Thi sĩ Quang Dũng: Sơn Tây hơn một mối tình
Cách đây một thập niên, ngày 18 tháng Giêng năm Mậu Tý (tức ngày 24-2-2008) những cựu chiến binh của Trung đoàn 52 Tây Tiến đã tụ họp tại Trường Đại học Y tế cộng đồng Hà Nội để tổ chức “Mít tinh kỷ niệm 60 năm bài thơ Tây Tiến”.
Có lẽ trên thế giới không có tác phẩm nào có được dịp sinh nhật bằng một lễ hội văn hoá như vậy. Năm nay, hầu hết những người khơi dậy cảm hứng cho bài thơ Tây Tiến không còn nữa, nhưng giai thoại đẹp đẽ đó vẫn trực tiếp nhắc nhở về thi sĩ Quang Dũng với Tây Tiến và không chỉ với Tây Tiến!
Cuộc đời 67 năm của thi sĩ Quang Dũng (1921-1988) chỉ để lại hơn 60 bài thơ, mà Tây Tiến là tác phẩm nổi tiếng nhất. Thi sĩ Quang Dũng quê ở thôn Phùng, xã Phượng Trì, huyện Đan Phượng, Hà Nội.
Một thời mảnh đất ấy thuộc phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây vì vậy hai địa danh Quốc Oai và Sơn Tây giống như mạch nguồn cảm hứng xuất hiện thường xuyên trong thơ Quang Dũng. Sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Hà Nội, chàng trai có tên thật Bùi Đình Diệm lấy họ mẹ làm bí danh Trần Quang Dũng và lấy bút danh Quang Dũng.
Năm 19 tuổi, Quang Dũng bắt đầu rời khỏi mái nhà thân thuộc để dấn bước theo cách mạng, mà căn cứ để xác minh là bài thơ Trông bạn viết năm 1960: “Hai mươi năm đi rồi/ Trông về mây Quốc Oai/ Núi Thầy nhắc bạn cũ/ Mà xa những xa hoài”.
Quang Dũng tham gia vào lực lượng bảo vệ Hà Nội sau ngày phát lệnh toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, mà minh chứng là bài thơ Đường chiều thứ bảy viết năm 1956 dành không ít tâm tư cho đồng đội đã hy sinh trong 60 ngày đêm kiên cường bám trụ thủ đô: “Anh nằm xương trắng mười năm/ Người lính giữ đầu tiên Hà Nội”.
Sau khi chỉnh đốn lại hàng ngũ, Quang Dũng và những người cùng chiến luỹ đã trở thành Trung đoàn Tây Tiến hành quân về phía Lào để phối hợp với bộ đội nước bạn giải phóng Sầm Nưa. Như vậy, có thể khẳng định trung đoàn Tây Tiến là những chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ quốc tế đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Hơn thế nữa, trung đoàn Tây Tiến đã nhờ vị Đại đội trưởng Quang Dũng nâng lên tầm vóc bất tử với bài thơ Tây Tiến đầy ngạo khí: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá giữ oai hùng/ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.
Và tại huyện Mường Lát – Thanh Hoá, nơi được ghi dấu qua câu thơ “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/ Mường Lát hoa về trong đêm hơi” ngày nay đã có một cái tháp Tây Tiến như biểu tượng cộng hưởng giữa vẻ đẹp kháng chiến và thi ca!
Bài thơ Tây Tiến được thi sĩ Quang Dũng viết tại Phù Lưu Chanh đầu năm 1948. Bài thơ Tây Tiến trở thành một kiệt tác trong văn học Việt Nam giai đoạn chống Pháp, vừa rực rỡ sự kiêu hùng: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành” vừa lấp lánh sự đắm đuối “Người đi Châu Mộc chiều sương ấy/ Có thấy hồn lau nẻo bến bờ/ Có nhớ dáng người trên độc mộc/ Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”.
Tuy nhiên, nhìn vào hành trang sáng tạo của thi sĩ Quang Dũng thì Tây Tiến không phải là một sự đột khởi tình cờ kiểu món quà thi ca may mắn. Cảm hứng Tây Tiến, tinh thần Tây Tiến và cả giọng điệu Tây Tiến đã được thi sĩ Quang Dũng chuẩn bị trong ba bài thơ viết năm 1947.
