Trong tiếng rền của núi

Thứ Hai, 17/04/2017, 09:54
Trong phim và trong ảnh không còn những phong cảnh thiên nhiên kỳ diệu như ngày xưa nữa.Thật là buồn, một từ buồn kéo dài như tiếng rền của núi, có mở ra con đường hay tiếp tục cuộc săn tìm những phút giây vô giá ấy không? 

Võ An Ninh - nhà nhiếp ảnh lão thành (1907 - 2009), thọ 102 tuổi, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996, có nhiều kỷ niệm sâu sắc với những người làm phim tài liệu. Tôi viết bài này tưởng nhớ đến ông - nhân vật của bộ phim Một phần năm mươi giây cuộc đời mà tôi là biên kịch, đạo diễn (Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất).

Tôi nói với Võ An Ninh rằng, tôi đọc Yasunari Kawabata (1899-1972), mơ mộng thấy Xứ Tuyết (khởi viết 1934, in từ 1935-1937, hoàn tất 1947), Ngàn cánh hạc (1949-1952) và Tiếng rền của núi (1949-1954). Tôi rủ ông cùng đi làm một bộ phim. Đó là phim Một phần năm mươi giây cuộc đời.

Cuối mùa Xuân năm 1982, chúng tôi lên đường đi Sapa. Ông Võ ngồi lên xe, vừa xúc động vừa u sầu: "Ta đã đến với Sapa từ ngày còn trẻ, từ những năm 30, cách đây  nửa thế kỷ rồi, nay về già, giống như đi tìm một người tình xưa".

Phố chợ Sapa, ban đêm sương mù mịt mùng. Vài đốm lửa bập bùng trong những quán ăn khuya. Tôi uống với ông đến chén thứ mười. Rượu Sapa nấu thứ men gì là lạ, phảng phất như rượu ngô hôm nào đã uống thử ở chợ Kỳ Lừa. Ngọn đèn dầu trên bàn chập chờn. Gió ngoài phố thổi rào rào, Võ tiên sinh mơ màng:

- Có một đêm trăng, tôi cũng ngồi trong quán rượu như thế này ở Sapa. Chỗ tôi ngồi, bên cửa sổ nhìn ra thung lũng. Trăng suông mờ mờ, rượu ngà say, đột nhiên thấy mây mù cuộn lên ở dưới thung lũng xa. Dưới ánh trăng, áng mây nom giống tấm lụa mỏng bay lượn trong luồng sáng dịu dàng. Qua cửa sổ, mây tràn vào quán. Những ngọn đèn dầu trở nên mờ ảo. Tiếng nói và những mặt người chìm đi như ẩn sau một tấm gương mờ. Thật là cảnh tượng kỳ lạ mà tôi chưa từng thấy.

Đôi nét thủy mạc Sapa. Ảnh: Võ An Ninh.

Ông chủ quán rượu nói với tôi: "Thưa ông, đây là "Sơn vân", thứ mây từ núi sinh ra, chỉ xuất hiện vào những đêm thời tiết thay đổi, sắp có sấm rền".

Tôi bước về quán trọ trong dải ánh sáng mơ hồ trải trên đường đi, thấp thoáng những khu vườn và những ngôi biệt thự thầm lặng trong đêm. Tai tôi nghe văng vẳng như có tiếng sấm. Trăng vẫn sáng, không vẻ gì là trời đổ giông, có lẽ không phải tiếng sấm, mà hình như đó là tiếng núi đang rền rĩ. Mười năm sau, tôi lên Sapa chụp được mấy bức ảnh Sapa trong mây, chính là hồi ức của cái đêm tôi được thấy mây sinh ra từ thung lũng sâu, trong tiếng rền của núi.

Tôi và ông ngồi trên bãi cỏ, trước ngôi nhà thờ đá hoang tàn. Những ngôi sao trên trời lặng lẽ, cô đơn. Bóng cây Pơmu tựa rừng bút lông đẫm mực im lìm ở phía núi xa.

- Tôi cứ nằm mơ một ngày nào đó chụp được những áng mây núi dưới ánh trăng mờ, nhưng vẫn chưa có dịp nào gặp lại cảnh tượng giống như tôi đã gặp. Cái đẹp thực sự thường giống như mộng ảo. Nó rất thật mà lại không có thật. Nếu muốn có những cảnh phim đẹp, anh nên quay cảnh như anh đang mơ mộng về nó, chứ đừng quay những cảnh như anh đang nhìn thấy nó.

