5 đêm của một đời thơ

Thứ Tư, 22/07/2020, 14:24
Đời thơ Hoàng Cầm (1922-2010), ngẫm ra, là một đời thơ chủ về đêm. Có thể nói như vậy nếu ta căn cứ vào phần Vĩ thanh (viết năm 1992) của tập Về Kinh Bắc (hoàn tất bản thảo đầu năm 1960). Ở đó, dù còn tới 18 năm nữa mới chấm dứt sự tồn tại của kiếp người đa đoan trên cõi thế nhưng Hoàng Cầm đã kịp làm một cuộc “tính sổ” cho thi nghiệp của riêng mình.


Không hề là vô tình, ông cho ta biết rằng vào cái mùa rét năm 1959 ấy, khi “hồn tôi cứ chìm dần, chìm sâu, chìm và lắng thật sâu vào vùng quê tôi ngày xưa, thời tôi còn nhỏ dại, với biết bao bóng dáng, đường nét, màu sắc, hương vị đã quá xa, đã không còn nữa”, thì tập Về Kinh Bắc dần hình thành, theo một cách vô cùng đặc biệt: “những bài được nhiều bạn đọc ưa thích trong nhiều năm thì bao giờ cũng ra đời trong đêm và vài ba câu đầu bao giờ cũng không phải của tôi nghĩ ra, mà đúng thật là bao giờ cũng văng vẳng bên tai như có một giọng nữ đang hát, hay đang đọc có nhịp điệu, có tiết tấu, mà tôi cứ xin gọi là lời của thần linh đọc cho mình chép lại được”. 

Bỏ qua tình tiết mang đậm tính chất của một mặc khải linh diệu kia - nó có vẻ như là đối tượng khảo sát của các nhà phân tâm học thì đúng hơn - cái ta có thể ghi nhận là: đêm, ở tập thơ xuất sắc này, đã thực sự trở thành một thứ “dung môi”, đồng lõa và gây men trong cảm thức chập chờn mê-tỉnh của thi sĩ tài hoa vùng Kinh Bắc.

Nhà thơ Hoàng Cầm.

Không những thế, đêm còn đi vào cấu trúc nội dung của Về Kinh Bắc, làm thành nhịp Một (có tên Khấn nguyện) cho cuộc tuần du 8 nhịp của Hoàng Cầm (Bốn tám dáng thơ đi tám nhịp/ Tuần du chưa vợi khối ân tình). Như nhiều nhà phê bình đã nhận thấy, trọng tâm/xương sống của Về Kinh Bắc phải là nhịp Năm (có tên Còn em), đặc biệt tụ lại ở 5 bài: Cây tam cúc, Lá diêu bông, Quả vườn ổi, Cỏ bồng thi, Nước sông Thương - 5 cuộc đối đáp rất đậm màu sắc erotic giữa hai nhân vật Chị và Em. Tuy vậy, nhịp Một vẫn có vị trí riêng, không thể thay thế. 

Gồm 5 bài thơ đêm được đặt tên theo năm yếu tố tạo thành thế giới vật chất: Kim, Thủy, Thổ, Hỏa, Mộc. Có thể nói, không gian của nhịp Một là không gian của một vũ trụ thu nhỏ, ứng với ý niệm của Hoàng Cầm về vùng văn hóa Kinh Bắc mà hồn ông “cứ chìm dần, chìm sâu, chìm và lắng thật sâu”. 

(Tôi muốn dùng chữ “ý niệm” cũng bởi thế: Kinh Bắc ở đây, với Hoàng Cầm, không còn là một Kinh Bắc của thực cảnh như trong Bên kia sông Đuống ông viết thời gian đầu chống Pháp nữa rồi, cũng sẽ không phải là Kinh Bắc của các hoạt cảnh văn hóa/lịch sử như ở nhịp Hai, nhịp Ba, nhịp Sáu trong chính tập thơ này, mà đây hoàn toàn là một Kinh Bắc trong tâm cảnh). 

Không gian ấy đồng thời cũng là không gian được thiêng hóa, khi mà Quê và Mẹ đã hợp nhất để trở thành khởi nguyên huyền diệu cho một cuộc tìm về, như tín đồ tìm về đất thánh. (Có lẽ vì vậy mà nhịp Một có tên là Khấn nguyện chăng?). 

