Angela Merkel và Donald Trump: "Bà mở ông đóng”

Thứ Hai, 17/04/2017, 10:04
Hơn 70 năm qua, quan hệ giữa Mỹ với châu Âu nói chung và Đức nói riêng đã góp phần quan trọng định hình nên một trật tự quốc tế. Việc ông Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ và có những phát biểu làm mếch lòng các nước châu Âu đã ít nhiều ảnh hưởng đến mối quan hệ mang tính chiến lược xuyên Đại Tây Dương này.

Trong bối cảnh chính sách đối ngoại của Mỹ xem ra có nhiều thay đổi và Liên minh châu Âu (EU) đang lo ngại về chính sách “Nước Mỹ trên hết”, việc Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc đàm đạo tại Nhà Trắng được dư luận đặc biệt quan tâm.

Tuy nhiên, Thủ tướng Merkel và Tổng thống Trump có sự khác biệt lớn, cả về phong cách và bản chất, từng nhiều lần chỉ trích chính sách của nhau. Trong khi bà Merkel là một nhà vật lý thận trọng, thường cân nhắc kỹ khi ra quyết định và không thích thú sự chú ý dù là lãnh đạo quyền lực nhất châu Âu thì ông Trump là trùm bất động sản giàu có ở New York, ưa thích lĩnh vực truyền thông và sân khấu, khá bộc trực và luôn thích làm tâm điểm chú ý nhờ những phát ngôn gây sốc.

Trước đó, Donald Trump không ít lần chỉ trích chính sách nhập cư của bà Merkel, coi đây là cội nguồn làm mất an ninh và an toàn cho người dân. Vì lẽ đó, hai người “khó trở thành bạn tốt của nhau”.

Về quan hệ cá nhân, bà Angela Merkel theo đuổi chính sách “mở”, còn ông Donald Trump ưa thích xu hướng “đóng”.

Bên đóng, bên mở

Vào thời điểm hiện tại, khó có hai nhà lãnh đạo nào có sự khác biệt lớn cả về phong cách và bản chất giống như Thủ tướng Đức và Tổng thống Mỹ. Về chính sách nhập cư, khoảng cách giữa hai nhà lãnh đạo Đức - Mỹ là rất lớn. Tổng thống Trump gọi quyết định cho phép người tị nạn nhập cảnh vào Đức là một sai lầm tệ hại.

Vừa nhậm chức, ông Trump tìm cách hạn chế nhập cảnh, đóng cửa với người Hồi giáo, trong khi bà Merkel sẵn lòng đón nhận người di cư và tị nạn. Bên cạnh đó, “bà đầm thép” đã chỉ trích lệnh cấm nhập cảnh của Trump nhằm vào các công dân một số nước Hồi giáo. Trong cuộc điện đàm vào tháng 1-2017, bà giải thích với Trump rằng Công ước Geneva bắt buộc những bên ký kết (trong đó có Mỹ) phải nhận người tị nạn chiến tranh vì lý do nhân đạo.

Xét trên phương diện ngoại giao, “đế chế Trump” đặt nước Mỹ lên trên hết với tham vọng đưa nước Mỹ “vĩ đại trở lại”, đồng thời dựng lên các rào cản thương mại. 

Tổng thống Mỹ đã nhiều lần ca ngợi quyết định rời khỏi EU của nước Anh, đồng thời có thể tiếp tục làm ảnh hưởng đến tổ chức hội nhập khu vực này bằng những phát biểu không mang tính xây dựng tại một thời điểm mà tinh thần dân túy chống hội nhập châu Âu đang lên cao. Ngược lại, bà Merkel là một người ủng hộ chủ nghĩa toàn cầu, hội nhập khu vực.

Nhà lãnh đạo luôn chứng tỏ rằng bà vẫn đứng lên và đại diện cho vị thế cũng như bảo vệ những giá trị chung mà EU đã dày công thiết lập. Điều này cũng được phản ánh rất rõ nét trong cá tính của hai nguyên thủ: bà Merkel là một người điềm đạm đi tìm kiếm đồng thuận, còn ông Trump tự coi mình là một nhà đàm phán cứng rắn.

Vị thế chính trị của hai nhà lãnh đạo cũng khác biệt. Trong khi ông Trump đang trải qua những ngày lãnh đạo đầu tiên thì bà Merkel đang ở trong thời gian cuối của nhiệm kỳ Thủ tướng. Donald Trump nói rất ít về Angela Merkel trong những tuần làm việc đầu tiên, mỉa mai EU chẳng khác nào “một chiếc xe cho Đức cầm lái và sử dụng vô thời hạn”.

Ông đã đe dọa áp đặt thuế với các nhà sản xuất ô tô Đức. Ông chỉ trích Berlin vì không chi nhiều hơn cho quốc phòng. Một nguồn căng thẳng khác là thặng dư thương mại 50 tỷ euro của Đức với Mỹ.

Phía Washington từng cáo buộc Berlin có được những lợi thế thương mại không công bằng thông qua đồng euro yếu. Đáp trả, bà Merkel chỉ ra rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu - chứ không phải Berlin - kiểm soát số phận của đồng tiền chung châu Âu. Bên cạnh đó, “bà đầm thép” đang nỗ lực hết mình để vực dậy “lục địa già” bất chấp những phát ngôn của ông Trump có nguy cơ tiếp tục làm EU suy yếu vào thời điểm các đảng dân túy chống EU đang trỗi dậy.

Đức sẵn sàng tiếp nhận người nhập cư, đồng thời chỉ trích lệnh cấm nhập cảnh của Trump nhằm vào các công dân một số nước Hồi giáo.

