PGS -Tiến sỹ thầy thuốc nhân dân Trần Trọng Hải:

4 thập kỷ và một cuộc đời

Thứ Ba, 05/05/2009, 15:48
Có những khi, trở về nhà ông thèm đến khóc được nghe lại những âm thanh rủ rỉ và tiếng cười khúc khích của hai người mẹ hiền. Có những khi, ký ức dội về chật kín những kỷ niệm. Hai năm vừa qua, hai người mẹ già của vợ chồng ông lần lượt ra đi. Mất mẹ, như mất hết những sợi dây neo đậu bền vững nhất với nguồn cội.

Mất những người sinh thành như mất đi một phần cơ thể mình, tâm hồn mình, và cả cuộc đời của mình vậy. Huống chi hai mẹ già vợ chồng ông phụng dưỡng trên 30 năm nay. Vợ chồng ông có những thiệt thòi riêng nên mọi yêu thương chăm sóc đều dồn hết cho người thân, cho cháu chắt và bố mẹ già hai bên.

Giờ đây, các cụ đã đi xa, hai vợ chồng ông trở nên rảnh rỗi hơn mỗi khi trở về nhà, nhưng cuộc sống của vợ chồng ông lại chống chếnh và hao khuyết hơn bao giờ hết. Trong cuộc đời, có ai tránh được mất mát và ly biệt. Có biệt ly nào là không đau đớn. Nhất là với ông, một nhân vật khá nổi tiếng của nền y học Việt Nam, một người có số phận éo le…

40 năm và chu kỳ 10 năm

Quê hương của Phó giáo sư- Tiến sỹ - Bác sỹ- Thầy thuốc nhân dân Trần Trọng Hải ở xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Ngay từ bé, ông đã thông minh, sáng dạ. Tốt nghiệp phổ thông trung học xuất sắc, năm 1966 ông được cử sang Bulgaria học. Nhờ thành tích đạt điểm tuyệt đối ở tất cả các môn trong năm đầu học tiếng, trong số ít học sinh xuất sắc ông được lựa chọn học ngành y khoa.

Năm 1973, tốt nghiệp bằng bác sỹ đa khoa xuất sắc, ông được giữ lại thực tập sau đại học tại Viện Hàn lâm Y học Sophia-Bulgaria. Năm 1975, gần trọn 1 thập kỷ học tập và nghiên cứu khoa học ở xứ người, ông trở về nước và công tác tại khoa Phục hồi chức năng(PHCN) của Viện Bảo vệ sức khoẻ trẻ em (nay là Viện Nhi Quốc gia).

Sau những nỗ lực đóng góp vốn kiến thức tu nghiệp trong 10 năm ở nước ngoài về, năm 1977-1978 ông lại được cử sang thực tập sinh về PHCN tại Đại học Upsala- Thụy Điển. Năm 1985-1986, ông được cử sang Hà Lan thực tập về PHCN Nhi khoa. Có thể nói, PGS Trần Trọng Hải là người có công lớn trong việc đi đầu xây dựng hệ thống khoa và bộ môn PHCN ở Việt Nam.

Bệnh viện Nhi Thụy Điển đã trở thành một Trung tâm PHCN nhi khoa cho cả nước. Thời gian này, khi mà ngành PHCN chưa được chú ý, tỷ lệ người tàn tật được PHCN tại bệnh viện vẫn còn rất ít ỏi, so với nhu cầu to lớn của số người tàn tật trong cộng đồng, trong khi đó nhận thức của xã hội về những vấn đề của người khuyết tật còn hạn hẹp.

10 năm tu nghiệp, 10 năm thực hành ở Viện , BS Hải đã luôn nung nấu, suy nghĩ, đọc sách để tìm cách tăng cường chất lượng điều trị tại khoa, tăng cường số lượng người tàn tật được tiếp cận với dịch vụ PHCN, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về những vấn đề của người khuyết tật. Năm 1987, với sự hỗ trợ của Tổ chức Radda Barnen- Thụy Điển và của Ban Giám đốc Viện Nhi quốc gia, ông đã cùng với Ban chủ nhiệm chương trình PHCN- Bộ Y tế, đề xuất và triển khai chương trình PHCN dựa vào cộng đồng tại Việt Nam.

Đây là hình thức PHCN được Tổ chức Y tế thế giới nghiên cứu và áp dụng cho các nước đang phát triển. Nhu cầu PHCN của người tàn tật tại Việt Nam là rất lớn và lần đầu tiên người tàn tật tại Việt Nam được hưởng dịch vụ PHCN tại nơi họ đã sinh ra và lớn lên. Những phát hiện này được báo cáo lên Bộ Y tế, và Bộ đã ra hàng loạt quyết định thành lập các bộ môn PHCN tại các trường Đại học và trung học chuyên nghiệp, cũng như thành lập các khoa PHCN tại bệnh viện tuyến tỉnh.

