Người phụ nữ “mật mã” đầu tiên của Nam Bộ
Tôi còn nhớ, vào tháng 9 năm 2001, trong lễ kỷ niệm 51 năm ngày hy sinh của Trung tướng Nguyễn Bình ở chùa Pháp Hoa, có một người phụ nữ độ tuổi 80, gương mặt tròn, sáng ngời vẻ dịu dàng, phúc hậu.
Bà lặng lẽ đến bên di ảnh Trung tướng Nguyễn Bình, thắp nén hương tưởng niệm. Gương mặt bà chìm trong nỗi trầm tư khác thường. Bà đứng lặng trước di ảnh tướng quân, như cố ngăn lại một điều gì đó đang dâng tràn. Trong khoảnh khắc, bà như hóa đá giữa làn khói hương mù mịt. Bà như quên đi tất cả, chỉ còn lại mình bà với hình bóng của tướng quân.
Nhưng liền sau đó, người phụ nữ chợt nhớ ra mình là ai. Bà lặng lẽ trở về chỗ ngồi của mình. Sau đó, qua vị cựu Tham mưu trưởng Trung đoàn 950, tôi mới biết người phụ nữ lặng lẽ ấy chính là Vương Thị Trinh, người từng có một quãng đời gắn bó với Trung tướng Nguyễn Bình.
Ấn tượng trong ngày gặp bà Vương Thị Trinh ở chùa Pháp Hoa đưa tôi đến ngôi nhà 34 Nguyễn Thiện Thuật, quận Bình Thạnh, để gặp bà. Tiếp tôi trong phòng khách nhìn ra một vườn bon-sai xinh nhỏ, bà Trinh nói:
- Cuộc đời tôi chẳng có gì đáng để kể. Năm tháng qua đi, có những kỷ niệm đẹp, rất đẹp. Tôi đã từng có những khoảnh khắc hạnh phúc... Và như vậy cũng quá đủ cho một đời người.
Tôi biết đó chỉ là cách nói của bà. Một tiểu thư cành vàng lá ngọc, con gái một điền chủ có 100 mẫu vườn dừa ở làng Điều Hòa, Mỹ Tho, đến với cuộc kháng chiến bằng bầu nhiệt huyết sôi sục của tuổi trẻ, bằng tất cả sự trong sáng của tâm hồn, từng đã yêu, được yêu và gắn bó cuộc đời với một vị tướng lỗi lạc có quá nhiều kỷ niệm giấu trong đáy lòng. Bà chọn sự im lặng để thể hiện tình yêu của mình. Trong trái tim bà, mối tình đầu hơn nửa thế kỷ vẫn còn nguyên vẹn, thể như mới ngày hôm qua...
Năm 1945, vượt qua kỳ thi tú tài một, cô nữ sinh trường Áo Tím Vương Thị Trinh hưởng ứng phong trào “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”. Cô tham gia y tá, vượt qua mặt trận Thị Nghè đầy máu lửa, khiêng thương binh về An Phú Đông. Cô khởi đầu sự nghiệp cách mạng bằng một việc làm đầy ý nghĩa. Trong những ngày đầu quân Pháp tái chiếm Nam bộ, quân dân ta đứng lên chống giặc bằng đủ loại vũ khí.
Để có tiền cho kháng chiến, bộ ba Phạm Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Bích, Phạm Ngọc Thảo nghĩ ra cách viết một quyển sách kể chuyện kháng chiến bằng tiếng Pháp, mang tựa đề Variétes du Maquis.
Lễ ký hôn thú tại Phòng Quân pháp Nam bộ trên kinh Dương Văn Dương, chiến khu D (Đồng Tháp Mười) ngày 25/12/1948, do tướng Nguyễn Bình làm chủ hôn. |
Điều kiện in ấn trong vùng căn cứ vào lúc ấy gặp muôn vàn khó khăn. Thấy Trinh thạo tiếng Pháp, chữ đẹp nên ba ông Thuần, Bích, Thảo nhờ cô chép tay. Sách có bìa minh họa sinh động, kể chuyện Thái Văn Lung bị bắt và hy sinh, cùng nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm khác. Trinh nắn nót từng chữ, hết đêm này sang đêm khác, ngày này sang ngày khác, khẩn trương nhưng tỉ mẩn, chép hơn 100 quyển Variétes du Maquis bằng Pháp ngữ. Sách này bí mật đưa về thành.