Ông Võ rủ chúng tôi đi Ô Quy Hồ, đỉnh núi cao quanh năm lộng gió. Gió Ô Quy Hồ làm cây cối trên đỉnh núi cằn cỗi như cây thế, uốn theo từng luồng gió thổi. Trước mặt tôi, miên man dải mây trắng bao quanh những dãy núi xa. Từng vệt nắng chiều còn sót lại trên các sườn non, đẹp không thể tả.

Tôi thốt lên:

- Những vệt nắng kia đẹp quá! Thật huy hoàng mà cũng thật cô đơn.

Ông ngắm nhìn vệt nắng đang tàn dần, như đang tìm kiếm một cái gì mà có lẽ ông chỉ cảm thấy chứ không thể nào hình dung ra được. Võ An Ninh cảm thán:

- Vài mươi lần, tôi đã lên Ô Quy Hồ, cũng để hy vọng nhìn thấy lại một lần nữa dải nắng vàng trên đỉnh Fansipan kia mà có lần tôi được nhìn thấy trong một chớp mắt. Ngọn núi cao nhất nước ta, anh không thể tưởng tượng, trong nắng vàng, đẹp huy hoàng đến thế nào đâu!

Chúng tôi đã quay phim ở cung đường và đỉnh đèo tuyệt đẹp Ô Quy Hồ. Bối cảnh gợi cảm xúc sáng tạo của nhiều văn nghệ sỹ nổi tiếng Việt Nam, đỉnh cao là Võ An Ninh. Đèo mang tên bản Ô Quy Hồ, nằm cạnh quốc lộ 4D và là bản ở rìa phía tây thị trấn Sapa.

Cung đường đèo dài gần 50 km, hiểm trở và hùng vĩ vào bậc nhất, cao nhất Việt Nam (2.090m), nằm giáp ranh giữa 2 tỉnh (2/3 thuộc địa phận huyện Tam Đường, Lai Châu); 1/3 ở phía Sapa, Lào Cai. Đèo còn có tên Hoàng Liên Sơn do đèo vượt qua dãy núi Hoàng Liên Sơn, hoặc đèo Mây vì đỉnh đèo quanh năm mây phủ. Đỉnh đèo giữa mây núi ngút ngàn, nên có tên Cổng Trời. Vào thời tiết giá rét, nó có thể phủ kín băng tuyết.

Ngày đẹp trời, được ngắm toàn cảnh con đường ô tô vượt đèo, vẻ kiêu hùng của đỉnh núi Fansipan từ hướng Lai Châu. Mùa Đông giá lạnh, dưới 0°C, tuyết bay trắng rừng. Khí hậu hai nửa của đèo được phân định tại Cổng Trời trở nên khác biệt. Mùa Đông, phía Tam Đường ấm áp, bên Sapa gió lạnh cắt da cắt thịt, cả ngày sương mù bao phủ, tầm nhìn không quá 2m và núi rừng chìm ngập trong mây. Mùa Hè, nếu bên đèo Sapa khí hậu mát mẻ, đèo Tam Đường nóng khô hanh.

Gió thổi ào ào qua rặng lau khô. Những dãy núi xa lặng lẽ chìm trong mây mù. Trên đường về, ông tâm tình:

- Cái đẹp vĩnh cửu chỉ xuất hiện trong chớp mắt, như cách nói của anh - Một phần năm mươi giây cuộc đời. Nhưng trong đời chúng ta, liệu đã giữ lại được bao nhiêu lần một phần năm mươi giây ấy? Anh muốn có được những cảnh đẹp trong phim, không chỉ tìm đến với thiên nhiên mà còn phải cố mà hiểu được thiên nhiên. Tôi đã mơ ước mãi một dải nắng vàng trên đỉnh Fansipan mà suốt đời tôi cũng không có.

Đạo diễn, NSND Đào Trọng Khánh. Ảnh:  Nguyễn Đình Toán.

…Hơn hai mươi năm sau tôi mới gặp Võ An Ninh ở Sài Gòn, ông đã bước vào tuổi 90. Ngồi uống với ông ở hè đường Phạm Ngũ Lão, quận 1, mù mịt bụi nắng và khách du lịch Tây đeo ba lô đi lại ồn ào, ông hỏi tôi:

- Hơn hai mươi năm, chắc đã tìm được nhiều cái đẹp?

Tôi không trả lời ông, chỉ uống và ngắm con đường trước mặt nhộn nhịp, gần gũi mà xa lạ. Bất giác tôi nghĩ đến cái đêm ở Sapa, nhớ tới những đám mây dưới thung lũng quyện ánh trăng mờ, nhớ tới dải nắng vàng trên đỉnh Fansipan mà tôi với ông đều mơ có ngày gặp lại.

