Vị Xuyên có Tú Xương dở dở lại ương ương

Chủ Nhật, 05/08/2018, 07:18
Chừng hơn hai mươi năm trước, lúc mới chân ướt chân ráo ra Hà Nội, có đồng nghiệp cắc cớ: “Đố Q ở Thủ đô một năm có mấy mùa?”.

Tréo ngoe chưa?

Thế mà cũng hỏi. Bèn trả lời. Trật lấc. Thật ra, có đến 5 mùa. Có thêm cả… mùa chạy giải thưởng, kết nạp hội. Bạn của y, tạm gọi nhà văn A, vốn nổi tiếng trong lãnh vực viết truyện thiếu nhi, uy tín sáng láng nên được mời vào hội đồng chấm giải chuyên ngành. Ban đầu, anh hào hứng vì thỉnh thoảng được mời ra thủ đô họp bàn, bỏ phiếu chung khảo…

Cuối cùng, anh tự nguyện xin rút lui. Hỏi, tại sao? Anh cười mà rằng, đại khái do không thể chịu nổi áp lực phải nhận quà cáp, mời mọc bia bọt của nhiều đồng nghiệp, bởi họ cần ở anh lá phiếu bình chọn. Ngồi cái ghế có quyền “ban phát” nọ kia, lại được nhiều người săn đón, điếu đóm, cầu cạnh nhưng anh A vẫn rút lui, há chẳng phải người có tư cách đó sao?

Mà, thật lạ, từ nhiều năm nay, hễ khi công bố kết quả giải thưởng văn chương, phong tặng danh hiệu nghệ sĩ, nhà giáo nhân dân, phong chức danh giáo sư, phó giáo sư v.v…. lập tức lại ầm ĩ dư luận không đồng thuận. Gần đây nhất, báo chí lại “dậy sóng” với việc phong danh hiệu sĩ.

Có hai điều lạ: một là, không công khai số phiếu, không công khai danh sách Hội đồng cấp nhà nước xét duyệt hồ sơ nghệ sĩ; hai là, theo quy định thì nghệ sĩ phải làm đơn xin phong tặng danh hiệu! Đã “xin” thì mối quan hệ qua lại thuộc cơ chế “xin - cho”, chứ nào còn phải tặng, phong tặng nhằm tôn vinh tài năng của người nghệ sĩ?

Ông Nghè, ông Thám vô mây khói
Đứng lại đời sau một Tú tài

Sử sách còn ghi rành rành, cứ tưởng đùa, có những người dù không đậu Trạng nguyên, nhưng do có “công trạng đặc biệt” nên cũng được dân phong là “trạng”. Trạng dân phong có sức sống lâu bền, thậm chí còn hơn cả trạng do nhà nước phong.

Bởi vì rằng, một khi những gì đã thuộc về dân, dân chấp nhận, dân tôn vinh thì sức sống ấy có thể vượt qua bụi mờ thời gian. Vấn đề đặt ra ở đây không phải đã thi đậu, đã học hàm, học vị gì, mà họ đã làm được cái gì?

Về các ông trạng do dân phong tặng, có thể ghi nhận là một chuyên đề lý thú trong Folklore học Việt Nam, chắc chắn sẽ có các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đi sâu tìm hiểu và lý giải vấn đề này.

Trước mắt, có thể kể đến: Trạng Ăn (Lê Như Hổ), Trạng Quét (Lê Quát), Trạng Gióng (Đặng Công Chất), Trạng Bùng (Phùng Khắc Khoan), Trạng Vật (Võ Phong), Trạng Cờ (Vũ Huyên), Trạng Quỳnh (Nguyễn Quỳnh), Trạng Lợn (Dương Chung Nhi), Trạng Tả Ao (Vũ Đức Huyền), Trạng Ngộ (Nguyễn Xiển, còn gọi là Xiển Bột) Trạng Ngọt (Hứa Tam Tỉnh)... và một số trạng không rõ tên như Trạng Gạt, Trạng Độn, Trạng Khiếu...

Có một số ông trạng, dân gian không gọi tên thật mà kính trọng gọi bằng cái tên khác - với nhiều lý do như trạng có sở trường về chuyên môn đó; hoặc có công truyền nghề cho dân; hoặc gắn liền với địa danh sinh ra Trạng.

Chẳng hạn, Trạng Trình (Nguyễn Bỉnh Khiêm) - do được vua nhà Mạc phong tước Trình Tuyền Hầu, ngụ ý đề cao ông có công khơi nguồn Lý học như anh em Trình Di và Trình Hạo ở Trung Quốc...; rồi ông lại được thăng tước Trình Quốc Công; Trạng Me (Nguyễn Giản Thanh) - do sinh ở làng Hương Mạc, tên nôm là Me, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc; 

Trạng Lường (Lương Thế Vinh) - do giỏi về tính toán, có để lại đời sau bộ sách Đại thành toán pháp; Trạng Chiếu (Phạm Đôn Lễ) - do có công dạy dân nghề làm chiếu; Trạng Bịu (Nguyễn Đăng Đạo) - do sinh ở làng Hoài Bảo, tên nôm là Bịu, huyện Tiên Du, Hà Bắc...