Ông Trump là Tổng thống Mỹ thứ ba làm việc với bà Merkel - nhà lãnh đạo nắm quyền lâu năm nhất ở châu Âu hiện nay. Trước đây, bà vốn có mối quan hệ tốt đẹp với Tổng thống George W. Bush và cựu Tổng thống Barack Obama.

Giới quan sát nhận định, khi mà cuộc bầu cử ở Đức sẽ diễn ra vào tháng 9 năm nay, bà Merkel nhiều khả năng sẽ không tỏ ra thân thiện với ông Trump bởi làm vậy có thể đồng nghĩa với tạo lợi thế cho đối thủ chính trị của bà. Nhưng chắc chắn rằng Thủ tướng Đức cũng không thể bày tỏ thái độ gay gắt vì như vậy có thể gây thiệt hại cho các lợi ích của Đức.

Trong chiến lược đề ra, “bà đầm thép” chắc chắn sẽ vẫn tiếp tục hướng tới một mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ với ông Trump bất chấp nhiều khác biệt trong chính sách cũng như sự thận trọng bên trong nước Đức về tỷ phú New York này.

Thúc đẩy hợp tác

Không thể phủ nhận rằng mối quan hệ Đức - Mỹ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với thế giới. Hai nhà lãnh đạo luôn muốn hướng tới sự hợp tác bền lâu để đảm bảo một mối quan hệ bền chặt xuyên Đại Tây Dương, dựa trên trật tự quốc tế, và bảo vệ các giá trị mà hai bên đã nỗ lực nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của con người ở mỗi quốc gia.

Trước đây, Donald Trump đã có một loạt phát biểu mang tính chỉ trích đối với cá nhân bà Merkel, khiến hàng loạt chính trị gia lên tiếng chỉ trích. Tuy vậy, đội ngũ trợ lý của Tổng thống Mỹ đã cố gắng để làm giảm bớt sức nóng của vụ việc và cho rằng ông Trump muốn có một mối quan hệ tốt đẹp với nhà lãnh đạo Đức.

Tổng thống Mỹ đe dọa áp đặt thuế với các nhà sản xuất ô tô Đức.

Thế nhưng, “bà đầm thép” - người cầm trịch của tư tưởng dân chủ tự do - sẵn sàng gạt vấn đề đó sang một bên. Bà Merkel từng phát biểu rằng: “Đối thoại với nhau, chứ không phải nói về nhau, là tinh thần của tôi khi gặp gỡ ông Trump”. Điều ngạc nhiên là, với tính cách và cách ứng xử của Donald Trump từ trước đến nay thì ông đã đón tiếp bà Merkel có chút khiêm tốn và lịch sự.

Tổng thống Mỹ biết rất rõ “bà đầm thép” người Đức là nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm nhất trên diễn đàn quốc tế. Ông Trump đã chứng tỏ sự tôn trọng khá lớn với bà Merkel và đó có thể sẽ là cơ sở cho việc tiếp tục gây dựng quan hệ hợp tác quốc tế. Nếu “gây sự” với bà thì ông sẽ phải trả cái giá khá đắt trên cái thực sự hiệu quả sau này.

Trên thực tế, sứ mệnh “gián tiếp” mà bà Merkel muốn thực hiện là hóa giải căng thẳng hiện nay trong quan hệ kinh tế - thương mại song phương, từ đó xác định tương lai của mối quan hệ đồng minh và định hình sự hợp tác.

Angela Merkel đến Mỹ không chỉ với tư cách là Thủ tướng Đức, mà còn là nước chủ nhà của G20, là thủ lĩnh của EU và đại diện cho “thế giới tự do phương Tây” như báo chí cũng như dư luận ngay tại Mỹ phong cho bà. Bà muốn đến để thuyết phục ông Trump về vai trò của tự do thương mại, về vị trí của EU cũng như NATO trong chính sách an ninh quốc phòng của Mỹ tại Châu Âu và quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Về vấn đề NATO, Tổng thống Trump cho biết ông đảm bảo với Thủ tướng Merkel về sự ủng hộ liên minh quân sự này, nhưng ông vẫn khẳng định các nước cần cam kết chi tiêu quốc phòng đủ 2% GDP như quy định.

Về thương mại, ông Trump mong muốn Mỹ sẽ có sự hợp tác “tuyệt vời” với Đức trong khi bà Merkel hy vọng Mỹ và EU sẽ nối lại đàm phán về thỏa thuận thương mại. Ông Trump khẳng định không phải là người chủ trương biệt lập nhưng các chính sách thương mại cần phải công bằng hơn. Rõ ràng, những bất đồng còn tồn đọng giữa hai bên là không nhỏ.

Giới quan sát cho rằng, với rất ít điểm chung, Angela Merkel và Donald Trump sẽ phải tìm cách thúc đẩy một mối quan hệ mà có khả năng ảnh hưởng mạnh đến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong tương lai - quan hệ đối tác giúp hình thành trật tự toàn cầu kể từ sau Thế chiến II. Vì những lợi ích chung về chiến lược lâu dài, hai bên sẽ phải học cách thích ứng với cách làm việc của nhau mà cuộc gặp sắp tới chỉ là sự khởi đầu.

Qua thái độ và những cái bắt tay đầy gượng gạo hay ánh nhìn “chưa được thiện cảm” thì có thể nói rằng quan hệ Đức - Mỹ chưa thể ấm lên nhanh chóng trong thời gian tới. Đây mới chỉ là thời kỳ bắt đầu tan băng trong quan hệ song phương cũng như trong quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo...

Nam Hồng
.
.