Còn đây mây trắng lưng đèo

Thứ Sáu, 28/04/2017, 14:24
Ở lưng chừng đèo An Khê (thuộc địa phận huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), võ sư danh tiếng Phi Long như đang sống ẩn mình, gần như tách biệt với thế giới bên ngoài mà cả một trời tuổi trẻ ông từng ngang dọc, đậm khí phách của cao thủ võ lâm Bình Định.

Và, trong một ngày lưng chừng tháng 4, lão võ sư 74 tuổi hào hứng kể về sôi nổi đời mình, đôi khi có những dấu lặng tuổi già…

1. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, tên tuổi của ông vang danh khắp trong nam, ngoài bắc, thậm chí là ở các võ đài quốc tế: cả 87 lần thượng đài đều giành chiến thắng, trong đó có 68 lần hạ knock-out đối thủ. 

Vậy mà khi hỏi, ông cười, rồi bảo rằng chỉ nhớ nhất những lần thượng đài, mà sau khi giành chiến thắng, là ông phải… bỏ chạy vì bị người đối thủ truy sát. Đầu tiên là trận đấu ở Biên Hòa (Đồng Nai) vào cuối năm 1968, đầu năm 1969.

Sau khi có một chút tiếng tăm, Phi Long - đại diện cho võ thuật miền Trung, đến Biên Hòa thách đấu với Minh Chảy - đại diện cho võ thuật miền Nam. Trước trận đấu này diễn ra, cả 2 võ sĩ đã từng thượng đài và gây dựng ít nhiều thanh danh. Đặc biệt là Minh Chảy, được lão sư phụ Minh Cảnh truyền dạy nhiều bí kíp tuyệt chiêu.

Trận đánh này được Tổng cục Quyền thuật Việt Nam đứng ra tổ chức. Lúc bấy giờ, mỗi trận đánh có 3 hiệp, mỗi hiệp kéo dài 3 phút, giữa các hiệp đấu có 1 phút nghỉ ngơi. Ở trận đấu đó, võ sư Phi Long hạ đối thủ khi mới bước sang hiệp thi đấu thứ 2.

Trước khi đấu, võ sư Phi Long biết võ sư Minh Chảy là một tay quyền Anh có tiếng, có bằng quyền Anh Đông Dương. Hơn nữa, cái lợi hại của Minh Chảy, là hấp thu được từ người thầy Minh Cảnh của mình cách đánh của nhiều loại võ của các môn phái khác nhau, rồi thi triển gần giống như ngón Muay Thái. Đặc điểm của võ sư Minh Chảy, là luôn dùng chỏ tới để bổ vào đầu đối thủ, kèm theo đó là gối sau (lên gối) vào phần dưới đối phương.

Nắm được điều này, tầm gần giữa hiệp 2, khi Minh Chảy bổ tới với thế chỏ tới, ngay lập tức Phi Long dùng tay trái "ba-rê", sau đó dùng tay phải "lốc-kê", khiến cho đối thủ dính đòn. Trúng đòn bất ngờ, Minh Chảy bị bật lại sau, đồng thời mất thế phòng ngự, chỉ đợi có thế Phi Long liền xoay người nửa vòng, tung chiêu đạp hậu khiến đối thủ "bay" khoảng 2,5m từ giữa đài đến mép đài, chạm dây rin của võ đài.

Ở tuổi thất thập, đôi khi lão võ sư sợ sự cô đơn.

Ông giải thích: "Khi Minh Chảy dùng chỏ tới, tôi dựng tay trái trước mặt để bảo vệ, gọi là ba-rê; sau đó, tôi đưa tay phải thẳng ra phía trước, gọi là lốc-kê, khiến cho Minh Chảy dính đòn. Sở dĩ có điều này, vì muốn đánh chỏ tới, Minh Chảy phải gấp tay lại và đưa chỏ tay về phía trước. Trong khi đó, tôi đưa tay - đấm thẳng ra phía trước, nhờ tận dụng toàn chiều dài của tay, nên Minh Chảy bị dính đòn trước khi bổ chỏ tới vào đầu tôi".

Tuy nhiên, điều làm ông nhớ nhất ở trận này, là sau khi hạ gục đối thủ, ông phải… bỏ chạy trước sự truy sát từ bạn bè của võ sư Minh Chảy. Ban đầu, trước sự đột ngột bị truy sát, ông túm lấy một người trong số ấy để đỡ đòn cho mình. Tuy nhiên, khi nhận thấy số người truy sát mình đông, ông nhanh chóng lẻn vào dòng người đông đúc và trốn thoát.

Trận đấu cuối năm 1969 ở Cam Phúc (Cam Ranh, Khánh Hòa), ông cũng phải thêm một lần nữa chạy trốn như thế.

