Khúc hát cánh đồng và dấu ấn Trần Nhật Minh
- Gửi bạn nhà thơ xa xứ
- Nhà thơ Triệu Lam Châu: Lá rụng về biên ải
- Nhà thơ, nhà báo Chu Minh Khôi: Cả một Hương Sơn rỗng lặng ở tâm mình
Trong tư cách một nhà thơ, Nhật Minh đắm đuối với câu chữ, lãng mạn trong từng thanh âm cuộc sống. Trong tư cách một nhà báo, Minh làm việc như... điên, nay tỉnh này mai thành phố khác với dấu chân không mệt mỏi của một biên tập viên Truyền hình.
Tôi thích cảm giác được ngồi với Trần Nhật Minh cùng bầu bạn, thi nhân, bởi ở đó có một Nhật Minh khác, lòng chỉ còn hát khúc ca về tình yêu, về lẽ sống. Trần Nhật Minh, thuộc về thiểu số những thi sĩ yêu và sống hết mình cho nghề nghiệp và cho thi ca.
Ở vào thời khắc bận rộn nhất, cũng là lúc tâm hồn thơ anh xao động. Và giữa bộn bề của đời sống, Minh hát "Khúc hát cánh đồng" khiến những người thưởng thức phải ngẫm ngợi để trở về với một tâm hồn nhân hậu, yêu thương...
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, người đã kết nối nhóm Nhân sĩ Hà Đông, một nhóm trong đó có nhiều nhà thơ trẻ và dĩ nhiên, Nhật Minh cũng là một trong số ấy.
Cảm nhận về "Khúc hát cánh đồng", ông đã chia sẻ: "Trong thơ của Trần Nhật Minh, giữa bao tầng cảm xúc, giữa lớp lớp hình ảnh và sự chìm sâu của suy tưởng, tôi thấy một con đường hiện lên. Đó là con đường của sự trở về. Và tôi vừa bị ám ảnh và vừa được gợi mở từ con đường ấy. Con đường trở về ấy là con đường để rời bỏ những phù phiếm, những cám dỗ và những hoang mang vô định và trở về một nơi chốn mà những giá trị muôn đời trú ngụ. Chỉ ở đó, nhà thơ, một con người, mới tìm thấy những gì thực sự có ý nghĩa với đời sống".
Nhật Minh viết: "Đêm về đâu...? Con về đâu...?/ Cái lạnh mùa xuân rét bùng nỗi nhớ.../ Bông hoa gạo lo sợ.../ Cả hoa xoan tím cũng lo sợ.../ Một mùa xuân vắng mẹ.../ Đêm qua.../ Lời ca "Mama..." con hát bằng cột sống/ Tiếng đàn như mưa chết lặng/ Bên thềm nhà.../ Con ễnh ương ngái ngủ gọi đò/ Gió chạy qua sông không ngoái lại/ Phía sau lưng mưa phủ mắt con.../ Đêm qua.../ Mưa đưa con về bên mùa đông và Mẹ...".
Trong tập thơ của Trần Nhật Minh, gần 50 bài thơ bài nào cũng đậm dấu ấn những câu thơ như thế. Anh kể lại rằng, anh có một nỗi ám ảnh về một làng quê đã trở thành dấu ấn của tuổi thơ anh.
Từ khi biết đọc con chữ, cuốn sách đầu tiên cha anh đưa anh là tập thơ Nguyễn Bính nhàu cũ giấy đỏ, những câu chuyện về thi nhân thế hệ trước cho Nhật Minh một hình dung đẹp đẽ về thi ca, về hồn thơ và giá trị của thơ với cuộc đời.
Tập thơ "Khúc hát cánh đồng" là một đáp đền cho ký ức và miền quê anh - đất cũ Hà Tây bên dòng sông Nhuệ, sông Đáy. Tập thơ ra đời cũng là một sự khép lại một giai đoạn trong cuộc đời, một giai đoạn trong ký ức buồn nhưng đẹp đẽ của tuổi thơ Minh.
Đây cũng là những bài thơ Nhật Minh đã viết từ 10 năm trước sau khi người cha kính yêu của anh qua đời... một số bài là những tập hợp sau này bằng những yêu thương và rung động mà cuộc đời đã trao tặng.
