Nhà văn Trần Nhật Vy: Thương như cái chữ nước mình

Thứ Tư, 19/07/2017, 09:24
Bạn bè chơi thân thiết bao nhiêu năm, nhưng chắc gì đã hiểu nhau. Có những người, lâu nay, nghĩ là thế, quả quyết là vậy. Nhưng "đùng một cái" với những gì họ đã làm, tôi giật mình và việc đầu tiên là há miệng ra "ồ" một tiếng rõ to. Ngạc nhiên. Khâm phục.

Chừng 30 năm trước, lúc tập tễnh bước chân vào nghề báo thuở ấy, tòa soạn Báo Tuổi trẻ giao tôi cho nhà báo Trần Nhật Vy hướng dẫn. Mỗi cái tin viết xong, anh duyệt trước, chỉnh sửa xong, tôi mới nộp lên trưởng ban. Cuối tuần, phải viết báo cáo tuần, ghi lại những gì đã nắm bắt trong lĩnh vực được phân công. Từ ghi nhận này, anh phân công đề tài phải viết, viết theo thể loại gì, viết ra làm sao v.v...

Thời gian trôi cái vèo. Mở miệng nhe răng ra cười, chưa kịp khép môi là đã xong béng nửa đời người.

Thời còn tiểu học, học thuộc lòng bài này, chẳng mảy may nghĩ ngợi gì. Nay đã khác. Hoàn toàn khác. Thử nhớ lại. Rồi ngâm nga đọc chơi trong buổi chiều đã hoen ố bóng nắng mà năm tháng cũng đã vượt qua và đang đi dần về phía bóng đêm của một cõi nhân sinh. 

"Tôi là quyển lịch Tây/ Chỉ rõ năm, tháng, ngày/ Mỗi ngày một tờ giấy/ Một năm chóng hết thay/ Hỡi cậu bé có hay/ Mỗi lần xé tờ giấy/ Là mất đi một ngày/ Không bao giờ lại thấy/ Một ngày đã qua đi/ Cậu làm được những gì?/ Có học hành chăm chỉ?/ Đã giúp ích việc chi?". Câu hỏi từ thời học lớp 3 ở trường Nam Tiểu học ở Đà Nẵng đấy. Nay trả lời đi? Biết trả lời thế nào?

Ông Vũ Hoàng Chương có viết tập sách Ta đã làm chi đời ta. Cũng là một câu hỏi. Vọng lại âm thanh gì chăng? Có hay không? Mỗi con người đều kết thúc phần kiếp, cái còn lại là gì vậy? Tôi từng thốt lên não nùng: "Mỗi lần yêu là một lần suýt chết/ Cớ sao tôi phải chịu đựng quá nhiều?". Đáng đời chưa? 

Ông Vũ Hoàng Chương cho biết rất thích câu thơ cổ: "Bán sinh phong cốt lăng tằng thậm/ Nhất phiến nhu hoài chỉ vị khanh", và đã dịch: "Nửa đời sương gió ngang tàng/ Trái tim mềm chỉ vì nàng đấy thôi".

Câu thơ dịch hay quá đi chứ? Nhưng rồi ông vẫn chưa ưng ý: "Phải để nguyên chữ “khanh” kia, chứ sao lại chuyển lại thành “nàng”?": "Nửa đời sương gió ngang tàng lắm/ Mềm chỉ vì khanh, một trái tim". Ừ, giữ được từ "khanh" nhưng xem ra ngượng ép lắm. Sở dĩ lan man cũng bởi nghĩ rằng, chính ái tình đã đi qua cuộc đời tôi, vậy tôi có hay không/được hay mất? Chẳng nên thắc mắc làm gì. Cứ việc đi và đi cho hết một dặm đường dài của đời sống như nó đã vốn có.

