Người trở về Thanh Bùi

Thứ Sáu, 02/03/2018, 07:41
“Người trở về” tự bản thân nó đã là một câu đơn đầy đủ cú pháp. Không cần mở ngoặc kép cũng chẳng sao. Song nếu chỉ dừng ở đó, chân dung Thanh Bùi sẽ bớt thú vị đi ít nhiều.

1. Người ta gọi Thanh Bùi ca sỹ, nhạc sỹ. Có người lại bảo, anh là một nhà sư phạm bởi chàng ca sỹ, nhạc sỹ tên Thanh này không chỉ sáng lập ra Học viện Âm nhạc và Trình diễn nghệ thuật SOUL mà còn trực tiếp đứng lớp. Sắp tới, anh còn lấy bằng tiến sỹ giáo dục ở nước ngoài nữa. 

Một ai đó khác nữa lại bảo: “Không, kinh doanh văn hóa – nghệ thuật mới là dấu ấn của Thanh Bùi”. Tất cả những điều đó đều đúng nhưng vẫn chưa đủ lắm khi nói về anh chàng sinh năm 1983 này. Tôi thích gọi Thanh Bùi là “người trở về” hơn. Như một cách dẫn nhập bất thường, cho một sự trở về, không chỉ đơn thuần về mặt vật lí mà còn bằng cả tinh thần.

So với thời gian đầu mới về nước, vốn tiếng Việt của Thanh đã “xịn” hơn rất nhiều nhưng mỗi lần lên sân khấu, trước khi biểu diễn, Thanh vẫn giữ thói quen hỏi khán giả nghe Thanh nói tiếng Việt như thế nào, như một cách bắt đầu câu chuyện, như một cách tự nhắc mình. Anh nói, anh “vẫn đang tìm hiểu tiếng Việt”.

Thanh kể, lúc mới về Việt Nam và thành lập SOUL, anh dặn tất cả nhân viên rằng nếu Thanh nói tiếng Việt có chỗ nào sai hay chưa chuẩn thì phải sửa luôn cho anh. 

Với Thanh, tiếng Việt là một điều đẹp lạ lùng nhưng không hề đơn giản. Đôi khi nói thế này nhưng người ta lại nghĩ thế kia. Hoặc, có những trường hợp, nói thẳng không được, phải vòng vo mới ra chuyện. Hiểu tiếng Việt, là hiểu được tính cách con người Việt Nam”.

Hỏi Thanh Bùi, vì sao anh lại trở về khi sự nghiệp ở nước ngoài đang phát triển? “Thanh sinh ra và lớn lên ở Úc. Thanh mang quốc tịch Úc thế nhưng dòng máu đang chảy trong người Thanh là dòng máu Việt Nam. Cái tên mà Thanh đang mang, lúc nào cũng nhắc Thanh về hai chữ “nguồn cội”. 

Và dù có ăn bao nhiêu món Tây, nói tiếng Tây và hát nhạc Tây thì vẫn không thể xóa bỏ được cái gốc gác của mình, là tóc đen, da vàng và một gương mặt Á Đông. Chỉ có một mình mình khác biệt như thế giữa nơi chốn đó.

Thanh từng chia sẻ, trong ý niệm của anh, không ai có thể thật sự kể lại được câu chuyện của một đứa trẻ nhập cư. Và anh đã bắt đầu với những năm tháng của sự trớ trêu, cảm nhận sự cô độc, nhìn thấy những nỗi lo trong ánh mắt ba mẹ và nhìn nhận được những mâu thuẫn của cuộc đời mình. 

Cũng như Viet Thanh Nguyen - nhà văn gốc Việt đầu tiên đoạt giải Pulitzer vào năm 2016 từng viết trong tác phẩm của mình, đó là thứ “cảm giác xa lạ, luôn sống hai đời sống, một trong nền văn hóa lớn hơn mà bạn đang cố hòa nhập và một, gần với bản chất hơn khi ở trong cộng đồng của mình và nói thứ tiếng của mình”.

Thanh Bùi hỏi ngược lại: “Nếu em sống trong một môi trường ai cũng là người da trắng, chỉ em là người da vàng, em sẽ cảm thấy như thế nào? Chưa kể tới chuyện, em phải làm mọi cách để trông mình giống dân da trắng thật sự. Em có mặc cảm vì điều đó không? Có chứ!”. 

Và rồi, nếu âm nhạc là cuộc đời đầu tiên để anh vùi vào đó, khỏa lấp nỗi cô đơn trong những ngày tháng đôi mươi thì cuộc trở về Việt Nam vào năm 2012 là cuộc đời thứ hai, để anh trở về với bản thân mình.

