Ba người đẹp lưu dấu trong thơ Lưu Quang Vũ

Thứ Ba, 03/04/2018, 09:18
Thoáng chốc, nhà thơ - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã rời khỏi thế gian 30 năm. Tai nạn bất ngờ khiến cuộc đời ông dừng ở tuổi 40, nhưng sự nghiệp ông vẫn rực rỡ "sống mãi tuổi 17" như tên vở kịch đầu tay của ông. 

Công chúng ngưỡng mộ Lưu Quang Vũ không chỉ bởi những tác phẩm có sức rung động mạnh mẽ, mà còn bởi trái tim đa cảm "Đã có lần tôi muốn nguôi yên/ Khép cánh cửa lòng mình cho gió lặng/ Nhưng vô ích làm sao quên được/ Những yêu thương khao khát của đời tôi". Ông đã sống chân thành và đã yêu say đắm, mà ba mối tình tuyệt đẹp vẫn còn lưu dấu trong thơ ông!

21 tuổi, Lưu Quang Vũ cưới vợ. Một đám cưới trong hoàn cảnh đất nước đang chiến tranh thì không có gì đáng nói, nếu so với những dạ tiệc linh đình bây giờ. Thế nhưng, cô dâu của ngày tân hôn ấy là một người đẹp rất nổi tiếng - diễn viên Tố Uyên. 

Chỉ hơn 10 tuổi, Tố Uyên đã đóng vai chính trong bộ phim "Con chim vành khuyên". 

Nhan sắc và tên tuổi của Tố Uyên thuở đôi mươi rất nhiều người theo đuổi, nhưng bà vẫn quyết định sánh duyên với Lưu Quang Vũ, với lý do: "Giữa bao chàng trai hâm mộ, tôi chọn Vũ vì chúng tôi thân thiết từ bé. Tôi nhận thấy Vũ có tài từ những ngày đó. Trong tình yêu, hiếm có ai yêu cuồng nhiệt và thiết tha như Vũ".

Nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh.

Với Tố Uyên, những rung cảm đầu đời của Lưu Quang Vũ không chỉ thấy "Dưa hấu bổ ra thơm suốt ngày dài/ Em cũng mát lành như trái cây mùa hạ" mà còn lan tỏa đến tận mỗi… ngón tay. 

Đó là bài thơ "Hơi ấm bàn tay" được Lưu Quang Vũ viết tặng Tố Uyên năm 1967: "Phút đưa nhau ta chỉ nắm tay mình/ Điều chưa nói thì bàn tay đã nói/ Mình đi rồi hơi ấm còn ở lại/ Còn bồi hồi trong những ngón tay ta/ Như hai dòng sông gặp gỡ đổi phù sa/ Nhập luồng nước, hoà nhau màu sắc/ Trao cảm thương hay bàn tay nắm chặt/ Nghe máu mẹ cha chuyển giữa mỗi tay mình"

Tuy nhiên, trong khu vườn hạnh phúc cũng có không ít âm u không phải bởi cành khô hoặc lá vàng, Lưu Quang Vũ mơ hồ nhận ra: "Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa/ Thương vườn cũ gãy cành và rụng trái/ Áo em ướt để anh buồn khóc mãi/ Ngày mai chúng mình ra sao em ơi?".

Quan hệ vợ chồng của Lưu Quang Vũ và Tố Uyên dù có chung người con trai Lưu Minh Vũ, cũng chỉ kéo dài được 3 năm, từ 1969 đến 1972. Không thể biện giải lỗi của ai. Lắm phen hai cá thể hoàn hảo cũng không thể kết thành một cặp đôi hoàn hảo. 

Quan trọng là họ đã đến với nhau thật lòng, và có được với nhau những ngày mãn nguyện, mà sự đổ vỡ thì không thể nào ngờ. 

Dấu chấm hết cho cuộc hôn nhân với nữ diễn viên Tố Uyên, ít nhiều được Lưu Quang Vũ hé lộ trong bài thơ "Nói với con cuối năm" dành riêng cho con trai mình: "Con ơi, con hãy tha thứ cho cha/ Cha chẳng thể nào sống cùng mẹ được/ Đời cha nắng gắt/ Mẹ con cần suối mát của đồng vui/ Con khôn lớn trên đời/ Hãy yêu thương mẹ/ Và hãy hiểu cho cha".

