Cung đường xa và trang sách mở

Thứ Ba, 18/06/2019, 17:01
Khi tôi viết những dòng này, Chi vẫn đang mải miết đạp xe trên những cung đường xa xôi. 

Cuộc đi lần này đã bắt đầu từ trước tết Kỷ Hợi và đến nay Chi vẫn chưa về nhà. Với Chi lúc này, có hai điều đang chiếm trọn thời gian, tiền bạc và công sức: đi và dịch sách. 

Hai điều này được Chi thực hiện song song, đi để có trải nghiệm, lấy cảm hứng dịch sách, và dịch để có lộ phí đi khắp nơi cho đã con mắt, thỏa đôi chân, để tận mắt thấy cuộc sống của người dân ở những chấm nhỏ trên quả địa cầu…

1. Lâu lâu nhớ đến Chi, tôi lại nhắn tin: "Đang ở đâu?". Câu đáp lại bao giờ cũng đầy háo hức và phấn chấn: "Mình đang ở biên giới Myanmar, thú vị lắm...",  "Đang thăm chùa Thái Lan" hay "Vẫn đang đạp nhé"... 

Cuộc đi nào Chi cũng lủi thủi một mình, một xe đạp, một laptop, một balo, và tự gặm nhấm một mớ những cảm xúc mãnh liệt khi được thấy một khung cảnh mới, được gặp một con người mới, được biết một thông tin mới… 

Lúc mải miết trên những cung đường, lúc lần mò vào những hiệu sách địa phương tìm hiểu đất nước, xã hội nơi đây, hòng tìm thấy một chút manh mối giải thích cho những gì quan sát được. 

Chi không quan tâm đến việc mọi người có biết mình đang đi hay không, Chi chỉ chăm chú vào việc đi được những đâu, và ở đó có gì đặc biệt lưu lại trong tâm trí. Lúc đạp thì thỏa thích ngắm cảnh, lúc dừng thì hì hụi ghi chép, dịch sách và đọc sách. Những trang nhật kí ngày một dày thêm, đậm đặc sự kiện, chi tiết và sự so sánh liên tưởng.

Hỏi Chi từ bao giờ có ý định đi lang thang như thế? Chi cười, có lẽ từ ngày bé, khi đang học trường làng nhưng lại luôn muốn đi đến các trường khác, ở những vùng đất khác xem các bạn có học hành giống mình không.

Cho đến khi học ở khoa Tiếng Anh của Đại học Ngoại ngữ, Chi hào phóng chia sẻ căn phòng trọ chật hẹp ở Đông Ngạc (Từ Liêm, Hà Nội) cho khách du lịch bụi đến thủ đô. 

Bù lại, Chi được giao tiếp tiếng Anh. Những vị khách đặc biệt như cánh cửa mở ra thế giới, cho Chi một cái nhìn khác, một quan niệm khác về cuộc sống. Cuộc đi của họ dẫn lối Chi đến một kiểu sống trải nghiệm, chu du thế giới theo những cách riêng. Rất nhiều người đạp xe đến Việt Nam, vậy thì Chi cũng hoàn toàn có thể từ Việt Nam đạp sang các nước khác.

Ra trường, sau một thời gian viết báo và làm công việc xuất bản sách, Chi quyết định xách xe lên đường. Tự đặt mục tiêu đạp xe 150km mỗi ngày và không quay lại những cung đường cũ, Chi đã đặt chân đến nhiều nước như Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore... Kèm cả mục tiêu dịch 3 trang sách mỗi ngày, Chi đến nay đã là dịch giả quen thuộc của các nhà sách Thái Hà Books, Alphabooks, Omega Plus,...

Với Chi, đi và dịch đều là hành trình đơn độc, là quá trình thử thách bản thân, là cuộc khám phá những điều mới, thậm chí mang đến cả những dự định mới… Cảm giác hồi hộp, phấn khích, một chút lo lắng và căng thẳng luôn xuất hiện trước mỗi cuộc đi.

Nhưng khi đã đi và tới đích thì vui phát điên lên vì đã vượt qua một cách ngoạn mục những điều không hề biết trước. Đó là lúc phải đạp trên những con đường núi gồ ghề chỉ toàn lên dốc, vừa gò lưng vượt dốc này đã gặp ngay một con dốc khác cao hơn, nhưng bù lại có những ngày liên tục đổ đèo; là những ngày gió ngạo ngược thổi bạt cả người cả xe, đạp xe mà không khác gì thước phim quay chậm; là khi giữa đồng không mông quạnh thì xe thủng xăm, tuột xích...

