Mãi một đời hát rong

Chủ Nhật, 30/09/2018, 10:22
Cách đây chừng dăm, bảy năm, trong dịp vào TP Hồ Chí Minh, một buổi tối ngồi uống cà phê tại quán vỉa hè, tôi thấy một người đàn ông khoảng ngoài 50 tuổi vừa đi bán kẹo kéo dạo, vừa hát. 


Tiếng hát phát ra từ một chiếc loa đủ nghe rõ phần lời ca trên nền nhạc đệm có sẵn. Những người đi hát rong kiểu này lâu nay xuất hiện nhiều ở các thành phố, nơi đông dân cư nên không có gì đáng chú ý. Nhưng người đàn ông lần ấy khiến tôi không thể không lưu tâm và lắng nghe bởi ông có giọng hát rất đặc biệt, có thể nói là hay, không thua kém bất cứ ca sỹ chuyên nghiệp nào.

Tất nhiên ông ấy không có kỹ thuật hát điêu luyện, nhưng bù lại là một cách hát hết mình, rất truyền cảm và điều đáng nói là ông có giọng rất "chuẩn", nốt nào ra nốt nấy, không "phô", chênh, khàn hoặc đục như nhiều người hát rong kiểu này vẫn mắc. 

Đặc biệt là hát rất rõ lời. Sau này, có ca sỹ chuyên nghiệp từng nhiều lần làm giám khảo các cuộc thi ca hát đã nhận xét ông hát rõ ca từ như giáo viên đọc chính tả cho học trò chép. 

Trong đời, tôi từng nghe rất nhiều ca sỹ chuyên nghiệp nổi tiếng hát những bài hay nhất của nhiều nhạc sỹ trứ danh. Nhưng thú thực là tuy rất trân trọng tài năng quý hiếm của họ, song tôi chưa thật rung động một giọng hát nào. Chỉ có hai lần ngoại lệ lại từ hai người hát rong đem đến.

Ông Mạnh Thường chở xe ôm và...

Lần thứ nhất là năm 1980, tôi đi tàu thống nhất vào TP HCM, nghe một người hát xẩm trên tàu bài Anh ở đầu sông, em cuối sông của Phan Huỳnh Điểu. Anh bị khiếm thị, đeo chiếc kính đen, khoác cây ghi-ta gỗ, vừa hát vừa tự đệm đàn. 

Không có loa khuếch âm nên tiếng hát chỉ vừa đủ cho hành khách trong toa nghe, không thể vọng ra ngoài. Anh ta hát phải nói là rất có hồn, sâu sắc, như dồn hết tâm can vào từng nốt nhạc, lời ca. Tha thiết, da diết nhưng không ủy mị, sướt mướt như một vài ca sỹ vẫn hát bài này trong các băng, đĩa. Và trường hợp thứ hai chính là người ca sỹ hát rong tôi đang muốn nói tới.

Sau khi nghe trọn một bài, tôi có ý muốn làm quen, hỏi chuyện ông để gợi ý hãy tham gia hát tại những tụ điểm có tổ chức, có cát-sê đàng hoàng để không phải đi hát rong vất vả vì nghe ông hát, tôi thấy còn hơn rất nhiều người vẫn hát ở các phòng trà, tụ điểm ca nhạc tại Sài Gòn khi ấy. Nhưng rồi ông đã lướt đi, quanh tôi lại có nhiều bạn nên cơ hội đó đã bị bỏ qua. Sau đó tôi ra Bắc rồi thời gian trôi, nhiều việc cuốn đi, không còn nhớ đến người hát rong đó nữa.

Cho mãi tới gần đây, tình cờ xem trên Đài Truyền hình Vĩnh Long, tôi thấy có cuộc thi mang tên Tình Boléro hoan ca. Và tôi nhận ra người hát rong năm xưa mình đã gặp dự thi cuộc này. Hôm đó, ông tham gia cùng toàn những người hát ít nhiều đã có "máu mặt" ở trong Nam, từng rất quen với ánh đèn sân khấu. 

