Đạo diễn Đặng Thái Huyền: Mùa đi “săn” mới

Thứ Sáu, 25/08/2017, 17:23
Khi viết bài này, tôi đã phải mở toang hết cánh cửa trên Facebook của Đặng Thái Huyền. Tôi muốn hiểu Huyền hơn những gì Huyền nói sau buổi công chiếu "Lời nguyền gia tộc" - bộ phim mới nhất của chị.

Mở toang xong, lại nghĩ, tôi sẽ đặt một cái tittle như thế nào khi viết về người đàn bà trông có vẻ… "nữ quyền" này? Một cái tittle ra sao để tôi có thể nhập cuộc cùng chị - người đạo diễn dường như lúc nào cũng đặt máy ở chế độ "standby". Chờ một mùa đi "săn" mới trong nghệ thuật.

Nói Đặng Thái Huyền lúc nào cũng đặt máy ở chế độ "standby" nghĩa là lúc nào, chị cũng trong tâm thế của một người đang chờ. Chờ khai máy. Chờ những ngày "đi phim" xôn xao. Chờ những cơn mưa rừng tạnh. Chờ sự thăng hoa của các diễn viên. Chờ ngày đóng máy. Chờ ngày công chiếu... Lúc nào, Đặng Thái Huyền cũng là người đang chờ. Để rồi, sau tất cả, là cảm giác của vượt qua, sống sót và đi tới tận cùng những điều mình muốn.

Đặng Thái Huyền là mẫu đàn bà của những niềm ưu tư, thậm chí ưu tư cả những điều chưa tới. Lo lắng, bất an, chênh vênh... đủ cả. Trạng thái nào cũng tận cùng. Với chị, trong cuộc sống hay trong công việc, phàm điều gì nằm ngoài sự chủ động và tầm kiểm soát của mình, chị lại cảm thấy hoang mang.

Chị cũng không biết những năm tháng vừa qua đã trôi về đâu. Không biết nên cứ sống, cứ gieo trồng một thứ quả ngọt của niềm đắm say mang tên mình. Và mỗi lần "đi phim", chị lại có cảm giác như đang bắt đầu một hành trình mới. Không thể lường hết được điều gì đang chờ đợi mình ở phía trước. Hồi hộp, chênh vênh mà cũng đầy phấn khích. Và mỗi lần đi, là một lần mình quên mình trước đó. Là một lần đời mình lật sang trang mới, như chưa bắt đầu.

Tôi hỏi Đặng Thái Huyền, chị có thấy mình giống như con thiêu thân cứ thích lao mình vào ánh sáng? Huyền không thích chữ "thiêu thân" vì nghe có vẻ mù quáng. Huyền nói, chị không phải là một người mù quáng vì chị biết rõ mười mươi con đường mình đi.

Chị tin con đường đó và biết mình phải đi đến đâu, làm thế nào để đi đến đó. Sẽ chẳng có ai nói trước được, mai này mọi chuyện sẽ ra sao. Nhưng trước hết, mình phải tin vào chính mình thì mới hi vọng con đường đi của mình là đúng đắn.

Lâu nay, khi nhắc đến phim nhà nước đầu tư, người ta vẫn mặc định đó là phim không bán được vé, phim làm xong để lưu "kho", phim làm để "giải ngân" ngân sách Nhà nước, phim xem để tiếp cơn buồn ngủ.

Khi nhắc đến phim điện ảnh về đề tài chiến tranh, không ít người lắc đầu. Chưa kể, một người đạo diễn là nữ làm phim chiến tranh, người ta cũng hoài nghi bởi chiến tranh đâu có mang khuôn mặt người nữ - gần với tựa một cuốn sách của chủ nhân Nobel Văn học 2015 - Svetlana Alexievich. Nhưng không. Huyền đã chọn lội ngược dòng.

Trả lời phỏng vấn khi đó, chị chia sẻ rằng, chị khao khát muốn chứng minh rằng, phim chiến tranh cũng có thể sốt vé như bất cứ bộ phim thương mại, giải trí nào khác.

"Và chúng tôi là thế hệ những nhà làm phim sinh ra sau chiến tranh, tôi tin là mình có cách kể, cách nhìn nhận đề tài này theo cách nhìn, cách cảm phù hợp với thế hệ mình".

