Nhớ nhà thơ Bút Tre: Trăm năm ở một làng vè

Thứ Hai, 05/02/2018, 09:47
Trường phái thơ Bút Tre là một hiện tượng văn học trong những năm cuối thế kỷ XX. Trước hết, nó xuất hiện là nhằm mục đích gây cười. 

Quả thật, trên văn đàn có một người ký bút danh Bút Tre nhưng thơ Bút Tre lưu hành có nhiều câu chưa hẳn do người này sáng tác. Mà do dân gian, những con người bình thường trong xã hội tự “ứng khẩu” lưu truyền trong cộng đồng; và một khi đã được đám đông chấp nhận thì nó tiếp tục truyền miệng rỉ tai đến người khác. 

Cứ như thế, những vần thơ Bút Tre lan tỏa và có sức sống lâu bền. Từ nhà thơ Bút Tre đến trường phái thơ Bút Tre là điều hết sức thú vị và cần được lý giải. Nhưng trước hết thử hỏi Bút Tre là ai?

Ông tên thật Đặng Văn Đăng, sinh ngày 23-8-1911 tại xã Đồng Lương, huyện Sông Thao (Phú Thọ). Trước Cách mạng Tháng Tám, Bút Tre làm nghề “gõ đầu trẻ” ở Tuyên Quang nên được dân làng gọi một cách kính trọng là “ông giáo Đăng”. 

Thời gian này, ông yêu một cô gái Nùng xinh nhất trong vùng. Mối tình này đã tạo cho ông cảm hứng để viết thiên truyện dài Lục y lang (Chàng trai áo xanh) đăng trên báo Đông Pháp. Sau cuộc “tái sinh kỳ diệu” của dân tộc, năm 1946, ông được bầu làm Ủy viên Thư ký của UBND Cách mạng lâm thời xã Đồng Lương. 

Cuộc đời của ông trải qua nhiều nhiệm vụ, giữ nhiều trọng trách do tổ chức phân công nhưng đáng kể hơn cả là lúc làm công tác tuyên truyền, tuyên huấn tại tỉnh Phú Thọ. Lướt qua đôi nét như thế để thấy rằng, những sáng tác của ông trong thời gian này chủ yếu nhằm phục vụ cho công tác đang đảm nhiệm. 

Có thể kể đến những tập thơ như Rừng cọ đồi chè, Phú Thọ lớn lên, Sông Chảy, Đồng Tâm thắm thịt tươi da, Một ngày của Phú Thọ, Quê hương Phú Thọ... Ngoài ra, ông còn có thơ in vào các tờ bướm phát hành rộng rãi xuống làng xã nhằm tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. 

Sở dĩ ông cán bộ tuyên truyền Đặng Văn Đăng ký bút danh Bút Tre là do yêu mến hai câu thơ của Tố Hữu: “Nhà nghèo không mực thì son/ Bút tre, giấy lá nuôi con học hành”.

Khảo sát các tập thơ của ông, công bằng mà nói, thơ của ông dung dị, mộc mạc, hồn nhiên, thậm chí không ít câu ngây ngô đến đáng yêu. Đừng tưởng rằng, người viết những câu thơ “bình dân” ấy trình độ học vấn mới i tờ, nên chỉ viết được những câu nôm na như thế. Thật ra, Bút Tre là người giỏi ngoại ngữ, ông tự học để có thể đọc tiểu thuyết bằng nguyên bản tiếng Anh và tiếng Pháp. 

Mở đầu tập thơ Tia lửa làng quê, ông viết: “Trăm năm ở một làng vè/ Nghìn câu lục bát, mấy đề vè nôm/ Khi khuya sáng, lúc hồi hôm/ Bà con kể lại, xóm thôn vạn lời/ Bút Tre nối bước những ai/ Một dòng thơ mở đường quai kể vè...”.

Có thể xem đây là “tuyên ngôn” của Bút Tre, ông cho rằng mình chỉ là người “kể vè”, không phải nhà thơ và các sáng tác ấy chỉ là những câu “văn vần”, “vè nôm”.  

