Tình bạn đặc biệt của phi công đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ

Thứ Tư, 08/08/2018, 10:49
Là người đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ năm 1972, đến bây giờ ông Nguyễn Hồng Mỹ lại có một tình bạn thân thiết với chính "kẻ thù cũ" của mình.

Nhìn người đàn ông ăn mặc hệt như một gangxto, trên cổ lủng lẳng sợi dây chuyền to trông rất ngầu, tác phong hoàn toàn thoải mái tự nhiên, tôi thoáng nghĩ: đây hẳn phải là một tay anh chị có số má! 

Ấy thế mà không phải, tìm hiểu ra mới biết đấy lại là ông Nguyễn Hồng Mỹ, người đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ năm 1972, người mà đến bây giờ lại có một tình bạn thân thiết với chính "kẻ thù cũ" của mình.

Trên bầu trời và trong ngôi nhà nhỏ

Ông Mỹ người gốc Nghệ An. Năm 1965, khi đang là sinh viên của Đại học Kinh tế Hà Nội thì có đoàn về tuyển phi công, ông đánh liều đăng kí đi thi nhưng trong lòng không bao giờ nghĩ mình có thể trúng tuyển bởi lúc đó cân nặng chỉ trên 50 kg. 

Ấy thế mà ông lại trúng tuyển với số điểm tốt và sau kì thi sát hạch, ông nằm trong danh sách 120 học viên xuất sắc được gửi sang Liên Xô học lái máy bay. Một chương trình đào tạo học viên lái may bay ở nước bạn phải mất 7 năm nhưng do nhu cầu tình hình chiến tranh cấp bách nên khóa học chỉ rút gọn trong vòng 3 năm. 

Năm 1968 có 21 học viên tốt nghiệp về nước và chỉ được phép nghỉ 2 ngày rồi về đơn vị chiến đấu. Nguyễn Hồng Mỹ về biên chế tại đại đội 1, Trung đoàn tiêm kích 921. 

Hai cựu phi công: Nguyễn Hồng Mỹ - Dan Cherry.

Đến đầu năm 1972, các chiến sĩ phòng không không quân nhận nhiệm vụ đặc biệt phải hạ gục máy bay địch, bảo vệ vùng trời Tổ quốc khi người Mỹ đã huy động toàn bộ những thiết bị tối tân nhất cho trận chiến trên không.  

Ngày 17-1-1972 - một ngày lịch sử, sau khi nhận lệnh cất cánh chiến đấu, chiếc MIG 21 do Nguyễn Hồng Mỹ lái có màn rượt đuổi ngoạn mục trên không suốt từ địa phận tỉnh Hòa Bình và đã bắn hạ máy bay địch ở địa phận Nghệ An. 

Ngay sau đó, tối 19-1, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới thăm Trung đoàn tiêm kích 921, và phi công trẻ Nguyễn Hồng Mỹ được gắn Huy hiệu Bác Hồ. Chiến tranh ngày càng leo thang và các trận đánh trên không ngày càng khốc liệt. Ngày 16-4-1972 đã thay đổi cuộc đời và số phận của ông. 

Ông kể, hôm đó sau khi nhận lệnh xuất kích, ông đếm thấy máy bay địch có 24 chiếc. Máy bay của mình có mấy đội nhưng nằm rải rác ở các vùng bay khác nhau, tại địa phận Nội Bài chỉ có 2 chiếc. Lúc phát hiện máy bay địch ở cự li 15 km, sở chỉ huy cho phép không kích. 

Ông lái chiếc MIG 21 thân thuộc xông lên. Sau hồi rượt đuổi với lực lượng máy bay địch đông đến 16 chiếc, máy bay của ông trúng đạn. Cần lái không điều khiển được nữa, sở chỉ huy hô nhảy dù. Thông thường, khi ghế dù bật khỏi máy bay thì lưới bảo vệ và ốp giữ chân tay sẽ được kích hoạt, nhưng lần đó, lưới bảo vệ đã không hoạt động. 

Người phi công trẻ rơi tự do và sau đó chấn thương nặng, gãy cả 2 tay. Sau một thời gian điều trị khá lâu, hai cánh tay nẹp sắt trở nên vững vàng thì ông quay lại chiến đấu. 

Đến năm 1974, sau những lần cố gắng nhưng không thành vì vết thương lần trước quá nặng, 2 cánh tay nẹp sắt có nguy cơ hư hoại, ông Mỹ đành bùi ngùi xin chuyển ngành, làm nhân viên tại một công ty bảo hiểm.

Cũng phải nói ngay rằng trong cuộc chiến, những người anh hùng luôn được tung hô và ông Mỹ ngay cả sau khi xuất ngũ vẫn được mọi người chào đón dưới cái nhìn thán phục. Với tư thế ấy, ông được bạn bè giới thiệu cho một người phụ nữ môn đăng hộ đối, có nhan sắc, công tác tại ngành thương nghiệp. 

Trong cuộc sống tem phiếu thời bao cấp thì yêu và lấy một cô gái trong ngành thương nghiệp là mơ ước của rất nhiều chàng trai. Tuy nhiên ông Mỹ lại chẳng được sống trong mơ là mấy. Khi hai người con một lên 4, một lên 2 thì ông chia tay vợ, chấp nhận một mình nuôi con. 

