Thi nhân Ngô Như Mai: Hòn than vẫn cháy dạ này như xưa

Thứ Ba, 13/03/2018, 15:02
Thi nhân Ngô Như Mai, tác giả truyện vui "Thi sĩ máy", đã sang tuổi 95. Không còn ngày ngày dắt xe đạp lên xuống dốc Nhà Thờ, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh nữa, nhưng khi bạn văn chương hỏi thăm sức khỏe, "anh lão đa tình" ấy vẫn hóm hỉnh: "giả vờ… khỏe".

Trong bài thơ tự bạch có tên "Tôi là ai", nhà thơ Ngô Như Mai viết:

"Em hỏi tôi là ai? Tôi đâu tự biết/ Là Ma Vương? Quỷ sứ?/ Thiên thần…?/ Hay tất cả ở trong tôi, tất cả/ Chọn tim tôi làm mảnh đất tranh phần/ Trong căn hộ Người Đời/ Phật và Ma cùng ở/ Tôi đâu cần áo giấy với cà sa!/ Khoác bộ cánh hề mồi hề gậy… Tôi tin mọi cách nhìn bè bạn/ Đánh giá tôi Tốt - Xấu không lầm/ Và đối mặt em - hướng về cái đẹp/ Tôi thiêu mình/ trên ngọn lửa THIÊåN CHÂN".


“Thi sĩ máy”... ngày ấy

Ngày ấy là năm 1956. Báo Nhân văn, số 5, ra ngày 20-11-1956, đăng truyện vui có nhan đề "Thi sĩ máy", tác giả ký tên Châm Văn Biếm. Nội dung của truyện vui này tóm tắt như sau:

Đầu năm 2000… Các báo chí xuất bản đều sôi nổi đăng tin tức quan trọng về máy "viết văn" dưới những đầu đề "giật gân" lớn…

Tờ Công thức trong bài xã luận "Nhiệt liệt chào mừng các văn nghệ sĩ máy!" đã giới thiệu như sau: "Nhờ áp dụng những khả năng mới nhất của khoa học điện tử, máy 'viết văn' đã hoàn thành thoả mãn được nhu cầu văn nghệ ngày một tăng của loài người. 

Những tác phẩm của nó, vừa kịp thời vừa minh họa đúng chính sách, sẽ giải quyết được mọi khẩu hiệu phức tạp của cuộc sống. Mỗi giây đồng hồ máy đó có thể sản xuất được từ 7.000 đến 8.000 dòng văn thơ. Nếu dùng sức óc và tâm hồn người thì phải hàng ngàn văn nghệ sĩ với một trình độ sách vở rất cao, cặm cụi hàng trăm năm mới làm nổi…

Do tính chất 'Nhân văn' của máy nên ta tạo cho nó cái vỏ bọc ngoài, hình dáng một anh chàng: trẻ, khoẻ, đẹp, chỉ khác người 'thật' là đứng nguyên một chỗ, không nói, cười, chạy nhảy, nhất là không yêu đương lãng mạn lôi thôi…".

Hơn một năm sau, hàng loạt văn sĩ máy, thi sĩ máy, kịch sĩ máy được tung ra thị trường. Một số cán bộ phụ trách về văn chương sính máy móc thi nhau mua về sử dụng. Còn văn nghệ sĩ bằng xương, bằng thịt thì bị gạt ra ngoài: Nữ sĩ Trong Trắng ném bút làm nghề đỡ đẻ. Thi sĩ Mây Nước ra Bờ Hồ làm nghề bói Kiều tán róc về thành phần giai cấp cho những người còn đầu óc mê tín dị đoan. Văn sĩ Đắng Văn Cay phải ra chợ Giời làm nghề bán văn kiêm bán săm.

Nhà thơ Ngô Như Mai.

Một bộ phận văn nghệ sĩ tơi bời rối loạn. Ai cũng thù ghét lũ người máy mới ra đời kia, nhưng ai cũng chịu thua. Vì cứ công bằng mà nói thì "máy móc" quả là kịp thời sự, thông kinh sử, lại đúng khuôn phép, "tốt ăn tốt ở" hơn người thực ở cõi đời này.

