Lê Hồng Lâm: Ngọt và đắng bên ly cà phê điện ảnh

Chủ Nhật, 11/02/2018, 08:42
Những người bạn thân của Lê Hồng Lâm không bao giờ quên hình ảnh anh ngồi trong căn phòng hơn mười bốn mét vuông, tứ bề là băng đĩa phim. 

Nhìn Lâm thời đó, có người đã trộm nghĩ nếu có ngày Lâm phát điên vì phim rất có thể anh sẽ tháo hết đống băng video… để quấn lên người.

Lê Hồng Lâm là cây bút phê bình điện ảnh trên báo hàng đầu hiện nay. Trên mạng xã hội, anh là người giới thiệu phim đáng tin cậy. Độc giả xem phim theo hướng dẫn của Lê Hồng Lâm hiếm khi nào thất vọng bởi Lâm là người rất sành sỏi về điện ảnh.

Người đàn ông trong căn phòng tối

Lê Hồng Lâm tốt nghiệp Khoa Báo chí (Đại học Quốc gia Hà Nội). Những người biết Lâm từ khi anh còn là một chàng trai miền Trung có vóc người nhỏ bé, rụt rè đến xin cộng tác tại các tòa soạn đều không thể ngờ sau này Lâm có thể đi xa đến thế trong sự nghiệp. Thời sinh viên có bao nhiêu tiền là Lâm mua băng đĩa phim. Bạn bè anh đều nghĩ điện ảnh là thú vui xa xỉ, ít ai nghĩ điện ảnh sẽ là sự nghiệp của Lâm sau này.

Nhà báo Thủy Lê, cây bút phỏng vấn thuộc hàng "vedette" của các tạp chí cho biết thời làm biên tập viên ở Hoa học trò chị không có nhiều ấn tượng với Lê Hồng Lâm cho đến khi đọc những bài dịch của anh. Khi Lê Hồng Lâm chuyển sang làm phóng viên,  Thủy Lê đã nghĩ anh chỉ hợp làm báo chậm và không hợp với những bài viết phản biện.

"Sau bài Lâm phản biện bộ phim tài liệu của một đạo diễn trẻ nổi tiếng với tất cả vốn hiểu biết điện ảnh của Lâm, tôi đã thay đổi cách nghĩ về cậu ấy", Thủy Lê nói.

Sau này, Lê Hồng Lâm và Thủy Lê được đổi vai. Trong vai trò làm biên tập viên cho tạp chí Đẹp, rồi thư ký tòa soạn cho tạp chí Thể thao & Văn hóa Đàn ông, Lê Hồng Lâm thường xuyên đặt bài Thủy Lê.

"Tôi vẫn tự nhận tôi và Lâm làm việc ăn ý như Quốc Trung và Thanh Lam trong âm nhạc. Lâm là một biên tập viên tuyệt vời, luôn biết cách khơi gợi cảm hứng, kích động tôi lao vào những đề tài khó khăn. Lâm là kiểu biên tập viên khiến bạn cảm thấy xấu hổ khi đưa ra những ý tưởng mờ nhạt.

Tất cả những bài viết hay nhất của tôi đều được viết trong khoảng thời gian làm việc chung với Lâm. Khi cậu ấy nghỉ làm ở Thể thao & Văn hóa Đàn ông tôi cảm thấy không còn nhiều cảm hứng viết như trước", Thủy Lê nói.

Sau 12 năm cống hiến cho Thể thao & Văn hóa Đàn ông, Lê Hồng Lâm đã quyết định dứt bỏ công việc đã từng cho anh một đời sống sung túc. Lâm đã có một giai đoạn chơi vơi, nhưng chính thời gian này đã đưa anh trở lại toàn tâm toàn ý với điện ảnh.

Lâm tập trung toàn bộ sức lực cho các viết bài điện ảnh trên facebook. Anh nhận viết những bài phân tích sâu sắc về điện ảnh trong nước cho các báo điện tử. Anh ra cuốn sách tản mạn về điện ảnh Cánh chim trong gió năm 2016. Hiện anh đang trên đà hoàn thành cuốn sách 101 bộ phim điện ảnh Việt Nam hay nhất.

Những năm tháng "cày" phim, đọc sách đã cho Lê Hồng Lâm vô vàn ý tưởng. Bạn bè của Lâm đều khâm phục khả năng nghĩ và viết ra cực nhanh của anh.

"Lâm là người có ý tưởng dạt dào, khi viết lời tuôn ra như suối. Những lần đi chơi Lâm thường tách nhóm đi đâu đó khoảng một tiếng. Trong một tiếng đó Lâm mổ cò trên điện thoại ra một bài điện ảnh vài ngàn chữ đăng trên mạng xã hội. Lâm là người có kiến thức rất sâu rộng, tôi vẫn hay trêu Lâm là con người của sách vở", nhà làm phim tài liệu Nguyễn Thị Thắm kể.

Nhà báo Quỳnh Hương (Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết điều chị khâm phục nhất ở Lê Hồng Lâm là anh có được sự say mê ít người có và vẫn giữ được tình yêu thuần khiết với điện ảnh.

