Mạc Can và tuổi bảy hai run rẩy chân tay

Thứ Sáu, 19/05/2017, 13:00
Mạc Can có rất nhiều giai thoại xoay quanh cuộc đời nghệ sĩ của ông. Có những giai thoại được ông chuyển hóa thành tác phẩm, ví dụ tiểu thuyết “Tấm ván phóng dao”. Có những giai thoại chỉ là chuyện bàn trà ngồi tán gẫu góp vui cho đỡ nhạt trong một buổi sáng nào đó ở cà phê quán cóc Sài Gòn.

Mạc Can từng kể ông có con với một người phụ nữ Nhật. Con gái ông hiện đang sống bên Mỹ. Có lần, con gái bảo lãnh ông qua Mỹ chơi. Ngày rộng tháng dài, rảnh rỗi ông kết hợp kiếm show đi diễn trong cộng đồng người Việt. Show ít, rảnh rỗi ông xin đi làm thợ trong lò bánh mì. Rảnh rỗi quá sinh buồn, dù kiếm được thẻ xanh nhưng Mạc Can vẫn bỏ về Sài Gòn... vui hơn.

Hỏi ông có thẻ xanh thật không? Ông móc trong cái ba lô lớn ra cái túi xách nhỏ. Rồi ông móc trong cái túi xách nhỏ ra cái túi nhỏ hơn. Từ cái túi nhỏ này ông móc ra gói nilon và móc tiếp ra một mớ giấy tờ trong đó có cái thẻ màu xanh đóng dấu quốc huy Mỹ. Giơ lên giơ xuống cho người ta xem rồi theo trình tự chậm rãi ông lại cất vào.

Mạc Can chậm rãi kể: “Đúng là tôi được bảo lãnh đi Mỹ để sống nhưng tôi vẫn thích ở Sài Gòn hơn. Chuyện tôi và bà vợ người Nhật rất khó nói, có lẽ số tôi phải sống cô đơn nên tôi không thể có một mái ấm yên ổn. Khi tôi sang Mỹ, bà vợ người Nhật nói với tôi: “Ông là cha của con tôi nhưng ông không phải là chồng của tôi”. Nói chung, có được một người vợ và một gia đình luôn là mơ ước của tôi. Tuy ước mơ gần như không thực hiện được thì tôi vẫn rất hạnh phúc khi có được một người con trên cõi đời này”.

Chuyện Mạc Can có con với bà người Nhật cũng khá ly kỳ. Chính ông kể ra trong một lần đi với nhóm Môtô học bổng do hai nhà văn Nguyễn Đông Thức và Đoàn Thạch Biền khởi xướng. Tối đó ở một tỉnh miền Tây buồn hiu, cả nhóm bày ra nhậu, Mạc Can uống bao nhiêu không biết nhưng có lẽ say. Mà, rất khó biết Mạc Can say hay tỉnh, thật hay đùa nên nhiều người vẫn nói “ông Can hay diễn lắm”.

Tranh thủ lúc rượu vào lời ra, “tửu vấn” ông chuyện tình Việt - Nhật. Ông kể vòng quanh chậm rãi như các dề lục bình đang trôi trên sông, rồi kết luận đó là “chuyện tình một đêm”. “Mãi sau này bả báo có con thì tôi mới biết là mình làm cha” - Mạc Can tỉnh queo. 

Kể đã đời vòng vo là vậy, nhưng ông đằng hắng nói: “Kể nghe chơi giết thời gian thôi nha, đừng có đem chuyện này lên báo”. Hỏi: “Chuyện này có đọc báo thấy ông nói rồi mà?”. “Nhưng không nên, ngại lắm, ngại ảnh hưởng mối quan hệ Việt - Nhật”, Mạc Can làu bàu lầm bầm rồi lăn ra ngủ ngáy ầm trời.

Chuyện rượu của Mạc Can cũng là một giai thoại. Đa phần biết ông chuyên trị trà đá, ngồi đâu cũng xin ly trà đá. Chơi thân với ông mới hiểu thêm, ông đi đóng phim cổ tích, diễn ảo thuật hài cho thiếu nhi xem, nên hình ảnh của ông phải gắn với thứ thức uống bình dân và phổ biến khắp các tỉnh thành miền Nam là trà đá cho nó... lành. Chứ tửu lượng của Mạc Can không hề yếu như nhiều người nghĩ.