Riêng Đại học Y tế Cộng đồng có bộ môn PHCN dựa vào cộng đồng. Và tiếp tục 10 năm nghiên cứu, xây dựng chuyên ngành PHCN dựa cộng đồng, ông đã góp phần tạo ra một bước đột phá mạnh mẽ để phát triển ngành PHCN Việt Nam. Bộ Y tế cũng xem đây là chiến lược lớn để giải quyết vấn đề tàn tật ở Việt Nam.

Từ đó đến nay, ông thường xuyên tham gia công tác giảng dạy bộ môn PHCN tại các trường Đại học y trong cả nước. Năm 1986, ông đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ Y học tại trường Đại học Y Hà Nội về: "Yếu tố đào tạo nhân lực trong chương trình PHCN dựa vào cộng đồng".

Trước những đóng góp lớn của PGS-TS Trần Trọng Hải trong chuyên ngành PHCN dựa vào cộng đồng, năm 1996 ông được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Năm 2006 ông được phong tặng danh hiệu cao quý Thầy thuốc nhân dân. Năm 2008 ông được bầu là Chủ tịch Hội PHCN tại Việt Nam. Mới đây, ông vừa đi dự hội nghị thành lập mạng lưới PHCN dựa cộng đồng tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ở Thái Lan.

Tại Hội nghị, với cương vị thành viên Đoàn chủ tịch ông đã thay mặt hội nghị báo cáo công tác PHCN dựa cộng đồng trong 20 năm qua. Đoàn Việt Nam đi dự Hội nghị đã thống nhất giới thiệu ông vào Ban chấp hành mạng lưới PHCN dựa cộng đồng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Với khả năng có thể nói lưu loát 4 ngoại ngữ: Bulgaria, Nga, Anh, Pháp, và la tinh, với những thành tựu khoa học đã đạt được, ông còn là thành viên Viện Hàn lâm khoa học New York.

Năm 1998, được sự tín nhiệm của Bộ Y tế, ông được điều sang công tác tại Vụ Hợp tác Quốc tế của Bộ Y tế cho đến hết năm 2008. Cuộc đời ông có những sự tình cờ trong các giai đoạn của sự nghiệp. Cứ mỗi một thập kỷ là một vị trí công tác. Vậy là thập kỷ cuối trong 40 năm qua, PGS, Tiến sỹ Trần Trọng Hải đã có những cống hiến lớn trong công tác đối ngoại của Bộ Y tế.

Trong quá trình hội nhập với thế giới, ông đã góp phần vào thành công lớn trong việc đàm phán, ký kết rất nhiều Hiệp định về y tế với các bạn trên thế giới. Kêu gọi và kéo về được rất nhiều đối tác đầu tư cho Y tế Việt Nam, làm thay đổi bộ mặt Y tế trong tình hình mới, xây dựng lòng tin  Quốc tế.

Cuối năm 2008 ông nhận quyết định thôi giữ chức vụ theo quy định nhà nước đối với cán bộ đến tuổi nghỉ hưu, song vẫn tiếp tục trở về với công việc tâm huyết của đời mình. Hiện tại ông là Trưởng bộ môn PHCN dựa cộng đồng tại Trường Đại học Y tế Cộng đồng. --PageBreak--

Lặng lẽ nỗi đau… và tấm lòng hiếu nghĩa

Thành công trong sự nghiệp khoa học, nhưng ít ai biết rằng, Phó giáo sư, Tiến sỹ Thầy thuốc nhân dân Trần Trọng Hải có những nỗi đau riêng trong cuộc đời. Ông có một tình yêu lớn với người vợ là đồng nghiệp của ông học cùng ở Bulgaria. Về nước, họ kết hôn và năm 1976, vợ ông sinh hạ được một cậu con trai. Mỗi lần nhắc lại chuyện này, nỗi đau xưa dường như đã hằn vết lên gương mặt ông, số phận ông mà không dễ gì nguôi ngoai được.

Đứa con trai bé bỏng là niềm hạnh phúc lớn vụt đến với vợ chồng ông trong khoảnh khắc. Cháu sinh non, thiếu tháng nên phải nằm viện mất 3 tuần. Ngày hôm trước chuẩn bị ra viện, cô y tá bế cháu ra khỏi lồng ấp và để cháu cạnh cửa sổ. Đêm ấy, Hà Nội có một trận mưa lớn khủng khiếp. Cháu bé bị cảm lạnh, viêm phổi và mất. Sáng hôm ấy, Hà Nội mưa như trút, vợ ông ra tận cổng bệnh viện để báo tin dữ cho chồng. Nước mắt hoà lẫn với mưa.

