở lại Việt Nam, Ban lãnh đạo Viện Hermann Gmeiner thuộc Làng trẻ em SOS Quốc tế đã trao tặng ông “Kim vàng danh dự”.

Dù nghỉ hưu song với uy tín của mình, ông vẫn được ông Helmut Kutin mời tham gia các chương trình của Làng trẻ em SOS Quốc tế.

3. Từng khoảng ký ức cứ chầm chậm trở lại với chị Trần Thị Kim Dung trong những lần tháp tùng và phiên dịch cho Thứ trưởng Hoàng Thế Thiện. Đó là dịp ông sang Trung tâm SOS Quốc tế, sang Áo, Đức, Pháp,... Mỗi chuyến đi như vậy ăm ắp tình cảm. Chị Dung luôn thấy ông là một người đầy tâm huyết với trẻ em Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt.

“Với bác Hoàng Thế Thiện, khi tôi làm việc, tôi cảm nhận được bác là một con người nhân hậu, luôn quan tâm, lo lắng cho mọi người. Khi làm giám đốc chương trình đặc biệt để tư vấn và hỗ trợ cho những em có vấn đề ở tuổi vị thành niên và thanh niên, các em có những suy nghĩ khác nhau và những hành xử khác nhau thì bác luôn là người chia sẻ, tâm sự, làm giảm đi những khó khăn cho các em”.

Còn biết bao điều muốn chia sẻ song để khách quan, chị Kim Dung đã chuyển cho chúng tôi một lá thư của ông Helmut Kutin - nay là Chủ tịch danh dự Làng trẻ em SOS Quốc tế. Trong thư, ông Helmut Kutin đã viết:

“Với tất cả sự kính trọng, biết ơn và cảm kích, chúng tôi nhớ đến ông Hoàng Thế Thiện nhân ngày giỗ thứ 20 của ông. Là Thứ trưởng Thứ nhất Bộ LĐ-TB&XH, ông đã có công đưa phong trào Hermann Gmeiner và Làng trẻ em SOS trở lại Việt Nam sau cuộc chiến kéo dài và tàn khốc...

Ông là người có tầm nhìn rộng và sự hiểu biết sâu sắc. Ông đã ủng hộ phong trào của chúng tôi bằng tất cả sức mạnh và kiến thức của mình. Với tầm hiểu biết và quan tâm đến trẻ em tuyệt vời, ông cũng đã hỗ trợ thanh niên từ Làng trẻ em SOS ở miền Nam tổ chức lại cuộc sống của mình.

Với sự hỗ trợ to lớn của ông, chúng tôi đã có thể mở lại Làng trẻ em SOS ở Đà Lạt và Gò Vấp, xây dựng Làng trẻ em SOS đầu tiên ở miền Bắc tại Hà Nội. Ngày nay, Làng trẻ em SOS từ Bắc vào Nam ở Việt Nam là di sản của ông dành cho trẻ em cần có sự chăm sóc của cha mẹ. Ngoài ra, còn có nhiều trường học, trung tâm xã hội và trường mẫu giáo.

Ông Hoàng Thế Thiện là Chủ tịch danh dự đầu tiên của Làng trẻ em SOS Việt Nam mới được thành lập và hoạt động không mệt mỏi cho một tương lai tươi sáng hơn của trẻ em và thanh niên cho đến hơi thở cuối cùng.

Làng trẻ em SOS quốc tế xin được cúi đầu tôn kính vinh danh ông là người cha rất đỗi nhân văn của hàng ngàn trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi không nơi nương tựa ở Việt Nam”. 

"Vị tướng Chính ủy"

Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (1922-1995) nguyên là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (1977-1982), từng giữ chức vụ chính ủy của nhiều đơn vị khác nhau nên còn được mệnh danh là "Vị tướng chính ủy": Chính ủy đầu tiên của Cục Không quân, Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Chính ủy đầu tiên của Quân đoàn 4...

Ông đã được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh (2002). Năm 2017, TP HCM đã đặt tên đường Hoàng Thế Thiện tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Kiều Mai Sơn
.
.