Áp sát đời sống là giá trị kịch Hữu Ước...

Thứ Tư, 11/10/2017, 07:42
Hiểu rõ cái diễn sân khấu phải đi từ “khởi thủy là lời”, nên Hữu Ước đã xông vào viết kịch, trên tinh thần áp sát đời sống của một nhà báo, vốn đã rất chuyên nghiệp với cái viết báo. 

Với bản chất thể loại kịch là tổ chức đối thoại qua xung đột lớp lang, nhằm”tả thực”đời sống, nâng cấp thành vấn đề, để dẫn tới kết thúc đầy kịch tính của vở diễn sân khấu, thì kịch bản văn học, vốn là cơ sở văn chương của vở diễn thuộc thể loại này, đã buộc phải áp sát những vấn đề nảy sinh từ xung động xã hội mới có thể đối thoại với người xem. 

Người xem kịch Việt hiện đại, nhất là người xem của 2 thập niên đầu thế kỉ 21 sở dĩ đang bỏ trắng cái xem sân khấu, khiến sân khấu rơi vào tình trạng “chùa bà Đanh”, là vì họ hầu như không có cái để xem, trên nền tảng cái để nghe. Và sự hấp dẫn của cái để nghe chính là ở đài từ sân khấu của diễn viên sắm vai nhân vật kịch. 

Hiểu rõ cái diễn sân khấu phải đi từ “khởi thủy là lời”, nên Hữu Ước đã xông vào viết kịch, trên tinh thần áp sát đời sống của một nhà báo, vốn đã rất chuyên nghiệp với cái viết báo. 

Thế nên, chính cái viết báo rất có nghề này đã dẫn Hữu Ước đến cái viết kịch, viết thơ, và hiện tại, là cái viết tiểu thuyết… Và cái viết nào cũng ít nhiều thành công… Song, nổi bật nhất, theo tôi, vẫn là cái viết áp sát đời sống như một giá trị riêng biệt của kịch Hữu Ước.

Tập kịch Vòng xoáy của Hữu Ước được NXB Hội Nhà văn xuất bản từ năm 2003, thì cả 6 văn bản kịch: Vòng xoáy, Vòng vây cô đơn, Vòng đời, Quả báo, Khoảnh khắc mong manh, Sếp rởm đều đã được tác thành vở diễn sân khấu và được người xem cả nước tán thưởng, từ thập niên cuối thế kỉ 20 đến thập niên đầu thế kỉ 21. 

Có kịch bản đã được nhiều đoàn dựng, với các đạo diễn gạo cội và có hơn một vở đã đoạt giải thưởng trong các kì liên hoan, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, đặc biệt là qua các cuộc liên hoan sân khấu chuyên biệt về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân.

Vở Khoảnh khắc mong manh (năm 1999) và vở Vòng vây cô đơn (2002), Vòng xoáy của Hữu Ước đều đoạt giải vở diễn xuất sắc của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Năm 2015, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cùng phối hợp trao giải 2 vở Người đàn bà uống rượuKhoảnh khắc mong manh.

Trước khi viết kịch, Hữu Ước đã viết báo thâm niên, và dấn thân vào viết văn, thể loại truyện ngắn, truyện dài, và rẽ qua viết kịch bản điện ảnh, cho những phim truyện đã trình chiếu, được công chúng điện ảnh đánh giá khá cao: Tình thương và pháp luật, Đêm giông, Chuyện tình thời SIĐA. Trong đó, phim Người con gái đất đỏ được công chúng ưa thích nhất.

Là một cây bút báo chí già dặn, rất giỏi cập nhật chuyện thế sự, văn xuôi của Hữu Ước đã được viết với tinh thần ngẫu hứng cao độ. Vì thế, không ngẫu nhiên, Hữu Ước đã “phải lòng” ngay thể loại kịch, nghiễm nhiên bị lôi cuốn đầy say mê vào cái thể loại vốn xuất phát từ sân khấu phương Tây, và mới được người Việt “Việt hóa” trong nửa đầu thế kỉ 20. 

