Lửa Nguyễn Quang Hà

Thứ Sáu, 30/06/2017, 07:48
Nhà văn Nguyễn Quang Hà là ngọn lửa cháy mãi. Anh sinh năm 1937, năm 2017 này, anh đã 80 tuổi rồi mà ngọn lửa vẫn cháy khôn nguôi.

Lửa giúp anh vượt qua nỗi đau cá nhân thời hậu chiến. Lửa giúp anh chiến thắng bệnh tật. Lửa soi anh viết hàng vạn trang sách về chiến tranh và đồng đội. Lửa giúp anh vạch mặt những tên quan lại gian trá... Vâng, Nguyễn Quang Hà là lửa. Lửa từ trái tim nhà văn chiến sĩ! 

Tôi và anh Nguyễn Quang Hà là bạn vong niên nhờ cùng nghiệp văn chương đến hơn 40 năm nay. Thân như thế, nhưng Quang Hà luôn đầy ngạc nhiên và cảm phục đối với tôi! 

Ngạc nhiên vì cách đây hơn 20 năm, bác sĩ chẩn đoán anh bị ung thư, bị mổ cắt hết 1,4 mét đại tràng. Người ta đeo cho anh cái túi đại tiện ở bên hông kè kè như món nợ đời. Cái vết mổ ấy thỉnh thoảng lại viêm tấy. Lại mổ. Lại nối. Lại viêm. Lại mổ. Lại nối. Mỗi lần mổ như thế nằm viện cả tháng trời! Chưa có một nhà văn nào như Nguyễn Quang Hà đã 8 lần mổ vẫn sống, vẫn cười, vẫn đi đây đi đó. Vẫn là nhà văn đi trại viết nhiều nhất.

40 năm qua, đau ốm đi viện liên tục thế (nằm viện đến nỗi anh quen hết từ bác sĩ trưởng khoa đến cô ý tá Bệnh viện Trung ương Huế) mà anh đã viết tới 30 cuốn thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn dày cộp.

Một năm nay anh bị tai biến, đỡ rồi nhưng không viết được gì, bây giờ khỏe rồi, lại viết. Làm thơ như tôi có mảnh giấy nhỏ là viết được. Viết tiểu thuyết như Quang Hà phải còng lưng cày tới năm sáu trăm trang giấy, mờ mắt. 

Viết đêm. Viết ngày. Viết xong rồi phải ngồi đọc người khác gõ máy tính. Vì anh không quen viết trực tiếp trên máy tính, mà viết bằng bút bi từng trang, ngày này qua ngày khác. Thế mà năm nào anh cũng ra sách. Có năm ra một lúc 2 cuốn. Sức viết như thế là vô địch ở Huế. Sông dài như kiếm, Tiếng thở dài của đất, Vùng lõm, Nợ đời, Nếu không có nhân dân, 

Thời tôi mặc áo lính... của Nguyễn Quang Hà đều là những cuốn sách được các nhà phê bình đánh giá cao. Tác phẩm Thân Trọng Một - con người huyền thoại và tiểu thuyết Vùng lõm được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. 

Tôi từng đi trại viết do quân đội tổ chức ở Cửa Lò với anh. Trong lúc chúng tôi lang thang tắm biển, nhậu nhẹt, thì anh đóng cửa viết suốt ngày. Trên bàn viết một bên là chồng giấy trắng, một bên là chồng bản thảo vừa viết xong, đánh số trang cẩn thận.

Trong lúc nhiều nhà văn đi ra từ chiến tranh, không viết về chiến tranh nữa, quay sang viết chuyện tình, thì Nguyễn Quang Hà vẫn cần mẫn, cặm cụi với các tiểu thuyết về cuộc chiến đấu của quân dân Thừa Thiên - Huế, mà anh là nhân chứng sống, là người trong cuộc. Tôi cảm phục Nguyễn Quang Hà về cảm thức đó. 

Tiểu thuyết chiến tranh của Nguyễn Quang Hà không chỉ miêu tả lại cuộc chiến  giữa ta và địch vô cùng ác liệt. Mà anh còn viết về cuộc chiến nội bộ quân ta. Cuộc chiến giữa những chiến sĩ tử tế với những kẻ cơ hội. 

Trong tiểu thuyết Vùng lõm (NXB Hội Nhà văn 2008), nhân vật Huỳnh Thế Tô bỏ học về làng Mai Trung làm xã đội trưởng chỉ vì yêu Hoài. Y tỏ ra ta đây dũng cảm cũng chỉ để được lòng Hoài. Y chỉ lo "vun vén chức tước, tập hợp quanh mình những người dễ sai khiến để tôn mình lên". Nhưng khi bị Hoài từ chối thì tìm cách hãm hiếp cô rồi chiêu hồi. 

Quả đúng như Nguyễn Quang Hà đúc kết: "Để quyền lực rơi vào tay những thằng cơ hội, chúng không ngần ngại gì giết chết cả trời xanh".

