Nghệ sĩ tuổi Tuất: Lý Trực Dũng với "ẩn họa mặt cười"

Thứ Năm, 08/02/2018, 17:47
Tôi sớm có dịp chơi tranh cười của họa sĩ Lý Trực Dũng (sinh năm 1946 - Bính Tuất) từ đầu thập niên 90. 

Ngày ấy, tôi làm việc tại báo Hà Nội Mới, nên thường nhận được những tác phẩm của anh gửi đến. Không ít lần, tôi cùng các bạn đều trầm trồ, thú vị với ngôn ngữ hoạt kê, đầy “kịch tính”, qua nét vẽ Lý Trực Dũng. Mới đây gặp lại nhau tại xưởng tranh, tôi càng nhận ra ý tưởng sáng tạo của anh vẫn sắc sảo, tinh tế như ngày nào…

Tự trào

Con đường đến với thể loại biếm họa của Lý Trực Dũng hết sức tình cờ. Yêu thích hồn nhiên, nhưng lại thành công ngay từ những bức họa đầu tiên. Có lẽ đó là sự hòa nhập của “thần tài”, trong cách nhìn sự đời luôn luôn chất chứa yếu tố phản biện của người nghệ sĩ. 

Ngẫm mới hay, chính nghệ thuật biếm họa đã chọn mặt gửi vàng, tạo nên chân dung Lý Trực Dũng. Tất nhiên, anh không thể quên thời cơ hiếm có, khi chính thức bước chân vào “Làng cười” trên thế gian này. Đó là cái duyên hội ngộ, vào dịp anh được cử đi làm đại diện ở nước Đức, nhiệm kỳ (1982-1987). Ngay khi mới bước chân sang nước bạn, anh có dịp gặp họa sĩ nổi tiếng Klaus Vonderweth, trong một cuộc triển lãm biếm họa. Hai người làm quen. 

Họa sĩ Lý Trực Dũng bên những tác phẩm biếm họa.

Klaus đã giới thiệu 6 tác phẩm biếm họa của Lý Trực Dũng đến Eulenspiegel, một tờ báo châm biếm lừng danh của Đức. Một bất ngờ đã đến khi Lý Trực Dũng được mời gặp Phó tổng biên tập báo Eulenspieg. Ông này thán phục những ý tưởng sáng tạo đậm chất Humor qua cách nhìn ranh mãnh của Lý Trực Dũng. 

Ngài phó tổng biên tập còn đi lục tìm tờ báo cũ và khoe tạp chí đã từng in tranh biếm họa của một họa sĩ châu Á, được giải thưởng trong cuộc thi biếm họa quốc tế ở Cu Ba (năm 1983), cho Lý Trực Dũng xem. Hóa ra đó là tác phẩm của chính anh. Ngài phó tổng biên tập nhìn tên tác giả, xem lại tranh, tỏ ra ngạc nhiên và thích thú vì cuộc hội ngộ này. 

Từ đó, họa sĩ Lý Trực Dũng trở thành cộng tác viên thân thiết, và có uy tín với tạp chí. Sau đó, tranh của Lý Trực Dũng còn được đăng tải trên các tờ báo lớn khác như Die Welt, Magazin… 

Cùng với giải thưởng quốc tế ở Cu Ba (1983), anh còn được Giải biếm họa Thế giới ở Bỉ (1984). Ít ai ngờ, một kiến trúc sư (tốt nghiệp ở Đức, năm 1973) như Lý Trực Dũng lại có biệt tài hài hước, với mỗi sự kiện nóng hổi trong cuộc sống như vậy.

Cũng có lẽ chính tư duy về nghệ thuật kiến trúc, bố cục hài hòa với thiên nhiên, thể hiện sự tinh tế sang trọng, trong từng góc cạnh, đã góp phần tạo nên chất ẩn dụ cao, trong “Nụ cười” của Lý Trực Dũng. 