Tôi hỏi cảm giác của Thanh khi lần đầu tiên đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất là gì? “Một mùi rất Việt Nam” - Thanh Bùi trả lời đầy phấn khích: “Thật khó để diễn tả nhưng nếu em sống ở nước ngoài từ nhỏ thì khi trở về Việt Nam, “ngửi” thấy mùi vị này rất rõ. Đó là mùi của thành phố. Cảnh người thân đưa đón – tạm biệt nhau ở sân bay cũng thành một thứ “mùi văn hóa” không trộn lẫn với bất cứ quốc gia nào. Rồi cái nóng nhiệt đới rất Việt Nam ở đâu ập tới. Nóng nực, đông đúc, rồi bụi bặm. Tiếng xe cộ bấm còi inh ỏi cũng trở thành một cảm trạng, một mùi vị rất Việt Nam”.

Rồi Thanh về Cam Ranh, về lại nơi có căn nhà ba mẹ mình ngày xưa từng ở. Hình ảnh căn nhà cấp 4 đổ nền bằng xi măng cũ kĩ đó cho tới bây giờ khi kể lại vẫn còn nguyên nỗi xúc động. Thanh nghĩ tới ba mẹ mình, rồi cảm thấy hối hận vì tất cả những lời nói, hành động không tốt dành cho họ. 

Lúc đó, Thanh đã điện thoại cho ba mẹ ở bên kia đại dương để chỉ nói rằng: “Con xin lỗi. Con không biết. Con chưa bao giờ biết. Ba mẹ đã vất vả, nhọc nhằn như thế nào”.

Thanh Bùi nói: “Khi biết cái gốc rễ của mình ở đâu, mình sẽ biết đặt mình vào bối cảnh như thế nào. Cũng có nhiều lúc thấy khó khăn, quá mệt; nhưng trong cuộc sống này, không có điều gì là khó hết. Được sống mỗi ngày đó mới là điều quan trọng nhất. Ba mẹ Thanh người chỉ học đến lớp 3, người chỉ học đến lớp 4. Trình độ không, ngoại ngữ không nhưng họ đã làm tất cả để nuôi dạy con cái của họ thành người nơi xứ lạ”.

2. Thanh Bùi trở về, rồi anh rủ rê, lôi kéo những người khác cùng trở về như mình. Tất nhiên, từ trước đến giờ, việc nghệ sỹ gốc Việt trở về biểu diễn không hiếm. Thế nhưng, có lẽ chưa bao giờ họ trở về nhiều và mức độ “dày” như thời gian gần đây. Và chúng ta đang có một cộng đồng của những người trở về như thế.

Riêng trong 2 năm qua, SOUL chính là đơn vị đứng đằng sau hàng loạt chương trình của những “người trở về” như vậy. Họ toàn là những nghệ sỹ quốc tế nổi tiếng, có người mấy chục năm chưa một lần có cơ hội trở lại nơi chôn nhau cắn rốn của mình. 

Đó là Cường Vũ - nghệ sĩ trumpet gốc Việt đầu tiên 2 lần đoạt giải Grammy; là Vanessa Võ - nghệ sĩ đàn dân tộc từng đoạt giải Emmy Award và làm giám khảo Grammy; là Evan Lê – “thần đồng piano”, cậu bé sinh năm 2011 từng khiến MC nổi tiếng Steve Harvey và cả nước Mỹ bất ngờ với tài năng chơi piano trong chương trình truyền hình “Little Big Shots” của đài NBC hồi đầu năm 2016… 

Thanh nói, anh muốn tập hợp những người Việt Nam đã làm những chuyện “không thể tưởng tượng” được ở nước ngoài mang họ trở về, biểu diễn cho chính người Việt Nam xem. “Người Việt Nam mình nhiều khi chưa đủ yêu những tài năng của đất nước mình. Thanh nghĩ, mình phải làm điều đó. Dù phía trước, còn nhiều khó khăn thì Thanh vẫn phải bắt đầu những viên gạch đầu tiên như thế”.

Thanh ngồi nói chuyện say sưa về họ. Thỉnh thoảng, câu chuyện chùng xuống bởi những lát cắt đi ngang. Thanh kể tôi nghe về nghệ sỹ trumpet Cường Vũ, người suốt 43 năm qua chưa có dịp về thăm lại Sài Gòn, lần trở về hồi tháng 9 trong năm nay, ông đã khóc không ngừng. “Khi Thanh hỏi ông sao vậy, ông ấy nói rằng: “Tôi đã ra đi và đã trở về”. Cảm giác đó một lần nữa lại trở về trong huyết quản của Thanh đầy mạnh mẽ và ám ảnh.

Không chỉ đưa những nghệ sỹ gốc Việt trở về, mở ra nhiều chương trình “khủng” ở phía Nam, Thanh còn mời những nghệ sỹ quốc tế đến Việt Nam biểu diễn. Người ta nói Thanh đi ngược, là kẻ “chơi ngông” bởi số tiền bán vé thu được chẳng bõ bèn gì so với chi phí mời nghệ sỹ sang. 

