Nữ sĩ Cát Du: Chỉ còn một góc phía không mưa

Thứ Hai, 26/03/2018, 07:56
Trong các gương mặt thơ miền Đông Nam bộ, nữ sĩ Cát Du không chỉ gây ấn tượng nhờ những sáng tác mang cá tính, mà còn nhờ khả năng trình diễn trước đám đông. Nữ sĩ Cát Du ngâm thơ, nữ sĩ Cát Du hát thơ và nữ sĩ Cát Du… múa thơ.

Vì vậy, chứng kiến nữ sĩ Cát Du trình diễn tại Ngày thơ Việt Nam cách đây 5 năm, thi sĩ Thanh Tùng đã ngẫu hứng viết bài Vũ điệu thơ bằng sự bất ngờ thú vị: “Những đường mềm xanh mướt ngày yêu/ Những yếu đuối rướn lên mạnh mẽ/ Hai ngôn ngữ trộn vào bốc lửa/ Em âm thầm lùi lại giấu mình đi/ Bao bí mật vọt vào bóng tối...”.

Đang yên đang lành ở Cục Hải quan tỉnh Bình Dương, một nữ cán bộ bỗng dưng làm thơ. Nguy hiểm quá nhỉ? Bản thảo thi ca có quan hệ gì với hóa đơn thương mại, hay giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đâu nhỉ? Hơn nữa, thơ của nữ cán bộ Phan Kim Dung với bút danh Cát Du, lại được nhiều người yêu thích, mới khó hiểu chứ!

Dù vị trí cao nhất của giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ năm 2005 của tỉnh Bình Dương đã dành để tôn vinh Cát Du, thì độc giả vẫn cứ băn khoăn, liệu chữ nghĩa mơ màng của chị bộc bạch “Em không nhớ ngày anh đi/ Em không biết ngày anh về/ Chỉ còn lại trong em ngút ngàn trống vắng/ Em một mình ở cuối mùa đông” có giống như thủ tục tạm nhập - tái xuất chăng?

Cũng may, sau tập thơ Cảm nhận được nhiều lời chúc tụng, Cát Du tiếp tục cho ra mắt tập thơ Nàng chứng tỏ những rung cảm thẩm mỹ của chị không phải ký gửi ở kho ngoại quan, mà được gìn giữ nơi trái tim luôn run rẩy:

"Em không quen hơi đàn ông khi còn bé
Em không quen hơi đàn ông khi thiếu nữ
Nhưng em biết
Một mùi đàn ông rất ngậy khi đã già".

Thi ca thường xuất hiện ở những nơi chống chếnh vui buồn. Ngôn ngữ lấp đầy khoảng trống vắng, trước hết để an ủi người viết. Cát Du tự thú: "Em như con diều bị đứt dây/ Chúi nhủi giữa từng trời/ Không biết tựa vào đâu/ Để ngã". 

Vì vậy, chị nương vào thơ để đi qua chuỗi ngày bất an bủa vây trái tim đàn bà đa cảm. Cát Du không dụng công lập ý, lập tứ. Câu chữ của chị cứ tự nhiên ùa ra, lúc nghẹn ngào cô độc, lúc bùi ngùi nhớ mong. Vì vậy, đọc thơ Cát Du đồng nghĩa với việc lắng nghe sự thổ lộ không chút đắn đo, không chút giấu giếm:

"Nàng bé tẹo
Tuổi chất cao hơn nàng?
Vậy mà nàng biết đặt những câu hỏi của nhân loại
Ta từ đâu tới?
Tới để làm gì?
Ta sẽ về đâu?
...Nàng không hiểu
Làm sao chỉ những sinh thể đa bào duy nhất
Thành anh, thành em và thành nhân loại
Có nước mắt trong chiều chia ly".

Cát Du bí mật làm thơ từ độ tuổi ba mươi, lúc ngồi trong văn phòng Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore.

Những bài thơ đầu tay của Cát Du cũng có vần điệu khá chỉnh tề: “Tôi sợ người ta biết tim tôi/ Trái tim bẽn lẽn rất đơn côi/ Ai đi qua phố mà kiêu thế/ Chẳng ngắm nhìn ai, chẳng ngắm tôi”. 