Cô Trinh kể: “Tôi nghĩ đó là quyển sách đắt nhất mà tôi được biết. Giới hằng sản trong thành đã bỏ số tiền lớn, có khi đến mấy trăm đồng Đông Dương mua quyển sách dày chưa đến 30 trang. Tiền bán sách giúp bộ đội trang bị vũ khí đánh giặc. Khi giặc Pháp đánh nống ra ngoại thành, căn cứ An Phú Đông bị vỡ, chúng tôi chuyển về căn cứ Vườn Thơm, dần dần xa thành phố hơn như Đức Hòa, Đức Huệ... rồi về miền Tây”.
Một nữ sinh xuất thân từ gia đình giàu có, chưa từng quen cuộc sống gian khổ, khắc nghiệt trong chiến khu, Trinh thích nghi dần với cuộc kháng chiến. Cô biết bơi xuồng, hái bông điên điển, giăng câu, đặt lờ... kiếm chút “chất đạm” cho cơ quan.
Có lẽ vì sự hòa nhập, hồn nhiên ấy mà ngay trong ngày đầu gặp gỡ, vị Khu trưởng Khu 7, sau này là Tư lệnh Nam bộ, Trung tướng Nguyễn Bình đem lòng yêu mến cô. Vị chỉ huy với trực giác nhạy bén, con mắt nhìn người tinh tường ấy đã chọn cô, giao cho cô một công việc vô cùng quan trọng. Đó là công tác mật mã và cô là cán bộ, trưởng ban mật mã đầu tiên ở chiến trường Nam bộ. Đó là một trong những công tác quan trọng và bí mật nhất của Đảng. Đáp lại lòng tin cậy của vị chỉ huy, Trinh càng nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ.
Cô lặng lẽ giữ đài VMA2, lặng lẽ thực hiện những mật mã do Tư lệnh Nguyễn Bình chỉ đạo. Sau Trinh, còn rất nhiều cô gái được trao nhiệm vụ bí mật và quan trọng này. Những năm tháng công tác mật mã dưới sự lãnh đạo của Tư lệnh Nguyễn Bình là quãng đời hạnh phúc nhất đời bà, cho dù đó cũng là những ngày vô cùng gian khổ. Địch càn quét liên miên, Bộ Tư lệnh nhiều lần dời địa điểm, có lúc ăn khoai mì thay cơm, thiếu muối...
Bà đã từng bị sảy thai trong một lần nhảy hầm tránh máy bay. Chưa kịp hồi phục, bà lại lao vào công tác. Có được một tình yêu lớn, được đùm bọc trong tình thương đồng bào, cô gái trẻ năm ấy được tiếp thêm sức mạnh, sẵn sàng vượt qua mọi chông gai.
Bà đã chia sẻ cùng Tư lệnh Nguyễn Bình những giờ phút hiểm nguy nhất cũng như lúc vinh quang. Chính tay bà dịch bức điện Trung ương phong hàm Trung tướng cho Nguyễn Bình. Ngày lễ thụ phong Trung tướng Nguyễn Bình ở Nhơn Hòa Lập được Bộ Tư lệnh Nam bộ tổ chức rất trọng thể. Sự kiện đó còn là niềm tự hào chung của quân dân Nam bộ.
Hơn nửa thế kỷ sau, nhớ lại những năm tháng ấy, bà có những dòng hồi ức đầy cảm động khi Trung tướng Nguyễn Bình bị thương: “Mồ tổ tụi con, “thằng Ba” nó có làm sao không? Đó là lời rầy la anh em chúng tôi vừa mới đến, đó là lời của mấy má chạy ra đón các con, miệng còn nhai trầu bỏm bẻm mà hai hàng nước mắt chảy dài trên má nhăn nheo.
