Họa sĩ Đặng Phương Việt: Mật sen của Việt

Thứ Năm, 31/05/2018, 06:56
Họa sĩ Đặng Phương Việt đã được định danh trong làng tranh Việt bằng cái tên Việt “sen”. 


Nhắc đến Đặng Phương Việt là người ta nhớ đến sen. Nghĩ về tranh sen là người ta liên tưởng đến những họa sĩ trong đó tất có Đặng Phương Việt. 

Trong giới hội họa Việt Nam, Đặng Phương Việt và hoa sen dường như có tính tương liên mạnh mẽ. Khi cầm cọ, Việt với sen hòa làm một. Khi không vẽ, sen ở trong Việt và Việt ở trong sen. Để đạt được đến độ tương liên đó, Việt đã phải miệt mài trong lao động nghệ thuật như thế nào và có mối mặc duyên với sen đến thế nào?

Duyên kiếp với sen

Tôi định đem câu hỏi trên đến chính người họa sĩ, tác giả của những bức tranh sen để hỏi. Mối hữu duyên giữa Việt và sen đã hình thành từ bao giờ? 

Từ những ngày được ngắm sen trong nắng sớm bên hồ Tây. Hay trong những chiều hoàng hôn ven hồ của Hà Nội những năm thập niên 80 thế kỷ trước. Hoặc từ ký ức những buổi uống trà sen theo nếp nhà vào mỗi sớm ban mai hay giữa những trưa mưa hạ. Hay phải cho tận đến cái ngày anh đem bức sen tham dự và đoạt giải tranh quốc tế tại Australia... 

Và chắc chắn, Việt đã vẽ sen từ khi sen chưa chính thức trở thành quốc hoa Việt Nam. Mối hữu duyên ấy phải đến ngày anh thấm giáo lý nhà Phật sau khi trở thành phật tử đạo tràng Tùng lâm Hương tích mới thăng khởi một cách dư phiêu?

Việt đã vẽ bao nhiêu bức tranh sen? Chính anh cũng không nhớ nữa nhưng tinh thần của mỗi bức tranh sen thì Việt vẫn hằng nhớ. Việt thường nói Việt đã chọn sen như một duyên nghiệp.

Hoa sen, loài hoa là nguồn cảm hứng vô tận cho các nghệ sĩ sáng tác. Thực ra, đã có rất nhiều họa sĩ vẽ sen và thực tế thì có rất ít người thành danh với sen. Sen dễ vẽ nhưng để vẽ sen toát lên được cái thần thái riêng thì thực khó. 

Tạo cho mình riêng một con đường đi chưa có dấu chân phía trước, một cái nhìn về nghệ thuật, cảm xúc về nghệ thuật mới lạ thì không phải ai cũng tạo được. Trong hội họa, sen vốn là loài hoa có đầy đủ các đặc tính của tạo hình. 

Có người chuyên sen trên lụa với lối vẽ thủy mặc đậm tính thiền như thư pháp cổ phương Đông, có người chỉ vẽ đề tài sen trong hồ nước với vẻ đẹp thuần túy của một loài hoa như mô tả hiện thực đơn thuần, có người cũng tìm tòi cách điệu sen nhưng chưa thành công trên con đường của nghệ thuật... 

Còn Đặng Phương Việt, được đánh giá là một trong số ít họa sĩ Việt Nam tạo dựng được phong cách riêng với hình tượng hoa sen. Bởi sen đã chọn Việt để tỏa vào đời sống một vẻ đẹp khác biệt, vừa ước lệ vừa sống động, vừa tịch mịch vừa xôn xao. Sen đã đánh thức con người nghệ sĩ trong Việt. Và sen đã tạo nên một cá tính nghệ thuật rất riêng ở anh.

Không phải thiền sen

Việt đã chọn sen để đi trên con đường nghệ thuật của mình. Việt đã yêu sen để đắm mê trong từng tác phẩm hội họa của mình. Nhưng điều đó chưa đủ để đưa được hồn sen vào tranh. 

Nghiên cứu sen trong cách thể hiện của các bậc tiền bối, rồi cách điệu trong một tinh thần thăng khởi để tìm ra lối riêng của mình, định hình một bút pháp riêng. Hoa sen mà Việt vẽ chỉ là sen trắng, bởi hoài niệm quá đắm phiêu về bông sen ở hồ Tây thuở bé. Nhưng là sen trắng được tái hiện giữa trập trùng sắc màu. 