Từ nửa cuối  thế kỉ 20 cho đến đầu thế kỉ 21, thể loại kịch đã được Việt hóa hoàn toàn thành công và có thể nói sân khấu Việt đã đưa thể loại này lên hàng đầu trong sự phát triển hiện đại và kịch đã thành món ăn đầu bảng của công chúng Việt hiện đại. 

Sân khấu Việt hiện đại đã hình thành riêng đội ngũ nhà viết kịch nhiều thế hệ, từ Vũ Đình Long viết Chén thuốc độc, mở đầu nghệ thuật viết kịch của sân khấu Việt cho đến thời đổi mới, với nhà viết kịch nổi bật: cố tác giả Lưu Quang Vũ…

Ấy là mới tính riêng về đội ngũ nhà viết kịch viết riêng cho thể loại kịch. Trong đội ngũ này, Hữu Ước là tác giả xuất hiện muộn, nhưng lập tức đã có kịch bản được dàn dựng, có lẽ bởi duyên may từ một cuộc hạnh ngộ. 

Và đây là cuộc hạnh ngộ “tiền định” trong đời viết của Hữu Ước, khi nhà báo Hữu Ước, vốn có cuộc sống báo chí sôi động, lại vừa là vị tướng công an, vừa là Tổng biên tập của mấy ấn phẩm báo chí của lực lượng Công an: Báo Công an nhân dân, Văn nghệ Công an, An ninh thế giới… bỗng nhiên có cơ duyên gặp gỡ với việc viết kịch. Và nhanh chóng bén duyên từ đó, Hữu Ước được “xả lũ” thế sự vào thể loại kịch.

Trong 2 năm 1999 - 2000, Hữu Ước liên tiếp hoàn thành 3 kịch bản chính kịch: Quả báo, Khoảnh khắc mong manh, Vòng đời và kịch bản hài: Sếp rởm. Tháng 3-2000, Hữu Ước viết Vòng đời vừa ráo mực, Nhà hát Kịch Hà Nội đã hân hoan tiếp nhận, mời ngay đạo diễn Xuân Huyền dựng. 

Có lẽ đây là vở Xuân Huyền dàn dựng với một ngôn ngữ dàn cảnh rất ăn ý với cách viết kịch tả thực, nghiêng về chuyện thế sự lực lượng Công an, với kiểu đề tài được dân trong nghề viết kịch khái quát trong 7 chữ tình - tiền – tù – tội - cướp - giết - hiếp… Và nổi bật lên là hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân, với cách ứng xử của họ đối với chuyện thế sự, hình sự, xoay vần quanh 7 chữ oái oăm, nghiệt ngã này. 

Thú vị thay, khi tác giả Hữu Ước, vốn đã là trung tướng công an và cả nhân vật chiến sĩ công an trong kịch Hữu Ước, đã phải đối đầu và giải quyết những chuyện thế sự - hình sự ấy, cả bên trong lẫn bên ngoài tác phẩm kịch.

Tôi vẫn nhớ ấn tượng sân khấu lạ biệt, độc đáo trong cách sắm vai kẻ tội phạm Trần Bình, vở Vòng đời, của NSND Trung Hiếu, (hiện vừa lên ngôi Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội), trước vành móng ngựa và sau song sắt nhà tù. Nhân vật tội phạm trẻ tuổi này bị vướng vào vụ án tình, chót vương vấn tình cảm cùng lúc với hai phụ nữ trẻ, và một trong hai đã mất tích. Tất cả cứ rối như canh hẹ trong vòng xoắn oan nghiệt trói quanh nhân vật chính. 

