Tiễn biệt thi sĩ Thanh Tùng: Chiếc lá rơi vẽ lối sang chiều

Thứ Sáu, 29/09/2017, 14:26
Thi sĩ Thanh Tùng ra đi nhẹ nhàng trong một đêm tháng 9 nhì nhằng những cơn mưa phương Nam. Bây giờ, nhà thơ trưởng thành từ màu áo thợ Hải Phòng, đã yên nghỉ ở hoa viên nghĩa trang Bình Dương, bên cạnh nhiều văn nhân nổi tiếng khác.

Cuộc đời 83 năm của thi sĩ Thanh Tùng trải dài trong thơ, ngụp lặn trong thơ và thăng hoa trong thơ. Những câu thơ sẽ thay mặt ông tiếp tục nói với công chúng hôm nay và mai sau bao lời thì thầm nhân ái!

Thi sĩ Thanh Tùng gieo neo và vất vả. Con gái của ông thấu hiểu cha mình nếm trải nhiều cơ cực, đã tổ chức cho ông buổi sinh nhật khá tưng bừng tròn 80 tuổi. Lần đầu tiên (và cũng là lần duy nhất trong đời) Thanh Tùng được phát thiệp mời sinh nhật mình, ông vui lắm. 

Tiệc tan, bạn bè về hết, men say còn ngất ngây, Thanh Tùng viết cho cái ngày 7-11-1935 mà một cậu bé có tên thật Doãn Tùng cất tiếng khóc chào thế gian: "Ngày tôi ra đời gió chưa bị xước/ Mọi bông hoa được nở hết mình/ Mùa thu được buồn/ Mùa xuân được hát/ Mùa hè òa vỡ nắng trinh nguyên/ Mùa đông mộ những mối tình đầu". Tâm sự ngỡ chừng mông lung ấy, ít nhiều phơi bày cốt cách của thi sĩ Thanh Tùng chân thành và mơ mộng!

Thanh Tùng từng đi thanh niên xung phong, từng làm giáo viên thể dục, từng quai búa ở xí nghiệp cơ khí, từng áp tải hàng hóa, từng buôn bán vỉa hè… Thế nhưng, dù nghề lấm láp hoặc nghề nhọc nhằn, dù nghề đổ mồ hôi hoặc nghề rơi nước mắt, cũng không thể nào xóa nhòa cảm xúc thi sĩ của Thanh Tùng. Nói cách khác, Thanh Tùng thao thức với thơ, dâng hiến cho thơ, và thơ cũng không bỏ rơi ông. 

Thanh Tùng có những câu thơ mang đầy phẩm vị thi sĩ máu thịt, như "những vòm liễu nhúng chiều vào đáy nước" hoặc "nối bao gió thu cho tôi tới được em". Tuy nhiên, xét tổng thể trong hơn 500 bài thơ mà Thanh Tùng để lại cho bạn đọc, thì thơ ông có ba mảng đề tài rõ nét: thành phố trai trẻ, người vợ bạc mệnh và nhân tình hư ảo!

Thành phố trai trẻ của Thanh Tùng là Hải Phòng. Nơi ông có những câu thơ vụng dại khởi nghiệp, và ghép tên Thanh của người em trai bất hạnh vào tên mình mà thành bút danh Thanh Tùng. Mấy chục bài thơ viết về Hải Phòng, bài nào cũng run rẩy, bài nào cũng nồng nàn, bài nào cũng nôn nao. Thanh Tùng tự thú: "Tôi đã làm thơ từ sau xe bò chở gạch/ Đến quảng trường nổi gió lúc nửa đêm/ Tiếng ghi ta ngập ngừng ven bờ sông Lấp/ Rồi bay lên sóng sánh ánh sao trời", Thanh Tùng nhận diện: "Những cần cẩu treo toàn không khí/ Thả những dấu hỏi khổng lồ vào cửa biển vắng con tàu/ Ở đâu những bạn thợ của tôi/ Trái tim mệt nhọc lăn trong ngõ lầy lội", Thanh Tùng cam kết: "Rồi mai đây ở bất cứ nơi nào/ Tôi cũng chỉ thấy mình chen chân trên Cầu Đất/ Hoa bằng lăng tím đến dại khờ", rồi Thanh Tùng ấp iu: "Tôi vẫn tin có ngày trở lại/ Bao già nua trút ở ngoại ô/ Để được chạy với bàn chân tinh khiết/ Phố Hàng Cau rồi phố Hàng Song/ Những con đường trong như nước mắt/ Sông Đào chảy vào tôi nguồn mơ mộng/ Những cánh buồm đã viết lên tôi nỗi buồn thứ nhất".