Thật lạ, có những bè bạn anh em, lâu nay, nghĩ họ chỉ đi trên con đường vốn có, nhưng bất ngờ thay, họ lại ngoặc qua một ngã rẽ khác. Có những người, chỉ "tay ngang", không được đào tạo trường lớp, bài bản trong lãnh vực sưu tập, khảo cứu văn bản học hoặc phê bình, lý luận về văn học - báo chí, thế nhưng công trình của họ đã khiến giới nghiên cứu chuyên nghiệp phải "ngả nón" thán phục và kinh ngạc.

Trong số đó, có thể kể đến nhà báo Trần Nhật Vy.

Qua những tập sách vừa ấn hành từ dăm năm trở lại đây như Mười tám thôn vườn trầu; Chữ Quốc ngữ: 130 năm thăng trầm; Kim Vân Kiều truyện; Từ Bến Nghé đến Sài Gòn; Báo Quấc ngữ ở Sài Gòn cuối thế kỷ 19; Ba nhà báo Sài Gòn - Dương Tử Giang, Trần Tấn Quốc, Bà Bút Trà; Sài Gòn chốn chốn rong chơi, mới đây nhất là tập sách Văn chương Sài Gòn 1881-1924... 

Có thể nói, anh đã cung cấp được những văn bản gốc, những tài liệu mới mẻ, những phát hiện có liên quan đến đời sống xã hội, văn học, báo chí của Sài Gòn thế kỷ trước mà trước đây chưa mấy ai đề cập chu đáo, đầy đủ. 

Vậy hóa ra, với tấm lòng yêu dấu vùng đất đã gắn bó, với tình yêu sâu sắc về một lãnh vực nào đó đã đeo đuổi từ nhiều năm liền, ai cũng có thể góp thêm một "tiếng nói" tích cực nhất? 

Điều này hoàn toàn đúng. Chúc những ai đã và đang thực hiện những tập sách từ những giọt mồ hôi.  Từ những trang giấy ố vàng, nhuốm bụi thời gian. Công việc này, nhọc nhằn mà hữu ích. Bởi lẽ, không ai, không việc gì có thể bị lãng quên.

Suốt mấy hôm nay, đã nghiền ngẫm quyển Văn chương Sài Gòn 1881-1924. Một khi muốn nhận định, phê bình về một tác giả-tác phẩm phải tiếp cận từ văn bản, nếu không chỉ là "ăn theo nói leo" nhận định, ghi nhận từ người khác. Do không có tài liệu, xưa nay hầu như lĩnh vực văn chương miền Nam đầu thế kỷ XX, ít ai có thể nói "có đầu có đũa". 

Cụ Nguyễn Du bảo: "Trăm năm tính cuộc vuông tròn/ Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông". Trách nhiệm của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học cũng vậy thôi. Nay, với bộ sách trên chỉ mới tập trung phần văn xuôi, còn ấn hành thêm nhiều tập với thể loại truyện dịch, văn vần - nhà báo Trần Nhật Vy đã làm công việc thu thập văn bản chu đáo.

Vì sao chọn cái mốc bắt đầu từ năm 1881?

Anh cho biết: "Từ tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên là Gia Định báo, năm 1866 Trương Vĩnh Ký cho ra đời tác phẩm văn xuôi Quốc ngữ đầu tiên. Đó là Chuyện đời xưa nhằm "lựa nhón lấy những chuyện hay và có ích". Tiếp đó là những sáng tác văn xuôi Quốc ngữ thuộc nhiều thể loại báo chí. 

Trong quá trình tìm hiểu về lịch sử báo chí Sài Gòn, tôi phát hiện ra một điều đáng chú ý. Đó là sự thay đổi đột ngột của mục Thứ vụ trên Gia Định Báo vào ngày 1/12/1881. Trước đó, mục Thứ vụ là mục viết những thông báo linh tinh của chính quyền từ những văn bản thúc thuế cho đến việc rao bán đấu giá những mặt hàng dành cho quân đội, chính quyền.

