Nghệ sĩ Khánh Nam: Tiếng cười neo lại

Thứ Tư, 18/10/2017, 07:20
Khi một người mất đi, dư âm hốt nhiên dội vào lòng người còn sống. Ký ức vui buồn, ngọt đắng không gợi vẫn tuôn tràn. 

Từng mảnh rời rạc ghép thành một mảng, lớn hơn, thành một cuộc đời, dẫu không hoàn chỉnh cũng đủ chấm phá chân dung người nằm xuống - người luôn khỏa lấp chông chênh đời mình bằng những tiếng cười, từ khuôn dáng đến lời nói.

1. Ngôi nhà nhỏ vốn dĩ đã quá sức chứa với mười mấy người sinh sống trên đường Dã Tượng, Q. 8, TP Hồ Chí Minh, những ngày cuối tháng 9 trở nên đông đúc bởi người đến tiễn đưa, bởi những vòng hoa thành kính xếp thành hàng dài. 

Bà Trần Thị Hui, 78 tuổi, mẹ của nghệ sĩ Khánh Nam bần thần ngồi bên cạnh linh cữu con trai. Dưới mi mắt nhập nhèm của tuổi già, đôi mắt bà hoe đỏ xen lẫn tự hào khi nhắc đến đứa con bà rất mực yêu thương. 

“Trong nhà, ngoài đường, thằng Nam cái miệng lúc nào cũng lét bét cả. Nó đi thì thôi mà về là nhà, vui như trên sân khấu. Con cháu đứa nào cũng trông thằng Nam về. Có thằng cháu nhỏ xíu mà đeo thằng Nam tợn vì nó vui vẻ lắm. Tính nó lại hòa đồng, phóng khoáng nên bạn bè ở khắp nơi”. 

Người trong xóm kể, dù là nghệ sĩ nổi tiếng, Khánh Nam vẫn rất bình dân, cư xử đúng mực, kính trên nhường dưới nên từ đầu đến cuối xóm, ai cũng thương quý.

Bà Hui kể, vợ chồng bà người gốc Bến Tre, vì miếng cơm manh áo, trôi dạt lên Long Khánh, Đồng Nai. Khánh Nam được sinh ra ở đây. Sau đó, gia đình lại tiếp tục dạt lên Sài Gòn. Từ nhỏ, Khánh Nam đã vui tánh, lại mê vọng cổ và nuôi giấc mơ trở thành kép cải lương. 

Khánh Nam và Khánh Nhi trên sân khấu.

Vì thế, năm 17 tuổi, anh bỏ học theo gánh hát, mong gắn bó nghiệp xướng ca như anh trai Khánh Tuấn. Bà Hui không can ngăn, cũng không trách giận mà ủng hộ. “Làm mẹ chỉ biết nuôi con khôn lớn. Khi con đủ lông đủ cánh, muốn chọn làm gì là quyền của con, mình không thể ngăn cản”.

Chẳng may rơi vào giai đoạn cải lương thoái trào nên dù được khen có giọng hát sáng, mùi mẫn, Khánh Nam chỉ được giao các vai quần chúng. Mặc dầu vậy, ông vẫn gây được dấu ấn với các vai thái giám, tài xế taxi, ông lái xe ba gác vui tính, bộc trực... 

Với tính cách dí dỏm, gương mặt khờ khờ của chàng trai miền Tây, nhiều bầu sô, bạn bè khuyên ông chuyển sang tấu hài. Sau thời gian hợp tác với đoàn cải lương Sông Bé 1 của ông bầu - soạn giả Hoàng Ngọc Ẩn, Khánh Nam lấn sân hài kịch, được nhiều ông bầu hài kịch để ý. Lối diễn chất phác, duyên dáng, kết hợp nhuần nhuyễn cách hát vọng cổ giúp ông dần được công chúng yêu mến.

Sự nghiệp của ông dần phất lên khi ông phối hợp cùng nghệ sĩ Vũ Thanh. Phong cách từ tốn, rề rà của Khánh Nam cộng với tính hoạt ngôn, lanh lẹ của Vũ Thanh khiến cặp nghệ sĩ được khán giả mến mộ. Đầu những năm 2000, cũng là giai đoạn hài kịch miền Nam có bước chuyển mới, Khánh Nam được công chúng biết đến rộng rãi với các vai: người giúp việc trong Ai làm bác sĩ, chàng trai vui tính trong Tình em bán kẹo... 