Nhớ lúc đang ở Thái Lan, đạp một lèo 180km từ Bangkok tới Chaam. Khi đã tiến sát bờ biển, liền ào xuống nước vẫy vùng. Sau đó thì sốt, đầu biêng biêng, nằm bẹp dí ở nhà trọ... Sau những cuộc đi, Chi đã gầy đi gần chục kilôgam, làn da đã nhuộm một màu nâu bóng.

Nhưng những tiểu tiết đó chả là gì nếu đem so với những điều Chi được trải nghiệm. Đó là cảm giác cả người cả xe ướt nhẹp khi hòa vào lễ hội té nước Thingyan tưng bừng của người dân Myanmar, là lúc dựng xe đạp vào nghỉ chân ở một quán bán trầu, bán thốt nốt ven đường được dựng tạm bợ dưới bóng bayan cổ thụ.

Ở Myanmar ít nhà xây, nhiều nhà lợp bằng lá cọ, ít người dùng điện thoại nhưng nhiều người đọc báo giấy. Ở Myanmar, những người đàn ông bỏm bẻm nhai trầu cả ngày, quán trầu đông vui như quán trà đá vỉa hè ở Việt Nam. Đó là những buổi lang thang trong ngôi làng ở Thái Lan, những nếp nhà nhỏ nằm giữa bãi cỏ lớn, người trong làng thường trưng ảnh khắp nhà, từ ảnh nhà vua đến ảnh gia đình, từ ảnh đen trắng đến ảnh màu...

Nhớ lũ trẻ con ở Lào, Campuchia thấy Chi đạp xe cứ chạy theo "hello". Đến nhiều vùng người dân không biết tiếng Anh, lúc ấy ngôn ngữ cơ thể sẽ lên ngôi. Cứ chỉ trỏ, khoa chân múa tay mà cũng nói được với người dân bao nhiêu là chuyện…

2. Chi tự nhận mình là một cyclist - người đạp xe. Chiếc xe đạp Thống Nhất đã cùng Chi vượt đường trường mấy năm nay; đồ dùng, laptop, mấy cuốn sách bỏ vào cái balo tự tay khâu từ chiếc quần bò cũ; thêm lều bạt nữa là đủ... Trông hành lý thì gọn nhẹ thế thôi, chứ những kỉ niệm, yêu thương thì mang theo cả khối trong lòng. Hỏi Chi đi một mình thế có sợ không, Chi bảo chẳng có gì sợ, vì Chi nghĩ rằng có gặp phải chuyện gì rồi cũng sẽ tìm cách giải quyết được. Hơn nữa, Chi luôn thấy vững lòng vì luôn có cảm giác người bố đã khuất che chở cho mình.

Hồi Chi mới đạp xe, cứ dừng chân, nghĩ đến bố là nước mắt lại trào ra. Ngủ mơ thấy bố, Chi khóc tu tu, tỉnh dậy vẫn khóc. Nhớ lần Chi nói với bố sẽ đạp xe đi xa, bố càm ràm: "Con gái đạp xe nguy hiểm lắm, sao mày cứ thích đi thế nhỉ…".

Chỉ thế thôi chứ bố không cấm đoán. Có đêm mơ thấy bố lúc còn khỏe, đang làm việc trong công ty muối ở Thị trấn Cồn, Hải Hậu, Nam Định… Có lúc lại mơ thấy bố khi còn là bộ đội ở chiến trường Thừa Thiên - Huế. Mơ cả câu chuyện bố bị thương và thoát chết như thế nào. Lần ấy, bố và cả tiểu đội bị phục kích. Một mảnh đạn găm vào đầu khiến bố ngất đi, mê man giữa cánh đồng. Bố bị bắt và trải qua những ngày bị giam cầm và tra tấn dã man.

Chiến thắng 30-4-1975, quân đội Việt Nam Cộng hòa rút chạy, bố và rất nhiều tù binh khác tự phá nhà giam và thoát ra ngoài. Ngày bố trở về quê, thì một đám tang đưa tiễn bố đã diễn ra, bàn thờ bố cũng đã lập khi mọi người đều đinh ninh bố đã hy sinh. Chi hay nghĩ ngợi, biết đâu chính mảnh đạn ấy đã cứu bố thoát chết, khi mà cả tiểu đội của bố hy sinh không còn một ai.

Chi hồi bé vẫn hay ôm cổ bố, rờ tay lên trán bố, cảm giác mảnh đạn nhỏ nằm đâu đó, thân thuộc và vô hại… Nhưng cũng chính mảnh đạn ấy 40 năm sau đã khiến bố bị đột quỵ. Khi ấy Chi đang đạp xe đến Campuchia, vừa chạm đất Xiêm Riệp thì nhận được tin dữ.