Không chỉ là lá xanh, bông trắng, nhị vàng như trong ca dao, như truyền thống mà là những tông màu nóng, dị, chẳng ai thấy trong đầm sen bao giờ.

Đỏ ối, tím đậm, xanh acid, cam vàng, khói ngà, chàm biếc... chưa ai dám dùng màu như thế để vẽ sen bao giờ. Một dải cầu vồng của màu sắc. Lạ lùng. Rực rỡ. Đầy thách thức. Sen của Việt cho người xem một cảm giác hoàn toàn mới lạ. Bởi lối vẽ hoàn toàn phá cách. 

Bởi việc sử dụng những mảng màu được đẩy lên cao trào, hết biên độ. Sen của Việt có vẻ đẹp bất ngờ và đầy kỳ ngạc. Màu sắc trong sen Việt có cường độ cao, đường nét trong sen Việt có ấn lực mạnh, hình khối trong sen Việt dồi dào năng lượng, ắp tràn sinh cảm. Và không thể gọi đó là thiền sen được. Bởi thiền là tĩnh lặng. 

Còn sen của Việt quá dữ dội, gợi cho ta cảm giác quá nhiều đương đại, mang hơi hướng Âu châu song vẫn cho ta cái ấm áp mà thuần Việt. Sen của Việt không hề tĩnh lặng mà ủ nhiều quẫy đạp. Chỉ cần thêm một giọt màu nữa là sen trào ra ngoài khung.

Chỉ cần vung thêm một nét vẽ nữa là sen tràn ra ngoài toan. Đó là cách Việt chọn để bung tỏa sức trẻ mình trong tranh, đó là cách Việt thỏa sức phiêu mình trong sen. Có thế mới thể hiện được hết cá tính của anh trong hội họa.

Phải gọi những tranh sen của Việt vẽ là mật sen mới đúng. Bởi những họa tiết, hoa văn Mật tông trong mỹ thuật Phật giáo Tây Tạng đã ứng hiện trong tranh Việt. Bởi những Thangka, Mandala trong Phật giáo Đại thừa đã hiển thị trong sen Việt. Sẫm đặc. Táo bạo. Ngợp choáng. 

Mật sen của Việt đặc biệt và cuốn hút bởi hòa quyện yếu tố của tranh Thangka, đồ hình Mandala, của những hoa văn họa tiết Mật tông ấy. Và Việt vẽ sen trong sự linh thiêng của Phật giáo tôn thờ...

Mật sen của Việt

Hoa sen, loài hoa mang trong mình tâm Phật, đã dẫn Việt đến với đạo Phật. Trở thành Phật tử, quy y ở chùa Hương, được thầy trụ trì Thích Minh Hiền đặt tên với pháp danh Quảng Lưu, rồi gia nhập nhóm họa sĩ - Phật tử Mặc Hương. 

Việt từng có thời gian dài ở tại Tùng lâm Hương tích, chuyên chú nghiên cứu kinh Pháp hoa, rồi từ đó mà anh đã có những chuyển biến rõ rệt trong tư tưởng, nhận thức sâu hơn về đời sống tinh thần, cảm thức đẫm hơn về loài sen biểu tượng của Phật giáo và biết cách phả vào tranh sen cách chơi màu đậm hơi hướng Thangka, Mandala Tây Tạng.

Sen đã đưa Việt vững đi trên con đường đời nhiều gập ghềnh, khúc quanh và trắc trở. Sen đã đưa Việt từ triển lãm Sen đầu hạ (chung với nhóm Mặc Hương, mùa Phật đản 2007-2012, tại Trung tâm VietArt, Bảo tàng Mỹ thuật, chùa Hương, Biệt phủ Thành Chương, Liễu quán Huế), Blossoming VietNam Padma - Sen Việt nở trên đất nước Sư tử biển (04 thành viên Mặc Hương, Quốc khánh 2009, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore tổ chức) đến các triển lãm Sen Việt trong đời sống người Việt (riêng, 2012, tại Hà Nội), Sen Việt (tại Trung tâm Văn hóa và Thương hiệu Ý trong khuôn khổ chương trình Năm Ý tại Việt Nam 2013), Sen trong Việt (triển lãm cá nhân, 2014, tại Heritage Place, Dolphin Plaza), Sen Việt 2016 (cá nhân, sơn mài)... 

