Chuyện tình tử tù Lê Quang Vịnh

Thứ Ba, 05/09/2017, 12:18
Một thời, cả nước hát: “Lê Quang Vịnh người con quang vinh. Tôi khắc tên anh vào trái tim tôi…” (Nguyễn Tài Tuệ). Anh là tử tù bị giam trong chuồng cọp, Côn Đảo suốt 15 năm (1961-1975).

Sau năm 1975, được giải thoát, anh đã giữ các chức vụ: Bí thư Côn Đảo, Phó Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ v.v... Anh đã nghỉ hưu. Cuộc đời Lê Quang Vịnh có quá nhiều điều lớn lao và lạ lùng về ý chí và nhân cách. Tôi xin kể đôi nét những mối tình nước mắt của anh.

Lê Quang Vịnh sinh năm 1936, có rất ít thời gian để yêu. Tuổi trẻ thì đi học, hoạt động cách mạng... 15 năm tù, không có bóng phụ nữ. Khi anh ra tù thì đã “tứ tuần”. Nhưng Lê Quang Vịnh cũng có những mối tình nồng ấm và đầy nước mắt! Anh rất ít kể chuyện về những mối tình cũ của mình. Nhưng chị Trần Thị Kim Khánh, vợ anh, lại không hề ngại kể cho tôi những chuyện tình ấy...

Nghe tin giáo sư Lê Quang Vịnh  bị tuyên án tử hình, ở Hà Nội, nữ sĩ Anh Thơ đã có bài thơ Dòng nước mắt, viết về tâm trạng của một cô gái dự phiên tòa xử án Lê Quang Vịnh và “tiểu đội” của anh đêm 23-5-1962. 

Khi nghe bản án tử hình với Vịnh, cô gái đã khóc: “Em không lau mặc cho dòng nước mắt/ Chảy dài, chảy mãi, chảy triền miên...”. Không ai biết người con gái khóc vì Lê Quang Vịnh đó là ai? 

Anh Vịnh rụt rè tiết lộ: “Đó là cô Tuyết Ngọc. Năm đó Ngọc là một “cơ sở” của mình. Khi phiên tòa mở, Ngọc có đến dự... Sau giải phóng, tôi ra tù, Ngọc có đến thăm và cho tôi xem bài thơ mà Ngọc đã cắt trên báo và giữ từ 15 năm qua như một kỷ vật. Lúc gặp lại tôi, Ngọc cũng khóc ròng. Mình với Tuyết Ngọc cùng hoạt động nội thành, nhiều lần cùng nhau đi ra cứ họp. Có lẽ Ngọc cũng có tình cảm với mình. Nhưng tình cảm lứa đôi ấy mãi mãi chôn chặt trong lòng mỗi người!”.

Thời sinh viên, Lê Quang Vịnh hay lui tới nhà của thầy Tôn Thất Dương Kỵ, giáo sư đại học nổi tiếng chống Mỹ. Gia đình thầy Kỵ cũng coi Vịnh như người nhà. Vì là con một trí thức yêu nước nên các con của thầy Kỵ đều tham gia phong trào đấu tranh của tuổi trẻ Sài Gòn, và một số là “cơ sở” mật của Lê Quang Vịnh. Tôn Nữ Quỳnh Như, con út thầy Kỵ, tên gọi ở nhà là Ngọc, tiểu thư con nhà danh giá, lại xinh đẹp, đài các. 

Quỳnh Như học Đại học Kiến trúc Sài Gòn. Mỗi lần đến nhà thầy Dương Kỵ, Vịnh đều tìm cách gần gũi, nói chuyện với Quỳnh Như. Hai người rất tâm đầu ý hợp. Một lần, Lê Quang Vịnh đưa Quỳnh Như ra căn cứ ở rừng Sở Ớt, Củ Chi cả tuần liền, hai người ở lại ăn tết trong cứ. Dù khi họp phải che mặt, nhưng tình cảm hai người đã nồng đượm lắm. Qua ánh mắt, giọng nói, Vịnh biết Quỳnh Như cũng rất có cảm tình với mình. Nhưng họ chưa bao giờ thổ lộ!

Khi bị giam ở ngục tử hình của nhà lao Chí Hòa, Lê Quang Vịnh đã viết bài thơ Thư gửi người yêu rồi tìm cách gửi ra cho Quỳnh Như. Bài thơ như những lời trối trăng trước khi ra pháp trường: “Em nhớ không.../ Trong một khu rừng hoa dại vàng tươi/ Ta đón xuân giải phóng với bao người...”.