Tới ngày 1-12-1881, trong mục này bỗng xuất hiện ba bài viết văn xuôi ngắn chiếm nửa trang báo khổ A3, không có tên tác giả, gồm: Cách thế cứu người chết ngột, Tên chăn bò và Thằng ăn trộm với con heo. Cách thế cứu người chết ngột (đúng ra là chết ngộp) là một bài khoa học thường thức. Còn hai bài kia là truyện. Phải chăng đây là những truyện đầu tiên được đăng trên báo Quốc ngữ? Nhưng tác giả là ai? 

Sau đó, khi được đọc cuốn Phansa diễn ra quấc ngữ của ông Trương Minh Ký in năm 1884 và tái bản năm 1886, tôi phát hiện trong đó có đăng hai truyện này, Thằng ăn trộm với con heo mang số 110, còn Tên chăn bò thì mang số 119. Phansa diễn ra quấc ngữ là những truyện "chuyển thơ ngụ ngôn La Fontain thành văn xuôi" của ông Trương Minh Ký. 

Với tôi, dù là chuyển thể từ thơ, nhưng đây là những truyện đầu tiên, viết bằng văn xuôi, in trên báo Quốc ngữ Sài Gòn. Vì vậy tôi chọn thời điểm 1881 làm cái mốc bắt đầu cho văn chương Sài Gòn"...

Vì sao chọn cái mốc kết thúc vào năm 1924?

Anh cho biết: "Tôi mong mọi người biết rằng, trước khi Tố Tâm - tiểu thuyết hiện đại đầu tiên ra đời năm 1925, thì trước đó bốn mươi năm, Sài Gòn đã có rất nhiều truyện, tiểu thuyết, dài ngắn khác nhau rồi. Trong quãng thời gian ấy, đã có nhiều tác giả, dịch giả, sáng tác và dịch thuật rất nhiều tác phẩm, đủ các thể loại đăng trên các tờ báo ở Sài Gòn và ở Nam Kỳ, hình thành nên một thứ tạm gọi là "văn chương Sài Gòn" đủ sức khơi dậy và nuôi lớn nền văn học phong phú, đẹp đẽ như ngày nay. Thế nhưng, gia tài văn chương chữ Quốc ngữ quý giá ấy "bỗng dưng biến mất" trong lịch sử văn học nước nhà từ giữa thế kỷ XX".

Chẳng rõ từ đâu, lâu nay đã hình thành nếp suy nghĩ: Hễ đã thực hiện một công trình nghiên cứu nào, việc đầu tiên của tác giả/tập thể ấy nghĩ đến vẫn là làm thế nào "moi" cho bằng được... tiền tài trợ của Nhà nước. 

Đã có nhiều công trình đồ sộ được "vận hành" nhờ bầu vú sữa béo bở ấy, không dám quơ đũa cả nắm nhưng dư luận cũng đã từng phàn nàn "con sâu làm rầu nồi canh" bởi không ít sản phẩm ra đời mà chất lượng quá kém. Và cũng cũng không ít xào xáo, điều tiếng, gấu ó, thậm thụt cãi vã nhau về chuyện ăn chia tiền nong không sòng phẳng.

Nghĩ mà buồn.

Cũng như nhiều nhà nghiên cứu khác, Trần Nhật Vy đã chọn cách bỏ tiền túi ra để mua tư liệu, tài liệu. Dân chơi sách cũ bao giờ cũng muốn sở hữu bản gốc/bản chính, anh lại không. Chỉ mua bản photo. Hoặc mày mò tìm kiếm trong các thư viện đã công bố trên mạng. 

Chắc rằng, với nhuận bút đã nhận được, không thể bằng số tiền mà anh đã bỏ ra. Chẳng hề gì. Miễn là được thực hiện điều mà mình yêu thích, say mê. Về văn bản văn chương miền Nam, những năm gần đây đã có những quyển như Tiểu thuyết Nam bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX (Nguyễn Kim Anh chủ biên), Văn xuôi Nam bộ nửa đầu thế kỷ (Cao Xuân Mỹ sưu tầm)... đã là những đóng góp tích cực.