Số là võ sư Kiêm Kê đào tạo 3 học trò cũng khá nổi tiếng là Kê Thắng Sơn, Kê Hoa Sơn và Kê Hoàng Hổ. Hai năm trước đó, võ sư Phi Long liên tiếp hạ gục Kê Thắng Sơn và Kê Hoa Sơn, nên Kê Hoàng Hổ muốn phục thù cho 2 người đồng môn nên thách đấu. Lúc bấy giờ, Kê Hoàng Hổ cũng có lối đánh khá giống với Phi Long.

Nên khi vừa lên đài, Kê Hoàng Hổ liền triển chiêu đá diện tiền (tức đá về phía trước mặt), võ sư Phi Long không né, mà dùng 1 chân để đỡ, sau đó Kê Hoàng Hổ xử tiếp chiêu đá diện tiền nữa, võ sư Phi Long bèn dùng chính chiêu này để đỡ lại, dụng ý thăm dò nội công đối phương.

Sau cú ra chiêu - đỡ chiêu đấy, 2 người rơi trở lại mặt đất, nhưng trong khi võ sư Phi Long đứng vững, thì Kê Hoàng Hổ thối lui vài bước; liếc mắt nhìn, Phi Long thấy vẻ mặt Kê Hoàng Hổ cố giấu sự đau đớn. Nhanh như chớp, ông lao về phía trước, rồi liên tục ra chiêu khiến cho đối phương choáng váng. Không để đối thủ hoàn hồn, nhanh như chớp, ông tung cước đá diện tiền vào ngay cổ Kê Hoàng Hổ, hạ gục đối thủ ngay ở hiệp 1.

Hạ gục đối thủ, mà không cần sử dụng chiêu đá hậu, chứng tỏ đối thủ quá kém so với ông. Nhưng cũng như lần ở Biên Hòa, lần này ông cũng suýt chết bởi sự truy sát từ bè cánh của Kê Hoàng Hổ. Nghe tiếng "giết, giết, giết", võ sư Phi Long nhảy xuống đài, bỏ chạy. Bên truy sát ném lựu đạn, võ sư Phi Long thấy vậy nên chạy né đi rồi nằm sát người xuống đất để tránh bị sát thương từ quả lựu đạn. Trước khi hòa vào dòng hỗn loạn của người dân, ông phải thêm 2 lần "né" lựu đạn như thế.

2. Dấu son chói lọi nhất trong sự nghiệp võ của ông, là hạ gục võ sĩ Thái Lan trên đất Campuchia vào cuối năm 1969. Sau khi đấu với Kê Hoàng Hổ xong, võ sư Phi Long được võ sư Minh Cảnh dẫn sang thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia) thi đấu, giải võ này quy tụ các võ sĩ đến từ 3 nước Đông Dương và thêm Trung Quốc, riêng đoàn Thái Lan chỉ đến xem, chứ không thi đấu.

Ở đây cần phải nói rõ thêm, là vì sao võ sư Minh Cảnh lại dẫn Phi Long đi thi đấu, khi mà trước đó Phi Long đã hạ gục đệ tử Minh Chảy của ông. Lúc bấy giờ, ngoài việc các võ sĩ đi thi đấu, thì các võ đường cũng đi chiêu mộ các võ sĩ, kiểu như chuyển nhượng cầu thủ bóng đá bây giờ, đi thi đấu để lấy danh tiếng cho võ đường.

Trở lại cuộc thi đấu ở Campuchia, sau khi hạ võ sĩ Trung Quốc và lên ngôi vô địch, Phi Long bị võ sư Thái Lan nhạo báng rằng ông ăn cắp Muay Thái của họ. Nghĩ đến sĩ diện bản thân và nền võ thuật của đất Việt, ông thách đấu với võ sĩ đó và hứa không dùng những chiêu chỏ, gối mà vị này nói rằng ông ăn cắp.

Võ sư Phi Long biểu diễn chiêu Mãnh hổ quá sơn.

Biết đây là đối thủ mạnh, sử dụng Muay Thái cực kỳ lợi hại, nên khi đấu, võ sư Phi Long triển những thế đánh dài để khóa các đòn muay mà đối thủ triển ra, mục đích là lợi dụng sự sơ hở của đối phương để tung chiêu đạp hậu, kết liễu trận đấu. Nhưng võ sĩ người Thái này không phải là tay vừa, tấn thủ đều lợi hại, kín kẽ.

Đột nhiên, võ sư Phi Long nghĩ đến các chiêu thật-giả, đây được xem là ngón nghề để bẫy đối phương, khiến họ mất phương hướng rồi phản đòn. Song, như trên đã nói, võ sĩ người Thái này rất lợi hại, nên "mô típ" giả-thật-quyết định đơn thuần không phát huy hiệu quả. 