Người vợ bạc mệnh đã giúp ông có được bài thơ "Thời hoa đỏ" lừng lẫy. Hình ảnh người đàn bà nhan sắc Thanh Nhàn thường xuyên xuất hiện trong thơ ông như một nỗi ám ảnh khôn nguôi. Mối tình "mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi" kéo dài 15 năm, không chỉ hiển lộ trong các bài thơ "Thất tình" hoặc "Sau thời hoa đỏ", mà đã vun đắp những câu thơ dằn vặt khác: "Đêm quờ phải mặt ta, đêm nghẹn ngào run rẩy/ Đường chạm phải bóng ta, đường co mình trốn chạy/ Tiếng giày ta hay tiếng đóng quan tài/ Mà mỗi chiếc lá trên đầu cũng vội vàng khép lại/ Sương mặt sông chập chờn đổ vỡ/ Khóc đầm đìa trên những cột buồm cao/ Ngõ thẳm chôn gì, dựng đôi tầng đá xám/ Bóng ai còn buốt lạnh nét cầu xa/ Mười lăm năm em chưa về/ Mang theo cả nắng cuộc đời/ Ngôi nhà cũ bên sông giờ mới lại/ Bến xưa tàu đã ken dày/ Chỉ một lòng ta còn hóa dại/ Mười lăm năm đè nát một đêm nay". Sự chia lìa ấy, Thanh Tùng nhận hết lầm lỗi cho mình, và ông cầu nguyện khi bà Thanh Nhàn mất đi: "Ước gì tôi lại được bên em/ Lúc ấy mặt trời cũng thành giọt mật/ Tôi sẽ yêu em với một tình yêu khác/ Một tình yêu êm ái hơn nhiều". Ân nghĩa với bà Thanh Nhàn, được Thanh Tùng dồn hết cho hai đứa con chung Thi và Hương của họ: "Mẹ các con chẳng còn yêu cha/ Các con đã đi xa theo mẹ/ Cha chỉ nghĩ các con vừa ra chơi ngoài phố/ Cha vẫn mở, các con ơi, đôi cánh cửa/ Trong cả ngày lẫn đêm/ Trong cả mùa xuân lẫn mùa đông/ Và giữa hai cánh cửa kia/ Treo trái tim cha nặng trĩu nỗi mong chờ".

Nhân tình hư ảo, nghĩa là những bóng hồng vụt qua chốc lát giữa đời Thanh Tùng. Những người phụ nữ có thể đã gửi lại một gót son thấp thoáng, có thể đã gửi lại một nụ cười lơ đãng, có thể đã gửi lại một vạt lụa buồn thương hoặc có thể đã gửi lại một lời hẹn hắt hiu… 

Những người phụ nữ ấy có khi cũng không nhớ đã sơ ý đặt một xao động vào lòng Thanh Tùng, nhưng ông nâng niu hết thảy, gìn giữ hết thảy và chuyển tải hết thảy vào thơ. Này cô gái trên phố dài Thụy Khuê hôm nao bận bịu "Em ở lại với mùa thu Hà Nội/ Với màu buồn của liễu vẫn nuôi em/ Chiếc lá rơi vẽ lối sang chiều/ Đưa tóc em về đường gió khóc"

Này cô gái cá tính mạnh mẽ đã quay lưng vào xa thẳm: "Em đạp lên tất cả/ Rồi ngã vào anh theo cách ngã mùa thu/ Rồi hôn lên anh theo cách hôn dài của gió". Này cô gái thảnh thơi bước ngang đồi vắng nghiêng bóng thùy dương: "Em đã cho anh biết mình còn được yêu và có thể yêu/ Trên bãi cát đời anh khô khát/ Cây xương rồng kia bừng nở hoa rồi!".

Ngoài ba mảng đề tài chính kể trên, Thanh Tùng còn viết rất hay về rượu và mùa thu. Thanh Tùng quan niệm "không có tôi, rượu sẽ bơ vơ" nên chỉ cần vẩy một hơi cay vào cảm xúc thì lập tức bật ra những câu thơ nức dạ "Những em gái thập thò sau khung cửa/ Ánh mắt như màu rượu ủ lâu ngày". 

Thanh Tùng bộc bạch "tôi là người nôn nóng nhất của mùa thu", nên khoảnh khắc chuyển từ hạ sang thu bỗng hiện lên trong thơ ông đẹp não nùng: "Có tiếng ngân xa trong ngực nước chiều/ Có tiếng chia ly héo dần trong sẫm tối/ Tà áo gió xéo qua làn cỏ rối/ Rồi kéo theo tất cả màu xanh/ Kẻ ra đi thành cách biệt/ Người quê hương thành lữ khách/ Một mặt lá mùa hè còn níu ở/ Mặt kia thoáng đã thu đầy/ Tôi xanh lại trong tôi từng hơi thở/ Khi chạm vào thảng thốt heo may".

