Kỳ tích Trịnh Văn Yên

Thứ Năm, 31/05/2018, 19:50
Ở bên kia cõi thế, ông Trịnh Văn Yên (1912 - 2008) và những người đồng chí, đồng đội của ông hẳn rất vui lòng vì những chiến công thầm lặng của họ được hậu thế ghi nhận và dần phát lộ theo thời gian.

Nghiên cứu khoa học từ tuổi 15

Ở tuổi 15, cậu học trò Trịnh Văn Yên đã bắt đầu nghiên cứu về chất nổ. Trịnh Văn Yên cho rằng, cách mạng Việt Nam về tinh thần đã có, lực lượng chẳng thiếu gì, thất bại chỉ bởi nguyên do vũ khí của ta kém hơn vũ khí của Tây.

Lựu đạn bằng vỏ xi măng. Thuốc nổ là loại thuốc pháo Klorate-kaly và hồng hoàng - pháo ném dễ nổ nhưng không có sức công phá mạnh. 

Ngay từ năm thứ 2 và 3 trường Bưởi, cậu học trò Trịnh Văn Yên quê gốc làng Vô Ngại, huyện Thư Trì (nay thuộc xã Dũng Nghĩa, huyện Vũ Thư), tỉnh Thái Bình đã nghiên cứu nhiều và áp dụng một số thí nghiệm về pha chế thuốc nổ, làm pháo, cuối cùng là nghiên cứu thành công kỹ thuật làm thuốc nổ mạnh.

Ông Trịnh Văn Yên.

Những nghĩa sĩ Việt Nam Quốc dân Đảng đem bom do Trịnh Văn Yên chế tạo ra đi nhưng các cuộc mưu sát đều thất bại. Sự việc dần vỡ lở. Ngày 20-8-1930, Trịnh Văn Yên bị Sở Mật thám Bắc Kỳ vây bắt lúc 6 giờ chiều khi đang dạy gia sư tại nhà kỹ sư Hoàng Cung (số 2 Ngõ Gạch, đường Quán Thánh), rồi giải về xà lim Sở Mật thám Hà Nội.

Bị kết án tù 20 năm khổ sai năm 1930, đến năm 1936, nhờ Mặt trận Bình dân Pháp, Trịnh Văn Yên được thả trước thời hạn. Ông trở về quê hương Thái Bình, lập gia đình cùng bà Phạm Thị Như (1916 -2015), người mà ông đính ước từ năm 1928. 

Ba năm sau, ông lại bị chính quyền thực dân bắt và đưa giam ở căng Vụ Bản (Hòa Bình) cho đến năm 1941 thì được đưa về quản thúc ở quê. Ra tù, ông quyết định làm kinh doanh để san sẻ trách nhiệm với gia đình và tận dụng khả năng chuyên môn.

Nhờ kinh doanh antimoine nguyên chất, Trịnh Văn Yên tạo dựng cho mình một nguồn tài chính to lớn. Ông bà trở thành gia đình tư sản có cơ ngơi khang trang.

Sau ngày quân phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, ông Trịnh Văn Yên bỏ tiền mua lại hàng trăm khẩu súng trường, 30 tấn thuốc nổ TNT của lính Nhật. Ông còn mua một mảnh đất ở xã Lĩnh Nam, Thanh Trì (bấy giờ thuộc Hà Đông) để làm kho tập kết vũ khí.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Trịnh Văn Yên đã hiến toàn bộ kho vũ khí nói trên cho Chính phủ. Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, số vũ khí ấy một phần được điều động cho các chiến sĩ ở mặt trận bảo vệ Hà Nội, một phần nữa được chuyển xuống cho xưởng quân giới Hải Dương, làm nên những thắng lợi bước đầu của quân đội ta.

Năm 2016, kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến, chúng tôi đã được gặp Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, Trưởng ban liên lạc Trung đoàn Thủ đô trong những ngày quyết tử.

Đại tá Nguyễn Trọng Hàm kể rằng, vũ khí do ông Trịnh Văn Yên chế tạo và cung hiến cho đơn vị quyết tử đã chặn bước quân thù ở từng dãy phố, từng góc nhà suốt 60 ngày đêm. 

Những năm cuối đời của ông Yên, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm đã mời ông cùng Ban liên lạc lên thăm và chụp ảnh lưu niệm cùng Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Suối gang ra lò

Ngày 18-4-2013, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã quyết định xếp hạng Lò Cao kháng chiến Hải Vân (huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) là di tích lịch sử quốc gia. Ít người biết, “công binh xưởng trong lòng núi” này là kết quả của cả tập thể Quân giới Liên khu III, trong đó có ông Trịnh Văn Yên.