Với truyện ngắn vui giả tưởng này, không lâu sau đó, tác giả gặp biết bao rắc rối. Bút danh Châm Văn Biếm được xác định rõ nhân thân là Phạm Huy Bỉnh, công tác tại Sở Báo chí Trung ương, còn có bút danh khác là Ngô Như Mai. 

Sau "Trăm hoa đua nở trên đất Bắc", không chỉ riêng ông gặp rắc rối, mà một người khác có tên giống như vậy cũng liên lụy, đó là Hiệu trưởng trường Sư phạm Trung cấp Trung ương Hoàng Như Mai (sau này là GS.NGND Hoàng Như Mai).

Giả vờ... khỏe

Ngô Như Mai tên thật là Phạm Huy Bỉnh. Chữ Bỉnh tên ông được giải thích là viên ngọc. Ông sinh năm 1924, tuổi Giáp Tý, tại Hải Phòng, còn quê ông ở Hưng Yên, sinh trưởng và học tập tại Hà Nội. Văn nghệ sĩ Hạ Long vẫn đùa vui rằng, cùng tuổi con chuột, có người làm tổng thống, còn ông thì… vô sản… Cả gia tài chỉ có thơ.

Tuổi trẻ của "anh lão đa tình" như cách gọi của nhà thơ Trương Thiếu Huyền, hoạt động cách mạng tại Hà Nội từ tháng 10-1944. Trong số những người cùng tổ Việt Minh hoạt động bí mật với ông về sau là vợ ông. Một người còn lại là bà Nguyễn Thị Như, từng tham dự Quốc dân Đại hội Tân Trào (1945), sau này có thời gian làm Tổng biên tập báo Phụ nữ Việt Nam...

Bút danh Ngô Như Mai của ông cũng chính là tên ghép của những người tham gia tổ Việt Minh bí mật đó. Xông pha trận mạc trước khi theo nghiệp bút nghiên, Ngô Như Mai từng tham gia Đại đội Ký Con của Đệ tứ Chiến khu dưới quyền tư lệnh Nguyễn Bình. 

Cũng từng "bể Sở sông Ngô tung hoành", ông tham gia đánh Pháp trên đảo Cô Tô. Thế rồi bập vào văn chương khiến ông bầm dập một thời. 95 năm đã qua, Ngô Như Mai chỉ có duy nhất tập thơ do Hội VHNT Quảng Ninh đỡ đầu 20 năm trước để trình làng. "Ngẫu hứng" với 33 bài thơ, lại độn thêm 6 bài viết của bạn văn mà vẫn chưa đầy 100 trang sách.

Xuất hành đầu xuân về Hòn Gai, tôi nhờ nhà thơ Trương Thiếu Huyền đưa đến thăm tác giả "Thi sĩ máy". Nhìn con dốc Nhà Thờ dựng đứng, tôi thoáng có chút ngại ngần. Vượt qua đỉnh dốc thì vào nhà riêng của thi nhân Ngô Như Mai. Tiết xuân ấm áp, ông càng vui hơn khi có bạn văn chương đến chơi nhà. Những chuyện xưa cũ bao năm đã gói lại vào một vùng ký ức xa xăm, bây giờ sức khỏe là quý nhất với một người đã ở vào tuổi bách niên như ông.

Ông kể, tối đến, 9-10 giờ thì đi ngủ. Ông dậy từ 5-6 giờ sáng dậy, rồi đi bộ thể dục trên dốc Nhà Thờ. Hàng ngày ông vẫn xem tivi. Ngay trên bàn uống nước, tờ báo Quảng Ninh gửi đều đặn ông vẫn theo dõi tin tức. Còn thời gian, ông lại đọc truyện cười, truyện ngụ ngôn.