Anh chị em chúng tôi lúng túng không biết trả lời sao, thì em Long vừa là bảo vệ, vừa chèo xuồng, vừa lo tiếp tế lúc anh Ba ốm đau và bị thương chạy ra nói ngay: “Mấy má đừng lo, anh Ba chúng con chẳng sao cả, anh sẽ đến ngay”.
Em Liên y tá băng bó vết thương, ai cũng lo lắng. Anh lại cười chúng tôi: “Mấy em nhát lắm, anh có làm sao đâu”.
Rồi anh nghĩ không biết ngày nào lại đi công tác. Đối với mấy má và đồng bào, dù ở nơi nào anh cũng đều gần gũi và thăm hỏi, thăm viếng dù anh rất ít thì giờ. Anh Ba nói anh không thể nào kể hết được ân tình của các má và đồng bào ở mọi nơi, đã đùm bọc và yêu thương anh và các chiến sĩ trải dài khắp mọi nẻo đường đã đi qua từ Đức Hòa, Đức Huệ, Giồng Dinh, Ba Thu, Góc Rinh Vàm Cỏ, Vườn Thơm, kinh Dương Văn Dương, kinh 18, kinh 12 và nhiều nơi khác nữa...
Với đồng đội, anh chăm sóc chúng tôi, lo lắng sức khỏe cho chúng tôi. Có một lần ngày 2/9 trong chiến khu, anh không đi công tác, bảo em Long và tôi làm món lươn nấu củ chuối. Tôi phải hỏi anh các thứ phải nấu vì đây là món lạ.
Em Long lo đi đặt trúm bắt lươn, tôi đi xin má củ chuối, thời gian đó là phải tự túc, sống nhờ dân. Anh vừa ý và ăn ngon. Lúc đó anh nhắc đến quê anh ở Kẻ Sặt, Bần Yên Nhân, có loại tương bần ngon lắm. Có lẽ lúc đó anh nhớ đến quê nhà xa cách từ lâu. Anh nói ngày đất nước độc lập, anh sẽ đưa tôi về thăm quê anh...”.
Nhưng vĩnh viễn, Trung tướng Nguyễn Bình đã không thực hiện được lời hứa đó với người phụ nữ mình rất yêu thương. Do đối mặt với uẩn khúc riêng tư, bà Trinh lặng lẽ ra đi. Cả hai đều vô cùng đau đớn vì cuộc chia ly nhưng bà không thể làm khác hơn. Bà về chiến trường miền Tây công tác, lại tiếp tục đối mặt với gian khổ, hiểm nguy.
Năm 1951, bà Trinh bị bắt vào nhà tù Catina. Vượt qua những ngón đòn hiểm ác của địch, bà Trinh kiên quyết không chịu nhận là “vợ của Trung tướng Nguyễn Bình”.
Bà nói: “Vì nếu nhận là vợ anh Ba, địch sẽ lấn tới, sẽ dùng nhiều thủ đoạn nhằm khai thác mật mã mà tôi đã nắm giữ. Mật mã là bí mật của Đảng, tôi quyết không để kẻ địch lợi dụng”.
Một năm sau, địch đưa bà Trinh ra nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), bị giam trong một xà-lim dành cho tù tử hình. Sau đó, bà bị đày đi nhà tù Thanh Liệt (Hà Đông). Bà giả bệnh để ra ngoài nằm bệnh viện, nhằm liên lạc với tù nhân đấu tranh. Đoán được kế hoạch của những “bệnh tù”, địch đưa vào Bệnh viện Bạch Mai, nơi có nhiều người bị bệnh truyền nhiễm.
Những người “bệnh tù” tiếp tục đấu tranh, để trở lại nhà tù. Do hoạt động trong chi bộ nhà tù, bà bị tố cáo và một lần nữa, địch đưa bà trở lại nhà tù Hỏa Lò, lại bị giam trong xà lim tù tử hình...