Tiến sĩ Trần Anh Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, trước khi qua đời (ngày 9-8-2016) đã cho biết: Về cơ sở vật chất, ông Trịnh Tam Tỉnh - Trưởng ban Dân quân Liên khu III - anh ruột ông Trịnh Văn Yên, đã cho tiếp thu toàn bộ tài sản ở xưởng thí nghiệm lò cao Cát Văn (Thanh Chương, Nghệ An) kể cả đội ngũ công nhân rất quý; đồng thời di chuyển xưởng vũ khí Trần Hưng Đạo do ông Lê Quang Thiệu phụ trách về lò cao Như Xuân.

“Ngoài số thiết bị lấy ở lò cao Cát Văn, anh Trịnh Văn Yên còn đề nghị đưa máy phát lực từ Trường Yên (Ninh Bình) vào, và dùng quạt của nhà máy nước Thái Bình mà anh Lê Quang Thiệu có dự trữ”, tiến sĩ Trần Anh Vinh kể lại.

Công việc hình thành dự án diễn ra sôi nổi, thu hút tâm trí các nhà trí thức, chuyên gia kỹ nghệ. Nhưng cũng từ đây bắt đầu một cuộc đấu tranh cực kỳ phức tạp xung quanh chủ trương xây dựng lò cao luyện gang trong rừng. 

Không ít người phản đối, cho ban chủ nhiệm đề tài là phiêu lưu mạo hiểm, điếc không sợ súng, lò cao luyện gang là thuộc về một công nghiệp tối tân phải có nhà, xưởng lò, máy đổ sạ, sắt thép như núi mới làm được, có phải chỉ vài cái lều, cái lán đâu mà giấu kín trong rừng được.

Trong khi cuộc đấu tranh về chủ trương cứ tiếp diễn thì dự án luyện gang cứ hình thành, cuộc tập hợp cán bộ, công nhân về công xưởng Hóa chất miền Nam cứ chuẩn bị. Ngày 16-3-1950, bản dự án thứ nhất mang tên “Dự án thí nghiệm và sản xuất gang năm 1950 - 1951” được trình lên Cục Quân giới xét duyệt.

Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, Trưởng ban liên lạc Trung đoàn Thủ đô mừng thượng thọ 90 tuổi ông Trịnh Văn Yên (năm 2001).

Trong khi chờ ý kiến của Cục Quân giới, các công đoạn thử nghiệm vẫn tiếp tục thực hiện. Trước khi cho chạy thử lò cao 6,5m³ ở Như Xuân, đã cho chạy thử lò 0,5m³ ở Văn Thôn (Mực), xong đến lò 3m³. Đến cuối năm 1951, lò cao Như Xuân đã thí nghiệm luyện gang thành công ngay từ buổi chạy lò đầu tiên, gang ra đạt chất lượng tốt.

Ông Trịnh Tam Tỉnh, người được giao phụ trách các ngành Quân giới Liên khu, đã kể lại trong hồi ký về mẻ gang đầu tiên ra lò do ông Trịnh Văn Yên phụ trách kỹ thuật, như sau: “Khoảng 2h sáng, dòng gang sáng trắng tuôn ra khỏi miệng lò trong tiếng reo hò vang động rừng núi, trong niềm vui hân hoan của hàng trăm người. Chúng tôi nhặt những thỏi gang nguội đập thử xem hạt gang bên trong. Đúng là gang rồi. Mừng vui khôn xiết. Lần đầu tiên trong rừng kháng chiến, công nhân ta đã nấu luyện được gang từ quặng của đất nước”.

Ông Trịnh Bá Đàn, một nhân chứng có mặt trong giờ phút gang ra lò của lò cao Như Xuân đã ghi lại trong sổ tay bài thơ Gang ra của công nhân Quân giới Xuân Cang (sau này là nhà văn, nguyên Tổng Biên tập Báo Lao động), viết ngày mùng 2 tết Nhâm Thìn (1952): “Có một dòng suối đẹp/ Sưởi ấm lòng công nhân/ Về giữa đêm gió rét/ Làm nóng hổi tay chân... Dưới chân lò này/ Một đêm rạo rực/ Có bác thợ già trẻ lại mấy năm/ Và một kỹ sư dáng nghĩ trầm trầm/ Cười sung sướng lau mồ hôi cho bác”.