Thứ nhất là bài thơ Sử một sư đoàn rộn ràng: “Những làng trung đoàn ta đi qua/ Tiếng quát dân quân đầu vọng gác/ Vàng vọt trăng non đêm tháng Chạp…/ Những làng trung đoàn ta đóng lại/ Tiếng nêu đưa khách dưới mưa phùn/ Hương đen ngũ quả, màu tranh Tết/ Câu đối mực Tàu bay xa ngát”.
Thứ hai là bài thơ Dòng đời: “Ngay từ phút đầu, hoang khói lửa/ Nguồn mưa đã hẹn tự xa xôi/ Ngay từ phút này, thây xác gục/ Ta khơi nguồn sống đến muôn đời”. Thứ ba là bài thơ Trưa hè: “Người thấy tâm tư trĩu trĩu buồn/ Trưa về hiu quạnh gợi cô đơn/ Vạn vật đắm chìm trong trống rỗng/ Gió Lào hun nắng đốt ran ran”.
Bài thơ Tây Tiến không chỉ là một cột mốc trong lịch sử thi ca cách mạng, mà còn là một cột mốc trong sự nghiệp thi ca Quang Dũng. Bài thơ Tây Tiến đánh dấu sự thay đổi về bút pháp thơ Quang Dũng.
Tác phẩm đầu tay của thi sĩ Quang Dũng là bài thơ Chiêu Quân viết năm 1937 với phong cách hoài cổ: “Đây Nhạn Môn quan đường ải vắng/ Trường thành xa lắm Hán Vương ơi/ Chiêu Quân che khép mền chiên bạch/ Gió bấc trời Phiên thấm lạnh rồi”.
Lẽ ra, thi sĩ Quang Dũng cũng được xếp vào lớp nhà thơ tiền chiến, bởi những bài thơ của ông trước Cách mạng Tháng Tám không mấy khác biệt với Thơ Mới.
Chẳng hạn, bài thơ Cố quận viết năm 1940: “Người ơi, quê cũ đèn hoe ngọn/ Tóc bạc trông chừng cổng héo hon” hoặc bài thơ Giang hồ viết năm 1942: “Lối đi khắc khoải lời chim nói/ Ve vãn tương tư mảnh gió chiều”, hoặc bài thơ Đêm Việt Trì viết năm 1945: “Em là con hát ở bên sông/ Đừng nhớ thương em uổng tấc lòng/ Em ở kiếp này là ở tạm/ Nhà em trăng lạnh nẻo Tầm Dương”.
Thế nhưng, sau bài thơ Tây Tiến thì thơ Quang Dũng có tiết tấu nhanh hơn, hình ảnh mới mẻ hơn và ngôn ngữ cũng hiện đại hơn.
Sự dịch chuyển quan niệm thẩm mỹ thi ca quan trọng ấy, không chỉ có bài thơ Đôi bờ nức nở: “Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa/ Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ/ Thoáng hiện em về trong đáy cốc/ Nói cười như chuyện một đêm mơ/ Xa quá rồi em, người mỗi ngả/ Bên này đất nước nhớ thương nhau/ Em đi áo mỏng buông hờn tủi/ Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?” mà thi sĩ Quang Dũng còn có những bài thơ xao xuyến đến tận bây giờ.
Không cần những thủ pháp ước lệ hay ẩn dụ, thi sĩ Quang Dũng có những câu thơ bung phá về biên độ cảm xúc như “Hồn lính vương qua vài sợi tóc/ Tôi thương mà em đâu có hay” trong bài thơ Quán nước, “Bốn mắt nhìn nhau xa thế kỷ/ Hai hồn ngăn một Thái Bình Dương” trong bài thơ Đêm lạnh hoặc “Sông xanh hiền triết lặng trôi xuôi/ Đò ngang một chuyến qua mưa bụi” trong bài Đất nước.
Phẩm chất lãng mạn của thi sĩ Quang Dũng đã gieo vào thơ kháng chiến chống Pháp một nét riêng, vừa đê mê vừa day dứt. Sau ngày hoà bình lập lại trên miền Bắc, tâm hồn thi sĩ Quang Dũng vẫn tiếp tục lan toả những rung động cá tính.