Rồi Đặng Thái Huyền có Người trở về, còn chúng ta có Đặng Thái Huyền 8X - gương mặt đạo diễn nữ đặc biệt của điện ảnh Việt Nam với Người trở về - một bộ phim chiến tranh "sốt" vé.

Và chiến tranh không phải không mang khuôn mặt phụ nữ. Trong phim của Đặng Thái Huyền, khuôn mặt đó rất rõ ràng, ám ảnh. Không đi sâu vào những đại cảnh hoành tráng, không lập ngôn, không tiếp tục bản anh hùng ca giờ đây đã trở thành sáo mòn, cũng không đặt ra vấn đề bên nào thắng, bên nào thua; trong bộ phim của mình, Đặng Thái Huyền đã xoay ống kính, "zoom" vào những nạn nhân chính phải chịu hậu quả nặng nề nhất của chiến tranh, đó là: phụ nữ và trẻ em. Không đao to búa lớn nhưng đầy khốc liệt, đầy bi thương mà vẫn nhân văn và nhân đạo.

Trước ngày công chiếu, chị viết: "Một năm trời giữa rừng toàn muỗi, vắt, rắn và lênh đênh bên triền sông hun hút gió, sương muối buốt giá... Những chiến binh của Người trở về đã mơ tới ngày mở rượu champagne, chém gió và hẹn nhau về những dự án “bom bi” tiếp theo. Ngày đó cuối cùng đã tới. Nâng ly và say thôi!".

“Người trở về” sau khi công chiếu vào năm 2015 đã gây ngạc nhiên cho không ít người. Bộ phim sau đó được trao giải Ban giám khảo và giải Biên kịch xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19

Nhưng Đặng Thái Huyền không ngủ quên trong men say chiến thắng quá lâu. Khi người ta vẫn còn nhắc nhiều đến bộ phim Người trở về của chị, chị đã rục rịch bấm máy bộ phim tiếp theo. Và ta thấy Đặng Thái Huyền cùng các cộng sự đang "vạ vật" ở núi đồi Đà Lạt để quay bộ phim tâm lý - kinh dị Lời nguyền gia tộc. Lúc nào, Đặng Thái Huyền cũng đang trên đường, cũng đang trong một mùa đi "săn" mới.

Nếu Charlie Nguyễn, Phan Gia Nhật Linh, Nguyễn Quang Dũng hay Vũ Ngọc Đãng... làm phim giải trí thì chẳng có gì đáng nói. Nhưng Đặng Thái Huyền - một người lính "Nam tiến" để làm phim giải trí, người ta lại tò mò. Có người ngờ vực. Văn hóa giải trí hai miền "chọi" nhau chan chát.

Cái yếu tố nghiêm cẩn của nghệ sỹ miền Bắc vốn không được lòng sự thoải mái, lắm lúc dễ dãi của người miền Nam. Khi Huyền lấn sân, nghĩa là Huyền sẵn sàng đương đầu với thử thách. Khi Huyền lấn sân, nghĩa là Huyền muốn nhập cuộc theo hướng mở.

Chị nói, chị không phân biệt phim dòng phim chính thống, phim giải trí, phim thương mại hay phim nghệ thuật vì suy cho cùng, tác phẩm theo dòng nào dù mang ra phục vụ khán giả vẫn phải mang dấu ấn cá nhân. Huyền tin rằng, phim chiến tranh có dấu ấn Đặng Thái Huyền và phim kinh dị, vẫn không bớt đi dấu ấn của Đặng Thái Huyền.

Dù theo dòng nào, sau khi xem phim xong, khán giả vẫn nhận ra màu sắc nữ tính của Đặng Thái Huyền trong đó mà thôi. Và dù đó là bộ phim chính thống hay phim thương mại thì chị cũng không làm sai khác con đường mà chị đã đi. Huyền tâm đắc một câu nói của một nhà làm điện ảnh là "tôi làm phim hướng đến khán giả nhưng trước tiên, tôi phải thích nó cái đã".

Chị nói: "Tôi không thể ép lòng mình làm một bộ phim mà tôi không thích, không thể ép lòng mình làm một bộ phim mà tôi biết sẽ hướng đến khán giả nhưng tôi lại không thích". Người đàn bà này tỏ bày tham vọng muốn dung hòa được cả hai yếu tố đó trong tác phẩm của mình.