Khảo sát mỗi tác phẩm biếm họa, đều thấy những mâu thuẫn nội tại trong từng câu chuyện, và cách thể hiện hóm hỉnh, sắc sảo của anh. Khi thì thâm trầm, giễu nhại, khi lại hóm hỉnh chê bai, hoặc có lúc lại cười mỉm nhẹ nhàng. Mỗi tranh là một phát hiện và là ý tưởng phản biện với thái độ rõ rệt. Anh không né tránh mà trực diện đối thoại, bằng nụ cười ẩn ý sâu cay. 

Người xem có thể rơi nước mắt khi qua những “Nụ cười” của anh. Đó là hình ảnh các con em mình, dáng vóc hồn nhiên thơi thới, cùng mái tóc trẻ con  đã trở nên trọc lốc và xơ cứng, khi bước qua cái lò giáo dục của nước nhà (Education – Made in Vietnam). Chúng trở thành những người máy. Thụ động và vô cảm. 

Hay tính triết lý, khi vẽ đứa con ôm chiếc cột thu lôi, để thu tất cả những lời chửi mắng dữ dội như sấm sét của cha mẹ, rồi cho truyền hết xuống đất. Đó chính là nấm mồ của thái độ dạy dỗ con cái không đúng cách. Hoặc cảnh người người rồng rắn xếp hàng, đóng góp tiền xây dựng nhà tình thương cho…thủ trưởng. Thực ra đó là một dinh thự nguy nga lộng lẫy. 

Bìa cuốn “Biếm họa Việt Nam”.

Đề tài chống tham nhũng ngày đó vẫn còn nóng hổi cho đến nay. Tính thời đại trong tác phẩm biếm họa của Lý Trực Dũng sống mãi với thời gian là vì vậy. Sự khái quát trong cách nhìn, và thể hiện hình mang tính tranh cãi tới cùng một vấn đề xã hội, đã làm nên giá trị của “Nụ cười” Lý Trực Dũng.

Điều thú vị hơn nữa, đó là khi họa sĩ đã lấy chính gương mặt mình làm nhân vật trong các đề tài giễu nhại, phê phán. Trong hội họa phiếm chỉ, trào lộng việc dựng cho được nhân vật của mình cũng là nét sáng tạo riêng góp phần tạo nên phong cách nghệ thuật mang thương hiệu tác giả. Nó như một “đặc sản” trong bữa tiệc cười vậy. 

Xưa ai cũng biết, các nhân vật Lý Toét, Xã Xệ và Bang Bạnh là những hình biếm ngộ nghĩnh của hai tờ báo Phong Hóa và Ngày Nay, vào những năm đầu thập niên 40.

Các nhân vật này có tuổi thọ khá dài, bởi đó là sự tạo dáng hài hước để chọc cười thiên hạ, qua cách mổ xẻ, bóc tách của tác giả. Và, họa sĩ Lý Trực Dũng cũng đã làm được điều đó. Anh sáng tạo nhân vật, qua nét hí họa chân dung chính mình, để đưa ra cười chê. 

Với góc độ của một nhà báo, họa sĩ Lý Trực Dũng đã ném sự chê cười những thói hư tật xấu vào gương mặt mình. Nét tự trào ấy làm mọi sự suy diễn nhẹ bỗng, tạo nên sắc màu hài hước dân gian, khơi gợi sự đồng cảm về nhiều phía. Và đó cũng chính là nét thông minh, qua ngôn ngữ trào lộng, mang tính phổ cập của anh.

Một số tác phẩm biếm họa của họa sĩ Lý Trực Dũng.

Du ca hồn Lụa

Lý Trực Dũng còn là một họa sĩ vẽ tranh lụa có phong cách độc đáo. Ngẫu hứng và mê say. Không mấy họa sĩ học kỹ thuật vẽ lụa nhanh như anh. Dường như cái sự học của Lý Trực Dũng là mộng mị của thần giao cách cảm. 

Anh ngồi nghe người em trai, họa sĩ Lý Trực Sơn, giảng giải về kỹ thuật vẽ lụa chỉ độ chừng hơn một giờ đồng hồ. Chấm hết. Còn lại mọi sự đều do cảm quan về nghệ thuật hội họa tạo hình. Tự học và thu nạp những điều bí ẩn của lụa, trước khi phóng bút lông tạo đường cong đầu tiên. Cứ thế là anh vẽ như nhập đồng trong một thế giới dị biệt, vô thường, khác hẳn cái cách cầm cây bút sắt vẽ biếm họa. 