Cuộc đời của nhà thơ - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ bật sáng sau tuổi 30, khi ông chuyển sang viết kịch. Thập niên 80 của thế kỷ trước, tác phẩm của Lưu Quang Vũ làm mưa làm gió trên sàn diễn cả nước. 

Từ "Tôi và chúng ta", "Cậu đồng" cho đến "Hoa cúc xanh trên đầm lầy", "Hồn Trương Ba da hang thịt" đều làm nức dạ người yêu sân khấu. Tuy nhiên, mọi tâm tư sâu kín nhất của Lưu Quang Vũ đều gửi gắm vào thơ. 

Chỉ ở trong thơ, chân dung Lưu Quang Vũ mới hiện ra với tất cả sự run rẩy lẫn sự mềm yếu của một người đàn ông khao khát yêu và được yêu: "Chúng mình đã chờ nhau, đã yêu nhau biết mấy/ Bao sớm mưa bay, bao ngày nắng dậy/ Nhưng bức tường đã chắn giữa đôi ta…/ Giữa đời anh và khuôn mặt em/ Một bức tường xa lạ đã dâng lên…".

Cuộc hôn nhân thứ hai của Lưu Quang Vũ là sự sắp xếp trọn vẹn của định mệnh. Nữ sĩ Xuân Quỳnh xuất thân là diễn viên múa, lớn hơn Lưu Quang Vũ đến 6 tuổi. Thuở bé, Lưu Quang Vũ vẫn gọi là "cô Quỳnh". 

Sau khi nữ sĩ Xuân Quỳnh chia tay người chồng đầu tiên thì Lưu Quang Vũ cũng đang độc thân. Họ đến với nhau như hai mảnh ghép số phận, chông chênh mà vừa vặn, muộn màng mà đằm thắm. 

Như chính thổ lộ bằng thơ của Lưu Quang Vũ "Khi tàu đông anh lỡ chuyến đi dài/ Chỉ một người ở lại với anh thôi/ Lúc anh vắng người ấy thường thức đợi/ Khi anh khổ chỉ riêng người ấy tới/ Anh yên lòng bên lửa ấm yêu thương".

Nữ sĩ Xuân Quỳnh xuất hiện, không chỉ mang cho nhà thơ - nhà viết kịch một mái nhà đi về sớm khuya, mà còn giúp thơ ông có những dòng trìu mến: "Em của anh, đôi vai ấm dịu dàng/ Người nhóm bếp mỗi chiều, người thức dậy lúc tinh sương/ Em ở đấy, đời chẳng còn đáng ngại/ Em ở đấy, bày tay tin cậy/ Bàn tay luôn đỏ lên vì giặt giũ mỗi ngày/ Đôi mắt buồn của xứ sở có nhiều mưa/ Ngọn đèn sáng rụt rè trên cửa sổ/ Đã quen lắm, anh vẫn còn bỡ ngỡ/ Gọi tên em, môi vẫn lạ lùng sao".

Viết về Xuân Quỳnh, nhà thơ - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ nhắc luôn tên vợ trong nhiều bài thơ. 

Trong bài thơ khá dài "Cho Quỳnh những ngày xa", Lưu Quang Vũ trào lên những ưu tư của một tâm hồn bay bổng: "Khi cách nhau hàng vạn dặm không gian/ Anh mới hiểu khoảng cách không đáng sợ/ Anh thấy em bên mình, như nghe từng nhịp thở/ Anh là cửa sổ con tàu nơi xứ lạ em đi/ Là quê hương ngóng đợi em về/ Tổ quốc là gì, nếu nơi đó không có người mình yêu dấu/ Tình yêu là gì, nếu không vì nó ta thêm yêu Tổ quốc/ Chúng ta yêu nhau, chúng ta chiến thắng/ Cái đáng sợ nhất trên đời này: những khoảng cách/ Những khoảng cách giữa thực tại và ước mơ, giữa những điều ta mong với những gì ta có được".

Nữ sĩ Xuân Quỳnh và nhà thơ - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ cũng có chung một đứa con - Lưu Quỳnh Thơ. Tai nạn khủng khiếp ngày 29-8-1988 đã cướp đi cả ba sinh mạng trong gia đình nhỏ bé của họ. Bài thơ cuối cùng Lưu Quang Vũ để lại trên đời, cũng là bài thơ viết cho Xuân Quỳnh trong một chuyến đi xa. 

Diễn viên Tố Uyên.