Và bây giờ, với việc làm của Trần Nhật Vy có thể nói bài bản hơn cả. Anh trưng ra các tác phẩm của Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Nguyễn Trọng Quãn, Nguyễn Dư Hoài, Lê Hoằng Mưu, Trương Duy Toản, Nguyễn Kim Đính, Lương Dũ Thúc...; kể cả những tên tên tuổi, có thể lần đầu ta mới nghe đến như  P. Génibrel, Paul Nhượng, A. Vạn, Nicolas Lục, Jean Nguyễn Nhuận Ốc...

Trong tập sách này, lần đầu tiên in lại tiểu thuyết Hà Hương phong nguyệt truyện của nhà văn Lê Hoằng Mưu và Nguyễn Kim Đính,  in năm 1914. Tác giả thổ lộ: "Dòm thấy trong xứ cứ ôm truyện Tàu mà dịch mãi, chưa thấy ai viết bộ tiểu thuyết nào cả. Tưởng rằng dầu hay dầu dở cũng của mình. Tôi khởi đầu viết bộ Hà Hương phong nguyệt". 

Theo Phó GS-TS Võ Văn Nhơn: "được xem là tiểu thuyết tâm lý xã hội đầu tiên của văn học Việt Nam hiện đại. Ngòi bút có phần táo bạo của tác giả Lê Hoằng Mưu khiến ông bị kết án là xúc phạm thuần phong mỹ tục. Sách bị tịch thu, tiêu hủy, nhưng cũng đã gây ra một cuộc bút chiến dữ dội". 

Trước đây đã có nhiều nhà nghiên cứu đi tìm lại tác phẩm này, và nay, Trần Nhật Vy đã công bố. Há không phải cũng là một đóng góp đó sao?

Sống trong đời, khi nhận ra ai đó đã làm một việc tốt cho cộng đồng, hà cớ gì ta lại hà tiện một tiếng vỗ tay, hoan nghênh? Dù rằng, chẳng là gì, dù có hay không, họ vẫn tiếp tực đi trên con đường đã chọn. Tuy nhiên, tiếng vỗ tay ấy lại là sự tuyên dương, khuyến khích để họ thêm bền lòng. Cần lắm chứ. 

Với công trình này, Trần Nhật Vy chia sẻ: "Mong các bạn hôm nay biết, đọc và thấy được rằng, tiền nhân của chúng ta đã có công, có sức gầy dựng một mảng văn chương đáng kính trọng của thuở ban đầu chữ Quốc ngữ". Tâm sự này, đáng trân trọng và ghi nhận.

Trước đây, nhà văn Nguyễn Văn Xuân cũng đã từng quả quyết: "Miền Nam vốn có một một địa vị về văn nghệ và có ảnh hưởng sâu rộng trong quảng đại quần chúng lan tràn đến cả miền Trung lẫn miền Bắc. Miền Nam đã gây phong trào tiền phong về mọi phương diện văn nghệ: báo, tạp chí, truyện ngắn, truyện dài, truyện dịch, đặc biệt là tiểu thuyết Trung Hoa, truyện phóng tác tiểu thuyết Tây, phong trào xuất bản rộng lớn các loại thơ bình dân và rất phồn thịnh... Văn nghệ miền Nam phải có quyền được các học giả nghiên cứu sâu rộng" (Khi lưu dân trở lại - NXB Thời Mới -1969).

Lại nhớ đên câu thơ của Vũ Hoàng Chương: "Hồn sen thoảng ngát trà dâng đượm/ Ai biết mình sen rụng xác xơ". Tính cách rất sen ấy, cần thiết lắm. Nhìn rộng ra chung quanh, mỗi ngày nếu được cảm nhận sự tốt đẹp ấy, từ những con người với việc làm cụ thể thì vui quá đi chứ?

Lê Văn Nghệ
.
.