Trên sân khấu rạp Công Nhân cách đây mười mấy năm - công chúng yêu kịch Hà Nội đã lặng người xem nghệ sĩ kịch Trung Hiếu diễn tả rất tinh tường, tinh tế cái tâm trạng phân tâm của một thanh niên bị vướng án oan, phải nhận kết thúc bi đát, nhưng được  tác giả Hữu Ước xử lý tình huống kịch rất nhân đạo, ấm áp. 

Ngay trong màn giao đãi kịch bản Vòng đời, Hữu Ước đã tạo dấn ấn riêng trong việc xử lý và cấu trúc tứ kịch của mình, trên cơ sở một đề tài chuyên biệt về người công an trong xã hội Việt hiện đại, luôn luôn phải đối mặt với tội phạm, về những chuyện thế sự - hình sự: tình, tiền, tù, tội, cướp, giết, hiếp… đang xảy ra mỗi ngày một nhiều trong xã hội Việt hôm nay.

Phải công nhận rằng, kiểu đề tài công an với 7 chữ được khái quát trên, đã được Hữu Ước biến thành một biển chất liệu kịch dồi dào cho chính mình khai thác, với tư cách người viết kịch.

Con mắt nhà báo, trong đặc thù nghề công an, vốn luôn nhìn thẳng, đối đầu với tội phạm, bảo vệ an ninh xã hội, và trong sự lịch duyệt, từng trải việc đời, tự mình đã kinh qua cả những kinh nghiệm cay đắng, những vấp váp, vỡ lẽ việc đời… đã xui khiến Hữu Ước biết cách chưng cất trong kịch bản của mình những vấn đề thời sự nóng hổi, được lấy ra từ hiện thực bộn bề của đời sống, đang diễn ra sôi động, ngay “sát sườn” tác giả. 

Vì thế, Hữu Ước đã tự mình chọn được tứ kịch chứa chất xung đột kịch căng thẳng, lấy thẳng từ đời sống hiện thực, để tạo tác thành xung đột kịch, vốn là cơ sở văn bản cho thành công của vở diễn, nhất là vở diễn về đề tài công an đấu tranh với tội phạm, luôn được hiển minh trong kịch Hữu Ước… 

Và chính điều này đã cấu thành nhiều tứ kịch độc đáo, mang đặc thù Hữu Ước, trong các văn bản kịch của riêng người viết kịch Hữu Ước. Như đã thấy, tứ kịch của Vòng đời được dựng hoàn toàn dựa trên một chuyện hình sự, nhưng với lòng từ tâm và lòng tin ở con người, kịch bản này đã cất cánh, thành thông điệp cảnh tỉnh người trẻ về sự trả giá cho ngộ nhận và lỗi lầm của tình yêu. Và đó cũng là cái giá văn chương bay bổng của Hữu Ước đã trả cho cái tứ “thế tục” của đề tài tình-tiền-tù-tội, cứ luôn phải xuất hiện trong tứ kịch “công an” của chính tác giả.

Quả báo cũng được viết theo cách này. Xuyên suốt kịch bản vẫn là câu chuyện hình sự về thế giới ngầm của tội phạm kinh tế, với nhân vật chính là một “bố già” mafia. Song, vượt lên trên câu chuyện ấy lại là thông điệp mang triết lý dân gian, thoảng hơi hướng nhà Phật: nhân nào quả ấy, ác giả thì ác báo… Ấy vậy mà người xem vở diễn lại có được cảm giác thanh lọc tâm hồn (catharsis), cảm giác không dễ xuất hiện khi thưởng thức những vở diễn đậm đặc, căng thẳng yếu tố hình sự như Quả báo của Hữu Ước!

Một cảnh trong vở Vòng đời.