Bài thơ "Thư viết cho Quỳnh trên máy bay" đề ngày 7-5-1988, có những câu day dứt: "Có phải vì mười lăm năm yêu anh/ Trái tim em đã mệt/ Cô gái bướng bỉnh/ Cô gái hay cười ngày xưa/ Mẹ của các con anh/ Một tháng nay nằm viện/ Chiếc giường trắng, vách tường cũng trắng/ Một mình em với giấc ngủ chập chờn/ Thương trái tim nhiều vất vả lo buồn/ Trái tim lỡ yêu người trai phiêu bạt/ Luôn mắc nợ những chuyến đi, những giấc mơ điên rồ, những ngọn lửa không có thật/ Vẫn là gã trai nông nổi của em/ Người chồng đoảng của em/ 15 mùa hè chói lọi, 15 mùa đông dài". 

Chính bài thơ của Lưu Quang Vũ xác định dùm người hâm mộ về cuộc tình của họ bắt đầu từ năm 1973.

Ngoài hai người vợ Tố Uyên và Xuân Quỳnh, còn một người đẹp nữa ghi dấu cồn cào "Tôi đợi em trên mọi ngã ba đường/ Tôi gọi em khản giọng những đêm sương/ Tôi lầm lạc ngỡ em không có thực/ Em thuở ấy nơi nào, em có biết/ Sao ngày xưa ta chẳng đến cùng nhau" trong thơ Lưu Quang Vũ là họa sĩ Nguyễn Thị Hiền. 

Không chỉ là con gái của nhà văn Kim Lân, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền từ nhỏ đã được ca ngợi như một thần đồng mỹ thuật. 

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền kể lại khoảnh khắc gặp Lưu Quang Vũ lần đầu tiên tại một buổi đọc thơ: "Ngay lập tức, tôi thấy trái tim mình lỗi nhịp. Tôi cảm được chuyện gì đang xảy ra. Nhưng còn biết làm gì hơn là nghe thơ xong thì đi về. Vừa tới nhà, quay ra tôi đã nghe tiếng gõ cửa. Vũ đứng đó, trong chiếc áo mưa lính, chân như xịu xuống, rụt rè: 'Vũ muốn gặp Hiền'. Chúng tôi lững thững đi dạo bên nhau. Anh đưa tặng tôi một bài thơ vừa hoàn thành và nhỏ nhẹ: Vũ đã yêu Hiền từ lâu!".

Giai đoạn yêu họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, nhà thơ - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã có những vần điệu mà ông gọi là "Thơ tình về một người đàn bà không có tên". 

Tình yêu Lưu Quang Vũ và Nguyễn Thị Hiền chỉ thăng hoa giữa hai cuộc hôn nhân của Lưu Quang Vũ, nhưng để lại cho Lưu Quang Vũ nhiều câu thơ hay đến mức ám ảnh. 

Bài thơ "Lá thu" viết tặng họa sĩ Nguyễn Thị Hiền khi nhìn người em đang vẽ tranh, có thể xem là một trong những bài thơ tình hay nhất của Lưu Quang Vũ: "Những lá thư không biết gửi về đâu/ Những hải cảng không có tàu cập bến/ Quen thất vọng tôi hồ nghi mọi chuyện/ Tìm trong mắt em náo động những chân trời/ Ngõ phố dài hôm ấy mưa rơi/ Đá xa vắng trên mặt đường sắc lạnh/ Tóc em rối và áo em đỏ thắm/ Những bức tranh nổi gió ở trên tường…/ Thế giới xanh xao những sự thật gầy gò/ Em đã đập vỡ ra từng mảnh/ Giấu sôi sục trong những đường nét lạnh/ Em đi tìm thế giới của riêng em".

Bây giờ, nhà thơ - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã đi xa 30 năm. Thời gian không quay lại, tình yêu cũng không quay lại. 

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền thong thả hồi tưởng vì sao ngày xưa chị không đến với Lưu Quang Vũ: "Lúc đó, tôi chỉ là một cô bé hồn nhiên, chỉ biết vẽ và đọc sách thôi, chưa từng biết lo toan, sắp xếp một cuộc sống gia đình. Trong khi Xuân Quỳnh là một phụ nữ rất trải nghiệm. Xuân Quỳnh yêu Lưu Quang Vũ hết lòng và cũng lo cho anh được rất nhiều. Tôi cũng biết, tình yêu của hai tâm hồn có thể đẹp nhưng khi buộc phải chạm vào đời thực, biết đâu, nó khiến con người vỡ vụn, chơi vơi".

Tuy Hòa
.
.