Hiện tượng Lưu Quang Vũ – 30 năm nhìn lại:

Thả gió cho mây ngàn bay

Thứ Hai, 10/09/2018, 07:43
NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng cho rằng 30 năm trước, khi Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh, con trai Lưu Quỳnh Thơ hòa vào lòng đất, anh đã hoàn thành sứ mệnh của mình - sứ mệnh của người cầm bút...

Hai giờ đồng hồ trôi nhanh, khán phòng lặng phắc, đôi khi rộ lên những tiếng cười, lúc khác lại rưng rưng nước mắt. Không một khán giả rời ghế. 

Điểm kết là những tràng pháo tay, lặp đi lặp lại, như sẽ không ngừng, nếu không có sự can thiệp từ ban tổ chức. Giữa cơn khủng hoảng sâu của sân khấu trong nước, nghệ sĩ và cả người xem như tìm lại được "thánh đường" tưởng chừng đã mất. 

Một "thánh đường" nhỏ xinh, lung linh và ấm áp, ăm ắp niềm tin về những điều tốt đẹp nơi con người, được xây nên trong khuôn viên sân khấu không lớn của Nhà hát Kịch Việt Nam. 

"Thánh đường" trong đêm diễn ấy được tìm lại bởi tác phẩm "Nguồn sáng trong đời" - một trong số các "hạt vàng" mà các nghệ sĩ sân khấu kịch đương đại tìm kiếm thành công trong hành trình nhiều nỗ lực khai quật lại "mỏ vàng" của sân khấu kịch - kho kịch bản của nhà viết kịch tài danh Lưu Quang Vũ.

"Nguồn sáng trong đời" được NSND Hoàng Dũng và tập thể nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng lại và ra mắt công chúng  sau 30 năm ngày mất của ông. 

Cũng vở diễn này, tại kỳ Hội diễn sân khấu năm 1985, Đoàn Kịch Hà Bắc đã gây sửng sốt cho toàn Hội diễn. Như nhà văn Ngô Thảo nhận định thì đây là đoàn kịch rất khiêm tốn, không nhan sắc, không ngôi sao. Đã thế, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi còn không cho các diễn viên có bất cứ trang điểm nào, kể cả các diễn viên nữ. 

Tác giả Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh.

Sự bất ngờ nằm ở sức lôi cuốn, những suy ngẫm về nhân sinh thế sự từ một chuyện thực, một mô-típ quen thuộc thời hậu chiến. Đó là chuyện về Lê Chí một người lính - họa sĩ bị thương, mù mắt trong những ngày cuối của chiến tranh. 

Mang khát vọng sáng tạo cháy bỏng, dù bị mù, Lê Chí vẫn miệt mài nặn tượng. Tác phẩm của người thương binh bị hỏng mắt đưa đi triển lãm, được mọi người ca ngợi, báo chí tung hô. 

Nhưng, bản năng của người nghệ sĩ giúp Lê Chí nhận ra những tác phẩm của mình không hoàn thiện. Anh lờ mờ nhận ra, mọi người đang ca ngợi nghị lực sống, lòng say mê sáng tạo của tác giả. Họ không đánh giá tài năng qua các tác phẩm đó. 

Lê Chí khao khát được nhìn thấy ánh sáng trở lại, khao khát sáng tạo nên những tác phẩm từ thế giới của hiện tại chứ không phải là của những ký ức lờ mờ về những ngày đã qua.

Hiểu nỗi lòng của chồng, Kim Oanh - vợ của Lê Chí tìm tới Nguyễn Thành, một bác sĩ giỏi, vừa triển khai nghiên cứu khoa học về ghép giác mạc cho người bị mù. Để thực hiện ca phẫu thuật, bệnh viện phải tìm được người nhà bệnh nhân vừa mất chấp nhận hiến giác mạc của người thân. 

Quan niệm thân xác phải được bảo đảm vẹn toàn, tránh đau đớn thêm cho người chết khi về với đất khiến mọi chuyện trở nên khó khăn. Khi mọi việc tưởng chừng rơi vào ngõ cụt thì cứu tinh cho đôi mắt, xa hơn nữa là khát vọng sống đẹp, sống có ích của Lê Chí hiện ra. 