Trong đời thường, Nhật Minh là người chi chút, chăm sóc người khác từng li từng tí. Anh khéo léo và giỏi nắm bắt tâm lý của người đối diện. Có lẽ bởi sự tinh tế trong cảm nhận của một thi sỹ.
Minh bảo, trong tâm can, lúc nào Minh cũng thầm cảm ơn bố anh vì ông đã là một cột trụ cho tâm hồn anh qua những câu chuyện, qua văn chương và âm nhạc của ông...
Còn mẹ, với những hình dung về nỗi buồn, về số phận, về cuộc đời... tất cả đã làm nên hồn thơ Minh cũng là làm nên những ký ức đẹp đẽ thông qua phương thức thể hiện ngôn ngữ và hình ảnh đậm dấu ấn quê hương, tình yêu gia đình và tình yêu đôi lứa.
Đậm chất trong thơ Minh một âm cảm, một sự hiển hiện của nét làng quê với những vẻ đẹp đã làm nên tuổi thơ anh, bên những dòng sông, bến nước, cánh đồng làng... ăm ắp những hình ảnh, âm thanh và kỷ niệm.
Minh viết: "Con chạy mãi về phía bến sông.../ Gọi con đò lạc giọng/ Cây cầu mỏng manh... bão về gãy nhịp/ Ai chở sóng qua đón Cha về.../ Ở bên ấy là giông.../ Bên này bình lặng.../ Chiều chiều hoàng hôn ngủ trên lưng trâu/ Con vẫn thường mang kèo nèo hái trăng về/ Những khi đêm ham chơi ngủ muộn.../ Trên cánh sáo diều.../ Đàn Vạc lang thang tìm quê hương xa biệt/ Làng xóm mình vẫn êm đềm như câu thơ cha đọc…".
Nhật Minh chia sẻ: "Với tôi, cha là người thầy, người bạn đáng kính và khó hiểu nhất mà tôi có trong cuộc đời. Có lẽ những đứa con sẽ luôn mắc nợ cha của mình vì nó chỉ có thể hiểu ông khi ông đã không còn nữa. Chúng ta mãi là đứa trẻ bé bỏng trước cha của mình...
Những hình ảnh về ông có lẽ sẽ theo tôi mãi trong những bước đường đời. Đó là tiếng đàn ghita dây sắt vang lên lạ lùng trong đêm, tiếng hát cao vút và sang trọng của ông mỗi mùa đông lạnh, hình ảnh ông đều đặn sáng sáng trước 5h kê ghế ra hiên nhà nắn nót viết những câu thơ, trang tiểu thuyết mà ông sáng tác lên trang giấy nâu màu... và ánh mắt buồn sâu thẳm của ông... đến bây giờ tôi cũng không hiểu hết! Tôi luôn nợ cha mình một sự chia sẻ cần có lúc trưởng thành... nhưng tôi không còn làm được nữa...".
Nhật Minh sinh năm 1981, đã được biết đến với nhiều chương trình giới thiệu thơ trên VTV, trên các báo, đài từ cách đây hơn 15 năm, nhưng đến năm nay, Minh mới in tập thơ riêng đầu tay.
Với Minh, thơ ca là nơi để cân bằng mình. Đó là miền đất để tự mỗi chúng ta tìm thấy con người trong tâm hồn mình đầy đủ và sâu thẳm. Đó cũng là một cánh đồng ngập tràn hình ảnh, âm thanh, màu sắc, âm nhạc và sự kỳ diệu của hạt mầm ngôn ngữ.... nó thử thách ta trong một cuộc kiếm tìm đầy ắp những bất ngờ... và mỗi người có lẽ cũng chỉ tìm được một phần của những giá trị ấy mà thôi. Đôi khi thơ ca chính là món quà mà thượng đế đã ban tặng lại để cứu rỗi chúng ta.
Minh có những câu thơ đẹp đến nao lòng: "Nơi chúng ta thực ở lại và thực sống/ Hoa đã nở tràn qua mùa thu năm trước/ Cả tiếng ve ngân của mùa hè năm trước/ Cả sự run rẩy của cánh bướm va vào bóng đêm lúc xuân sang năm trước/ Dần hồi sinh trong mỗi giấc hân hoan/ Điều mà trong những phút hội ngộ bất thành đã có mà ta không đón nhận"...
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, khi nhận xét về thơ Trần Nhật Minh, đã cho rằng, cố hương là nơi chốn kỳ vỹ nhất và đau đớn nhất cho tất cả mọi con người sinh ra và lớn lên.