Với một người đạo diễn, một người làm nghệ thuật, Đặng Thái Huyền luôn muốn được thử sức cũng như khám phá mình ở nhiều mảng đề tài khác nhau. Có một Đặng Thái Huyền của thời hậu chiến Mười ba bến nước, Người trở về, Mắt biển..., thì cũng sẽ có một Đặng Thái Huyền kinh dị với Lời nguyền gia tộc. Chị cho rằng, nếu như giậm chân trong một mảng miếng, mình sẽ tự giới hạn độ an toàn của mình. Đó là một sự thụt lùi, thậm chí là một sự thất bại.

Nhưng phụ nữ ai mà lại không thích một vùng an toàn cố hữu? Có phải Đặng Thái Huyền đang khiêu khích? Không, chị không có ý định khiêu khích ai cả. Cũng không muốn chứng tỏ điều gì, và chứng tỏ với ai. Huyền chỉ là một người không thích đóng khung mình. Không thích giới hạn mình khi chị là "người buông neo".

Khi làm phim, Đặng Thái Huyền tự nhủ, mình phải quên mình là ai, là phụ nữ hay là bất kì thứ gì trên cõi đời này. Ở vai trò thủ lĩnh và là người sáng tạo, Huyền không được phép thỏa hiệp.

Nhưng có những lúc, tôi thấy Đặng Thái Huyền giống như một người nổi lửa ở bên kia trời. Một người nổi lửa có ánh mắt sắc, một trái tim lạnh đó mà ấm liền đó. Vì nói cho cùng, trái tim của chị vẫn là trái tim của một người đàn bà. Đàn bà mà làm nghệ thuật, bao giờ cũng mềm và đẹp. Đẹp trong nỗi cô đơn, buồn bã.

Đặng Thái Huyền trong một lần “đi phim”.

Những ngày này, Huyền và những cộng sự của mình đang tự thưởng cho mình những giây phút thoải mái khi kết thúc một chuyến đi "săn". Lời nguyền gia tộc ra rạp, hai luồng ý kiến khen - chê đủ cả.

Đặng Thái Huyền bảo, chị nghe ngóng hết. Đứa con tinh thần là do chị sinh ra. Nhưng đứa con ấy ra đời như thế nào, có sống tốt hay không, chị không quản được nữa. Với lại, ngay sau dự án điện ảnh này, chị cũng rục rịch một chuyến đi "săn" mới: Mùi thuốc súng, một bộ phim điện ảnh về đề tài chiến tranh, được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.

Đặng Thái Huyền nói, dù có thử sức mình ở nhiều thể loại, dòng phim khác nhau thì chiến tranh cách mạng vẫn là đề tài mà chị theo đuổi đến cuối cùng trong sự nghiệp của mình. Không hẳn xuất phát điểm là một người lính nên chị có ý thức về điều này; mà quan trọng hơn, với chị, đề tài đó vẫn còn có quá nhiều mảng miếng chị chưa chạm vào và khao khát bóc tách, diễn giải theo cách nhìn của mình.

Thậm chí, khi xem xong Người trở về, Đặng Thái Huyền nghĩ, nếu ở một độ tuổi chín hơn về suy nghĩ, nhận thức, chị cho rằng mình sẽ khai thác nhiều vấn đề đến tận cùng hơn. Nghĩa là, trong con người này, ngoài đôi chân đi trên đất, còn một đôi chân khác, lúc nào cũng kiếm tìm mình.

Trong Kinh Dịch, lửa ứng với phương Nam, màu đỏ, mùa hè và trái tim. "Lửa" Đặng Thái Huyền đã thắp. Rượu champagne sau khi mở nắp, có lẽ cũng đã nhạt vị ít nhiều. Đặng Thái Huyền lại xếp những bộ cánh đẹp đẽ, thời trang vào tủ, hẹn ngày về sau chuyến đi "săn" mới; xếp những bộ quần áo bụi bặm, những chiếc khăn rằn vào vali, ra đi với nỗi buồn vô hình bủa vây xung quanh mình. Nỗi buồn của một người lênh đênh, "xếp cánh mộng lớn mỗi bình minh".

Đậu Dung
.
.