Nhạc sĩ Hà Dũng: Mấy chuyện ký ức

Chủ Nhật, 31/12/2017, 09:07
Lâu nay người đàn ông có tên Hà Dũng được dư luận nhìn ở nhiều góc cạnh: một doanh nhân thăng trầm với những cú “bay lên đỉnh” của sự thành công và không hiếm những lần “ngã sấp xuống tận đáy” trên thương trường. 

Cũng có người nhìn Hà Dũng với vẻ lãng đãng của một nhạc sĩ với loại ca khúc không dễ hát, hay một thi sĩ “phiêu linh” trong cõi thơ của riêng minh. Lại cũng có người nhìn Hà Dũng như một đại gia thành đạt lo toan cho những người đẹp chân dài, họ là những ca sĩ, diễn viên, hoa hậu, người mẫu… và “tuyển tập” chân dài của Hà Dũng tất nhiên phải là những mỹ nhân đình đám trong giới showbiz không chỉ trẻ, đẹp, sexy mà còn luôn “làm nóng” thế giới giải trí.

1. Một buổi sáng sớm cách đây không lâu, tôi và vài người bạn có thể được xem như thân tình với Hà Dũng từ nhiều năm trước, ít ra là cũng trên một thập niên có dịp ngồi uống cà phê tại “nhà hàng cà phê” Vâns của vợ chồng ca sĩ Cẩm Vân và Khắc Triệu nằm trên đường Phạm Ngọc Thạch Q.1, TP HCM. 

Người đàn ông râu ria, cặp kính cận, đầu trọc, dáng trầm lặng, gương mặt rất nam tính và đầy nghệ sĩ tính ấy vẫn không có gì thay đổi sau bao nhiêu năm tôi gặp anh ở quán ăn “Ba Miền” của Tịnh, em trai Trịnh Công Sơn nằm gần cầu Lê Văn Sỹ vào một buổi trưa khi Hà Dũng chuẩn bị dự án thành lập hãng hàng không Indochina Airlines, đây cũng là hãng hàng không tư nhân đầu tiên đi vào hoạt động tại Việt Nam, nếu không tính tới Jetstar Pacific (có phần vốn góp của Nhà nước do Vietnam Airlines đại diện). Nhưng rất tiếc nó đã không thành công.

Và đây cũng chính là khoảng thời gian tiếp theo của một thập niên tôi không gặp được Hà Dũng và anh cũng hầu như không gặp lại bạn bè, ít ra là có những bữa ăn trưa tại quán “Ba Miền”, hay một vài buổi tối trong tuần tình cờ gặp anh ngồi uống rượu một mình trong quán bar quen thuộc nằm ờ góc đường Hai Bà Trưng - Nguyễn Thị Minh Khai.

Trước mặt tôi là một Hà Dũng gần như không có gì thay đổi, dù sau lưng anh và cả chung quanh anh, những năm tháng dài đã đi qua với trùng trùng chuyện thị phi tình ái, chuyện làm ăn thua lỗ, nợ nần mà nợ đâu có nhỏ: vài trăm triệu đô la. 

Tất nhiên tôi không nghĩ Hà Dũng sẽ suy sụp tinh thần lẫn “nhan sắc” sau những cú “va đập mặt đất” như vậy, nhưng ít ra trên gương mặt của người đàn ông thất bại từ một dự án lớn, mang tính khai phá đường hàng không tư nhân và khoản nợ nần trong kinh doanh, cho những “người tình đã bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ” thì mộng tưởng của một người, trái tim của một người vẫn là nỗi mất mát tinh thần lớn lao nhất có thể làm người ta thoáng một chút đăm chiêu, gợn lên sợi khói u hoài trong ánh mắt. 

Nhưng tuyệt nhiên không, Hà Dũng vẫn thẳng băng một gương mặt đàn ông giờ như người “đạt đạo”, nụ cười tươi rói đến hồn nhiên và cái bắt tay vẫn ấm áp, chân tình.

Điều này khiến tôi nhớ về Hà Dũng ở lần quen anh đầu tiên tại phòng trà “Phiêu Linh”, một cái bàn nhỏ cuối quán, đêm mưa khuya, quán vắng khách, chỉ còn chai rượu vơi, hai cái ly thủy tinh đầy chất nước màu nâu sóng sánh hình như chao sóng lên gương mặt đỏ của hai người bạn sơ giao trở nên thân tình và tiếng đệm đàn piano rất cô đơn của Nguyễn Ánh Chín. 