Ngôi nhân xưng ở 4 trong 5 bài thơ đêm, trừ bài Đêm Hỏa, là Con, một đứa trẻ vừa kính cẩn vừa mê đắm trước Quê/Mẹ: “Cúi lạy Mẹ con trở về Kinh Bắc/ Chiều xưa giẻ quạt voi lồng/ Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc/ Chuồn chuồn khiêng nắng sang sôngĐêm Thổ

Với cái tâm thức vừa kính cẩn vừa mê đắm của đứa trẻ-tìm-về ấy, nhịp Một dựng lên những câu thơ rất kỳ lạ, nó mờ mờ thấp thoáng dáng nét của một Kinh Bắc cổ xưa nhưng chủ yếu, nó tượng hình một thế giới đã thuộc hẳn về huyền thoại. Ví như những câu trong bài Đêm Thổ:

Đê mười tám khúc Văn Giang
Chuông Bách Môn đổ xô gò má
Mây thành thổi lửa
Nẻo Đông Triều khép mở gió kỳ lân
Chớp rạch dáng tiên vén xiêm xõa ngủ
Thoắt chìm
Gấu đẩy đá Thiên Thai
Đi đâu
Tràng mày xếch vòng cung bắn nát chiều mai ráng đỏ
Châu chấu ma vờn cổ yếm xây
”.

Hoặc những câu trong bài Đêm Kim:

Hình nhân má điệp tóc mực tàu
Mắt nghiêng dựa liếp
Mai nhảy vào đám lửa giỗ đầu
Gấm Song Cầu khoác lại áo ngày xưa
Da trứng bóc phủ bụi tàn nhang
Phía Đông kéo cưa xẻ gỗ
Phía Tây chầy nện ván thiên
Ông phó may già mười đêm chẳng ngủ
Rũ xô gai biển động tìm kim
”.

Hay những câu trong bài Đêm Hỏa:

Trăng lên chém đầu ngọn gió
Cành si bưng chậu máu chát chao
Cuối năm rì rầm tiếng khóc
Chàng ôi ngựa tía võng đào
Chợt mê thét giữa sân
Nét mác chữ Thiên toạc lưng trâu mộng
”.

Những câu thơ dẫn trên, có thể nói, đã ngay lập tức giải hóa cái định kiến khá sâu gốc bền rễ và khá phổ biến về Hoàng Cầm chỉ như một nhà thơ của quê hương quan họ với những liền chị lúng la lúng liếng, hay chỉ như một thi sĩ của những tình yêu trai gái lãng mạn đong đưa. 

Tuy nhiên, phẩm tính đặc biệt để Hoàng Cầm luôn là Hoàng Cầm, tức cái chất hoa tình nhục cảm ở bề sâu, cái ẩn ức mang hình hài những khát khao dục tính thì cũng đã kịp thể hiện rất đậm trong 5 đêm của nhịp Một: “Ngủ lại giấc mơ dang dở/ Chũm cau căng nứt mạch tằm/ Yếm may ba ngày mẹ vá lại/ Khuya nghe buồng động bóng đêm rằm” (Đêm Mộc). Hay: “Kèn già lam ai tập thổi/ Gió mất chồi xuân đay nghiến lũy tre dày/ Năm ba gã trai tập bài lưu thủy/ Một trẻ sơ sinh đuổi giọng mèo hoang/ qua miếu mưa phùn” (Đêm Kim). 

Nhưng, đặc biệt nhất, thậm chí có thể nói là toàn bích nhất, chính là bài Đêm Thủy. Vì bài thơ toàn bích nên cần thiết phải dẫn lại toàn văn:

Về Kinh Bắc phải đâu con nhắm mắt
Gài mảnh gương giàn thiên lý đợi tua rua
Chùa Phật Tích duỗi trong màn lụa bạch
Tượng Quan Âm má ửng bồ quân
Chuông chiều cởi yếm
Chuông sớm đội khăn
Câu kinh tê tê mười ngón tay măng
Mõ đêm hè cuốc lội
Ao mưa dằng dịt lá trường sinh
Gió vào trăm cửa
Gió ra hồng da trinh nữ
Gió vào xanh quan lục
Gió ra vàng thớ mít
Ong bay vai áo tiểu thon mình
Thập điện Diêm vương mở hội
Trong mắt trẻ lên năm
Trưa hè gãy rắc cành hoa đại
Mái hậu cung bồ các tha rơm
Liếu điếu vỗ hoa xoan lả tả
Lụa sồng nén nghẹn búp thanh xuân
Tờ kinh đắp mặt ru bươm bướm
Chuối chín cây đổ gục đứt dây bìm
”.

Một bài thơ vô cùng khó hiểu nhưng cũng vô cùng dễ hiểu. Khó hiểu bởi - giống như 47 bài còn lại của Về Kinh Bắc và khác với chính thơ Hoàng Cầm trước đó cũng như thơ Hoàng Cầm sau đó - cấu trúc của bài thơ không phải cấu trúc liên tưởng liền mạch mà là cấu trúc liên tưởng đứt đoạn. 