Võ sư Phi Long bèn dồn hết tâm huyết để tung chiêu liên hoàn giả-thật-quyết định. Giả có nghĩa là đánh lừa, thật là đánh trúng, rồi lợi dụng cái trúng đó, tung đòn quyết định để hạ gục đối phương.

Nói thì dễ, nhưng để xử được chiêu đó, trước tiên ông phải ba-rê đỡ đòn, rồi tung chiêu lốc-kê phản đòn khiến đối thủ bất ngờ, khựng lại. Và khi chân đối thủ vừa chạm đất, chưa kịp hoàn về để thủ, ông liên tục tung chiêu giả đánh vào mặt đối phương, ép đối phương chạy từ góc sàn thì đấu này đến hết sàn thi đấu khác. 

Do mải đỡ những chiêu giả của đối phương, võ sĩ người Thái bị sơ hở phần dưới cơ thể, để lộ ra điểm yếu. Chỉ đợi có thế, võ sư Phi Long dùng thêm chiêu giả để đánh vào vùng này.

Rất nhanh chóng, võ sĩ người Thái ra chiêu đỡ. Đó cũng là lúc, võ sư Phi Long biết đối phương mắc bẫy, nên sau những cú đánh đà-rắc (liên tiếp) trực diện vào mặt, ông dùng tay phải đánh sin (nắm đấm từ phía sau, cao ngang vai, đâm mạnh theo kiểu gọng kìm, vào vùng mặt phía trái của đối phương) khiến cho võ sĩ người Thái choáng váng vì dính đòn. Thấy đòn thật phát huy hiệu quả, liền sau đó võ sư Phi Long tung đòn quyết định, bằng cách xoay nửa người, rồi tung chiêu đạp hậu. Võ sĩ người Thái bị hạ gục khi chưa hết hiệp thi đấu đầu tiên.

3. Bước qua tuổi thất thập, lão võ sư vẫn cường tráng, minh mẫn của bậc cao thủ võ lâm. Cách đây 15 năm, ông rời khỏi chốn đông đúc, rồi ngược đèo An Khê để làm nơi ẩn danh. 

Qua mấy lời trò chuyện, tôi mới biết là ông đang sợ, ông sợ sự cô đơn, khi đã nói lời chia tay với… 12 bà vợ. Ông cưới người vợ đầu tiên, là vào năm 23 tuổi, cuộc hôn nhân ấy, kéo dài 2 năm rồi đổ vỡ. Mà bây giờ nhìn lại, không riêng gì cuộc đổ vỡ ấy, mà những lần dang dở sau này, cùng đều lỗi do ông, vì quá mê võ quá.

Cưới vợ về, ông cứ "để đó" vì mang tư duy, là vợ cưới rồi là của mình, không "chạy" đâu được. Thành ra, cứ đâm đầu luyện võ, rồi đi thách đấu, để khi nghoảnh lại, chẳng còn người đàn bà nào bên mình. Ông cười, sau này đến người vợ thứ… 12, ông mới hiểu đầy đủ thế nào là đời sống vợ chồng.

Nhưng sống với nhau được 21 năm, có với nhau 1 con trai, những lục đục khiến ông một lần nữa dang dở hôn nhân. Sau này, ông nhận ra, những cô gái trước, đến với ông chỉ là thần tượng tài nghệ của ông, chứ chưa có yêu đương gì, ngoài bà vợ thứ 12.

Cách đây 7 năm, tức là sau 8 năm cùng chung sống với ông ở đèo An Khê, người vợ thứ 12 rời bỏ ông sau những xích mích không thể làm hòa. "Đó là người vợ hiền nhất trong cuộc đời tôi, bả hiền đến ngây thơ và quá tin người, để lại cho tôi nhiều tai hại" - võ sư Phi Long nhớ lại.

Số là ông có tượng đồng rất giá trị, lên đến khoảng 1.200 cây vàng. Biết thế, nên có một người luôn theo dõi để trộm, nên mỗi khi ra ngoài, ông đều dặn kỹ vợ cẩn thận. Tuy vậy, vì vợ quá thật thà nên cũng bị lừa mất. Bảy ngày sau, cặp kiếm cổ mà ông mua ở Đà Nẵng hết 10 cây vàng, cũng bị trộm mất. Sau những "sự kiện" ấy, ông… chia tay với người vợ thứ 12.

Nên bây giờ, cái sợ của ông là lúc ốm đau nằm xuống, không ai trông coi, thuốc thang. "Chứ còn đang yên đang lành, đột tử một phát, rồi chết khỏe re, thì tôi chẳng lo gì" - ông nói, như trải hết lòng mình cho người đối diện. Tôi thoáng nhìn, trong đôi mắc sáng quắc ấy, ẩn chứa những nỗi niềm u uẩn, về tuổi trẻ nông nổi, và cả tuổi già hiu quạnh. Rồi tưởng tượng, dáng ông như mây trắng lưng đèo.

Xuân Thọ
.
.