 Thi sĩ Thanh Tùng nhạy cảm với từng số phận con người, do vậy ông có những quan sát và những phát hiện đau đáu và lấp lánh. Bài thơ "Đôi nạng" viết về hậu quả B52 ở Hải Phòng, chỉ ngắn ngủi mấy câu mà dư âm ngậm ngùi một niềm san sẻ: "Ngày khai trường/ Cha mua cho con đủ thứ/ Nào sách bút, nào áo quần/ Lại cả đồ chơi nữa/ Nhưng cha ơi, cha quên sắm cho con đôi nạng mới/ Vì đã hai năm qua, từ khi con bị bom/ Chiếc nạng cũ chẳng chịu cùng con lớn lên, cha ạ!".

Cảm hứng thế sự được thể hiện khá đầy đủ trong trường ca "Nhịp điệu phương Nam" của Thanh Tùng. Từ khi 60 tuổi, Thanh Tùng chuyển hẳn vào định cư ở Sài Gòn. Năm 2005, sau 10 năm gắn bó với đô thị sầm uất còn vang vọng hành khúc những người đi mở cõi, Thanh Tùng hoàn thành trường ca "Nhịp điệu phương Nam". 

Ngoài những hé lộ mang tính riêng tư như "Anh đang ở trong ngôi nhà mà em đã mua bằng giá của cả một thời cô đơn thiếu nữ/ Chúng ta vội vàng kết gắn như nếu không thì lỡ mất chuyến tàu mà không bao giờ tới nữa", Thanh Tùng tập trung phác thảo hồn vía mảnh đất đã rộng rãi cưu mang mình nắng xế mệnh kiếp lênh đênh: "Tôi đã tiêu xài mười năm đích thực/ Dẫu chỉ trong ngõ lầy gầy guộc/ Tôi đã hưởng tự do, công bằng vì tôi biết những thứ quý báu đó, Người đã chia đều như không khí/ Người đã chấp nhận tôi bỏ qua nhiều nguyên tắc, còn tôi lấy mộng mơ thay cho bao giấy tờ phiền toái/ Trên đất đai phì nhiêu lạ lùng, tôi mọc lên theo những cây xoài, cây mận/ Tôi mê man dọc những dòng sông ăm ắp nắng/ Tôi nối với Người chẳng cần cây cầu nào".

Trong trường ca "Nhịp điệu phương Nam", Sài Gòn hiện lên rộn ràng, độ lượng và bay bổng: "Tôi đã mất mát nhiều, giờ mới lại có thêm/ Những tượng đài dạy tôi biết nhớ/ Những trận gió dạy tôi hào phóng/ Đất đai của hát ca/ Cho tôi tới được miền tươi trẻ/ Đêm đêm tôi ngủ trong trái dừa non/ Để ngày mai của mình ngọt lịm". 

Và Thanh Tùng nghĩ đến trách nhiệm của người làm thơ hôm nay: "Đêm đêm lần theo từng hẻm nhỏ/ Lắng nghe kênh Nhiêu Lộc thở than/ Để thơ tôi đổi thay tội ác/ Để thơ tôi không như kẻ thờ ơ tối tối rửa chân rồi yên tâm đi ngủ".

Thanh Tùng là một thi sĩ đích thực. Ông làm thơ đến tận những phút giây cuối cùng của đời mình. Trước khi thúc thủ trước căn bệnh nan y, Thanh Tùng vẫn sáng tác những vần điệu đắm đuối: "Sao gọi mãi vẫn nghe im lặng/ Ở nơi ấy có còn xưa không/ Những cuộc tình đã tắt bao năm/ Còn day dứt trong lòng ngõ hẹp". 

Đêm 12-9-2017, trái tim chưa hề biết mệt mỏi của Thanh Tùng đã ngừng đập. Vĩnh biệt thi sĩ Thanh Tùng, người yêu thơ lại đọc bài thơ mà ông đã viết tiễn đưa một đồng nghiệp cách đây không lâu, để tiếc nuối ông: "Anh đã đi xa/ Chỉ còn những câu thơ ở lại/ Những câu thơ tê tái/ Chạy như lá khô viền tang trên trán phố chiều nay/ Anh đã đi xa/ Ai đón rước mùa thu ngoài đồng nội/ Ai dẫn lối cho mùa xuân trở lại/ Ai giữ hồn nhiên giúp lũ trẻ bơ vơ/ Ai nâng lên cánh hoa vừa rụng?".

Lê Thiếu Nhơn
.
.