Những câu thơ đặt cạnh nhau, những thi ảnh xếp kề nhau, tất cả đều không theo một trật tự ngữ nghĩa mà người đọc có thể thâm nhập bằng tư duy duy lý. May ra, chỉ có thể nối kết chúng thông qua việc dùng tưởng tượng để lấp đầy những khoảng trống và những im lặng được tạo ra bởi sự đứt đoạn. 

(Có lẽ vì thế trong bài viết Đi tìm ẩn ngữ thơ Hoàng Cầm, nhà phê bình Đỗ Lai Thúy đã gọi kiểu cấu trúc này là “liên kết tự do các ý tưởng” và đã coi Về Kinh Bắc như một dạng của thơ siêu thực). 

Nhưng, dễ hiểu bởi, nếu ta chỉ cần một dùng một từ “sự sống” để “dĩ nhất quán chi” thôi, sẽ thấy tất cả những đứt đoạn rời rạc của bài thơ chỉ để nói về sự sống/sức sống/cái sống đang căng nhức, đang tuôn trào bất tuyệt, ở khắp nơi. Ngôi chùa, nơi chốn tịch mịch xa lánh bụi trần nhân thế ấy, ngay trong cái nhìn toàn cảnh của nhà thơ, đã mang hình dạng một thiếu nữ đang độ xuân thì. 

Vào cận cảnh thì lạ thay, toàn bộ nhịp sinh hoạt của chốn Phật môn như đã bị cuốn theo nhịp sinh hoạt của người con gái - hẳn là đẹp - xuất gia (Chuông chiều cởi yếm/ Chuông sớm đội khăn/ Câu kinh tê tê mười ngón tay măng) và cả không gian vốn để tịnh tâm cũng trở nên một không gian đầy rạo rực lôi cuốn (Gió vào trăm cửa/ Gió ra hồng da trinh nữ/ Gió vào xanh quan lục/ Gió ra vàng thớ mít). Đâu đâu cũng thấy biểu hiện của một cái sống phong nhiêu, tươi mởn (Mõ đêm hè cuốc lội/ Ao mưa dằng dịt lá trường sinh). 

Đến như hậu cung u tối thâm nghiêm là thế mà sức sống vẫn cứ nảy mầm: Thập điện Diêm vương không hù dọa, mà “mở hội”; trưa hè im vắng nhưng vẫn nghe “rắc” cành hoa đại gãy; lũ chim bồ các không ngán gì chốn thiêng, vẫn tha rơm về đó làm tổ cho con và đằng sau, bên trong lớp lụa sồng quấn chặt kia, dường như vẫn nấc tiếng dục vọng xuân thì đang “nghẹn” nỗi muốn bật chồi... 

Nếu nước là khởi nguồn của sự sống thì Đêm Thủy, có thể nói, đó chính là cách nhà thơ tuôn nguồn nước tươi mát của sự sống vào miền tịch diệt.

Nhà thơ Hoàng Cầm.

“Ai xuất bản mà nhiều đêm thế nhỉ?” - Trần Dần, một trong Tam vị làm nên cái Nhất thể trữ tình đầy tinh thần khai phóng của thơ Việt Nam giai đoạn 1950-1960 (Trần Dần - Lê Đạt - Hoàng Cầm) đã từng đặt một câu hỏi như thế. Thì, thơ Hoàng Cầm nói chung và tập Về Kinh Bắc nói riêng, theo một nghĩa nào đó, chính là câu trả lời. 

Đêm dày đặc trong tập Về Kinh Bắc. (Đỗ Lai Thúy nhận định trong bài viết đã dẫn ở trên: Đêm phủ đầy một bóng sáng xuống thi phẩm). Trên nền cảnh đó, nhắc lại, 5 bài thơ đêm của nhịp Một vẫn giữ một vị trí riêng, không thể thay thế. Bởi, nó là phần dẫn vào một thế giới rất dị biệt trong thơ Việt Nam thế kỷ XX, là nguồn phát động của hàng loạt chủ đề và motif hình tượng trong các nhịp sau của Về Kinh Bắc

Và, nếu coi tập thơ này như một giấc mơ-thơ mang năng lực xoa dịu những vết thương đang hoác ra từ cơn địa chấn dữ dội  nhất trong cuộc đời Hoàng Cầm, thì 5 đêm của nhịp Một - Khấn nguyện, có thể nói, chính là 5 mảnh mơ-thơ linh diệu nhất của một đời thơ.

Hoài Nam
.
.