Có lần vào ngày cuối tuần ra đảo Lý Sơn diễn cho học trò trong chương trình Môtô học bổng xong, chiều cả nhóm kéo ra một bãi cát sát mép biển nướng cá uống rượu. Bãi cát này khá đẹp lại nằm ở góc khuất nên được thổ địa đưa đi. Đến nơi đã có một nhóm khác đang thổi lửa. Thấy có Mạc Can, nhóm này đem qua các loại cá nướng và rượu mời không xuể. Mạc Can nói tui không biết uống. Miệng nói không biết uống nhưng ực không sót ly nào.

Hỏi chuyện thì nhóm đó cho biết là cán bộ của huyện đảo Lý Sơn, nhà ở trong Quảng Ngãi ra làm việc ở đây. Mạc Can uống với nhóm bạn mới quen này bao nhiêu ly không biết nhưng hôm sau lên phà về lại đất liền, gặp lại một người trong nhóm đó cuối tuần về thăm nhà thấy anh đang đứng ở mạn phà ói thẳng xuống biển. Hỏi anh say sóng hay là say rượu từ tối qua chưa dứt? Mạc Can nói nhỏ: “Chắc ông đó bị cả hai” và cười rất bí hiểm.

Chuyện rượu của Mạc Can có lẽ nhà văn Nguyễn Quang Sáng là người khá rành. Chính miệng Mạc Can kể lại tỉnh queo. Lần nào cũng vậy, Nguyễn Quang Sáng uống rượu mà có Mạc Can ngồi cạnh ly trà đá là ông Sáng hỏi: “Làm ly không Can?”. Mạc Can vừa nói vừa giơ ngón tay: “Anh 5 cho em một lóng”. Bưng ly rượu, Mạc Can uống một hơi cái ót. Chốc lát, ông 5 Sáng hỏi: “Làm ly không Can?”. Mạc Can lại giơ ngón tay: “Anh 5 cho em một lóng” rồi uống một hơi cái ót.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng thường uống rượu theo kiểu nhâm nhi, khui ra một chai ngồi nhấm nháp nghe chuyện này chuyện nọ để tìm chất liệu viết truyện. Nhiều khi ông ngồi cả buổi mà chai rượu chưa vơi được bao nhiêu. Nhưng hễ có Mạc Can là chai rượu tụt nhanh vùn vụt như người ta tụt... huyết áp. Khi phát hiện chai rượu gần hết sau các câu lặp đi lặp lại: “Anh 5 cho em một lóng”, ông Sáng thủng thẳng nói: “Ê Can, mày uống rượu Tây mà giống uống trà đá quá mậy?!”. Mạc Can: “Em uống cái gì cũng vậy hà. Rượu còn không, anh 5 cho em một lóng”.

Mạc Can và tập truyện “Tấm ván phóng dao”.

Chuyện Mạc Can đùa đùa thật thật cứ đan xen nhau. Có lần gọi điện rủ ông đi uống cà phê quán cóc. Đầu bên kia Mạc Can nói tỉnh queo: “Tôi đang dọn đồ vô nhà dưỡng lão ở đường Phạm Thế Hiển, quận 8”. 

Rồi ông phân trần: “Tôi sinh năm 1945 trên chiếc ghe cũng là gánh hát của cha mẹ đoạn sông Tiền chảy qua Mỹ Tho thuộc miền Tây Nam bộ. Có lẽ sinh ra như vậy nên số tôi cứ lênh đênh khắp Sài Gòn chứ không có nơi ở ổn định nào. Già rồi, sống một thân một mình lỡ đêm hôm trái gió trở trời thì biết ai giúp cho cái thân già này. Giải pháp hay nhất là vô nhà dưỡng lão, sống có bạn già chung quanh vẫn hay hơn ở một mình. Vào nhà dưỡng lão tôi mừng lắm, tôi khoe với nhiều người là tôi đã có chỗ ở ổn định rồi”.

Rồi thời gian sau gặp lại, hỏi ông vô viện dưỡng lão sống vui không? Ông cười hề hề, có vô mà ra rồi. Lý do, mấy ông bà già khó chịu lắm, quạu quọ suốt ngày, tôi vô thấy không hạp nên ra rồi.