Khoảnh khắc mong manh cũng là kịch bản có tứ kịch lạ, dù cái tên như một bài thơ trữ tình. Thực ra, đó chính là ý đồ tư tưởng của Hữu Ước, muốn gửi một thông điệp sâu sắc trong kịch bản: Khi hành nghề công an, người công an cũng có thể phải ứng xử với việc đời như bao người dân khác, trước những khoảnh khắc tự dưng trở nên rất mong manh, phải lựa chọn giữa cái sống – chết, chính nghĩa – phi nghĩa, giữa tình thương – hận thù, lương thiện – bất lương… 

Vở diễn được bàn tay đạo diễn Lê Hùng lành nghề dàn dựng, đã làm bay lên cái ý tưởng chìm sâu trong chữ nghĩa của kịch bản Hữu Ước. Và cuộc trình diễn kịch rất có nghề của dàn diễn viên Đoàn kịch Công an nhân dân từ Hà Nội vào TP HCM biểu diễn nửa đầu năm 2000 đã rất thành công, được người xem tán thưởng nồng nhiệt…

Sếp rởm, là kịch bản hài duy nhất của Hữu Ước, nhưng vẫn không tuột ra ngoài phong cách viết chính kịch đã xác lập của Hữu Ước. Câu chuyện kịch được Hữu Ước viết hóm hỉnh theo lối hề chèo dân gian của sân khấu chèo truyền thống, khi thành vở diễn, đã rất bắt mắt và bắt tai công chúng Hà Nội bình dân. 

Sân khấu Cung Hữu nghị Việt-Xô đấy ắp người xem bình dân, cười nghiêng ngả. Ngụp lặn thoải mái trong mênh mông chất liệu về người chiến sĩ Công an nhân dân, Hữu Ước là một cây bút viết kịch, nói theo cách của người-sân-khấu (chữ dùng của cụ Thế Lữ, người đầu tiên khởi sự nghề đạo diễn sân khấu ở Việt Nam), thì Hữu Ước là người được… Tổ đãi. 

Vậy nên, dưới tay Hữu Ước, đã hiện diện hàng chục kịch bản văn chương, và đều được hiện hình thành vở diễn, được người xem thú vị thưởng ngoạn. Vì thế, cái giá trị kịch Hữu Ước là giá trị áp sát đời sống đã tự nhiên kết tinh thành sự riêng biệt về phong cách viết kịch của chính Hữu Ước, về một lĩnh vực rất cơ bản của đời sống hôm nay, đó là lĩnh vực an ninh xã hội, mà nhân vật giữ gìn và bảo vệ sự an ninh ấy, chính là người chiến sĩ Công an nhân dân. 

Người chiến sĩ ấy, đã chính là người bảo vệ, gìn giữ  an ninh thủ đô Hà Nội, an ninh của nhà nước Việt Nam và an ninh thế giới như tên gọi những tờ báo mà Hữu Ước đã từng là tổng biên tập và đã “nuôi nấng” trong vài chục năm trường…

Từ giá trị sân khấu “nhập thế” của kịch Hữu Ước, trong sự áp sát những vấn đề nóng của xã hội Việt Nam hiện đại, có thể hy vọng rằng, đề tài về lĩnh vực pháp luật, an ninh, tòa án, tội  phạm… không phải là đề tài khó khai thác, hoặc có vẻ “húy kị”, như ai đó từng nghĩ. 

Mà chính loại đề tài đặc thù này, khi được minh chứng về sự khai thác thành công qua những văn bản kịch và vở diễn của tác giả Hữu Ước, sẽ mở ra một triển vọng khai thác phong phú cho các tác giả kịch hậu sinh. Tôi lấy làm tiếc, vì Hữu Ước đang bận rộn với việc viết tiểu thuyết, nên đã lâu không viết kịch cho sân khấu.

Tôi ước mong những kịch bản thành công của Hữu Ước nên được dựng lại theo cách mới, được biểu diễn mới và Hữu Ước vẫn còn cao hứng viết tiếp những vở kịch “kiểu Hữu Ước”, mà tôi biết chắc, đang rất có giá trị tư tưởng trong cuộc đấu tranh khốc liệt chống tham nhũng trong xã hội Việt Nam hôm nay…
PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái
.
.