Nguyễn Khắc Xương: Thơ tình xanh tóc trắng

Thứ Hai, 09/04/2018, 08:17
“Hoa táo vườn xưa” - tập thơ tình duy nhất của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương - con trai trưởng của thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889 - 1939), được xuất bản cách đây gần 2 năm, khi tác giả 94 tuổi, đúng là bất ngờ đúp.

Tóc bạc trắng từ lâu mà thơ tình lại xanh đến ngỡ ngàng, có gì lạ vì "chủ vườn táo" là con của thi sĩ tài danh xứ Đoài!

102 bài thơ được Nguyễn Khắc Xương sáng tác từ thuở còn là chàng trai tuổi 30 cho tới khi tuổi xế chiều đại lão là những kỷ niệm đẹp và buồn về tình yêu với nhiều cung bậc tình cảm đầy bâng khuâng, tiếc nuối. 

Tác giả là nhà nghiên cứu văn hóa, nên thơ ông thấm đẫm hồn quê, hồn Việt. Như núi Tản, sông Đà - quê cha, thơ ông đó bồng bềnh như sương khói, óng ả và nuột nà như tơ lụa. Lâu nay, bạn đọc mới chỉ biết đến ông với tư cách là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nổi tiếng ở Phú Thọ, đã vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012.

Hát xoan Phú Thọ, xuất bản tháng 12 năm 2008 là công trình nghiên cứu nằm trong hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. 

Ngày 24-11-2011, hát xoan là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ bảo vệ khẩn cấp và sau hơn 6 năm - ngày 8-2-2017 tại đảo Jeju, Hàn Quốc, hát xoan trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. 

Công trình này là nghiên cứu tổng hợp của Nguyễn Khắc Xương về hát xoan, với nhiều khía cạnh mới chưa ai khai thác như: ngôn ngữ hát xoan, tín ngưỡng hát xoan và phần chú thích công phu về hát xoan... Từng là công an ở Hải Phòng chuyển ngành về trung du, Nguyễn Khắc Xương có mặt năm 1967, khi Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Phú Thọ được thành lập. 

Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian: Đặng Văn Đăng (tức nhà thơ Bút Tre, 1911-1987), Nguyễn Khắc Xương, Dương Huy Thiện, Dương Văn Thâm... có công sáng lập Hội này (ông Đặng Văn Đăng là Chủ tịch Hội, ông Nguyễn Khắc Xương được bầu làm Thư ký) và là các hội viên đầu tiên của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Nguyễn Khắc Xương là một “Nhà Tản Đà học”. Bên cạnh hai thành tựu nổi bật là các công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian vùng đất tổ và về cuộc đời - sự nghiệp thơ văn Tản Đà; Nguyễn Khắc Xương còn giới thiệu, viết nhiều bài về các văn nghệ sĩ tỉnh Phú Thọ.

Với những thành tựu ấy, Nguyễn Khắc Xương xứng đáng với các danh hiệu: Nhà "Folklore học", nhà "Phú Thọ học", nhà "Tản Đà học" xuất sắc...

Thi sĩ Nguyễn Khắc Xương (tóc trắng) và nhà thơ Nguyễn Hưng Hải khi ông ra tập thơ tình cuối cùng.

Vậy là đủ cho ông hãnh diện, thừa hưởng khí phách ngẩng cao đầu như cha mình trong làng văn, làng báo đất Việt. Thêm một Hoa táo vườn xưa nữa, càng chứng tỏ Nguyễn Khắc Xương là người đàn ông đa tài, đa tình.

Những câu thơ như thế này tiết lộ điều đó: “Có ai nhặt hộ mùa hương cũ/ Ai nhặt giùm cho chút nắng xưa?/ Và ai viết hộ trên tờ lá/ Đôi nét thơ buồn gửi gió mưa”. 

Chỉ là gửi gió mưa thôi ư, thi sĩ Nguyễn Khắc Xương? Trở lại Hoa táo vườn xưa với ông, tôi cũng nao lòng đi giữa những hoài niệm, lật lại từng trang ký ức về chùm hoa táo đầu mùa, về nụ hôn thuở đầu đời, về những chia xa và tiếc nuối. 

Thơ ông đẹp một cách cổ điển và hay, gợi như tranh cổ điển vậy. Tình yêu trong thơ ông thấm đẫm nét đẹp của văn hóa truyền thống. Nó ngọt ngào, trong xanh tựa suối ở đầu nguồn.

Đọc những câu thơ viết từ thời trai của ông, tôi bỗng thèm được run rẩy như ông trong đêm trăng giữa vườn hoa táo với người đẹp. Và người đẹp của ông, giờ ở phương nào, đôi lần gặng hỏi, chỉ thấy ông mỉm cười: “Trăng lên chiều vẫn chưa tàn/ Nắng còn lưu luyến núi ngàn chưa đi”.