Tôi không theo dõi xem sau đó ông có đoạt giải không và nếu được thì giải gì, chỉ biết hát cùng các ca sỹ kia, vẫn có màu sắc riêng độc đáo, không thể lẫn lộn khiến công chúng rất chú ý. 

Cũng comple, cà vạt chỉnh tề, lại hát trên sân khấu có ánh đèn hoành tráng nhưng ông vẫn để lộ sự khốn khó, lam lũ của người hát rong đường phố. Và đó chính là lần đầu tiên trong đời ông được hát trên sân khấu chính quy lại cùng với những người đã rất thành thạo với nghề hát trước đám đông công chúng. 

Tôi để ý thấy buổi diễn ra cuộc thi hát đó, các thí sinh khác chỉ nhận được những tiếng vỗ tay lẹt đẹt, có phần lịch sự của khán giả hơn là sự ưa thích thực sự thì người ca sỹ hát rong đang nói đã được người ta vỗ tay kéo dài và rất thích thú. Ông tỏ ra có bản lĩnh trước đám đông cuồng nhiệt; vẫn rất tự tin, thoải mái, hát hết mình với phong thái điềm tĩnh, không có một chút gì gọi là "biểu diễn" như nhiều ca sỹ khác.

hát rong giữa đường phố.

Từ cuộc xem tình cờ trên làn sóng Đài TH Vĩnh Long lần ấy, tôi quyết định tìm hiểu về người ca sỹ độc đáo khi ngay sau đó có việc vào TP HCM. Hỏi những người vẫn làm công việc tổ chức biểu diễn và nhiều người ưa thích ca hát ở thành phố này, ai cũng biết. 

Ông tên là Mạnh Thường, năm nay ở tuổi trên dưới 60 gì đó. Ngay cả sau khi giật giải tại cuộc thi vừa nhắc ở trên, ông Thường vẫn tiếp tục làm công việc lâu nay vẫn làm: Đi hát rong, kết hợp bán kẹo kéo. Bộ loa, đài của ông đơn giản, phát ra âm thanh chỉ vừa đủ để mọi người có thể nghe rõ giọng ca, không chát chúa, đinh tai nhức óc như nhiều bạn trẻ cũng hát dạo kiểu này. Mạnh Thường kể rất thật về cuộc đời mình, không một chút ngần ngại hoặc có ý giấu diếm điều gì.

Hiện tại, ông sinh sống ở quận Gò Vấp, trong một căn phòng chật hẹp, tuềnh toàng chỉ chừng 10m² và phần gác xép cơi nới thêm. Ông vốn quê ở Sài Gòn, được sinh ra trong một gia đình quá nghèo khó nên không được học hành gì. Từ nhỏ đã phải phiêu bạt xuống tỉnh Bạc Liêu làm thuê kiếm sống với đủ mọi nghề lam lũ, nặng nhọc. 

Năm 19 tuổi lấy vợ - một cô hàng xóm cùng cảnh ngộ - vì mê giọng hát hay và thích tính tình hiền lành của Thường mà đem lòng cảm mến. Cảm kích, Thường nhanh chóng đền đáp. Họ chẳng thề thốt, hứa hẹn gì mà đưa ngay nhau ra Ủy ban đăng ký rồi làm vài mâm cơm "tươi" hơn mọi bữa để ra mắt mọi người. 

Sau đó, vợ Mạnh Thường đẻ liền một mạch 9 đứa con. Cuộc sống vốn đã nghèo lại càng gieo neo hơn khiến người cha khốn khó này càng phải lao vào để gia tăng kiếm sống. Nhưng ở Bạc Liêu làm thuê làm mướn không đủ ăn, ông đưa vợ con lên Sài Gòn mưu sinh với chiếc xe đẩy đi bán trái cây khắp mọi ngóc ngách. 