Thế nhưng, khi những câu thơ không còn rụt rè giấu kín trong sổ tay công tác, thì Cát Du mạnh dạn triển khai cảm xúc theo sự rộn ràng của trái tim mình:

“Em cần một đôi giày
Ra tiệm mà đặt lấy!
Em cần một quần jean
Ra tiệm mà đặt lấy!
Em cần một người yêu
Ra tiệm mà đặt lấy!
Nhưng tiệm của Thượng Đế ở đâu?
Đặt bây giờ quá muộn!
Giá như em biết
Thượng Đế đã ngủ quên
Không thổi linh hồn vào pho tượng
Em sẽ mách cho Ngài:
Còn một chiếc xương sườn cô đơn!”.

Thơ Cát Du có một phong cách của riêng chị. Vần điệu Cát Du không được sắp xếp theo một thứ tự thẩm mỹ nào, mà trượt dài hoặc ngắt quãng theo tâm trạng cá nhân, khi van lơn "Người mang vòng tay của em đi đâu/ Bỏ mặc em trong cõi người giá lạnh này/ Hãy siết em lần nữa/ Siết em lần nữa đi nào/ Siết", khi thắc mắc "Hoàng hôn trong mắt anh mông lung lắm, chỉ toàn mây/ Em trốn sau mây phải không? Phải không?". 

Trong mỗi tác phẩm của Cát Du, giọng thơ song hành với giọng nói, giọng thơ hòa vào giọng nói, và thỉnh thoảng giọng nói lấn át giọng thơ, tạo nên chút ít thú vị và chút ít xôn xao. Cá tính thì rất rõ, nhưng sự rung động dễ bị hao hụt. Muốn để lại dư âm cho độc giả, Cát Du cần nhiều thi ảnh hơn. Ví dụ, đây là những câu khẳng định được giá trị thơ Cát Du:

"Sao chân em đen thế?
Em dẫm phải bóng mình ư?
Ừ, em dẫm bóng mình
Bóng mình đen?
Chân em đen?
Chân đen chạy khỏi bóng đen
Bóng đen chộp bàn chân nhỏ
Á! Chân nhỏ tõm vào đêm
Thút thít, thút thít
Có tiếng nấc
Đen!".

Một đặc điểm đáng chú ý, thơ Cát Du không ngần ngại phô bày khao khát. Bằng câu ngắn, Cát Du đề cập trực diện những niềm đắm đuối: "Đêm qua anh ngủ mơ/ Thấy trăng tròn vành vạnh/ Vỡ òa trên mặt anh/ Ôi trăng thơm quá/ Trăng mùi thiếu nữ/ Trăng mùi phù dung/ Trăng biến thành em/ Thơm hương đàn bà/ Trăng mùi quỷ sứ/ Mùi em/ Ngái!". hoặc những nỗi hân hoan: "Người đàn ông của cỏ/ Gặp người đàn bà của cỏ/ Xoắn vào nhau/ Tung xòe/ Quên mất gió đông". 

Tuy nhiên, khi Cát Du biết tiết chế và chuyển hóa những cảm quan bất chợt thì chị lại có được những câu thơ thuyết phục người đọc:

"Nặng quá anh ơi, em nặng quá!
Anh cõng bớt nỗi buồn cho em đi
Nỗi buồn đè nghiến trái tim em
Mệt lử
Em trút rỗng mình ra, trút rỗng mình ra
Để anh không còn trong em
Mà sao vẫn nặng".

Chính nhờ cách nói cụ thể và nhịp độ ngắn gọn, thơ Cát Du phù hợp với xu hướng trình diễn. Vài bài thơ của Cát Du như Em khóc nghiêng hén hoặc Người đàn bà soi gương đọc bằng mắt trước trang giấy thì hiệu quả không thể so được với diễn ngâm trên sân khấu. 

Hơn nữa, nhiều khẩu ngữ lấp lánh trong thơ Cát Du có lẽ chỉ có chị mới lột tả được vẻ đẹp nhất định. Ở chừng mực nào đó, qua thơ Cát Du có thể nhận diện chân dung một phụ nữ thường xuyên hốt hoảng trước thăm thẳm ân tình:

"Nếu có một ngày em rơi vào ký ức anh
Anh hãy cầm tù em lại
Để em được một mình trong miền nhớ của anh
Về hạt cát đi rong...".