Thể hiện ý tưởng trên biếm họa, anh là một bản lĩnh công dân có phần sắc lạnh, tràn đầy năng lượng. Nhưng khi bắt tay vào thế giới mong manh của tơ lụa, Lý Trực Dũng lại dịu dàng rất riêng biệt, thanh thoát và trong veo. 

Ẩn giấu trong cái mơ màng, hòa sắc mang yếu tố trừu tượng, anh còn để lại dấu ấn thẳm sâu về phận đời qua cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên về tranh lụa (năm 1989). Anh gây ấn tượng ở một kỹ năng làm mới nét vẽ lụa. Những bức tranh lụa của Lý Trực Dũng không để những nét nhòe mờ cổ kính của tranh lụa từ xưa tới nay, mà thanh thoát gợi cảm, ẩn giấu ý tưởng sâu sắc trong hình tượng.

Chính vì vậy, tranh lụa của Lý Trực Dũng cất lên một giai điệu bất ngờ, trong bản hợp ca chung. Chỉ một năm sau đó, một tác phẩm lụa của anh đã được giải Nhì trong cuộc triển lãm hội họa toàn quốc, năm 1990. Đó là tác phẩm “Chiến tranh”. 

Hình ảnh người mẹ ngồi bên cánh võng đưa ru một chiếc khung ảnh, chân dung người con trai đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước. Hoài niệm nhớ thương và lời ru từ cõi vô thường vang lên, bài ca tình yêu cuộc sống. Sự thành công của Lý Trực Dũng nằm ở sự dịu dàng trong tâm cảm đó.

“Rồng tre”

Những cuộc viễn du “tranh lụa” là một sự khám phá mới, một góc riêng của trái tim, còn tâm trí Lý Trực Dũng luôn luôn dẫn dắt anh quay về với biếm họa. Nào là viết sách, báo về nghệ thuật biếm họa; nào là chân dung bạn bè; hoặc những câu chuyện lịch sử và nghiệp dĩ của trò chơi kiếm nụ cười trong thiên hạ. Chung quanh anh bề bộn những công việc. Ít ai ngờ anh chính là tác giả của một số ngôi nhà hiện đại và con đường của thủ đô. 

Công việc kiến trúc, xây dựng bao vây anh suốt ngày, nhưng may mắn thay, kèm theo đó là những ý tưởng hài hước thường trực cũng nảy sinh, mỗi khi mâu thuẫn nội sinh xuất hiện. Thế là lại vẽ. Kho biếm họa của anh đã lên tới cả ngàn bức. 

Anh là người khởi xướng ra cuộc thi biếm họa trong mấy năm qua, với giải thưởng mang tên “Rồng tre”, do báo Thể thao và Văn hóa trao tặng thường kỳ tổ chức. Hiện nay, anh còn làm công việc biên tập cho các góc tranh biếm họa, trên báo Nhân dân hằng ngày và hằng tháng.

Mấy năm nay, Lê Trực Dũng còn tập trung hoàn chỉnh cuốn sách, viết về nghệ thuật “Biếm họa Việt Nam” (NXB Mỹ Thuật - 2011). Cuốn sách có giá trị lâu dài, được nhà trường và giới chuyên môn tham khảo, nghiên cứu. Anh là tác giả đầu tiên đi tiên phong khám phá lịch sử và quá trình phát triển của bộ môn này. 

Đồng thời anh còn viết hàng chục bài về chân dung họa sĩ biếm họa chuyên nghiệp, cùng đồng hành với anh trong suốt nửa thế kỷ qua. Cuốn sách đã tổng kết được lịch sử nghệ thuật Biếm họa trải qua gần 100 năm phát triển, có sự góp phần của anh, với nhiều cung bậc khác nhau, nhưng luôn luôn gắn bó trách nhiệm với thời cuộc. Đó chính là tấm lòng yêu thương cuộc đời và “Nụ cười” Lý Trực Dũng.

Vương Tâm
.
.