Bỏ dở cuộc đi, Chi lao về với bố. Cơn tai biến đã khiến bố ngã gục, bố sống như một cái cây, không cảm xúc, không nhận thức. Những lúc ngồi bóp chân bóp tay cho bố, ngắm gương mặt bố, Chi cứ nghĩ là đang cùng bố trò chuyện, như những ngày xưa.

Những cuộc đi khiến Chi mạnh mẽ hơn, điềm tĩnh hơn. Chi tự lựa chọn địa điểm đi, tính toán thời gian, quãng đường, bật google map và bắt đầu đạp. Chuyện đi thì thế, còn chuyện ngủ nghỉ cũng đơn giản lắm. Có khi là đặt phòng dorm (phòng tập thể) qua mạng, có khi là nhà nghỉ ven đường, có khi dựng lều qua đêm sát bờ biển, trước cổng chùa hay trước cổng trường học...

Những ngày đầu, loay hoay một hồi với gió không dựng nổi lều. Giờ thì dù gió có to đến mấy cũng biết cách căng lều rất chuẩn, khi xe hỏng đã có thể tự vá xăm, thay xăm ngon lành. Cuối mỗi ngày, lưng đau, cánh tay mỏi nhừ, chân rệu rã nhưng đầu thì đầy ắp trải nghiệm. Nghỉ một đêm, sáng hôm sau lại thấy tâm hồn phơi phới muốn lên đường…

Có những chiều tối Chi vẫn mải miết đạp xe, hai bên đường thưa vắng người, chưa tìm được nhà trọ để qua đêm. Chi nhớ ngày học cấp 2 trường huyện, cũng đạp xe mê mải vượt 20 cây số lúc chiều tà trên con đường đê Hải Hòa, một bên là biển một bên là cánh đồng muối. Khi đó đạp mải miết vì sợ trời tối, sợ bất trắc có thể xảy đến, còn bây giờ đạp để hoàn thành mục tiêu một ngày đi được bao nhiêu kilômet, để tiến gần tới đích.

Hỏi Chi, lãi nhất trong những chuyến đi là gì? Chi bảo, là được trải nghiệm đủ thứ. Ví dụ cảm giác tắm biển Malaysia khác với những lần vùng vẫy ở biển Hải Hậu quê Chi. Có những đêm dựng lều sát biển, nằm trên cát êm ả, gối đầu lên chiếc áo của bố luôn mang theo, ngắm bầu trời đầy sao, nghe gió biển thổi lồng lộng và ngủ thiếp đi...

Nửa đêm bỗng tỉnh dậy bởi tiếng lá phi lao rơi trên mái lều ướt sương, liền mở laptop ngồi làm việc. Hỏi rằng Chi cảm thấy cô đơn nhất là lúc nào? Là lúc được ngắm nghía, trầm trồ trước cảnh đẹp xa lạ, cảm giác quanh mình là không khí hạnh phúc đậm đặc, cần có thêm người tận hưởng cho loãng bớt và dễ thở. Nhưng cảm giác đó chỉ thoáng qua. Vì bất chợt gặp một người bạn mới cùng đạp xe trên đường, chuyện trò ríu rít, nỗi cô đơn tan biến…

Ngày mới đi, có lần ở Thái Lan, một bà má trạc tuổi mẹ ở nhà, khi nghe Chi nói về cuộc hành trình, đã vừa lạ lẫm vừa sửng sốt, quàng tay ôm lấy Chi, áp đôi má của bà vào má Chi. Thấy thân thương dễ mến như mẹ mình. 2-3 ngày Chi gọi điện về cho mẹ một lần, để mẹ biết là con gái mẹ vẫn đang vi vu ở nơi nào đó, để nghe mẹ hỏi câu quen thuộc: "Bao giờ con về?".

Bảo với Chi, sau chuyến đạp xe này thì dừng cuộc đi, ở nhà dịch sách cho tĩnh tại. Nhưng Chi còn phải đi, đi để tự mình trải nghiệm những điều hay ho thú vị trên đường, đi để thêm yêu quê nhà, đi để hiểu mình hơn. Đi để gặp lại những con người đáng nhớ ở những mảnh đất xa xôi có cơ duyên đến Việt Nam và kết bạn với mình. Dự định về những cuộc đi, Chi còn nhiều lắm...

Trần Thị Quế Chi sinh năm 1987, thạc sĩ ngôn ngữ - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cử nhân tiếng Anh, Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Là dịch giả của hơn 20 đầu sách về văn hóa, giáo dục. Có sở thích vừa đạp xe qua nhiều nước vừa dịch sách.
Huyền Châm
.
.