Tôi hỏi thăm sức khỏe. "Giả vờ… khỏe", ông đáp an nhiên tự tại. Có lẽ đó chính là liều thuốc tinh thần để ông luôn giữ được một tâm hồn tươi trẻ khi gánh trên lưng mình gần một thế kỷ thời gian với vài bận được đời sống quăng lên quật xuống.  

Hòn than vẫn cháy dạ này như xưa

Nhà văn Sao Mai trong hồi ký mang tên "Sáng tối mặt người", NXB Hội Nhà văn, 2003 dành những kỷ niệm viết về nhà báo Như Mai khi ở Hà Nội đã đến tìm ông "để giao việc và bàn chuyện văn chương". Trong ký ức của nhà văn Sao Mai, đó là con người hà tiện lời và cẩn thận. 

Thế rồi, sau truyện vui "Thi sĩ máy" trên báo Nhân văn, từ năm 1958, Ngô Như Mai được điều về Quảng Ninh - hồi đó còn tên gọi Quảng Yên làm báo Vùng mỏ (sau là báo Quảng Ninh).

Nhà thơ Ngô Như Mai và nhà thơ Trương Thiếu Huyền.

Sinh hoạt văn nghệ ở vùng mỏ, nhà thơ Ngô Như Mai lần lượt tham gia tờ nhật báo Quảng Ninh - cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh rồi Tuần báo Hạ Long - tiếng nói của văn nghệ sĩ Quảng Ninh. Ông kinh qua đủ vị trí từ phóng viên, biên tập viên, họa sĩ, thư ký tòa soạn, thậm chí có lúc còn được giao sửa mo-rát, chữa bản bông nhà in… Nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành.

"Bây giờ Như Mai vẫn còn đang làm Báo Hạ Long của Hội Văn nghệ Quảng Ninh, giọng anh vẫn khèm khẹp như vịt đực rỗng bụng, và vẻ ngoài vẫn như anh chàng ốm đói. Nhưng cái ông già Như Mai kia, khi hữu sự vẫn có thể nhanh như con sóc, chạy chỗ này chỗ khác nếu không thì cũng chịu khó ngồi còm lưng để sửa "mo-rát" cho tờ tuần báo nói trên", nhà văn Sao Mai kể lại trong hồi ký.

Còn nhà báo Đỗ Kha, từng có thời gian làm Trưởng phòng tại báo Quảng Ninh cũng chia sẻ kỷ niệm về bậc đàn anh Ngô Như Mai: "Tôi nhớ có thời kỳ anh làm trưởng phòng, rồi thư ký tòa soạn, anh chữa bài nghiêm túc đến từng dấu chấm, dấu phẩy".

Ông Đỗ Kha cho rằng, điều đáng quý, đáng trân trọng ở ông Ngô Như Mai không chỉ do làm việc nhiều, biết làm nhiều việc, mà chính là làm việc gì, dù lớn, nhỏ, ông đều tận tụy. Ngô Như Mai làm hết trách nhiệm với một bộ não không hề não hóa, với một trái tim rất trẻ và nhạy cảm, giàu nhân ái.

Hơn 60 năm về trước, Ngô Như Mai từng tiên đoán có "Thi sĩ máy" thì bây giờ những "Thi sĩ máy" đang hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày hàng giờ. Những tin tức vừa kịp thời sự, vừa thông kinh sử đều có trên mạng Internet chỉ cần qua vài thao tác trên Google. 

Tôi mê mải ngắm "nhà tiên tri" Ngô Như Mai và nhà báo Nguyễn Văn Trường đang cùng nhau lướt mạng để xem tin tức, xem cả bộ phim tài liệu "Tôi là ai" xây dựng chân dung thi nhân Ngô Như Mai. 

Không biết ông đang nghĩ gì, còn tôi lại nghĩ đến những người có tầm nhìn vượt thời gian của thế hệ ông. Họ đã thấy quá sớm. Và họ chịu nhiều thiệt thòi vì tầm nhìn vượt thời gian của mình.

Kiều Mai Sơn
.
.