Toàn - một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, kiến trúc sư trẻ giàu nhiệt huyết và cũng là một người lính trở về từ chiến trường đã tự nguyện hiến tặng giác mạc cho người đồng đội mù …

33 năm sau, câu chuyện với mô - típ vô cùng cũ kỹ ấy tiếp tục được các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam và NSND Hoàng Dũng chuyển tải trên sân khấu, dẫn dụ người xem đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Vẫn là một sân khấu tối giản nhưng đưa vào các giác quan người xem là một con mắt lớn, mở to như muốn thấu thị cõi người. 

Dưới con mắt ấy, một Lê Chí (diễn viên Minh Hoàng) nhỏ bé, vật vã đối thoại trong câm lặng cùng những bức tượng chưa hoàn thiện, những thúc giục, đòi hỏi về một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh, với lý lẽ: dù có là sản phẩm của một thương binh - họa sĩ mù thì chúng cũng nhất thiết phải là tác phẩm hoàn chỉnh trước khi đưa ra công bố với công chúng. 

Sự nén chịu, hy sinh của người vợ trẻ, tung hô của dư luận, sự vây bọc của vòng hào quang từ lòng khâm phục những chiến công trong quá khứ không giúp anh khỏa lấp được sự dằn vặt tự thân ấy. Lê Chí khao khát được nhìn thấy ánh sáng. Đó không chỉ là thứ ánh sáng soi rọi trái đất mỗi ngày mà còn là sự minh triết - thứ ánh sáng anh đang thiếu. 

Thứ ánh sáng ấy, không ai có thể nhìn được thay anh, kể cả người vợ hiền luôn chăm lo chồng bằng tất cả tình yêu, đức hy sinh, vẫn chăm chỉ quan sát mọi diễn biến cuộc sống mỗi ngày, về kể lại tỉ mỉ cho chồng, giúp anh có thêm "nguyên liệu" trong sáng tác.

Vai bác sĩ Nguyễn Thành - người mang lại ánh sáng cơ học cho đôi mắt của Lê Chí được NSND Hoàng Dũng tin tưởng giao cho diễn viên Hồng Quang. Hình ảnh quen thuộc về một thanh niên nghiêm túc, hiền lành, chất phác, chăm chỉ được Hồng Quang "bê" nguyên lên sân khấu trong những phút đầu có thể khiến những người từng dõi theo các vai diễn của anh e ngại về một sự lặp lại đáng tiếc. 

Nhưng, e ngại ấy đã xóa tan chỉ sau ít phút. Anh mang đến cho khán giả hình tượng bác sĩ một cách rất đời. Một bác sĩ Nguyễn Thành tài năng, sẵn sàng xả thân cho khoa học, hết lòng vì công việc, vì bệnh nhân vẫn không khỏi có chút ngần ngừ, chênh chao khi gặp lại tình đầu giữa hoàn cảnh trớ trêu. 

Kim Oanh tìm đến anh chỉ để tha thiết cầu xin được chữa lành đôi mắt cho người chồng - họa sĩ. Nhưng, cũng chính Nguyễn Thành là người nhìn ra sớm nhất những khó khăn khôn cùng của Lê Chí nếu anh chữa lành đôi mắt, anh sẽ hiểu những thứ mình sáng tạo ra vẫn được tung hô thật ra là không giống như anh tưởng.

Cũng với cốt truyện tưởng chừng cũ đến không thể cũ hơn ấy, nhưng tầng tầng lớp lớp những thông điệp gửi gắm qua từng câu thoại trong vở diễn lần này còn chuyển tải hàng loạt những vấn đề trăn trở, thậm chí đến nhức nhối của xã hội hiện tại. 

Đó không chỉ là sự lo lắng mơ hồ của Lê Chí - người nghệ sĩ sáng tạo nên tác phẩm bằng ký ức của quá khứ, bằng góc nhìn, đôi mắt của người khác, dẫu là đôi mắt của người anh tin tưởng nhất.