Ngày 26-7-1954, địch cố tình không trao trả những “phần tử nguy hiểm”, cách ly một số tù nhân vào nhà lao nhà máy Chai, định đẩy xuống tàu há miệng, đưa ra Côn Đảo. Nhưng trong số “tù nhân nguy hiểm” ấy có 2 Ủy viên Thành ủy Hà Nội và số anh em tù làm công tác địch vận, vận động được số lính bảo an, đưa danh sách “những phần tử nguy hiểm” về Hà Nội đòi trao trả theo đúng tinh thần Hiệp định Genève.
Ngày 28-7-1954, bà Trinh cùng một số tù chính trị được trao trả tại Ninh Giang, Hải Dương. Cũng từ đây, cuộc đời bà rẽ sang một bước ngoặt khác. Bà công tác trong Ban Liên lạc quốc tế của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, kết hôn với một cán bộ tập kết ra Bắc.
Sau ngày hòa bình, bà sống trong biệt thự tại 34 Nguyễn Thiện Thuật, quận Bình Thạnh, TP HCM, với người con trai là giám đốc một công ty xây dựng.
Đầu năm 2008, bà tha thiết được gặp tôi để kể những điều còn chôn giấu trong lòng. Tôi chưa kịp đến thì tháng 8 năm ấy bà mất. Gần 10 năm sau, tôi tìm đến nhà bà. Ngôi nhà đã thay đổi rất nhiều, trở thành quán cà phê sân vườn. Rất may, chủ nhân ngôi nhà - anh Nguyễn Phương Nam, con trai bà vẫn còn ở đây.
Vợ chồng anh kể về mẹ với lòng yêu thương sâu sắc, tràn ngập tiếc nuối. Anh Nam nói: “Sau khi ra tù, mẹ tôi trong ban tiếp đón đoàn miền Nam tập kết ra Bắc, rồi về Ban Đối ngoại Trung ương Hội. Bà giỏi tiếp Pháp, thân thiện, biết chữa bệnh bằng bấm huyệt, cạo gió nên các đoàn khách nước ngoài rất quý mến.
Bà gặp lại ba tôi - ông Nguyễn Huy Khinh - một kỹ sư hóa học theo lời kêu gọi của Bác Hồ khi người dự Hội nghị Fontainebleau năm 1946 kêu gọi trí thức về nước tham gia kháng chiến. Ông vào Nam, được ông Nguyễn Bình đón, đưa vào chiến khu. Tập kết ra Bắc, gặp lại mẹ tôi, ông rất mừng. Hai người đến với nhau có cả tình đồng chí, đồng đội từ những ngày ở chiến khu. Ba tôi rất thấu hiểu mối tình mẹ tôi dành cho cố tướng quân Nguyễn Bình, ông lặng lẽ và tôn trọng khoảng ký ức riêng mẹ tôi tôn thờ, dành cho tướng quân”.
Chị Hà Phương, vợ anh Nguyễn Phương Nam, con dâu bà Vương Thị Trinh kể: Sinh thời, mẹ chồng tôi hay nhắc về những ngày là nữ sinh trường Gia Long, tham gia kháng chiến cùng những người bạn của bà. Tôi biết những năm tháng được sống bên tướng Nguyễn Bình là những ngày hạnh phúc nhất đời bà.
Hoàn cảnh đất nước chiến tranh, tướng Nguyễn Bình mất đột ngột, mẹ chồng tôi bị bắt vào tù, biết bao gian truân, chịu nhiều thiệt thòi. Có lẽ vì đời mẹ khổ nên bà thương người. Bà có nguyện vọng khi mất được đưa hài cốt về chùa Pháp Hoa, nơi thờ Trung tướng Nguyễn Bình. Vợ chồng tôi đã làm theo lời trăng trối của mẹ!”.
Tôi lặng người trước mối tình của cô nữ sinh trường Áo Tím dấn thân vào cuộc kháng chiến, tìm được tình yêu đích thực đời mình. Khi sống, bà đã không thể cùng tướng quân đi suốt cuộc đời. Khi chết, không ai ngăn được bà ở bên ông.