Từ “Phiêu Linh” tới Indochina Airlines đúng là một đường bay thẳng cánh vút lên không trung, nhưng ở đó Hà Dũng không thấy mình, cũng không có ai trên bầu trời rộng. Thế là anh hạ xuống mặt đất... ngồi lại với bạn bè một ngày ở một quán cà phê mới trong một Sài Gòn đường phố đông đảo hơn xưa, nhắc nhớ bao nhiêu kỷ niệm.

2. Trước đó tôi không biết Hà Dũng làm gì nhưng khi khai thác phòng trà “Phiêu Linh”, Hà Dũng không quan tâm tới chuyện lỗ, lời, anh đầu tư vào đây như một cuộc chơi của người làm kinh doanh có máu nghệ sĩ. 

Mỗi đêm, thay vì đi nghe nhạc, uống rượu ở chỗ khác, Hà Dũng muốn mang chỗ khác về chỗ mình. Và “Phiêu Linh” ra đời như một điểm hẹn của bạn bè, văn nghệ sĩ và người yêu thích văn nghệ muốn thưởng thức lại dòng nhạc trữ tình, sang trọng với những giọng ca vàng. 

Hà Dũng là người có điều kiện để làm được điều đó, anh cảm thấy mình có một sứ mạng vì người khác, thực hiện ước mơ của người khác. Và vì sứ mạng này nên anh luôn phải là người đi tiên phong. 

Do đó “Phiêu Linh” cũng là một trong rất ít những phòng trà của thời kỳ đầu Sài Gòn được tái hiện. Và ở đó, mỗi đêm Hà Dũng tới ngồi uống rượu ở chiếc bàn trong góc quán không phải với vai trò “ông chủ”. Đến khi phòng trà “Phiêu Linh” đóng cửa, Hà Dũng cũng chẳng quan tâm việc lời, lỗ, chỉ nghĩ rằng ước mơ của mình đã thực hiện xong và sứ mạng ấy đã tới lúc chấm dứt.

Một kiểu kinh doanh mang tính khai phá khác của Hà Dũng là hãng taxi Davi. Thời điểm đó chẳng có mấy hãng taxi ra đời và chỉ với 50 đến 100 đầu xe, mà riêng Davi có tới 500 chiếc, gần như tung hoành khắp Sài Gòn. Nhưng chính Hà Dũng cũng nhìn thấy tương lai không mấy sáng sủa của ngành taxi với cơ chế quản lý quá lỏng lẻo của ngành chức năng sẽ tác động đến nhà đầu tư. 

Có lần Hà Dũng đã nói với tôi với tư cách là một nhà báo hay có thể gọi là phản ánh bức xúc của một người khai phá kiểu làm ăn mới: “Quản lý kiểu này, Davi sẽ chết vì không kiểm soát được hoạt động khai thác sản phẩm của hãng. Và quả nhiên, chỉ một vài năm sau, ngành quản lý đã cho bung ra nhiều hãng taxi khiến cung vượt quá cầu vào thời điểm bấy giờ. Hãng taxi Davi phải ngưng hoạt động vì không thể cạnh tranh trong tình trạng loạn xe, trong đó có cả taxi “dù” và taxi “nhái”.

Rồi Công ty Việt Hà hoạt động kinh doanh, khai thác những dự án lớn của Hà Dũng về địa ốc, thương mại, dịch vụ một thời đình đám gặp phải rào cản của cơ chế, tư duy quản lý cũ lún sâu vào thất bại đang trên con đường phá sản cùng nhiều công ty cùng cảnh ngộ khác. 

Trước đó là hàng loạt cơ sở tín dụng huy động vốn bị vỡ, công ty may mặc, sản xuất, gia công, kinh doanh thủy hải sản... lâm cảnh nợ nần trên bờ vực phá sản. Những “ông chủ” đình đám một thời lớp bị bắt, lớp bị xử lý, có trường hợp nặng nề phải tử hình... Hà Dũng cùng sự suy sụp của Công ty Việt Hà với món nợ vài ba trăm triệu đô la cũng đối diện với pháp luật.

Nhưng chính Hà Dũng cũng là người đi tiên phong “gõ cửa” cấp lãnh đạo cao nhất để tác động nhằm thay đổi tư duy quản lý kinh tế, tháo gỡ cơ chế cho doanh nghiệp. Kết quả, một luồng gió mới đã thổi tới, nhiều công ty làm ăn thua lỗ được Nhà nước hỗ trợ, tìm cách vực dậy, phát triển kinh doanh để có điều kiện trả nợ.