Gắn bó với nhau nhiều năm, Vũ Thanh hiểu rõ những vất vả bạn mình âm thầm trải qua và chịu đựng, những lần thua thiệt, ngậm ngùi nuốt nước mắt, show diễn ngày càng ít, thù lao teo tóp trong khi tuổi đời càng lớn, bệnh tật xồng xộc đến. Tuy nhiên, Khánh Nam luôn giữ được sự lạc quan, tếu táo trên sân khấu và cả trong đời sống. Hôm từ Long An về lại Sài Gòn sau đêm diễn, ông than mệt, chóng mặt do nắng nóng. 

Ông hỏi bạn diễn: “Bị như vầy có chết không ta?”. Lúc nhập viện, ông vẫn tỉnh táo, có thể xoay người trên băng ca, song bệnh tình bất ngờ trở nặng - kết quả của những trận bệnh cộng dồn.

2. Năm 2003, Khánh Nam lập nhóm hài mang tên mình, không cầu danh vọng mà để tạo thêm cơ hội cho dàn diễn viên trẻ chân ướt chân ráo ra khỏi trường sân khấu. 

Nhóm nhanh chóng gặt hái nhiều thành công với những tiểu phẩm đả kích thói hư tật xấu: Giã từ lưu linh, Lỗi tại ai, Liên khúc ba thời đại, Vụ án con cu đất... đoạt luôn giải nhất Liên hoan sân khấu hài Nụ cười xanh 2011 với tiểu phẩm Lô cốt ơi, lô cốt do Khánh Nam viết kịch bản và dàn dựng.

Nghệ sĩ Thiên Hương được nghệ sĩ Khánh Nam dìu dắt và nhận làm đệ tử từ ngày mới vào nghề, nghẹn ngào nhớ lại: “10 năm đi diễn cùng sư phụ, tôi được học hỏi về nghề diễn, được sư phụ quan tâm và yêu thương như người cha”. 

Thầy trò thường xuyên chạy sô giữa các điểm quá xa nhau, sợ tụi nhỏ đi xe máy nguy hiểm, Khánh Nam thương học trò, tính tới tính lui, bèn vay tiền mua xe hơi cho mọi người đỡ cực. “Chiếc xe hơi cũ nhưng chứa đựng bao ân tình của sư phụ. Sư phụ không nói phải vay tiền mua xe nhưng tôi biết sư phụ đã phải tích cóp bao nhiêu đêm diễn để trả nợ”.

“Diễn chung với các đàn chú rất khó vì họ có vai vế, mình không bắt được nhịp là bị bỏ rơi luôn. Song chú Khánh Nam luôn nhường, sẵn sàng nâng đỡ diễn viên trẻ, tạo cơ hội để họ thể hiện mảng miếng” - diễn viên Gia Bảo hồi tưởng.

Tính cách nồng ấm, nhận hậu của Khánh Nam dành cho đàn em, đàn cháu không dừng lại ở việc chỉ bảo nhiệt tình mảng, miếng trong nghề, hỗ trợ kịch bản mà còn quan tâm đến từng miếng ăn, giấc ngủ. Thiên Hương không quên những buổi tối chạy sô tỉnh, nghe học trò than đói bụng, nam nghệ sĩ lẳng lặng mua đồ ăn, dúi vào tay. Thù lao mỗi đêm diễn chỉ đủ tiền xăng xe nhưng Khánh Nam không bao giờ để học trò về nhà mà bụng réo vì đói.

Ngày Khánh Nam mất, có khoảng 20 học trò - những nghệ sĩ trẻ từng được ông dạy dỗ - đến quỳ gối xin chịu tang, trong số đó có cô bé Khánh Nhi, thí sinh Sao nối ngôi nhí 2017, người được ông nhận làm con gái nuôi. 5 năm trước, cô bé Khánh Nhi 5 tuổi được người quen giới thiệu đến gặp Khánh Nam để học hát.

Ông bảo: “Chú đồng ý nhưng con phải kêu chú bằng tía”. Khánh Nam từng tâm sự Khánh Nhi là niềm hy vọng còn lại của đời ông. Việc dạy dỗ cô bé giúp ông vơi nỗi cô quạnh khi không còn vợ con. Những ngày cuối đời, ông dành trọn vẹn thời gian giúp cô bé tập hát, diễn kịch. Ông còn tự tay nấu những món như canh chua, ếch xào... để cô bé ăn lót dạ sau các buổi tập.