Hình như gia đình ông bà Tôn Thất Dương Kỵ cũng biết mối tình của Vịnh với con gái mình, nên bao giờ cũng có ý vun vào. Khi Lê Quang Vịnh đã nằm trong chuồng cọp Côn Đảo, không biết lấy được địa chỉ Vịnh ở đâu mà bà Huệ Phương, mẹ Quỳnh Như đã viết cho Vịnh nhiều lá thư gửi ra Côn Đảo, gọi Vịnh là “con” rất ấm áp, thân tình.

Ông Lê Quang Vịnh (bên phải) và tác giả (ảnh chụp năm 2014).

Năm 1966, Trần Quang Long, một nhà thơ nổi tiếng của phong trào “xuống đường” của sinh viên Huế, xuất hiện tại Sài Gòn. Trần Quang Long là chàng trai đa tình và làm thơ hay. Anh có những câu thơ bốc lửa: “Con sẽ vót nhọn thơ thành chông/ Xuyên vào tim lũ giặc”. 

3 lần Long bị chính quyền Sài gòn bắt bỏ tù. Năm 1965, ở Quy Nhơn, Long lại bị địch bắt. Gia đình phải lo lót để anh ra tù, chuyển vào Cần Thơ dạy học. Do tiếp xúc với thầy Tôn Thất Dương Kỵ, nên Long cũng gặp và yêu Quỳnh Như. Đã 6 năm rồi, từ ngày Vịnh bị án tử hình, Quỳnh Như tin là Vịnh đã bị giặc thủ tiêu. Thế là, đầu năm 1967, Quỳnh Như và Trần Quang Long làm lễ cưới. Sau Mậu Thân, Trần Quang Long thoát ra chiến khu. 

Ngày 11-10-1968, anh bị trúng bom B52, hy sinh ở “R”, rừng Tây Ninh. Địch bắt Quỳnh Như vào tù vì tội hoạt động chống chính quyền trong tết Mậu Thân. Quỳnh Như sinh con trai ở trong tù. Theo thư dặn của chồng, Quỳnh Như đặt tên con là Thắng, Trần Xuân Thắng. 1 năm sau ra tù, chị mới biết tin chồng hy sinh. Quỳnh Như ở vậy nuôi con cho đến ngày giải phóng.

Mùa hạ năm 1971, nằm trong chuồng cọp, Lê Quang Vịnh bất ngờ nhận được một lá thư của Quỳnh Như kèm theo bức hình và lá thư nhỏ có mấy dòng chữ mới tập viết của bé Sao (tức Trần Xuân Thắng), con Quỳnh Như, lúc này đã gần 4 tuổi. Lê Quang Vịnh bàng hoàng xúc động. Quỳnh Như hỏi thăm tình hình sức khỏe, rồi kể cuộc sống của mẹ con cô ở Sài Gòn. 

Quỳnh Như viết rằng, khi anh bị cảnh sát đưa về Sài Gòn sau tết Mậu Thân em vẫn biết, nhưng không vào thăm anh đuợc... Lá thư ấy vẫn được chị Khánh, vợ anh Vịnh lưu giữ cẩn thận, thư chữ viết li ti gần 4 trang giấy, đã hơn 40 năm vẫn đọc rất rõ. Chị Kim Khánh đã cất giữ, bảo quản những kỷ vật của chồng cẩn thận. Đó là phẩm chất của một phụ nữ có văn hóa cao. 

Tháng 5-1975, khi ra tù, Lê Quang Vịnh có tìm thăm mẹ con Quỳnh Như. Chị vẫn đẹp như xưa. Nhưng đã rắn rỏi hơn, đằm thắm hơn. Có lúc bé Sao sà vào lòng bác Vịnh, nũng nịu: “Bác Vịnh ơi, bác có thương Sao, thương mẹ Như của Sao không?”. 

Lê Quang Vịnh nói trong nước mắt: “Bác thương mẹ Như của Sao nhất”.  Lê Quang Vịnh đến thăm ông bà Tôn Thất Dương Kỵ, cả hai ông bà đều xúc động, mừng rỡ. Bà Kỵ rơm rớm nước mắt, đứng ngây người. Thầy Kỵ có lần nói với Vịnh: “Từ lâu vợ chồng thầy coi em như người nhà. Bây giờ em đã thoát ngục tù, mong em sẽ trở thành người nhà vĩnh viễn của gia đình thầy...”. 