Cát Du là một người phụ nữ thành đạt về mặt xã hội, nhưng lại phải đối mặt với nhiều đổ vỡ về nhân duyên. Chị từng có một người chồng làm thủy thủ tàu, cứ biền biệt xa nhà mà chị miêu tả “Em vẽ khuôn mặt anh/ Người chồng lang bạt/ Anh có nhìn thấy em/ Phía đường viền chân trời/ Khi ánh ngày sắp tắt/ Em đợi anh xanh xao mòn mỏi/ Khác nào đá vọng phu”

Chị giữ gìn, chị vun đắp, chị níu kéo... mà hạnh phúc lứa đôi cứ trôi khỏi tầm tay. Mất mát riêng tư ấy, Cát Du không che đậy và cũng không bao biện. Chị viết thành bài thơ Thít chặt cho sự bẽ bàng, khá ấn tượng:

“Em thít chặt vào anh
Tưởng không gì lèn qua cho được
Vậy mà
Có một hạt cát đã lèn vào giữa chúng mình
Hạt cát lớn thành viên gạch
Viên gạch hóa thành bức tường
Bức tường hóa ra vạn lý
Cứu em!
Em không cách gì bíu anh cho được
Em rơi
Ngã phịch xuống chân tường!”.

Thơ Cát Du chủ yếu là thơ tình. Hiếm hoi lắm mới thấy đề tài khác xuất hiện trong thơ chị, đó là hình ảnh mẹ. 

Chị viết về nỗi đau đã mất mẹ: “Thảnh thơi ta nằm trên cỏ/ Thả hồn về với hư không/ Ở đâu bây giờ hỡi mẹ/ Thấy con nằm khóc đây không/ Chiều nay sao mây trắng quá/ Chuông chùa cũng chẳng chịu buông/ Thinh không chừng như đau điếng/ Cỏ bây giờ cũng mồ côi”. 

Và chị dùng câu chuyện Mẹ tre để viết về khao khát được làm mẹ: “Mẹ sinh con vào tuổi tre tàn/ Con còi cọc/ Sợ mai này lớn lên con không được thẳng/ Vì mẹ đâu còn để làm điểm tựa cho con/ Cầu trời cho gió đừng lay/ Hoặc lay thật khẽ/ Như tiếng mẹ ru hời/ Kẽo kẹt đêm khuya”.

Hiện tại, nữ cán bộ Phan Kim Dung đã nghỉ hưu. Nhà thơ Cát Du là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam duy nhất của tỉnh Bình Dương. 

Nói về thơ, chị cởi mở tâm sự: “Rất nhiều người gặp tôi cứ thắc mắc, tại sao tôi công tác trong một lĩnh vực khô khan như vậy mà vẫn có thể làm thơ. Thực chất, thơ giúp tôi giảm bớt căng thẳng giữa những sự vụ và số liệu hàng ngày. Thơ đối với tôi, không khác gì món quà may mắn của số phận. Thơ dìu tôi qua những vui buồn, và thơ cũng giúp tôi thoát khỏi đời sống lặng lẽ và chậm buồn ở tỉnh nhỏ.

Bây giờ tôi đã thong dong để sống với thơ. Bây giờ tôi dành nhiều thời gian hơn cho thơ. Tôi muốn kết hợp thi ca với hai sở thích mà tôi ấp ủ lâu nay là âm nhạc và vũ điệu. Tôi muốn có thêm trợ lực để chuyển tải sáng tác của mình đến với người khác, qua hình thức trình diễn. Thật mừng, ý tưởng này của tôi đang được rất nhiều đồng nghiệp ủng hộ nhiệt tình!”. 

Và nhà thơ Cát Du vẫn tiếp tục làm thơ với những ngổn ngang chưa bao giờ ngừng lặng: “Tôi tự đánh mất mình/ Mỗi ngày một ít/ Tôi mòn đi/ Dẹt hẳn/ Chỉ còn một góc/ Phía không mưa”

Lê Thiếu Nhơn
.
.