NSƯT Trung Anh: Kẻ lạc thời

Thứ Tư, 10/05/2017, 07:19
Trò chuyện với NSƯT Trung Anh, thấy tình yêu sân khấu phủ kín tâm hồn anh. Nhưng, tôi còn nhìn thấy nỗi buồn và những bất an trong câu chuyện của anh, về một giấc mơ cho thánh đường sân khấu. Anh nói từ lâu anh đã đi khỏi đời sống này rồi, con tàu sân khấu đi xa một bến bờ khác, nơi đó không chờ anh.

1. Tôi thấy anh cô độc trong tình yêu của mình. Nhịp sống đã thay đổi. Và sân khấu cũng buộc phải thay đổi trong cuộc mưu sinh. Nhưng Trung Anh nói, có những giá trị không thể thay đổi, vì nó làm nên bản sắc, cốt lõi sự tồn tại của sân khấu.

Và với anh, đó là những giá trị bất biến. Có lẽ vì thế, anh sống nhiều bằng hoài niệm, về một thời vàng son của nhà hát, về những đêm diễn đầy ắp khán giả, về những giá trị đích thực của sân khấu khi nó còn là một thánh đường. Ở đó không có sự thỏa hiệp, dễ dãi, chiều theo thị hiếu đám đông. Nhưng anh không nhận mình thuộc thế hệ vàng.

Bởi trước anh, những cây đa cây đề lẫy lừng của sân khấu luôn khiến anh ngưỡng vọng. Đó là thế hệ của NSND Trọng Khôi, NSND Thế Anh, NSND Hoàng Dũng... Và đến thế hệ anh, chỉ còn lại một số người giữ được tình yêu và tâm huyết với nghề.

Trung Anh bảo, anh may mắn được lớn lên, tắm mình trong không khí thuần khiết của nghệ thuật khi hằng ngày đến nhà hát, xem các cô chú diễn, đôi khi chỉ là một động tác mà phải xem hàng chục buổi để tìm ra lời giải cho mình... Và tình yêu đó, theo thời gian, ngấm vào anh tự lúc nào.

Dù nổi tiếng với những vai diễn trên phim truyền hình, nhưng với Trung Anh, với những người đã trót yêu sân khấu thì sân khấu như một thứ thuốc gây nghiện. 

Trung Anh có thể từ chối cả việc vào TP Hồ Chí Minh trong lễ trao giải Cánh diều vàng 2014, lần đó anh được giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất trong phim Những đứa con của làng chỉ vì anh đang bận một vai diễn ở Hà Nội trong vở kịch chuẩn bị công diễn của một đạo diễn trẻ. Sân khấu, với Trung Anh luôn là ưu tiên số một.

Trong suốt 7 tháng tập vở Hamlet, anh từ chối tất cả lời mời đóng phim truyền hình. "Tiền cũng cần thật đấy, vì anh không giàu có, nhưng làm nghệ thuật cần sự toàn tâm và chỉn chu". Đến bây giờ, Trung Anh vẫn có cảm giác sống sâu với từng vai diễn và phải mất một thời gian anh mới dứt ra khỏi vai diễn đó để bắt đầu một hành trình mới.

"Có những vai hay nó ám ảnh mình kinh khủng, chưa xong, nó cứ sống trong mình. Tôi cố gắng giữ cảm giác đó để lúc diễn đạt nhất. Hồi tôi đi quay phim Những đứa con của làng ở Quảng Trị, tôi sống đúng như tu sĩ, nhân vật khắc nghiệt, cuộc sống khổ sở, nghèo nàn và tôi cũng đã sống đúng như nhân vật của mình. Tôi vào trước đoàn làm phim hai tuần để tìm hiểu và ngấm cuộc sống của người dân ở đó. Tôi còn không dám ăn vì sợ mình bị béo, khác với tạo hình nhân vật của mình, nó tạo cho mình bữa cơm ăn cũng không dám ăn no. Nó ám ảnh mình ghê lắm".

Yêu đến cực đoan, Trung Anh không chấp nhận bất cứ một sự thỏa hiệp nào. Bởi với anh, sân khấu của Nhà hát Kịch Việt Nam là một thánh đường, chính kịch và kịch kinh điển với những giá trị chuẩn mực, hàn lâm làm nên bản sắc của nhà hát. Nhưng, cuộc mưu sinh vất vả, lận đận. Những vở kịch không còn giữ được chất mực thước, cổ điển. Khán giả cũng quay mặt làm ngơ. 

Tôi ngồi cà phê với Trung Anh trước khi anh đi theo đoàn về Bắc Ninh diễn. Có đất diễn, có khán giả, nhưng không có niềm vui. Bởi khán giả mà anh muốn, phải thực sự là những người yêu sân khấu, tự bỏ tiền ra mua vé chứ không phải là những tour diễn hợp đồng.

Có thời đoạn, Trung Anh và Trần Lực chạy đôn chạy đáo khắp Hà Nội, tìm thuê một địa điểm tự dựng một sân khấu như mình mong muốn để diễn những vở kịch hay và kéo khán giả đến rạp. Một sân khấu trở thành địa chỉ văn hóa ở Hà Nội.

NSƯT Trung Anh trong vở “Hamlet”.

Đến bây giờ, Trung Anh vẫn khắc khoải với giấc mơ đó. Giấc mơ về sân khấu làm thế nào kéo được khán giả đến rạp, chứ không phải chỉ đi diễn theo hợp đồng, ở những cái lán che tạm bợ... Nhưng giấc mơ đó còn xa vời...