Lê Quang Vịnh hiểu ý muốn bé Sao, hiểu ý của thầy Kỵ, anh suy nghĩ trăn trở bao đêm. Bây giờ nếu anh đồng ý, thì có thể Quỳnh Như sẽ “trở lại” với anh. Nhưng còn hương hồn nhà thơ liệt sĩ Trần Quang Long? Hơn nữa lúc đó anh đã yêu chị Khánh... Năm 1978, anh Vịnh nghe tin Quỳnh Như mất vì bệnh xơ gan cổ trướng...

Thời gian hoạt động ở Sài Gòn, Lê Quang Vịnh còn “quen biết” một người con gái rất nổi tiếng. Đó là chị Trần Thị Lý. “Em là ai? Cô gái hay nàng tiên...” (Người con gái Việt Nam - Tố Hữu)... Chị Lý quê ở Gò Nổi, Quảng Nam. Hồi đó chị hoạt động bí mật ở Sài Gòn, làm công tác giao liên. Năm 1957, trong một chuyến anh Vịnh ra cứ họp, chị Lý là người dẫn đường. Thế là hai người quen biết nhau. 

Năm 1958, chị Trần Thị Lý bị địch bắt. Địch dùng đủ cực hình tra tấn vô cùng dã man, “điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung”.  Nhưng không đủ chứng cứ để buộc tội, chúng phải thả tự do cho chị. Chị được tổ chức bí mật đưa sang Phnôm Pênh, rồi đi tàu bay sang Hà Nội chữa trị vết thương do địch tra tấn.

Chị Trần Thị Kim Khánh đã gặp chị Lý ở Hà Nội năm 1975, tức 16 năm sau. Chị Khánh kể rằng, chị Trần Thị Lý là một phụ nữ rất đẹp. Vừa đẹp lại vừa dịu dàng, nhân hậu. Tuổi tứ tuần mà còn đẹp vậy, chắc lúc trẻ đẹp mê hồn. Lê Quang Vịnh là một nhà thơ, máu thi sĩ làm sao mà không bị lay động trước một giai nhân như thế? 

Có câu chuyện rất lãng mạn và thú vị về một bức ảnh của anh Vịnh thời trai trẻ. Sau khi anh Vịnh bị tòa án Sài Gòn tuyên án tử hình, báo chí Hà Nội tới tấp đăng bài tố cáo chính quyền Sài Gòn đàn áp trí thức. Nhưng các báo đều không có một tấm ảnh nào của Lê Quang Vịnh cả.

May thay, lúc đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhớ ra là người nữ chiến sĩ Trần Thị Lý đang chữa bệnh ở Hà Nội đã có lần khoe với mình tấm ảnh Lê Quang Vịnh. 

Nhờ chị Lý giữ tấm ảnh và nhờ trí nhớ tuyệt vời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, các báo đến chỗ chị Lý mượn ảnh. Nhờ đó, ảnh Lê Quang Vịnh mới được đăng lên báo, làm xúc động người đọc. Thì ra, một lần ra bưng họp, Lê Quang Vịnh có mang theo tập ảnh gia đình, trong đó có bức ảnh ấy. Anh Vịnh có đưa cho các bạn gái xem, do quá yêu, chị Lý đã “ém nhẹm” tấm ảnh...

Chị Trần Thị Lý đã giữ tấm ảnh ấy như một báu bật. Chị có lần khoe với Thủ tướng Phạm Văn Đồng rằng, người trong ảnh là “Lê Quang Vịnh, là người yêu của cháu!”. 

Chị đã đề vào sau bức ảnh: “Chờ anh mãi mãi, âm thầm chờ anh - Đạo Tĩnh”. Đạo Tĩnh là biệt hiệu khi hoạt động ở Củ Chi. Thời gian chị đề câu ấy vào tấm ảnh là tháng 12-1963, lúc đó anh Vịnh đã bị đày ra Côn Đảo. Một người con gái dám đề câu “Chờ anh mãi mãi, âm thầm chờ anh”, chứng tỏ tình yêu sâu đậm lắm. 