Có Trạng do đi sứ có tài biện bác, ứng đối thông minh nên được vua Trung Quốc phong là “Lưỡng quốc Trạng nguyên” như trường hợp Mạc Đĩnh Chi, Phùng Khắc Khoan - dù ông Phùng không đậu Trạng, chỉ đậu Hoàng giáp...

Dù không đậu Trạng nguyên, chỉ mới Tú tài, trong số đó, còn có Tú Xương. Đời sau đã ca ngợi một thi sĩ tài hoa bậc nhất đất Nam Định, dù rằng thuở sinh thời, nhiều lần lều chõng đều trợt vỏ chuối. Âu cũng là… cái may cho nền văn học nước nhà. Nếu thí sinh Tú Xương thi đâu đậu đó thì sức mấy: “Kìa ai chín suối Xương không nát/ Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn”.

Tú tài mà làm thơ cỡ như Tú Xương kể ra hiếm lắm. Một khi đọc kỹ thơ của anh chàng tự trào: “Vị Xuyên có Tú Xương/ Dở dở lại ương ương/ Cao lâu thường ăn quịt/ Thổ đĩ lại chơi lường” ắt nhận ra rằng đó là… một nhà báo chuyên nghiệp. Có điều, ông viết phóng sự bằng… thơ trào phúng! Do tài năng tuyệt vời, một khi thời sự đi qua nhưng các câu thơ ấy vẫn “đứng lại”, vẫn tạo thành một bức tranh chính trị-xã hội của một thời quá vãng.

Trong cõi trường văn trận bút trùng trùng điệp văn tài chữ nghĩa, vàng thau lẫn lộn ấy; trong chốn quan trường nhộn nhạo mua quan bán chức lẫn có thực tài ấy, điều gì sẽ khiến đời sau còn nhớ đến họ?

Về thơ trào phúng, đồ đệ của Tú Xương nhiều lắm, thí dụ Tú Mỡ. Khi ta gọi Tú Mỡ, đó chỉ là bút danh của Hồ Trọng Hiếu; nhưng gọi Tú Xương thì nó vừa bút danh, vừa phản ánh cả học vị của Trần Tế Xương. Thế thì sao lại không lẩn thẩn tìm hiểu một vài nhà thơ đã có bút danh gắn với học vị? Âu cũng là một cách tìm hiểu về khoa cử của ngày xưa. Lý thú quá đi chứ.

Xưa nay, các nhà cầm quyền muốn tìm nhân tài ra giúp nước, thông thường phải thông qua con đường khoa cử. Do sử sách không ghi chép hoặc tài liệu đã thất lạc, tiêu hủy trong binh đao nên khoa cử Việt Nam từ đời nhà Đinh, nhà Lê trở về trước rất khó khảo cứu.

Ngay cả trong Lịch triều hiến chương loại chí, nhà bác học Phan Huy Chú (1782-1840) cũng chỉ viết: “Khoa cử bấy giờ còn thiếu, triều đình dùng người không câu nệ, không theo phép tắc cụ thể nào, sự cân nhắc còn rộng rãi, mà thực ra nội quy thi cử cũng chưa được tường. Điều này cũng dễ hiểu vì bắt đầu xây dựng, sự thể cũng phải như vậy”. Trải qua các triều đại, qua từng khoa thi có khác, nhưng đại thể như sau:

Từ năm 1396, vua Trần Thuận Tông quy định lại phép thi cử đặt ra thi Hương để chọn lấy cử nhân: cứ năm trước thi Hương thì năm sau thi Hội, ai đậu thì được tiếp tục thi Đình, do chính nhà vua ra đề để phân cấp bậc, thứ tự cao thấp. Thi Hương là do các địa phương tổ chức. Thi Hội là cấp thi Trung ương do triều đình tổ chức.

Thế nhưng trước khi vào thi Hương, các thí sinh phải qua kỳ thi khảo hạch ở địa phương. Năm 1915, nhà văn Ngô Tất Tố đỗ đầu kỳ khảo hạch toàn tỉnh Bắc Ninh nên còn được gọi Đầu xứ Tố. Sau khi khảo hạch, những thí sinh đủ tiêu chuẩn mới được dự thi Hương gọi là Cống sĩ.

Những người chỉ thi đậu qua ba trường (trường nhất, trường nhì, trường ba) hay còn gọi là ba kỳ thi Hương thì được gọi Sinh đồ, nhưng nếu có ông cha làm quan viên tử hoặc quan viên tôn thì được gọi Nho sinh; thi đậu bốn trường gọi là Hương cống, còn gọi Hương tiến.

Đời nhà Nguyễn, những người thi đậu qua ba trường (trường nhất, trường nhì, trường ba) gọi là Tú tài (tương đương Sinh đồ đời Lê); đến trường tư, các Tú tài vào thi, người nào đậu thì xếp hạng Cử nhân (tương đương Hương cống đời Lê), số còn lại đều gọi là Tú tài. Nếu đậu đầu thi Hương được gọi là Giải nguyên, khi đi thi Hội được gọi là Cống sinh.