Hàng ngày đẩy xe như vậy không dưới 10 cây số. Đỡ hơn trước nhưng vẫn quá cực nhọc. Lúc này, ông có đứa con trai tên Mạnh Nguyên hát cũng hay đã theo nhóm bạn đi hát rong tại Sài Gòn. Nó nói ông chuyển "nghề", không bán dạo trái cây nữa mà bán kẹo kéo kết hợp hát rong. Ông nghe lời con sắm bộ loa đài bắt đầu nghề cầm ca đường phố.

Không như những người hát rong khác thường cố tạo vẻ nhếch nhác, tiều tụy để đánh vào lòng trắc ẩn của người nghe mong được họ cho nhiều tiền, Mạnh Thường luôn ăn mặc, đi giày chỉnh tề, hát rất đàng hoàng như biểu diễn trên sân khấu, chỉ khác là ở giữa đường phố nhiều người qua lại. Hỏi điều đó xuất phát từ ý nghĩ nào, ông nói là để phòng khi có ai đó chụp ảnh, ghi hình. 

Với lại để tôn trọng mọi người và tự trọng bản thân. Ông không bao giờ cần ai rủ lòng thương mà hãy cư xử với ông từ sự thích thú giọng hát. Ông nói hạnh phúc nhất là những khi được người nghe yêu cầu hát thêm, chăm chú lắng nghe và mua kẹo cho ông. Không ít người đã biếu tiền ông mà không lấy kẹo. 

Thi thoảng ông còn được nhiều người mời về nhà hát những dịp cưới treo, sinh nhật hay mừng tân gia hoặc mọi dịp gặp mặt vui vẻ khác. Những lần như thế ông được trả công từ 1 đến 2 triệu đồng. Có nhiều người bán cà phê quý và thương Mạnh Thường mỗi khi thấy ông xuất hiện đã tắt nhạc để ông hát. Tại các quán nhậu, thực khách còn mời ông uống bia.

Vợ chồng Mạnh Thường trong căn phòng chật hẹp.

Khi được hỏi nghề hát rong đường phố như vậy có kiếm được nhiều tiền không và có điều gì trở ngại phải vượt qua không, Mạnh Thường cho biết cũng đủ sống, đỡ hơn hồi đi bán trái cây dạo và sửa xe máy. 

Hơn nữa, hiện tại, các con của ông cũng đã lần lượt trưởng thành, tự lập nên gánh nặng đè lên vai cũng đã vơi bớt nhiều. Còn buồn phiền nhất là khi gặp những khách khó tính, không thích nghe ca nhạc đã xua ông đi chỗ khác. Ông đành phải ngậm ngùi bỏ đi.

- Đầu đuôi thế nào mà ông xuất hiện trong cuộc thi Tình Boléro hoan ca?

- Một hôm, tôi đang hát dạo trên đường phố Sài Gòn như mọi ngày thì có một anh tự giới thiệu là Vũ Thành - đạo diễn chương trình này - mời tôi tham dự. Lúc đầu tôi rất ngần ngại do không tự tin vì chưa bao giời hát trên sân khấu với dàn nhạc đệm, lại thi cùng với nhiều ca sỹ đã dày dạn kinh nghiệm biểu diễn. Nhưng đạo diễn Thành đã động viên và khích lệ, nói rằng tôi hát rất hay, chắc chắn sẽ gây ấn tượng tốt cho người nghe. Thế là tôi liều thi thử và được giải.

- Sau đó, anh bắt đầu nổi tiếng trong làng ca hát ở Sài Gòn và báo Tuổi trẻ phong tặng anh danh hiệu "Quái kiệt bolero Sài Gòn". Anh có ý định gì mới trong công việc?

- Không. Tôi sẽ vẫn tiếp tục hát rong đường phố. Giờ thì đỡ vất vả hơn trước nhiều. Tôi yêu quý và biết ơn những người dân đường phố đã thương và ủng hộ tôi trong nhiều năm qua.

Không ồn ào, mãi chỉ là một người hát rong đường phố, cũng không có bất cứ danh hiệu gì nhưng Mạnh Thường đã thực sự là nghệ sỹ của nhân dân, của những người bình dân giữa cuộc mưu sinh, bươn chải đời thường.

Nguyễn Đình San
.
.