Anh Vịnh cho rằng, đây là “chuyện” đơn phương, tôi không biết gì cả. Ngay cả chuyện tấm ảnh tôi ở chỗ chị Lý, tôi cũng không rõ chị có từ bao giờ! Thật là rắc rối! Dù vậy, khi nghe câu chuyện này, tôi vô cùng cảm kích, trân trọng và kính nể đối với chị Trần Thị Lý, người con gái đã có một tình cảm thiêng liêng cao quý ấy.

Sự tình còn nhiều hấp dẫn và xúc động. Sau khi Côn Đảo được giải phóng, anh Vịnh làm Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh. Năm 1975, anh được chọn trong đoàn 100 đại biểu tiêu biểu của miền Nam ra thăm miền Bắc. Một bữa, Lê Quang Vịnh được mời nói chuyện về đề tài Côn Đảo - hòn đảo địa ngục. 

Cuộc nói chuyện do Trung ương Đoàn tổ chức. Hội trường chật ních trên hai ngàn người nghe. Trong số người đến dự nghe hôm đó có một người phụ nữ xinh đẹp. 

Khi ban tổ chức vừa giới thiệu người nói chuyện là “Giáo sư Lê Quang Vịnh, tử tù Côn Đảo vừa mới trở về”, người con gái ấy bỗng nhiên tái xám mặt mày, rồi ngất xỉu. 

Cuộc nói chuyện phải dừng lại. Ban tổ chức xin lỗi diễn giả Lê Quang Vịnh, rồi bế người con gái ra phía hậu trường, xoa dầu, bấm huyệt. Khi tỉnh lại, điều chị nói làm mọi người vô cùng ngạc nhiên: “Tôi là Trần Thị Lý và người nói chuyện là Lê Quang Vịnh, người yêu của tôi! Ôi, người yêu tôi đã về!”. Rồi chị lại ngất xỉu, nước mắt giàn giụa. Câu chuyện làm mọi người ngơ ngác, ngạc nhiên!

Đó là một “cú sốc” lớn đối với Lê Quang Vịnh. Anh không ngờ mình gặp lại “người quen biết cũ”, trong lúc đã có vợ sắp cưới! Câu chuyện hi hữu đó xảy ra khi chị Lý đã yêu người cháu của cụ Tôn Đức Thắng tên là Tuấn. 

Oái oăm là chị Lý lúc đó lại đang nằm điều trị tại Bệnh viện Việt Xô, ngay cạnh phòng anh Vịnh đang điều trị. Ngày nào anh Tuấn cũng mang cơm cháo đến cho chị Lý. Bên này, ngày nào chị Khánh cũng mang đồ ăn đến cho anh Vịnh. Tử tù Lê Quang Vịnh kiên gan suốt 15 năm trong chuồng cọp, đã phải rắc rối trong tình cảm con người. 

Anh đã có lần nói với chị Khánh: “Thôi em đừng đến với anh nữa. Đàn bà rắc rối quá!”. Rồi anh lại viết cho Kim Khánh một lá thư dài, thanh minh, năn nỉ. Chị Trần Thị Kim Khánh rất yêu thương anh Vịnh. Nhưng mối tình nồng nàn Lê Quang Vịnh - Trần Thị Kinh Khánh đã hóa giải được tất cả những rắc rối thời hậu chiến.  Anh chị cưới nhau, sinh được 2 đứa con, đặt tên con như khát vọng khi ở trong tù: trai là Lê Quang Tự Do và gái Lê Quang Hạnh Phúc!

Sau đám cưới Vịnh - Khánh, trước khi đi chữa bệnh ở Đức, chị Trần Thị Lý đã gặp chị Khánh ở bệnh viện, nắm tay thân tình, rưng rưng nước mắt nói: “Thôi chị đi đường chị, em nhớ chăm sóc anh Vịnh cho tốt nhá”. 

Chị Lý sau đó vẫn lấy anh Tuấn. Khi Đà Nẵng thành lập trường đại học, anh là giảng viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Anh Tuấn cũng rất yêu thương chị Lý. Anh Tuấn vẫn kiên nhẫn chờ đợi chị Lý lành bệnh. Anh chị cưới nhau và có 1 con gái. Năm 1992, chị mất vì bệnh cũ tái phát ở thành phố Đà Nẵng.

Tình yêu là chuyện riêng của trái tim mỗi người, nhưng nó cũng là chuyện của đất nước một thời. Thời của một thế hệ tuổi trẻ Việt đã hy sinh hạnh phúc riêng tư, dấn thân vì sự nghiệp thống nhất Tổ quốc.

Khôi Minh
.
.