Để 2 con có thịt ăn trong thời bao cấp, ông đã trần lưng  làm bất cứ nghề gì, miễn là việc làm của mình lương thiện. Và ông bảo những ngày con đau ốm, rồi những ngày trái gió trở trời, vết thương cũ nhức nhối đã ăn sâu vào cơ thể ông...

Đối đầu năm xưa - bạn bè hôm nay.

Kẻ thù của tôi - bạn tôi

Ở nước Mỹ xa xôi, người đàn ông có tên Dan Cherry - người đã lái máy bay oanh tạc bầu trời Hà Nội trong chiến dịch trên không năm 1972 không ngừng trăn trở với những gì diễn ra trong quá khứ. 

Người đàn ông ấy nhớ rằng vào ngày 16-4-1972 ông đã lái chiếc phi cơ của mình bắn tên lửa hạ gục chiếc MIG của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông còn nhớ rất rõ, người phi công Việt Nam hôm ấy đã rất tài tình tránh được 5 quả tên lửa ở cự li gần và đến quả thứ 6 thì mới dính đòn. 

Trước khi chiếc MIG bốc cháy hoàn toàn, Dan Cherry còn kịp nhìn thấy phi công lái chiếc MIG nhảy dù ra ngoài. Trong cuộc đời quân đội của Dan Cherry, đấy là lần duy nhất ông bắn rơi máy bay. Và nhiều năm sau, ông vẫn tự hỏi liệu người phi công Việt Nam ấy còn sống hay đã chết?

Hai tháng sau khi Dan Cherry bắn rơi chiếc MIG, đến tháng 6, ông nhận lệnh quay về nước và từ đó về sau không có cơ hội trở lại Việt Nam. Trong một lần tham quan một bảo tàng quân sự, ông  bất chợt nhìn thấy chiếc máy bay mình lái trong chiến dịch năm 1972 ở Việt Nam. 

Trên máy bay còn ghi dòng chữ 16-4-1972 -  ngày mà ông bắn hạ chiếc MIG của đối thủ. Cái ý nghĩ  muốn tìm hiểu về số phận người phi công Việt Nam lái chiếc MIG bị bắn hạ càng thôi thúc ông mãnh liệt. 

Còn có một ý nghĩ khác nữa, mà suốt nhiều năm qua ông không giải thích được, đó là với những  vũ khí và thiết bị không quá hiện đại, tại sao phi công Việt Nam có thể bắn hạ những chiếc máy bay oách nhất của Mỹ trên bầu trời Hà Nội 1972? Người phi công đầu tiên Việt Nam bắn hạ máy bay Mỹ là ai? Và người phi công lái chiếc MIG, bị mình bắn hạ là ai?

Thông qua những người bạn Việt Nam trên đất Mỹ, ông Dan Cherry biết đến chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" của Đài truyền hình Việt Nam. 

Và thật đặc biệt, năm 2008, trong chương trình này, ông đã được sắp xếp để gặp lại người phi công Việt Nam, người mà ngày xưa mình từng đối diện trên bầu trời: Nguyễn Hồng Mỹ! Hai người đàn ông trước ở 2 chiến tuyến nay bắt tay nhau. 

Và phải đến cái khoảnh khắc bắt tay lịch sử ấy  ông Dan Cherry mới biết rằng cả hai người phi công Việt Nam mà mình muốn tìm hiểu - người đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ và người bị mình bắn hạ hoá ra cùng là một. "Bây giờ chúng ta là những người bạn" - cựu phi công "2 trong 1"  Nguyễn Hồng Mỹ đã nói với Dan Cherry như vậy.

Sau chương trình, ông Mỹ rủ ông Dan Cherry về thăm ngôi nhà giản dị của mình ở bên đê sông Hồng, và có buổi ăn tối vui vẻ cùng nhau. Chuyện được một lúc thì có một người bước vào, nói về chiến tranh, nói về việc người Mỹ từng xâm lược Việt Nam.

Ông Mỹ lúc ấy đã gạt tay, nói dứt khoát: "Chính trị là điều không bàn đến ở đây!". Sau đó, ông Mỹ đưa ông Dan Cherry thăm nhà tù Hỏa Lò, nơi xưa kia là nhà tù giam giữ những phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Sau lần đó, ông Dan Cherry đã viết hẳn một  cuốn sách với tựa đề: "My Enemy - My Friend" (Kẻ thù của tôi - bạn của tôi). Kể từ ngày đó, dường như khoảng cách địa lý cũng như những  khoảng cách về vùng văn hóa giữa hai người như được xoá nhoà. 

Ông Mỹ vẫn thường có những chuyến sang Mỹ thăm ông Dan Cherry, ăn cơm cùng gia đình ông Dan Cherry. Với sự cổ vũ của Thống đốc bang Kentucky, ông Mỹ đã lái một chiếc phi cơ bay trên bầu trời nước Mỹ. Sự việc này đã được báo chí Mỹ quan tâm phản ánh.

"Kẻ thù của tôi - bạn tôi", cái tựa sách rất ý nghĩa của Dan Cherry đủ sức nói thay tất cả!

Trần Mỹ Hiền
.
.