Lại có lần, Mạc Can khoe được một nghĩa trang tư nhân ở Bình Dương miễn phí cho một lô trong khu văn nghệ sĩ rất đẹp. Nói qua nói lại một hồi, chưa kịp chúc mừng ông đã có nơi lo chốn an nghỉ cuối cùng, vì ai rồi cũng về với đất; Mạc Can tỉnh queo: “Ê, mà họ cho mình thì mình có quyền đem bán lại không ta? Nếu bán lại được, ông biết ai chỉ giúp tôi”.

Ngồi với Mạc Can nghe ông kể chuyện mà không rõ cách nói tưng tửng nửa thật nửa đùa của ông dễ bị “sập hầm”. Đang cà phê quán cóc với bạn bè văn nghệ, Mạc Can kể: “Tui vừa bị cướp túi xách và chứng kiến cảnh hiếp dâm trên xe đò”. 

Cả nhóm há mỏ ra ngóng. “Trên chuyến xe đò từ Sài Gòn đi Tây Nguyên ngang qua cách rừng vắng, bọn cướp chặn xe gí súng vào đầu tui và giựt mất túi xách. Sau đó bọn chúng đè ra cưỡng hiếp một cô gái trẻ đi chung xe” - Mạc Can tỉnh rụi thuật lại. 

Cả bọn vẫn há mỏ ra ngóng chưa kịp khép mồm lại, thì Mạc Can cười hề hề: “Mấy cảnh cướp và hiếp đó ở trên phim tôi mới đóng xong”, khiến người nghe chưng hửng rồi cười ồ.

Có lần đi với ông ra sân bay Đà Nẵng về lại Sài Gòn. Mọi thủ tục hàng không đã xong thì loa gọi hành khách Lê Trung Can quay lại kiểm tra hành lý.

Lê Trung Can tức Mạc Can quay đi hồi lâu, trở lại mặt mếu: “Bị tịch thu rồi!”. Hỏi tịch thu cái gì? Mạc Can: “Cái mà tôi hay dùng”. Nhà văn Đoàn Thạch Biền: “Ông lớn tuổi dùng gen bôi trơn bị thu chớ gì”. 

Mạc Can mắt hấp háy: “Ông Biền ngang tuổi với tôi nên hiểu hoàn cảnh nè”. Kỳ thực, ông Can bị an ninh sân bay tịch thu bình xăng Zippo mà ông thường đem theo để diễn ảo thuật.

Cách nay hơn năm, Mạc Can nhập viện do xuất huyết dạ dày ói ra máu. Tin này đến tai nhiều người nhưng bạn bè vẫn bán tín bán nghi vì tính ông hay cà rỡn biết thực giả thế nào. Gọi điện hỏi thăm, giọng ông thều thào xác nhận đang nằm ở bệnh viện thật. 

Nhóm Môtô học bổng kéo đến thăm, mặt Mạc Can xanh như tàu lá chuối vậy mà thấy nhóm liền tếu táo: “Tui bị tai nạn, bao tử bị cán đinh lủng mấy lỗ xịt máu”. Nhà văn Nguyễn Đông Thức biếu ông cái phong bì có ít tiền, Mạc Can cười toe: “Cái này được nè, bác sĩ nói tui cần vitamin T mới vá mấy cái lỗ thủng bao tử được”.

Mạc Can năm nay 72 tuổi nhưng ông thích nói mình 27 cho trẻ trung sung sức. Nói như công thức các cô chân dài đi thi người đẹp thường xài: “Mạc Can thích vui ghét buồn, chuộng tiếng cười tránh chỗ rầu rĩ, yêu con nít hồn nhiên không thích người già toan tính”.

Mạc Can diễn sẽ hay hơn nếu chỗ diễn có bục sân khấu, nhiều tiếng vỗ tay và tiếng cười của trẻ nhỏ. Chi tiết này nhà văn Nguyễn Đông Thức phát hiện ra trong hàng chục chuyến Mạc Can đi diễn cho học trò nghèo vùng xa với Môtô học bổng.

Mà có lẽ, cứ lên sân khấu là Mạc Can 27 tuổi thật dù trước đó ít phút, đứng sau cánh gà, ông vẫn 72 tuổi nhăn nhúm, nhàu nhĩ và run rẩy tay chân. 

Hoàng Nhân
.
.