Tôi thấy Trung Anh cô độc trong tình yêu của mình. Tôi chợt nhớ đến tiếng đàn cô độc của Bá Nhỡ trong Tiếng đàn vùng mê thảo, không tìm được tri âm và tiếng đàn ấy sẽ không có ý nghĩa khi không có tri âm đồng vọng. Trung Anh, Trần Lực và có lẽ, rất nhiều nghệ sĩ đều khắc khoải giấc mơ đó, để sân khấu trở về đúng những giá trị của nó. Khao khát ấy, tình yêu ấy là khao khát, tình yêu của những nghệ sĩ chân chính muốn được sống và cống hiến trọn vẹn với nghề.

Dạo này Trung Anh đang gây sốt với các vai diễn phủ sóng truyền hình, đặc biệt vai Lương "bổng" trong phim Người phán xử là một thử thách đối với Trung Anh khi lần đầu tiên anh vào một dạng vai khác mình. Nhưng với một nghệ sĩ lớn, tận tâm và yêu nghề thì thử thách đó là một cơ hội để họ khám phá, không ngừng khám phá chính mình.

Và anh chinh phục cả những khán giả khó tính nhất. Thành công của Trung Anh khẳng định đẳng cấp của một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Trung Anh vui đấy, nhưng trong sâu thẳm anh vẫn là những khắc khoải vì tình yêu sân khấu.

2. Trung Anh có một tuổi thơ buồn. Những ký ức buồn đã hằn vệt trong đôi mắt của anh, trong gương mặt khắc khổ và cả trong sự lặng lẽ, kiệm lời của anh. Ký ức đã xa xôi lắm, nhưng nỗi đau vẫn còn đó. Đó là những năm tháng chiến tranh, Trung Anh mới chỉ 7 tuổi.

Đêm ấy, Mỹ ném bom xuống sân nhà anh ở Đức Thọ, Hà Tĩnh, cướp đi mẹ, dì và chị ruột của Trung Anh. Anh ngủ dưới hầm nên may mắn sống sót. Những giây phút tang tóc đó ám ảnh cả cuộc đời Trung Anh. Hồi đó bố và anh trai đang làm việc ở Hà Nội, chiến tranh, loạn lạc, không có cách nào liên lạc với bố để lo tang lễ cho mẹ. Cậu bé 7 tuổi phải cậy nhờ hàng xóm láng giềng. Sau đó, một mình khăn gói đi bộ gần 400 km ra Hà Nội tìm bố.

Câu chuyện buồn đó còn ám ảnh anh đến tận bây giờ. Vì thế Trung Anh sống khá khép kín. Anh không thích đám đông hay những cuộc bù khú rượu chè. Bạn bè chỉ dăm ba, nhưng là những người thân tình, gần gụi. Những mất mát, khuyết thiếu trong đời sống riêng đã được bù đắp lại cho Trung Anh bằng một gia đình bình yên. Trung Anh 37 tuổi mới lấy vợ, nhưng  anh có được tình yêu và sự thấu hiểu của vợ. 

Trong các cuộc phỏng vấn, khi nói về vợ, Trung Anh luôn dành cho vợ sự trân trọng, yêu thương, đôi khi còn là sự mang ơn vì chị đã vun vén cuộc sống gia đình để anh có thể yên tâm làm nghề. 

Cách đây hai năm, một người bạn của tôi ngạc nhiên khi kể rằng, bạn ấy mua lại ngôi nhà tập thể cũ ở phố Thái Thịnh, không ngờ đó là nhà của Trung Anh. Nghệ sĩ nghèo vậy ư? Bạn tôi băn khoăn. Còn tôi thì hiểu, đời nghệ sĩ, có mấy ai dư giả tiền bạc, khi họ làm nghề và sống trọn vẹn với nghề. Giờ thì cả gia đình Trung Anh đã chuyển sang một căn hộ rộng rãi hơn trên phố Lê Văn Lương.

Mấy năm sân khấu im lìm, Trung Anh bỏ đi làm phim. Nhưng anh không từ chối bất cứ một công việc nào ở nhà hát với một thái độ làm nghề nghiêm cẩn, chỉn chu. 

Tôi có dịp trò chuyện với nhiều nghệ sĩ trẻ ở nhà hát, họ nói về Trung Anh với một niềm ngưỡng mộ và thái độ làm nghề nghiêm túc, tử tế, chuyên nghiệp. Bởi Trung Anh đứng ngoài cuộc đua chen danh vọng, tiền bạc. Những tham sân si của đời sống không chạm được vào anh. 

Ngẫm lại cuộc đời nghệ sĩ, Trung Anh vẫn coi là hạnh phúc khi được sống với đam mê của mình. Dù nhiều bạn bè bảo rằng, anh thất bại khi chưa được phong tặng NSND, cuộc sống không giàu có. Trung Anh chỉ cười, cuộc sống biết đủ là đủ. Anh không theo đuổi những thứ danh vọng, hào quang, vì thế, cũng không vì nó mà phiền muộn.

Nhưng tôi hiểu, sâu thẳm trong tâm hồn người nghệ sĩ ấy là nỗi buồn, nỗi buồn khi chứng kiến những bon chen đua ganh của người đời, những dối trá trong cuộc đua danh vọng trong giới nghệ sĩ, khiến các giá trị thực - giả lẫn lộn. Điều không thể có trong giới nghệ sĩ... Ấy vậy mà...

Tôi hỏi Trung Anh, vì sao anh có được tâm thế ung dung khi làm nghề như thế. Anh cười, bởi nó được kiến tạo nên từ tình yêu, từ đam mê và tận hiến với nghệ thuật. Ừ thôi, đời sống phù du lắm, danh vọng càng phù du. 

Được sống trọn với đam mê của mình đã là một hạnh phúc trong đời. Đôi mắt của Trung Anh buồn thẳm, xa xăm... Phía trước anh, Hà Nội lá vàng rụng đầy lối đi.


Khánh Linh
.
.