Đó còn là những màn đối thoại về cách giải quyết một vấn đề thực nhưng đầy tính triết lý giữa bác sĩ Thành và bác sĩ khoa A6 - khoa dành cho bệnh nhân ung thư: Cái chết lấy đi hy vọng được sống của kiến trúc sư Toàn nhưng mang đến cơ hội tìm lại ánh sáng cuộc đời cho họa sĩ Chí. 

Cũng như cuộc sống, có khi thành công cho người này là thất bại của người kia, ánh sáng cho người tiếp nối được trao chuyền bởi người chuẩn bị tan vào bóng tối. Đó còn là cả sự băn khoăn của vợ Toàn về người kế thừa đôi mắt của chồng chị, họ có thật sự xứng đáng? 

Là niềm hạnh phúc nhưng lo lắng chất chồng của họa sĩ Lê Chí về sứ mệnh của người mang ánh sáng, rằng: liệu anh có hoàn thành sứ mệnh, có đủ sức mạnh để giữ ngọn đuốc rực sáng trên tay, soi sáng vạn vật cho đến thời điểm trao truyền lại khi sức cùng lực kiệt?

Vở kịch "Nguồn sáng trong đời" tái xuất trên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam sau 33 năm vẫn tiếp tục hấp dẫn khán giả.

Chia sẻ về vở kịch "Nguồn sáng trong đời" nói riêng, các kịch bản sân khấu của tác giả tài danh Lưu Quang Vũ nói chung, nhà văn Ngô Thảo cho rằng nó luôn có  tính dự báo, tính nhân văn, tính thời đại từ những góc nhìn đa chiều về nhiều vấn đề của cuộc sống. 

Làm được điều này, trong giai đoạn đất nước thời hậu chiến, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có cả tài năng lẫn trái tim dũng cảm.

PGS.TS Lưu Khánh Thơ, mới đây, khi nhắc nhớ về anh trai của mình đã viết: Anh đến với sân khấu đúng vào lúc lĩnh vực này đang có những đòi hỏi khẩn thiết. 

Những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, đất nước ta vừa bước qua hai cuộc chiến tranh và đang phải đối mặt với những khó khăn của thời kỳ hậu chiến. Trong mỗi lĩnh vực, mỗi con người đều chất chứa biết bao vấn đề gay gắt, nóng bỏng. 

Chiến tranh vừa đi qua, cuộc sống hòa bình ào tới. Nhưng hòa bình mà chưa yên ổn, xã hội nổi lên bao vấn đề, kinh tế suy thoái, những thế lực thù địch tấn công từ nhiều phía, cơ chế quan liêu bao cấp để lại những hậu quả nặng nề trên mọi lĩnh vực đời sống chính trị xã hội. 

Những dằn vặt riêng tư bị chìm lấp trong cơn lốc chiến tranh và bị cơ chế thời chiến hạn chế nay trỗi dậy. Rất nhiều giá trị cũ được định lại. Dòng hiện thực phức tạp bội phần ấy đã dội vào đời sống văn học nghệ thuật những con sóng dữ dội và mới mẻ.

NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng cho rằng 30 năm trước, khi Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh, con trai Lưu Quỳnh Thơ hòa vào lòng đất, anh đã hoàn thành sứ mệnh của mình - sứ mệnh của người cầm bút có lòng dũng cảm nghề nghiệp, sứ mệnh của người mang ánh sáng. 

Sau 30 năm, nhắc về Lưu Quang Vũ, chúng ta không phải chỉ làm một việc mà tự thân các tác phẩm và thực tiễn cuộc sống đã xác nhận về giá trị của chúng mà là mong muốn, từ hiện tượng Lưu Quang Vũ, chúng ta tìm ra những giải pháp hữu hiệu đánh thức ý thức xã hội của các văn nghệ sĩ, đồng thời báo động cho những người có trách nhiệm về việc xây dựng một nền văn hóa xứng với một đất nước có nền văn hiến lâu đời.

Ngọc Nguyễn
.
.