Nâng cánh hoa lên, ngắm nhìn và bâng khuâng sau nhiều tự vấn, tôi đoán ông loạn nhịp trái tim trước đôi mắt, đôi môi của giai nhân: “Em hiện trong trăng như ảo ảnh/ Của trăng tràn ngập khắp không gian/ Là trăng, tất cả là trăng cả/ Trong ánh trăng ngời em biến tan”. 

Ảo ảnh chăng? Em biến tan hay cả Nguyễn Khắc Xương, cả tôi nữa đang biến tan vào đêm trăng vườn táo chỉ có hai người… Và hai người thôi là đủ, bởi thêm một nữa là sẽ "phiền lắm thay", thêm một nữa là có khi sẽ mất cả vườn táo? Còn vắng một người mà cả trái đất như hoang mạc, thì đúng là yêu thật rồi, yêu rất thủy chung.

Cô đơn này của Nguyễn Khắc Xương trong đêm hội làng thật nhiều tâm trạng: “Đêm chèo làng Hạ vui như hội/ Chỉ với mình thôi hội chẳng vui/ Đông cả nghìn người nhưng vắng một/ Hội chèo còn lại mỗi mình thôi”. 

Tâm trạng này của Nguyễn Khắc Xương trong xa vắng mênh mông, đăm đắm một ánh nhìn, gợi về những khắc khoải của chờ mong, của không gặp gỡ. 

Nó đúng là tâm trạng của người đang yêu, của sự trống trải mà Nguyễn Khắc Xương từng thảng thốt: “Bài thơ về chiếc giường không/ Là bài thơ không chăn chiếu…/ Bài thơ về chiếc giường không/ Có bộ khung màn chết đứng…/ Và đâu chiếc khăn của anh/ Em vẫn trải trên mặt gối…”. 

Có gì đó hẫng hụt, đang tiếc nuối, như đang nhắn gửi, giận hờn, trách móc. Biết làm sao được khi mà hoa táo vẫn cứ rơi dù trời không có gió, dù đêm trăng vẫn sáng và người vẫn cứ đợi… Đợi nhưng chắc gì đã đến bởi biết đâu đấy, ở một vườn táo khác trăng và hoa quyến rũ hơn, mê đắm hơn. 

Đừng bắt Nguyễn Khắc Xương trả lời, bởi ngày ấy đã thuộc về muôn năm cũ. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm buồn và đẹp. Giờ nhắc lại, mong nó cứ mãi đẹp và buồn hơn trong hoài niệm thánh thiện: “Hiu hiu gió tự xa về/ Rừng nghe lành lạnh chiều nghe buồn buồn/ Nắng về đỉnh núi cô đơn/ Thung sâu nắng nhạt đường son mờ dần”.

Những nét chấm phá, đường viền trong vô vàn bức tranh quê chúng ta gặp ở đâu đó hiện lên như hoa táo đầu mùa khi đọc Nguyễn Khắc Xương. Ông giống cha mình ở tài hoa trong quan sát, ở cái chất lãng tử và cả sự “ngông” nữa. Nhưng khác với cha, Nguyễn Khắc Xương nhiều cam chịu hơn. Trong thơ, ông rất khiêm nhường khi ở bên người đẹp. 

Thơ là duyên để Nguyễn Khắc Xương lọt vào trí nhớ người đọc các thế hệ, nơi đã bền vững một Tản Đà đa tình và đa tài vậy: “Nắng lạnh thu về xao xác lá/ Bồng bềnh mây trắng đỉnh Thiên Thai/ Nhớ về Lưu Nguyễn bâng khuâng quá/ Chân núi quay đầu chẳng thấy ai”.

Nhà nghiên cứu, nhà thơ Nguyễn Khắc Xương đã sống gần trọn đời người ở thành phố ngã ba sông. Ông có 5 người con, nay chỉ còn 3 người con gái (2 con trai - 1 người là liệt sĩ, 1 người đã mất), một cô ở Khánh Hòa, một cô ở Hà Đông, ông bà sống cùng người con gái út Nguyễn Thị Kim Thoa hiện là Phó Giám đốc Bảo tàng Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ). 

Chị Thoa sau ly hôn, gánh vác gia đình với hai con (1 trai 1 gái), nhà neo người, lại bận công tác, chị thuê người phục vụ bố mẹ. Bà Khắc Xương bị ngã gãy xương hông, nằm một chỗ mấy năm nay. 

Còn ông thì từ chục năm trước chân yếu, phải ngồi xe lăn, tinh thần vẫn còn minh mẫn. Nay ông ở tuổi 96, đã nằm một chỗ hơn một năm trời, không còn tỉnh táo như trước. Dù thế nào, thì ở tuổi 94 vẫn xuất bản thơ tình, đấy cũng là sự hiếm có mà tư chất người cha thi sĩ lớn còn thấp thoáng nơi ông.

Nguyễn Hưng Hải
.
.