Một lần ở Đồ Sơn, gặp lại người bạn cùng Công trường 5 (tức Trung đoàn 5) năm xưa, nghe bạn khen viết hay, viết nhiều, Nguyễn Quang Hà tâm sự: "Nào có đáng gì đâu mà. Mình viết văn, làm thơ, viết báo mấy chục năm nay về đề tài chiến tranh, về thời hậu chiến vì mình là người trong cuộc nên muốn ghi lại cho lớp con cháu chúng ta sau này biết thế nào là chiến tranh và hệ lụy của nó mà thôi. 

Mình dốc sức vào đề tài này bấy nay cũng là để góp một ít tư liệu, dữ kiện, nói cách khác "là một mớ quặng thô" mong cho những tài năng văn chương sau này có thể lựa chọn được cái gì đó sáng tạo, nó viết thay mình thôi cậu ạ". Âu đó cũng là ngọn lửa thủy chung với lý tưởng, với đồng bào, đồng đội đã truyền sức sống lên đầu ngọn bút của Nguyễn Quang Hà!

Nguyễn Quang Hà tên thật là Nguyễn Trọng Tràng, quê làng Quang Biểu, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Nơi có rượu làng Vân nổi tiếng. Chữ Quang trong bút danh của anh là lấy từ tên quê hương. Và Hà có lẽ là tên một người con gái? 

Cuối năm 1959, Quang Hà có giấy báo đỗ đại học nhưng xã không cho đi học vì lý lịch xấu. Đó là bi kịch một thời. Anh được bố xin cho đi học một lớp sư phạm cấp tốc. 10 năm làm giáo viên, anh lấy vợ, có 3 mặt con. 

Đầu năm 1967 anh cùng 155 chàng trai Kinh Bắc nhập ngũ, vào chiến trường Thừa Thiên - Huế, gọi là Đại đội Ngô Gia Tự... Ở chiến trường, anh chiến đấu, rồi làm báo Cờ giải phóng, làm thơ. Anh xuống tận vùng sâu nằm hầm bí mật với bà con Phong Điền, Quảng Điền... 

Sau chiến tranh, Đại đội Ngô Gia Tự Kinh Bắc ấy chỉ còn 16 người sống sót, trong đó có nhà văn - nhà báo Nguyễn Quang Hà. Vì thế ở góc cái sân bé xíu nhà anh ở Huế, anh dựng một tượng đài nhỏ để tưởng vọng 139 liệt sỹ Đại đội Ngô Gia Tự đồng hương, đồng đội hy sinh. 

Mỗi sáng khi mới ngủ dậy, anh lại thắp nhang nơi tượng đài và thì thầm với những đồng đội đã khuất. Mỗi lần viết một bài báo chống tiêu cực, anh lại thắp nhang vái đồng đội, mong được phù hộ. Sự tưởng niệm ấy đã giúp anh nuôi ngọn lửa để vượt qua sự khốn khó, khắc nghiệt của cuộc đời.

Đầu năm 1974, Nguyễn Quang Hà bị thương lần thứ năm, anh được cấp trên cho ra Bắc điều dưỡng. 7 năm ở chiến trường, được về với gia đình, vợ con, mừng lắm. Anh tưởng tượng đến cảnh hạnh phúc gia đình đoàn tụ, con bíu cổ, vợ làm cơm mừng chồng về... mà ứa nước mắt. 

Nhưng vừa mới bước vào sân, nhìn thấy vợ mình đang cho con bú trước hiên. Một nỗi đau ập uống làm anh choáng váng. Con ai? Con ai? Không có đau đớn nào hơn. Đêm đó anh gối ba lô ngủ ngoài sân. May lúc đó anh có giấy mời dự lớp bồi dưỡng viết văn ở Quảng Bá của Hội Nhà văn Việt Nam. Được trực tiếp hằng ngày với những nhà văn danh tiếng như Xuân Diệu, Đoàn Giỏi... Chính các nhà văn này đã nhận ra: "Chất của cậu là chất văn xuôi, không phải thơ". 

Thế là lao vào viết để mong khỏa lấp nỗi đau hậu chiến. Nhưng càng lấp càng đau. Nhưng ngọn lửa chiến binh đã giúp anh không ngã quỵ! Sau lớp bồi dưỡng, anh hôn con, ly dị vợ rồi khoác ba lô buồn bã trở lại Huế.

Nhà văn Nguyễn Quang Hà và tác giả.

Một lần đi công tác ở nông trường Tân Lâm (Quảng Trị), Quang Hà gặp cô giáo dạy văn cấp 3 Võ Thị Quỳnh, người mà trong chiến tranh anh đã gặp. Thế là lửa tình mới lại gõ cửa tim anh. Chị Võ Thị Quỳnh dạy chuyên văn trường Quốc học, có tài sáng tác tranh ghép từ lá cây, mê văn Quang Hà và đã tự nguyện đến với anh. Anh giúp chị chuyển vào Huế dạy trường Quốc học. 