Chính sen dẫn lối Việt đến được với cựu Đại sứ Việt Nam tại Singapore Nguyễn Trung Thành và Thượng tọa Thích Minh Hiền, như những nhân duyên trên hành trình vẽ sen của mình. 

Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam chỉ dạy cho anh những kỹ năng trong nghề vẽ, những tri thức về các trường phái mỹ thuật, những kiến thức về nền hội họa Việt Nam và thế giới... 

Và phải cho đến khi biết nhau trong một triển lãm tranh khoảng năm 2000, rồi quen, nhà ngoại giao Nguyễn Trung Thành đã động viên tinh thần Việt rất nhiều để anh vững tin vẽ. Còn Thượng tọa Thích Minh Hiền đã khai mở trong anh nhiều điều trong đạo Phật và hoa sen trong Phật pháp để Việt có được mật sen.

Mật sen của Việt đã biểu đạt trạng thái tâm thức gì? Lặng vào trong tranh Việt, ta thấy như một Thangka sen, như một Mandala sen, như một pháp bảo cát tường sen. Nếu Thangka, Mandala với người Việt cho ta cảm giác thần bí, kỳ huyền và khó hiểu thì mật sen của Việt vẫn cho ta cái gần gũi, ấm áp mà thuần Việt. Mật sen của Việt như đang trì chú, như đang tụng kinh Diệu pháp Liên hoa... 

Đặng Phương Việt cũng đã từng vẽ sen khóc, sen tàn... nhưng anh chưa công bố. Dự là anh sẽ công bố trong triển lãm sắp tới vào tháng 6 tại L'Espace - Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội, cùng với một họa sĩ người nước ngoài, và cũng liên quan đến đạo Phật. Diễn tả một bông sen tàn, nhị rữa nhưng ta không có cảm giác của cái chết từ những cánh hoa rụng rơi mà lại cảm rõ cái luân hồi, sự hồi sinh.

Vẽ sen khóc nhưng ta không thấy nỗi buồn mà lại thấy sự lộng lẫy của những giọt lệ sen, tràn đầy hỷ lạc. Mật sen của Việt không thể buồn được cho dù có muôn đao ngàn kiếm xông vào tranh chém tơi tả. 

Bởi sen không chỉ là sen mà trong sen đó có mật pháp. Là sen đấy mà không thấy sen đâu. Đôi khi không có hình tướng sen nhưng lại rất sen. Mật sen của Việt đã đánh thức những cảm xúc của con người với thế giới xung quanh, với đời sống nhân sinh...

Trước hồ sen, trong "phăng phắc một lá sen già", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trầm ngâm đầy triết lý: “Hỡi người hái sen kiếp trước/ Kiếp này có hóa bình không?”. 

Một người để hóa thân thành một vị Phật, một vị Bồ tát thì phải trải qua muôn vàn kiếp với muôn ngàn kiếp tu. Cái câu "Buông đao thành Phật" chỉ là ý nói về thời khắc đốn ngộ, là giọt nước cuối cùng để chuyển hóa tâm. 

Trước cái hành vi buông đao đó là cả trăm kiếp hồi hướng Phật, vạn kiếp thiên tính Phật rồi, không phải bỗng dưng mà thành được. Người trồng sen, hái sen, dâng sen kiếp trước đã gieo mầm cái đẹp, hướng về vẻ đẹp, làm những điều tốt đẹp. Đến kiếp này cũng mới chỉ hóa thành chiếc bình đựng sen, ôm ấp, chứa đựng cái đẹp... 

Rồi một ngày liễu ngộ, khi hội đủ tất cả hạnh ngộ, sau bao nhiêu kiếp yêu sen, nâng niu sen, đắm phiêu cùng sen, thăng khởi cùng sen, bái tạ sen... mới được trở thành chính là hoa sen. Có đúng vậy không, hỡi họa sĩ Đặng Phương Việt?

Lê Bảo Âu Long
.
.