Nhắc đến tình riêng của Khánh Nam, gia đình cho biết, ông từng kết duyên với cô đào tên Phụng, cháu một ông bầu trong đoàn cải lương. Lúc đó, cả hai quá nghèo nên không tổ chức đám cưới, chỉ sống như vợ chồng và có một người con tên Thanh. Về sau, vợ nghệ sĩ qua đời, con gái được ông ngoại đem về nuôi. 

Đến năm 20 tuổi, người con qua đời vì bạo bệnh. Sau đó, ông có một cuộc tình với em gái kép Minh Phương - nổi tiếng với vở Hương mùa thu. Hai người có với nhau một người con gái tên Giang, mãi sau này ông mới biết mặt. 

Năm Giang 13-14 tuổi, ông đón con lên Sài Gòn để giới thiệu với gia đình, xem như thành viên trong nhà. Sống với cha một thời gian, Giang theo mẹ định cư nước ngoài. Không vợ con, sau những giờ diễn, ông tìm đến rượu để giải khuây. Gia đình, đồng nghiệp vì thương quá mà giận tính hay nhậu của ông, khuyên mãi mà không được.

3. Nghiệp diễn rày đây mai đó, thi thoảng Khánh Nam mới về thăm mẹ. Trong ký ức người mẹ, Khánh Nam thường tạt qua nhà lúc 3h chiều và tạm biệt mọi người sau 2 tiếng hàn huyên. Bà nhớ dáng vẻ xuề xòa, cách nói tưng tửng của con trai mỗi lần ghé thăm. “Nó đi riết quen chân rồi, thương thì thương lắm nhưng không nhớ nhiều. Bữa nào buồn trong lòng, tôi hay mang ghế ra ngồi trước cửa ngóng nó về”. 

Bà nói, chỉ giận khi con thất hứa, hẹn về nhưng không về hoặc về trễ và cái tính hay nhậu. Mỗi lần vậy, bà bảo: “Bữa nay con qua Mỹ sống luôn rồi hả?”. Đáp lại lời trách, Khánh Nam cười hề hề và chạy về nhà với món ăn mẹ thích. “Tôi có mắng, trách cứ thế nào chưa bao giờ Khánh Nam cãi lại. Nếu không vừa ý, nó chỉ im lặng hoặc nói lảng sang chuyện khác”.

Khánh Nam chưa bao giờ quên bổn phận làm con. Chuyện nghề khó khăn, chuyện đời buồn hiu, ông ít khi tâm sự với mẹ. Ông đều đặn gửi tiền phụng dưỡng mẹ mà bà nói vui là “tiền nuôi hằng tháng”. 

Có nhiều cho nhiều, có ít cho ít, khi thì 2 triệu, lúc thì 4 triệu, đều đặn vậy. Tuổi già như giọt sương mai, ăn thì ít mà thuốc thang thì nhiều. “Thằng Nam gọi về liên tục, xem chừng bà già ở nhà chết hay chưa” - bà Hui móm mém cười, đưa tay quệt đôi mắt kèm nhèm. 

Người già nước mắt không rơi thành giọt dài, chỉ rỉ ra nơi khóe mắt chằng níu chân chim. “Nó là đứa sống hết mình vì gia đình, bạn bè, chẳng màng đến bản thân”.

Đối mặt với thực tại, bà líu ríu, không biết phải làm sao. “Lần này, nó đi nhanh quá. Nó đi mà chẳng kịp trăng trối gì. Tôi không nghĩ con mình đã mất. Tôi chỉ nghĩ là nó đi xa như bao năm qua”. 

Người mẹ đó, sau những cái nắm tay động viên của mọi người, khi đứa con trai bà hằng yêu thương về nằm nơi đất lạnh, có bắc ghế mỗi chiều ngồi trước cửa ngóng con? Thằng con tếu táo, hay cười có đôi mắt rất buồn. Bà kể: “Vuốt mặt nó lần cuối, tôi có linh cảm dù mắt nó không mở, không trăng trối được lời nào nhưng miệng nó cười”.

Ai đó viết rằng: “Khi ta sinh ra, ta khóc nhưng mọi người cười. Hãy sống sao cho khi ta chết đi, ta cười nhưng mọi người khóc”.

Hoàng Hoài Hương
.
.