Một phần năm mươi giây cuộc đời, tên bộ phim được tôi lấy từ tốc độ Võ An Ninh thường dùng khi ông bấm máy chớp những khoảnh khắc. Lão nghệ sĩ đã đặt chân khắp các vùng miền của đất nước, chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử, với chiếc máy ảnh cũ của Đức, hiệu Zeiss Ikon.

Ngày nay, bao nhiêu nhiếp ảnh gia sử dụng các thiết bị hiện đại, được sự hậu thuẫn ghê gớm của công nghệ, sao chưa ai chụp được những bức ảnh thiên nhiên đẹp hiếm hoi, lạ kỳ như Võ An Ninh? Thiên nhiên xấu đi hay khác đi? Hay tại tâm hồn người chụp, tư tưởng về săn tìm cái đẹp và sự kì công không thể được như lão nghệ sĩ?

Một phần năm mươi giây cuộc đời thành công lớn tại Liên hoan phim Việt Nam lần 7 (14 - 20-10-1985, tại Hà Nội), với 3 giải Bông sen vàng cá nhân cho đạo diễn (tôi), quay phim Đinh Anh Dũng, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, nằm trong cụm tác phẩm của tôi được giải thưởng Nhà nước năm 2007. Song không phải vì thế mà tôi nhớ tới Võ An Ninh, khi tôi lúc này trạc độ tuổi ông lúc bộ phim thu hút sự chú ý cao của khán giả và những người làm nghệ thuật.

Sau khoá điện ảnh chống Mỹ mở từ 1963, do chuyên gia Trung Quốc đào tạo, để tung các tay máy vào chiến trường, tôi đã đi suốt dọc Trường Sơn. Công tác tại Hãng phim tài liệu gần 40 năm (1966-2005), bây giờ ở tuổi Võ An Ninh ngày ấy, tôi vẫn đầy hứng khởi viết và làm phim. Các bộ phim tài liệu của tôi đều thực hiện từ kịch bản của chính mình, do tôi viết lời bình.

Tôi đã làm nhiều phim chân dung về các nhân vật lớn: Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp. Ở mảng nghệ sĩ, thì phim về Võ An Ninh khiến tôi tự hào bởi lượng tư liệu và kí ức có với ông.

Tôi vẫn còn làm tiếp một phim về Võ An Ninh: Nhảy múa trên cồn cát, quay tại Mũi Né (Bình Thuận), sau bộ phim đầu tiên, với nhiều cảnh tuyệt vời của bao cồn cát, những điệu múa của bầy thiếu nữ Chăm da nâu nhưng lần này ông đã yếu hơn, không còn có thể rong ruổi được cùng tôi nữa, nên phim còn dang dở. Nó hiện nằm trong hàng vạn thước phim tư liệu về những nhân vật danh tiếng mà tôi từng gặp, làm việc, quay phim.

Sống giữa bụi hồng, chúng ta đang mất dần những rung cảm trước vẻ đẹp vô hạn của thiên nhiên. Chúng ta đã không còn hiểu được thiên nhiên. Thiên nhiên cũng đang dần dần xa lánh chúng ta. Trong phim và trong ảnh của chúng ta không còn những phong cảnh thiên nhiên kỳ diệu như ngày xưa nữa. Thật là buồn, một từ buồn kéo dài như tiếng rền của núi, có mở ra con đường hay tiếp tục cuộc săn tìm những phút giây vô giá ấy không? 

Chính Yasunari Kawabata, tiểu thuyết gia đầu tiên của Nhật Bản giành giải Nobel Văn học năm 1968, đã chẳng có tác phẩm Đẹp và buồn (1964) đó sao?

Lại nhớ, chiều năm ấy ở Sài Gòn, tôi nhìn Võ An Ninh, nhìn thành phố mịt mù khói bụi. Lúc đó và đến giờ, tôi muốn nói với ông, tôi cũng hay mơ thấy mình đi về những rặng núi lớn chìm trong mây, tôi cũng đã thấy mặt trăng ở thung lũng sương mù, thấy những tia chớp phía chân trời và đã nghe thấy tiếng rền của núi. 

Chúng ta - những người làm phim và chụp ảnh, vẽ tranh, viết văn, làm thơ, những người làm nghệ thuật, suốt đời sống trong đau khổ và mơ mộng trước vẻ đẹp bí ẩn của thiên nhiên, suốt đời tìm kiếm giây phút bất tử của chính cuộc đời mình, giây phút bất tử của Cái Đẹp!

Đào Trọng Khánh
.
.