Đối với thi sĩ Quang Dũng, con đường ra trận vẫn là Đường trăng huyền diệu: “Đường ấy đi về qua bóng núi/ Miếu đêm soi lạnh xuống sông dài/ Lay động màn sương trên khói sóng/ Thuyền câu ai gõ mạn xa xôi…/ Là những đường đi qua ngõ trúc/ Mẹ già thao thức ngó qua phên/ Hành quân trong đám người đêm ấy/ Biết có con thương của mẹ hiền…/ Là bước quân đi đường kháng chiến/ Làng thôn trăng giãi biết bao nhiêu/ Bao nhiêu giấc ngủ làng thôn động/ Gà chợt nhầm canh rộn gáy theo”.
Thơ Quang Dũng luôn đan xen yếu tố thực và yếu tố hư. Chính yếu tố thực thăng hoa yếu tố hư, và lắm khi yếu tố hư làm nền cho yếu tố thực.
Ví dụ bốn câu thơ trong bài Pha Đin viết năm 1964: “Lên thì Cổng Trời, xuống vực thẳm/ Uốn quanh đá trắng lượn vòng thang/ Ngựa thì đỉnh dốc nhỏ như kiến/ Đi trong đường mây rắc bụi vàng”. Ba câu đầu có được nhờ sự quan sát bằng đôi mắt tinh tế, nhưng câu thứ tư lại được vẽ bằng trái tim run rẩy!
Thi sĩ Quang Dũng rất nặng lòng với nơi chôn nhau cắt rốn. Ngoài bài thơ Mắt người Sơn Tây viết năm 1949 đầy kỷ niệm khắc khoải: “Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn/ Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng/ Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc/ Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng”, thì nỗi ám ảnh về phủ Quốc Oai thuộc trấn Sơn Tây mang đặc thù “Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt/ Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì” đã làm thức dậy rất nhiều cơn cớ thi ca cho thi sĩ Quang Dũng.
Ông viết Gửi Sơn Tây như một lời thủ thỉ ân cần: “Dẫn chúng tôi đi/ Khắp núi khắp sông đất nước/ Lòng nhớ vẫn thiêng liêng/ Mảnh đất ban đầu/ Đã luyện chúng tôi vào chiến đấu/ Nhớ Sơn Tây hơn một mối tình”.
Ông viết Đám cưới qua sông Đáy như một niềm tâm sự khó vơi: “Chốc đã bao năm trôi/ Chiêm ngợp bờ xanh lại/ Sông quê hương như gợi/ Ngày ấy hoa bèo trôi/ Mây thành giăng ngang trời”.
Và ông viết Bất Bạt đêm giao quân như một nỗi mong ngóng muôn dặm: “Ba Vì tảng trán xanh/ Thức với mây Đoài trắng xoá/ Đất nước ông cha/ Sông Hồng nặng đỏ/ Đêm nay/ Đêm giao quân…/ Đêm nay Bất Bạt ra tiền tuyến/ Từ đỉnh Ba Vì đất nước trông”.
Thời trai trẻ gắn bó với trung đoàn Tây Tiến như một phúc phận được dâng hiến, nên khi về già thì thi sĩ Quang Dũng vẫn thổn thức “Xa bao năm tiếng chim rừng/ Trưa núi nghe càng thăm thẳm”.
Thi sĩ Quang Dũng tạm dừng sáng tác thơ khoảng đầu thập niên 1970 để chuyển sang một đam mê khác là hội họa.
Cuộc đời thi sĩ Quang Dũng dẫu lắm phen ngậm ngùi: “Thời đại bao lần khô nước mắt/ Hoa đèn riêng gửi chút tâm tư/ Ngắn dài đã học người thiên cổ/ Vạn đại sầu lên chẳng bến bờ” nhưng ông vẫn hướng về thanh xuân để trân trọng khoảng thời gian quý báu nhất của mỗi người.
Ông bày tỏ trong bài thơ Mây đầu ô sự ngạc nhiên: “Những gã hai mươi mùa xuân/ Từ đâu thổi vào thành phố” và ông trả lời trong bài thơ Không đề bằng sự nâng niu: “Em mãi là hai mươi tuổi/ Ta mãi là mùa xanh xưa/ Những cây ổi thơm ngày ấy/ Và vầng hoa ngâu mưa thu/ Tóc anh đã thành mây trắng/ Mắt em dáng thời gian qua…/ Em mãi là hai mươi tuổi/ Ta mãi là mùa xanh xưa/ Giữ trọn tình người cho đẹp”.