“Về ngủ vùi cùng quê/ Sướng vui hơn đứa trẻ/ Tiếng reo cũng thật khẽ/Sợ vỡ điều hồn nhiên... Ôi, những câu thơ giản dị như không thể có gì giản dị hơn sao có thể làm lòng ta muốn khóc.
Đã có biết bao truyện ngắn, bao tiểu thuyết, bao bài thơ, bao bộ phim... trên thế giới nói về “cuộc hành hương” của mỗi kiếp người này nhưng Trần Nhật Minh vẫn làm ra những câu thơ về “cuộc hành hương” đó thật khác biệt, thật rung động và thẳm sâu. Nếu chỉ đọc thơ như đi tìm những “dị biệt” thì không thể nào thấy được vẻ đẹp và sức mạnh của những câu thơ này.
Điều mà nhà thơ làm một cách xuất sắc là đã dựng lên được nơi chốn ấy. Một con người trở về bến sông cũ, một đàn chim tìm quê hương của chúng... Cả hai đã vạch lên con đường hành hương cô đơn và lộng lẫy. Những câu thơ đủ sức mạnh làm nên sự bừng tỉnh.
Những câu thơ có độ vang rất xa và rất xa. Những câu thơ cho ta quá nhiều liên tưởng. Hoặc có thể những câu thơ ấy đã chạm đến tầng sâu nhất của chính con người tôi khi nghĩ về cố hương và “cuộc hành hương” lớn nhất của đời mình”.
Trần Nhật Minh và họa sĩ Đào Hải Phong. |
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thì cho rằng, thơ Minh như là những tiếng ca, lời ca vì tính nhạc phát ra trước hết tự trong lòng tràn vào câu chữ, hình ảnh, âm thanh.
Thơ Minh nhiều cảm xúc, dòng tình cảm lan chảy trong những câu thơ có khi như thừa thãi, tràn trề. Có cảm tưởng ở đâu, lúc nào tiếng đàn thơ trong tâm hồn Minh đều có thể bật lên cung điệu, và những cung điệu đó bất cứ khi nào cũng tạo được sự đồng điệu trong hồn người.
Minh viết về những người thương ruột thịt của mình, về những con người gặp gỡ trong đời, về cánh đồng quang cảnh quê hương, về nhiều thứ khác nữa, nhưng thơ không phải là “cá kể đầu rau kể mớ”.
Minh có viết thơ về gì thì cũng là để viết về Minh đấy thôi, để cái bản tính thi sĩ trong mình bộc phát ra, chan hòa với thế giới, với mọi người. Minh bằng thơ rất muốn giao hòa với nhân sinh.
Nhưng thẳm sâu thơ Minh buồn một nỗi buồn cô đơn nhân thế. Cái buồn trong thơ Minh dìu dịu, lặng lẽ làm cho những câu thơ của Minh chỉ nên đọc ở một gam trầm, không vóng vót, không ồn ào. Minh viết như “con chữ hồn nhiên vẫy gọi”.
Nhật Minh hiện là Biên tập viên, MC của đài truyền hình kỹ thuật số VTC. Một công việc đòi hỏi sự “chỉn chu” trong mọi lúc. Gặp Minh tôi khá bất ngờ, bởi ngoài thi ca, Minh hát, vừa đàn vừa hát phiêu linh giữa đất trời, thiên nhiên. Hòa cùng thiên nhiên, thi ca và bè bạn…
Có lẽ khi Minh hát, nỗi buồn sâu thẳm mới được thoát thai. Minh bảo, điều may mắn của anh là trong cuộc đời đã được gặp rất nhiều người bạn văn chương thú vị.
Minh chia sẻ: "Những người bạn văn chương mà tôi gặp trong cuộc đời, tôi thường đùa đó là những tứ thơ hoàn toàn khác biệt để tôi cất lên lời ca và câu chữ. Mỗi người môt độ tuổi, một tính cách, một vẻ đẹp tâm hồn... họ đã trao tặng cho tôi những món quà vô giá về tri thức, về niềm tin yêu, về nỗi buồn và cả những mất mát đổi thay. Tất cả đã cho tôi những món quà kỳ diệu của âm nhạc, ngôn ngữ, thái độ sống hay sự hào sảng trước cuộc đời"...