Sau khi ổn định cuộc sống tại Huế, Quang Hà bàn với vợ đón ba người con cùng mẹ già từ quê vào Huế sống cùng. Cả gia đình sống bên nhau yên ấm, thuận hòa. Sau này, khi người con đầu cưới vợ thì ông nói các con đón nốt mẹ chúng và người em khác cha vào Huế ở để mẹ con được đoàn tụ. Anh mua đất cho mấy đứa con làm nhà. Vậy là Nguyễn Quang Hà đã có cả một gia đình lớn trên đất Huế. Cả 5 người con của ông giờ đã trưởng thành, có cuộc sống ổn định tại Huế. 

Với người vợ cũ đã chia tay, anh đón chị cùng đứa con riêng của chị vào Huế sinh sống cho quần tụ với các con anh. Mấy chục năm nay, anh vẫn đi chiếc xe máy 86 tồng tộc, thế mà bạn bè khắp nơi về Huế, anh đều chở đi thăm thú, giao lưu khắp nơi. Đó là lửa của trái tim nhân hậu!

Nhưng lửa Nguyễn Quang Hà không chỉ cháy trong tiểu thuyết, truyện ngắn, mà con cháy hừng hực trong các bài báo chống tiêu cực không khoan nhượng. Nguyễn Quang Hà làm báo từ trong chiến tranh, sau giải phóng anh thành phóng viên, biên tập viên, rồi Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương 20 năm ròng. 

Nhắc đến cây bút báo chí Nguyễn Quang Hà, người đọc Huế cũng như cả nước đều nhớ đến bút ký rực lửa Luận chứng một tâm hồn đa cảm (Sông Hương, 1986). Trong bút ký anh kể những hy sinh của người dân để bảo vệ cách mạng, anh phê phán, chỉ thẳng tên của những ông "quan huyện" Hương Điền (thời Bình Trị Thiên).

"Trên mới lo cho dân trên nghị quyết, trên giấy tờ, nhưng khi lên xe thì mọi dự kiến cũng theo bánh xe của phó bí thư đi luôn". Huyện phát động trồng cây gây rừng, hứa đầu tư cho mỗi gốc cây một cân gạo. "Xã Phong Sơn đã trồng bốn vạn cây mà huyện vẫn chưa đưa về một hạt gạo nào". Bài bút ký làm xôn xao dư luận một thời. 

Nhắc đến cây bút chiến đấu Nguyễn Quang Hà, phải nhắc đến một loạt bài báo của anh trên Báo Cựu chiến binh, Báo Người cao tuổi vạch mặt danh hiệu "anh hùng rởm" của nhân vật 2 lần làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Hồ Xuân Mãn, làm sôi dư luận cả nước mấy năm ròng. 

Nhờ sống trong lòng dân Phong Điền, Quang Hà đã có tất cả các chứng cứ, nhân chứng, tài liệu, đơn khiếu nại... để đánh gục sự chống trả của cường quyền. Kỳ công nhất là anh đã bằng mọi thủ pháp để lấy cho được bản khai thành tích anh hùng của Bí thư Tỉnh ủy Hồ Xuân Mãn được giấu kín kẽ. Rồi từng bài một, từng bài một như những phát đại bác phá toang lô cốt của sự dối trá. 

Để cuối cùng phát hiện ra trong 17 thành tích ông Hồ Xuân Mãn báo cáo để nhận danh hiệu anh hùng, chỉ có 2 thành tích đúng, 8 thành tích là khai man, 3 thành tích chỉ với vai trò người tham gia phối hợp chứ không thể là người chỉ huy. Ngoài ra, có 4 thành tích khác của ông Mãn không đủ cơ sở xác định (kết luận của đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra Trung ương năm 2014). 

Cuối cùng Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương đã phải thu hồi quyết định phong Anh hùng Lực lượng vũ trang của Hồ Xuân Mãn. Đây là cuộc đấu tranh gay cấn nhất, nguy hiểm nhất, cam go nhất, lâu dài nhất, chống lại người có thế lực mạnh nhất. Và Nguyễn Quang Hà đã thắng!

Bạn bè thường khuyên" đấu tranh" thì "tránh đâu". Nguyễn Quang Hà đã dựa vào dân Phong Điền, các cựu chiến binh Phong Điền để tránh. Dựa vào ngọn lửa trái tim của người lính chiến để tránh. Dựa vào sự thật để tránh. Nhiều lời đe dọa đã được ném vào cửa, ném vào điện thoại di động. 

Các cựu chiến binh nơi anh ở đến nhà, mang theo đá, nói: "Góp thêm đá cho anh chiến đấu", rồi anh cũng dựa hồn thiêng anh em liệt sĩ Đại đội Ngô Gia Tự phù hộ nữa để tránh...

Vâng, nói đến nhà văn - nhà báo Nguyễn Quang Hà là nói đến lửa...

Ngô Minh
.
.