Kẻ kiên nhẫn đến giọt đắng cuối cùng

Lê Hồng Lâm sinh ra để làm nghề lý luận phê bình điện ảnh vì anh không chỉ sống cùng điện ảnh mà anh có phẩm chất của người làm công tác lý luận phê bình.

Lê Hồng Lâm là người có tư duy độc lập. Đứng trước một bộ phim được báo chí khen ầm ầm, anh không dễ bị ảnh hưởng. Anh cũng không ngại áp lực từ những nhà sản xuất, cũng như những nhà làm phim có quan hệ thân thiết với anh.

Phê bình điện ảnh ở Việt Nam có cái khó là rất ít phim hay để bình, luôn có những bộ phim được cái này, mất cái kia; đầy rẫy những bộ phim dở.

Lâm là một người không nhân nhượng những bộ phim làm ẩu, những người làm phim tiểu xảo, chỉ nghĩ đến thu lời. Nhưng anh cũng là người biết nhìn ra công sức của đoàn làm phim, những điểm họ làm được, hay chưa làm được. Anh không chê lấy được, không "khen cho chết", và luôn biết căn cứ vào tình hình chung của điện ảnh Việt Nam.

Kinh nghiệm lâu năm đã giúp Lê Hồng Lâm phân biệt được cảm xúc và lý trí khi bắt tay vào phân tích một bộ phim. Trong cuốn Cánh chim trong gió, Lê Hồng Lâm cho biết anh thường "bước vào rạp với cái đầu rỗng, gạt đi mọi định kiến về đạo diễn, và nhân vật" để có thể cảm nhận bộ phim một cách công tâm, khách quan nhất. Với Lâm, một bộ phim hay như đạo diễn Trần Anh Hùng nói, phải có sự vang vọng của tiếng và hình.

Có một ai đó đã nói rằng bộ phim dở chẳng khác nào cốc cà phê đắng, là nhà phê bình anh sẽ phải uống đến giọt cuối cùng. Lê Hồng Lâm là một người như vậy. Anh không chỉ kiên nhẫn với phim hay mà kiên nhẫn uống đến giọt đắng cuối cùng của bộ phim dở.

Lê Hồng Lâm không chọn phê bình điện ảnh theo lối hàn lâm mà chọn phê bình điện ảnh trên báo chí, hướng đến đa số công chúng. Bài viết của anh không chỉ đầy ắp thông tin, mà còn thể hiện kiến văn sâu sắc của một nhà phê bình. Anh cũng chủ định chọn lối viết facebook tung tẩy, phóng khoáng. Anh rất biết cách tạo không khí cho bài viết của mình. 

Độc giả có thể cảm nhận được không gian, tâm trạng của Lâm khi xem một bộ phim. Lâm biết cách truyền cho độc giả trọn vẹn cảm giác của anh khi thưởng thức bộ phim, biết cách kích thích sự tò mò của họ.

Đạo diễn Việt Linh đã từng nhận xét "Lê Hồng Lâm có lối viết thôi miên người đọc".

Những người bạn của Lâm đều nói từ căn phòng tối hơn 14m2 ngày nào ở Hà Nội, Lê Hồng Lâm đã đi được một chặng đường rất dài. Điện ảnh như Lê Hồng Lâm nói đã giúp anh mở những cánh cửa ra thế giới bên ngoài, giúp anh xóa bỏ những định kiến và giới hạn bản thân.

Lê Hồng Lâm luôn biết tạo không khí
cho những bài viết của mình

"Tôi đọc Rừng Na Uy trong một chuyến tàu đêm từ Hà Nội về quê và xem 37 độ 2 buổi sáng trong một ngày tháng 8 nóng như rang trong căn hộ cũ kỹ ở Hà Nội, thật không có gì hợp bằng. Cả hai, đều như một liều thuốc (cực mạnh) giải phóng năng lượng, giải phóng tinh thần, giải phóng cơ thể trong những năn tháng đó. Vì thế mà chúng nằm lại mãi trong ký ức. Bởi nếu đọc và xem chúng ở tuổi ba mươi chẳng hạn, thì chắc chúng sẽ không để lại những ấn tượng mạnh như thế".

(Trích bài viết 37 độ 2 buổi sáng hay Betty Blue: Tình dục và tuổi trẻ cuồng loạn - Cuốn Cánh chim trong gió).

Lê Hồng Lâm sinh năm 1977. Tốt nghiệp Khoa Báo chí, Đại học Quốc gia Hà Nội. Anh từng làm phóng viên, biên tập viên của tuần báo Sinh viên Việt Nam, từng làm tạp chí Đẹp, và có 12 năm làm thư ký tòa soạn của tạp chí Thể thao Văn hóa và Đàn ông.

Tác phẩm đã in: Phỏng vấn và bình luận điện ảnh Xem chữ đọc hình (2005), Chủ biên cuốn phê bình điện ảnh Chơi cùng cấu trúc (2009), viết cuốn tản mạn về điện ảnh Cánh chim trong gió (2016).

Sắp xuất bản (đầu năm 2018): 101 bộ phim điện ảnh Việt Nam hay nhất.

Ngọc Diệp
.
.