Gang sản xuất ra từ lò cao Như Xuân đã được đưa vào sản xuất vũ khí, mà quan trọng nhất là trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Kết thúc kháng chiến chống Pháp, lò cao Như Xuân cũng hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình.

Kỳ tích trong hang núi

Phó Chủ tịch nước - Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị trong hồi ký đã nhận xét: “Anh Trịnh Văn Yên thông minh, hiểu rộng và sâu về hóa học, thuốc nổ, đã có kinh nghiệm thực tế trong việc chế tạo, sản xuất lựu đạn, mìn và một số loại thuốc nổ, có quan hệ công tác rộng rãi, đoàn kết với các nhà chuyên môn và công nhân. Anh hăng say nghiên cứu thí nghiệm, có nhiều sáng kiến”.

Để đi đến thành công khi xây dựng và vận hành lò cao trong hang núi, ông Trịnh Văn Yên đã tìm đến các kỹ sư như Đặng Trần Cảnh, Lương Ngọc Khuê, Tống Nguyên Lễ thuộc lớp kỹ sư đầu tiên của nước ta. 

Kỹ sư Đặng Trần Cảnh ngành hóa chất, đã từng làm kỹ thuật ở nhà máy kẽm Quảng Yên, công chức ở Sở Mỏ của Pháp, yêu nước, có kiến thức rộng về điều khiển nhiệt trong lò luyện kim, bị tai nạn mất một cánh tay, nhưng có sức khỏe. 

Kỹ sư Tống Nguyên Lễ, một chuyên gia về hóa học, có kinh nghiệm về tổ chức sản xuất, kinh doanh, đã giúp đỡ ông Trịnh Tam Tỉnh nhiều trong thời kỳ làm kinh tài ở Khu 3. Lương Ngọc Khuê, kỹ sư hóa, đã từng làm chủ nhì ở nhà máy rượu Hải Dương, đã tham gia phụ việc hóa nghiệm ở lò cao Đáp Cầu.

Hôm ông Trịnh Văn Yên đến gặp kỹ sư Lương Ngọc Khuê tản cư với gia đình ở làng Lác, thuộc huyện Tiên Hưng (cũ), tỉnh Thái Bình, thấy đang trời rét mà ông Khuê vẫn cởi trần lội xuống ao giặt bông. Lúc đó, ông đang tham gia nghiên cứu đề tài xử lý bông thuộc Hội đồng Khoa học kỹ thuật  của Liên khu 3. 

Điều thú vị là khi ông Trịnh Văn Yên hỏi chuyện về kỹ thuật ở lò cao, ông Lương Ngọc Khuê giở ngay cuốn sổ nhỏ vẫn mang theo dưới đáy vali, ghi chép từ thời cộng tác hóa nghiệm gang ở lò cao Đáp Cầu. 

Do ham biết một kỹ thuật mới mà ông đã tích lũy được những số liệu rất quý từ trang sách và cả trong thực tiễn liên quan đến công việc luyện gang trong cái thuở ban đầu của nó ở Việt Nam ta.

Kỳ tích trong hang núi ấy, khiến một vị giáo sư, tiến sĩ sử học Liên Xô đến thăm di tích lò cao năm 1960 phải reo lên: “Thật là vĩ đại ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi” (Ngô Quốc Tính - Trần Dũng Nhân: Lò cao kháng chiến Như Xuân; Ty Văn hóa Thanh hóa xuất bản, 1961). 

Nổi danh ông Trịnh Văn Yên

Trong số những người cùng nhau xây dựng ngành Quân giới Khu III nổi danh ông Trịnh Văn Yên. Là người đã vận dụng những hiểu biết hóa học: Đã chỉ đạo sản xuất các chất gây nổ như Clorat fulminat; Đã chỉ đạo nấu gang tốt từ quặng sắt trong lò cao đặt trong hang ở Như Xuân - Thanh Hóa để đúc các vỏ của mìn, lựu đạn; 

Đã chỉ đạo sản xuất các loại mìn, lựu đạn, địa lôi tạo “Tiếng sấm đường 5”; là người chế tạo ra Bazoka 75 ly ở Khu III và cho lực lượng vũ trang của Quân khu” (Thiếu tướng - Phó Giáo sư Lê Văn Chiểu, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng - Bộ Quốc phòng).

Kiều Mai Sơn
.
.