Từ đó trở đi, số phận đã không ban cho vợ chồng ông một cơ hội thứ hai nữa dù đã chạy chữa đủ cách. Để bước qua được nỗi đau khủng khiếp này, vợ chồng ông đã nuốt nước mắt, nén chặt lòng mình mà lý giải rằng, âu cũng là số phận. Có lẽ chỉ đổ lỗi do số phận mà vợ chồng ông mới có thể đi qua những mất mát, chịu đựng bất hạnh mà sống thuần hậu, từ bi trong cuộc đời.

Hai vợ chồng cùng ngành y, cùng say mê khoa học và phấn đấu vì sự nghiệp. Vợ ông là con gái út, nên vợ chồng ông ở cùng với bố mẹ vợ. Hơn ba chục năm nuôi nấng, chăm sóc bố mẹ vợ từ khi các cụ còn khỏe cho đến lúc ốm nặng trên giường một chỗ trong gần 10 năm trời rồi mất, sự hiếu thảo của vợ chồng ông đủ để viết nên một thiên truyện cổ tích của thời hiện đại.

Ngày bố vợ mất, mẹ vợ vẫn còn khỏe, vợ chồng ông đã đón mẹ đẻ của ông lên ở cùng với mẹ vợ. Hai bà cụ ở cùng nhau trong một căn buồng. Niềm vui sướng và thanh thản nhất của vợ chồng ông là mỗi lần rời công việc bận bịu để trở về nhà, bước chân vào căn phòng có tiếng cười nói rí rích của hai bà cụ.

Có những khi, vợ chồng ông ngồi bên nhau thật yên lặng trong phòng riêng của mình, để lắng nghe hai mẹ già kể chuyện với nhau rồi cười khúc khích. Người già, trí nhớ chỉ hướng về quá khứ, hai cụ suốt ngày rủ rỉ bên nhau như đôi bồ câu già, và kể đi kể lại cho nhau hàng trăm lần những chuyện cũ thời còn con gái. Thế nhưng lần nào, người kể lẫn người nghe cũng cứ ngỡ lần đầu.

Cách đây 8 năm, mẹ vợ bị tai biến mạch máu não nằm liệt giường một chỗ, mẹ ông đã quyết định về quê ở cùng các con cháu để vợ chồng ông tiện bề chăm sóc và lo lắng cho bà mẹ vợ. Vợ ông, bà Nguyên Bình lúc đó đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ y khoa, đang công tác ở Viện Sốt rét đã xin nghỉ hưu sớm gần chục năm để chăm mẹ già. Sự hy sinh này không phải ai cũng có thể làm được.

Vợ ông bị thoái hóa khớp xương chậu, bệnh gây co rút, rất đau đớn. Chưa tới 60 tuổi nhưng bà đã đi lại rất khó khăn, phải chống nạng, trong khi đó chỉ cần mổ để thay khớp là có thể khắc phục được tình hình. Nhưng vì chăm mẹ già, vợ ông đã không đành lòng lo sức khỏe cho mình.

Bà nói với ông: "Nếu mổ vài tuần thì chớ chứ nhỡ ra vài tháng thì làm sao lo cho mẹ già được. Mình đã chăm sóc mẹ đến thế rồi, nhỡ ra có việc gì thì ân hận cả đời". Vậy là bà cắn răng chịu đau, lo cho mẹ già vẹn toàn. Bà cụ nằm một chỗ gần chục năm nhưng nhờ áp dụng phương pháp PHCN của con rể nên cụ không bị loét da, bị viêm phổi hay tai biến gì thêm.

Cứ tưởng mẹ vợ nằm một chỗ trong 7-8 năm trời như vậy, thì cụ sẽ đi trước. Ai ngờ, mẹ già của ông ở quê lại quy tiên sớm hơn mẹ vợ một năm. Mẹ vợ ông vừa mới mất đầu năm 2009. Vậy là dồn dập trong hai năm liền, hai cái tang quá lớn đã đến trong cuộc sống của vợ chồng ông.

Nửa cuộc đời chăm nuôi cha mẹ già, giờ đây, các cụ đều đã về nơi chín suối, căn nhà của ông bà giờ trở nên trống trải, vắng lặng vì thiếu vắng tiếng chuyện trò rôm rả, tiếng cười nói rúc rích của các cụ. Những âm thanh thân thương ấy giờ đã lùi xa ngái, có mong cũng chẳng thể nào trở lại dù chỉ một khoảnh khắc nhớ thương.

Giờ đây, sung sướng và hạnh phúc nhất của Phó giáo sư, Tiến sỹ Thầy thuốc nhân dân Trần Trọng Hải là được trở về làm đúng chuyên môn, được truyền dạy cho thế hệ trẻ những kiến thức mà ông tích lũy cả một đời. Ông làm tất cả chỉ mong sẻ chia và làm vơi đi bất hạnh cho những mảnh đời tàn tật, chịu nhiều thiệt thòi. Tôi hiểu, phải trải qua những hạnh ngộ trong kiếp tu hành, phải an lạc trong cõi thiền định con người ta mới đạt đến chính quả như vậy

.
.