Đã có nhiều “công trình” nghiên cứu về hiện tượng thơ Bút Tre, nhưng theo tôi, tiểu luận của ông Ngô Quang Nam - nguyên Giám đốc Sở VHTT Phú Thọ là sâu sắc và công phu hơn cả. Ông Nam cùng một số thân hữu từng viết Lối thơ Bút Tre (NXB Văn hóa - 2001), Bút Tre - thơ, nghiên cứu, giới thiệu, sưu tầm (NXB Văn hóa thông tin - 1994), Giai thoại Bút Tre (Sở Văn hóa Thông tin Vĩnh Phú - 1989) quả là “tri âm tri kỷ” với Bút Tre.  

Điều may mắn lẫn “bất hạnh” của Bút Tre ở chỗ: Thơ do ông viết ra thì ít người nhớ, nhưng cái kiểu làm thơ như ông thì nhiều người đã bắt chước theo. Nói như thế, không phải phủ nhận chất lượng sáng tác của ông, bởi trong các tập thơ của ông có không ít câu thơ thật lạ, nó đạt đến “trình độ” ngộ nghĩnh một cách chân thật, không phải nhà thơ chuyên nghiệp nào cũng có thể viết được. Khi viết về lãnh tụ, ông đã ca ngợi chân thành, chân thành đến mức:

Thương con, Bác đến thăm nhà
Vẫn lời nói ấm, vẫn là tiếng Thanh
Chòm râu vừa bạc vừa thanh
Trông người Bác đẹp hơn tranh của Người.

Ở đây, Bút Tre đã “nói tắt” mà ta vẫn hiểu: “tiếng Thanh” là chỉ vùng “Thanh Nghệ”, “tranh của Người” có thể hiểu là ảnh chụp Bác hoặc tranh vẽ Bác cũng không đẹp bằng người thật. Ông còn ca ngợi:

Toàn cầu chấn động nghe tên
Nổi danh Đại tướng Võ Nguyên nước nhà

Vẫn dùng lối “nói tắt” nhưng ai ai cũng biết là Đại tướng Võ Nguyên Giáp; hoặc:

Bỗng đâu bộc phá thình lình
Nổ vang chính giữa tổng dinh họ Đờ

thì ta phải hiểu là tướng De Catries! Khi diễn tả máy bay đưa Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm Vĩnh Phú, ông viết:

Tầng cao hiện bóng chim bay
Liệng mừng thành phố cánh này đang chao

ta phải hiểu là... cánh của máy bay! Còn về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, ngoài những vần thơ Đường luật như:

Ý Đảng đã nhuần trong hợp tác,
Lòng dân còn hẹn với Trung ương.
Lấy ngay truyền thống nuôi truyền thống,
Cờ đỏ sông Lô thắm mái trường.

đối với nhau rất đúng niêm luật, kế theo lại là những vần lục bát:

Bác yêu các chị các anh
Nối tình của Bác, anh Thanh lại về
Nước sông lộng mát bờ đê
Tình người tắm gội đồng quê nhiều lần
Reo vui hai chữ yêu thân
Lòng công nhân, dạ nông dân dạt dào
Anh lên đồi núi cúi chào
Đồi vương nương sắn gò cao cây chè
Anh đi đồng lúa lắng nghe
Lúa mừng phân bắc, khoai che mảnh vườn...

Thuở mới khôi phục lại tuyến đường sắt, ông viết dễ như bỡn:

Tàu xe đi lại nhịp nhàng
Thái Nguyên, Yên Bái lại càng Lào Cai

Chữ “càng” trong câu tám lập tức trở thành một yếu tố gây cười, không ai liều lĩnh dám hạ vần... “ngọt xớt” như thế cả. Tình yêu của Bút Tre dành cho quê hương rất đáng trân trọng, ông viết bằng cả tấm lòng của một người gắn bó với mảnh đất ấy:

Con đường chè! Con đường chè!
Đường son, đất đỏ, chạy trong tre
Đồi nương bát úp ngồi lổm ngổm
Bụi đỏ mù bay dãi nắng hè

ta hiểu “chạy trong tre” là... chạy trong lũy tre! Nhưng đến câu thứ ba thì đố ai không bật cười thú vị. Câu thơ ngộ nghĩnh nhưng hiện thực lắm chứ! Ông viết về Chị chủ nhiệm:

Hữu duyên má lúm đồng tiền
Việc làng việc nước hai bên chờ mình
Ủy ban anh đại gia đình
Đã nhanh giải quyết lại nhanh điều hòa

Từ hai má lúm đồng tiền, ông đột ngột chuyển sang hai việc khác là việc làng, việc nước, là sự liên tưởng còn chấp nhận được! Nhưng đến “lại nhanh điều hòa” thì ai không tủm tỉm cười cho cách dùng chữ “cẩu thả” như thế! Bút Tre hay tả cảnh, nhưng cách tả của ông có những câu, những chỗ dễ gây cho ta phì cười. Nhưng có những đoạn ông tả, ta phải thừa nhận là hay, gợi cảm:

Trong nhà màn trắng chăn bông
Quanh nhà rau luống, chuối buồng, mướp leo
Bưởi cam chiết, quả đeo chíu chít
Rơm thơm vàng, ríu rít gà con
Bồ câu mấy cặp còn non
Trẻ thơ áo ấm cười giòn con ta
Tin vui vẳng lặng tiếng loa
Bên đèn ấm tiếng nhạc hòa truyền thanh

Hình ảnh hiện lên quen thuộc lạ thường, khiến ta yêu lấy hạnh phúc đơn sơ ấy. Cảnh ấy thật hiếm hoi trong những ngày miền Bắc đang chiến tranh. Sao lại biết ở nông thôn miền Bắc? Thì “tiếng loa” ấy hòa cùng tiếng máy “truyền thanh” được ông đưa vào thơ khá nhuần nhuyễn và hiện thực. Mà thơ này nhằm đạt đến chủ đề gì mà Bút Tre muốn gửi gắm? Chắc bạn đọc sẽ ngạc nhiên khi ông lấy tựa... Chăn nuôi sản xuất giỏi! Cũng đề tài tăng gia sản xuất, ông lại viết:

Giờ đây vua sắn lên ngôi
Tỏi, hành, thẩu, xả cũng ngồi đồng hoang

Chữ “ngồi” sáng giá quá đi chứ! Nhưng cũng thật... tức cười! Công bằng mà nói, thơ thật Bút Tre không mấy bạn đọc nhớ đến, ngoài những câu quá nổi tiếng đã trích dẫn như trên. 

Sinh thời Bút Tre đã không ít lần bị “dọn vườn” (nghĩa là nhà phê bình chọn những câu ngớ ngẩn, cách viết sai cú pháp để phê phán), nhưng ông vẫn cười khì. Bởi lẽ, ông làm thơ (nói đúng hơn là ông làm vè) không vì “lưu danh thiên cổ” mà nhằm tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước. Càng “phê” thì ông càng được bạn đọc biết đến.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Nhàn có lý khi lý giải về hiện tượng “Trường phái Bút Tre”: “Dân gian lúc nào cũng có nhu cầu cười. Mỗi thời kỳ, mỗi hoàn cảnh cười theo một kiểu. Trong chiến tranh ác liệt cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước khá gian nan, thơ Bút Tre đã giúp cho người ta cười vui vẻ, cười phấn chấn lên. Bút Tre quả có công lớn tạo ra tiếng cười cho thời đại mình. Trải qua mấy chục năm rồi, thơ Bút Tre vẫn không lẫn với bất cứ dòng thơ ca nào khác vì nó không bi lụy, không giễu cợt, không đả phá, không tục tĩu. Cũng ít thấy hình thức sinh hoạt văn nghệ nào lại sôi động, liên tục, rộng khắp cả nước như hiện tượng Bút Tre”.

Sinh thời, Bút Tre tếu táo, trẻ trung, yêu đời yêu người và tận tụy với công việc. Lúc nghe thiên hạ gán những câu thơ “ngớ ngẩn” cho ông thì ông chỉ hồn nhiên: “Tớ xin cúi đầu bái phục dân gian”. Bút Tre mất ngày 18-5-1987 trong cảnh nghèo túng nhưng rất thanh tao, các thân hữu xa gần đều thương tiếc.

Lê Văn Nghệ
.
.