Hà Dũng xin cho Công ty Việt Hà trong thời hạn 3 năm để giải quyết, nhưng cũng phải tới 7 năm mới được Thủ tướng ra quyết định đã trả hết nợ. Một số công ty làm ăn lớn khác cũng nhờ chủ trương này mà sống trở lại, phát triển hoành tráng và “ông chủ” của nó từng suýt bị bắt đã trở thành anh hùng.

3. Lâu nay Hà Dũng nổi tiếng là người sát “chân dài” trong làng showbiz Việt. Họ là những mỹ nhân trên các lĩnh vực ca hát, người mẫu, diễn viên... nhưng không có điều kiện để trở thành “sao”, bởi thị trường showbiz còn cạnh tranh khốc liệt hơn thương trường. 

Hà Dũng là một nhạc sĩ và là một nhạc sĩ doanh nhân nên anh cảm thấy mình có sứ mạng biến những cô gái có ước mơ chính đáng trở thành “sao” này thành hiện thực và tạo điều kiện cho những “ngôi sao” ấy sáng lấp lánh trên bầu trời nếu họ có năng khiếu và ý chí cộng với một số yếu tố về nhan sắc. 

Anh không đòi hỏi gì ở họ và cũng không đặt điều kiện gì cho mình, còn tình cảm không phải là thứ mua được bằng tiền dù tiền có sức mạnh để thúc đẩy tình cảm bay lên nhưng không phải điều kiện tiên quyết để giữ lại.

Một số cô gái trong giới showbiz Việt từ chỗ ít ai biết tên tuổi nay đã trở thành những “ngôi sao” đã từng được Hà Dũng bảo bọc nay đã trở thành ca sĩ, diễn viên, người mẫu... chuyên nghiệp. 

Từ Hồ Quỳnh Hương, Quách An An, Trà My Idol, Maya, Maria Đinh Phương Ánh... nếu kể hết sẽ có một danh sách dài. Nhưng rồi gần như không có ai ở lại bên cạnh Hà Dũng khi anh thất bại. Thậm chí có những người đẹp một thời được Hà Dũng giúp đỡ, nay trở thành chuyện thị phi, cãi vã trên mạng phủ nhận về mối quan hệ với Hà Dũng trước đây.

Sự việc này Hà Dũng gần như chẳng quan tâm và anh luôn tôn trọng, dành cho các cô gái đã từng đến trong cuộc đời mình những tình cảm tốt đẹp, lời nói trân trọng, chưa bao giờ nghe Hà Dũng phiền trách ai.

Khi nhắc lại những điều này, Hà Dũng cũng khẳng định rằng anh xem sự giúp đỡ các cô gái như một sứ mạng. Anh bảo rằng mình có điều kiện, các cô gái có ước mơ, thế thì tại sao mình không giúp cho ước mơ của các cô ấy trở thành sự thật? 

Còn khi các cô đã trở thành người nổi tiếng, có cách ứng xử thế nào với mình trong khi thành công hay lúc thất bại thì đó là việc của các cô ấy. Còn đối với Hà Dũng, khi các cô đã tách khỏi sự đùm bọc của mình, bay về hướng khác, tự sống được thì đó chính là lúc anh đã thực hiện xong sứ mạng nên chẳng có gì phải vui hay buồn thậm chí thất vọng khi có ai đó phát biểu không tốt về mình.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, khi trả lời một nhà báo nữ xoay quanh chuyện thành công và thất bại trên thương trường và tình trường, Hà Dũng đã thật lòng chia sẻ:

“Tôi quan niệm mỗi ngày mình cố gắng hết sức. Khi đã cố gắng hết sức thì phải biết chấp nhận kết quả. Nếu tốt, sẽ là điều kiện thuận lợi để tiếp tục tương lai. Nếu xấu, phải chấp nhận để cố gắng tiếp. Nhìn vào tiền bạc, người ta nói có lúc tôi nhiều tiền, có lúc không có tiền, đồng nghĩa ở trên cao và rớt xuống đáy. Nhưng chỉ là quan niệm. Còn tôi không bao giờ ở dưới đáy, cũng chẳng bao giờ nói mình ở trên đầu người khác. Quan trọng là lúc nào tôi cũng là Hà Dũng...”!

 Và tôi cũng muốn mượn chính lời của Hà Dũng phát biểu như trên để kết luận cho bài viết này.

Từ Kế Tường
.
.