Trong bối cảnh thị trường giải trí có nhiều chộp giật, những người hoạt động ở đó chỉ chăm chăm làm đầy túi tiền của mình, Thanh Bùi có lẽ là một ca lạ. Lạ nhưng đừng ai bảo Thanh là một kẻ điên rồ. Xem con đường đi của Thanh, xem cách điều hành SOUL, xem cách Thanh “đẩy” những học trò tài năng của mình lên sân khấu lớn như thế nào, cũng đủ để thấy rằng, “ồ, không, anh ta đang làm kinh doanh đấy”. 

Nhưng thứ anh ta kinh doanh là kinh doanh văn hóa, kinh doanh nghệ thuật. Và điều mà Thanh hướng tới, rõ ràng, là một thứ nghệ thuật đẳng cấp. Phát triển giải trí thì phải đi kèm với giáo dục. Trong khi đó, căn tính văn hóa, yếu tố văn hóa gốc, không thể bị xóa nhòa trong con đường hòa nhập, tiệm tiến thế giới.

Được đào tạo và hoạt động ở nước ngoài, khi về nước, ít nhiều sẽ bị bỡ ngỡ. Thế nhưng, trong cuộc chuyện trò, anh không nói nhiều đến những điều đang diễn ra. Thanh không quan tâm người ta làm thế nào; anh muốn thay đổi thì anh đã làm gì, ở khía cạnh cá nhân anh để thay đổi nó? 

Thanh nói, anh không còn cảm thấy sốc khi xem tin tức trên báo. Anh cho rằng, cái gì cũng cần thời gian để đi vào ổn định, kể cả âm nhạc, nghệ thuật. Khi con người ta cảm thấy chán chường, bội thực với những tin giật gân, câu view đó, người ta tự khắc muốn tìm về những thứ giá trị cốt lõi. Khi điều đó đến, Thanh mong mình đã có một sự chuẩn bị tốt. 

Ở đây là xây dựng một nền tảng tốt cho tài năng nhí, tạo ra một sân chơi lành mạnh, để các em được thưởng lãm và học nghệ thuật đúng nghĩa. Điều mà Thanh mộng ước đó là, tất cả trẻ em Việt Nam đều được học nhạc bởi với anh, âm nhạc là một trong những điều tuyệt vời nhất của cuộc đời này. Thanh nói, anh không dạy các em nhỏ để trở thành ca sỹ, nhạc sỹ.

Điều khiến anh bận tâm là cách giáo dục con người thông qua âm nhạc, nghệ thuật. Anh có may mắn được tiếp cận với những phương pháp giáo dục mới, tiến bộ và anh mong muốn mình là một nhà giáo dục hơn bất cứ điều gì khác trên đời.

Hồi sống ở Úc, người Việt Nam tạo ra những hình ảnh không được đẹp. Khi Thanh sang nước ngoài, họ đánh giá Việt Nam mình rất thấp. Vài năm trước, khi đi dự một buổi hội thảo của thế giới gồm hơn 60 nước về môi trường, họ còn hỏi anh đến từ đâu và Việt Nam có wifi không? Có nước uống không? Họ không biết nước ta đã thay đổi như thế nào? Đã làm những gì?

Thanh nói, anh không muốn con cháu mình sống trong trạng thái như vậy nữa. Đó là lí do vì sao anh muốn xây dựng hình ảnh Việt Nam về mặt âm nhạc – nghệ thuật. “Không có ngôn ngữ nào hay hơn âm nhạc – nghệ thuật. 

Sao cái gì cũng Mỹ, cũng Hàn? Họ đang xây dựng kinh tế thông qua con đường xuất khẩu văn hóa. Là bởi, họ hiểu được đất nước của họ như thế nào. Việt Nam cũng phải đi con đường của mình. Tất nhiên, bằng một cách tinh tế, nhẹ nhàng thông qua âm nhạc”, Thanh nói. 

Và 6 năm kể từ ngày trở về, là quá trình làm quen với tiếng Việt, với văn hóa Việt Nam. 6 năm cũng là quá trình từng ngày từng ngày xây nên những viên gạch nhỏ. Mặc cảm, tự ti của Thanh khi ở xứ người – anh không muốn người Việt Nam nào trải qua. Anh muốn người Việt Nam đi đến đâu cũng được đón nhận.

Thanh Bùi năm nay 35 tuổi. Anh cười lớn, nụ cười rộn ràng: “Nhìn năm trước năm sau thấy mình già đi rất nhiều”. Tôi hỏi, thị trường âm nhạc Việt Nam nhiều tiềm năng, không phải ngày một ngày hai là có thể thay đổi được nhưng tóc anh đã bắt đầu bạc rồi. Thanh Bùi sẽ kiên nhẫn được bao lâu nữa? 

Vẫn là phải chờ đợi, phải kiên nhẫn thôi. Anh nói với tôi: “Thanh có nghe ở đâu đó nói rằng, tóc bạc làm cho một người đàn ông trở nên hấp dẫn, phong trần hơn”.


Đậu Dung
.
.