Đọc sử sách thấy có những người là Tú Đơn, Tú Kép, Tú Mền, Tú Đụp - nghĩa là sao? Tú Kép là những người hai lần thi Hương đều đậu Tú tài - như trường hợp nhà thơ trào phúng Hoàng Thụy Phương, thường gọi Trà, hai lần thi Hương tại trường thi Nam Định, khoa 1897 và 1909 chỉ đậu Tú tài nên người đời gọi là Kép Trà; 

Tú Mềm là những người ba lần thi Hương đều đậu Tú Tài - như trường hợp cụ Nguyễn Tông Khởi, bố của Tam nguyên Yên Đổ, ba lần đậu Tú tài trong các khoa thi năm 1825, 1841 và 1852 nên được gọi là cụ Mềm Khởi; Tú Đụp là những người bốn lần thi Hương thì bốn lần đậu Tú tài.

Nhà thơ trào phúng tài hoa Tú Xương 8 lần lều chõng đi thi nhưng cũng chỉ mỗi một lần đậu tới... Tú tài! Những người chỉ đậu như thế còn được gọi là Tú Đơn để phân biệt với các ông Tú khác.

Trong thi ca trào phúng miền Nam, ở Vĩnh Long có nhà thơ Nhiêu Tâm, do đâu? Để tìm nhân tài, thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1635) ở Đàng Trong đã mở những khoa thi tuyển gọi là “Xuân thiên quận thí”- chỉ diễn ra một ngày ở các trấn, quận - người thi đậu gọi là Nhiêu học.

Khoa thi này thật ra chỉ tương đương với các kỳ khảo hạch trước khi thi Hương của vua Lê chúa Trịnh. Họ được miễn phu phen tạp dịch để có thời gian đèn sách trước khi dự thi Hương. Ông Đỗ Minh Tâm được gọi là Nhiêu Tâm là vậy.

Nhà thơ Nguyễn Văn Lạc, quê ở Mỹ Tho sao lại gọi Học Lạc? Theo nhà nghiên cứu Trịnh Vân Thanh: “Ông có trí thông minh từ nhỏ, nhờ học giỏi nên ông được tuyển thẳng vào ngạch học sinh, ngạch do triều đình nhà Nguyễn đặt ra, được cấp lương và được học tại trường của quan Đốc học. 

Do đó, người ta gọi ông là "học sinh Lạc", dần dần bỏ mất chữ "sinh", còn lại hai chữ "Học Lạc” (Thành ngữ điển tích danh nhân tự điển, in năm 1965 tại Sài Gòn, tr.501).

Đạo học ngày nay, có gì khác trước?

Không dám lạm bàn, chỉ xin nêu hai ý kiến nhận xét chung về lối học ngày trước, nhà Hán học uyên thâm Phan Kế Bính có ý kiến: “Cách học của ta chẳng nói thì ai cũng biết là trái phép sư phạm.

Tự lúc nhỏ cho đến lúc lớn, chẳng qua chỉ học trong hai khoa luân lý với văn chương. Mà luân lý lại theo nghĩa hẹp hòi, bó mình vào trong lễ phép quá, làm cho người ta không thể theo được, văn chương thì cũng phù phiếm, người nước Nam mà bàn việc Nguyên, Minh, chuyện Đường Tống, ngồi xó nhà mà tả những cảnh Hoàng Hà, Thái Sơn, thực là “ngồi cầu Đơ mà nói quán Mọc”... 

Ngoài khoa văn chương luân lý thì không còn khoa gì nữa, thể thao chẳng có, kỹ nghệ cũng không. Ai học rộng ra đến thiên văn, địa lý, y khoa lý số một chút đã cho là “vạn sự xuất ư nho”, mà rút lại thì chẳng nghề gì là học cho đến nơi đến chốn.

Học thuật của ta hủ bại như thế, trách nào mà trí thức của ta chẳng mờ mịt, văn minh của ta chẳng kém xa các nước” (Việt Nam phong tục, NXB TP HCM tái bản 1990 - tr. 158- 159).

Nhà giáo Phạm Thế Ngũ cũng có ý kiến tương tự: “Về kết quả đào tạo thì chương trình giáo dục ấy chỉ tạo nên một người trí thức tinh luyện về đạo đức, văn chương, lịch sử, triết lý, trong phạm vi hiểu biết của thế giới Trung Hoa xưa. Nó thiếu hẳn về phần chuyên nghệ. Nhưng cổ nhân có câu “Sĩ khả bách vi” hay “Vạn sự xuất ư nho”.

Một khi thi đậu ra làm quan trị nước rồi mới tìm coi thêm những sách về pháp luật, binh bị, toán số, về chế độ, phong tục, lịch sử, địa dư nước mình. Đó là cái học trực tiếp thực hành coi làm phần phụ sau cái nòng cốt về văn hóa và lý thuyết ở trên kia” (Việt Nam văn học sử giản ước tân biên - NXB Quốc học tùng thư in năm 1961- tr.79).

Ý kiến về “cái học trực tiếp thực hành” rất đáng suy nghĩ, bởi lẽ cái học ngày nay có hướng theo xu thế đó không?

Lê Minh Quốc
.
.