Nhà văn Nguyễn Một: Khi khó khăn là một gia sản
Lần đầu tiên tôi gặp nhà văn Nguyễn Một trong quán cà phê tại quận 3 (TP HCM), theo lời hẹn bất ngờ của một nhà báo công tác tại Báo Nhân dân, từng đạt nhiều giải thưởng quốc gia về thể loại báo chí điều tra.
Dường như đã được anh nhà báo giới thiệu, nên nhà văn mang theo cuốn sách mới in Người Việt tử tế mà ông viết chung cùng nhà báo Lê Thanh Phong. Mở vào trong trang, đã thấy anh viết tặng và đề tên tôi từ trước. Chi tiết nhỏ ấy cũng đủ thấy sự chu đáo cho lần đầu gặp mặt.
Gặp Nguyễn Một, khó thể nghĩ ông theo đuổi con đường văn chương, với sự tỉnh táo điềm tĩnh ít thấy của một người theo đuổi sáng tạo chữ nghĩa, ông có lẽ phù hợp hơn với vai trò một giám đốc truyền thông của công ty lớn về ô tô như Trường Hải. Nhìn hơn mười năm qua, thấy được Nguyễn Một đã làm tốt với vai trò quản lý này.
Ông có quan hệ tự nhiên với giới báo chí, bởi lẽ ông từng làm báo trong thời gian dài. Ông lập ra những kế hoạch xây dựng văn hóa công ty đối với nhân viên, có soạn cả giáo trình, bởi ông từng là một thầy giáo.
Nhưng, có sự “thiên vị” ưu ái rõ ràng hơn vẫn dành cho giới văn chương, bởi lẽ với Nguyễn Một, văn chương đã mang lại cho ông rất nhiều, thậm chí, cả công việc để có thu nhập ổn định hằng tháng như hiện tại.
Với sáng tạo, thì vững tài chính, làm tròn trách nhiệm trụ cột gia đình, luôn là điều kiện cần thiết để viết ra những trang văn làm lay động lòng người.
Cũng vì thế, dù đã đến với văn chương và coi đó là một công việc kiếm sống song song với nghề giáo rồi đến nghề báo, cũng như có một số giải thưởng, thì chỉ sau khi làm việc tại Trường Hải, nhà văn Nguyễn Một mới thực sự đi sâu vào hành trình viết của mình, với việc cho ra đời cuốn tiểu thuyết Đất trời vần vũ (mà cái tên ban đầu được tác giả đặt nghe rất màu sắc tình: “Quyền lực tình yêu”).
Cuốn tiểu thuyết ngay sau khi phát hành đã gặp biến cố không may nhưng cũng như số phận đứng ngoài mong cầu của nhà văn khi tạo dựng nên, Đất trời vần vũ được Ban Tổ chức Hội Nhà Văn Việt Nam trao giải C trong cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn kéo dài 5 năm, từ 2006 đến 2010.
Năm 2012, cuốn tiểu thuyết thứ hai Ngược mặt trời được NXB Hội Nhà văn phát hành. Cuốn tiểu thuyết chỉ khoảng 200 trang, mà chứa đầy màu sắc tâm linh trong vẻ ngoài hiện thực.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh đã viết: “Phải chăng hành trình ngược mặt trời là đi về phía bóng tối, đi về phía đêm đen của lịch sử, đi về ký ức đã bị thời gian úa vàng vùi lấp?! Và rồi, nhà văn Nguyễn Một khám phá, ứng xử với những điều đã qua, những cái đã mất ra sao?!”.
Cuối năm 2015, đầu năm 2016, cuốn tiểu thuyết này đã được hai dịch giả Phạm Hoàng Phong và Phạm Viêm Phương chuyển ngữ sang tiếng Anh, NXB Sống ở Mỹ xuất bản lấy tựa là Journey against the Sun, do Amazons Book Store phát hành.
Trò chuyện với nhà văn Nguyễn Một trong lần gặp thứ hai tại quán ăn chuyên đồ Quảng Nam, cũng tại quận 3, sẽ thấy rõ hơn con người bên trong ông, được thể hiện qua sự chú tâm ở từng cử chỉ, câu chuyện hài hước mà không kém phần nghiêm túc, thái độ rất mẫu mực, hào sảng với bạn bè và chân thành với nhân viên phục vụ.
Nhà văn Nguyễn Một thể hiện một tư duy rõ ràng rành mạch, với cái tâm hiểu biết sự đời kiên định. Ông nói câu nào, là chắc chắn, là “đóng đinh” câu đó. Thái độ cũng cương quyết.
Dùng từ cẩn trọng, chuẩn chỉnh, chứ không thừa không có sự bông lơn, dù đó là một lời khen vẻ đẹp của một cô gái, lời khen tài của người bạn làm báo đi cùng.
Trước đó, tôi nhớ đến lời của nhà văn Võ Đắc Danh, khi tới Xẻo Lá của ông để phỏng vấn viết bài. Võ Đắc Danh nói: “Tìm Nguyễn Một mà viết chân dung, cuộc đời nhà văn đó hay lắm đấy”.
Khi đó, tôi chỉ nói “Em không biết Nguyễn Một là ai, và em đang tới đây để viết về anh”. Nhà văn Võ Đắc Danh cười sảng khoái như không chấp nê lời đứa em hậu bối.
Nhưng đến sau khi gặp Nguyễn Một thì thấy ngay điểm chung của nhà văn Nguyễn Một với nhà văn Võ Đắc Danh khi hai ông tìm đến văn chương đều trong hoàn cảnh nghèo khó. Và văn chương với Nguyễn Một hay Võ Đắc Danh, chính là cứu cánh tinh thần để dựa vào mà vượt qua bao gian nan cuộc đời.
Nguyễn Một sinh ra khi đất nước đang xảy ra chiến tranh, bố bị bắn chết khi mẹ đang mang thai ông. 4 tuổi, mẹ mất, ông sống chung với bà ngoại và cậu ruột tại xã Duy Phú, Duy Xuyên, Quảng Nam.
Dù sống giữa cảnh loạn lạc tang thương và không có điều kiện được dạy dỗ đủ đầy nhưng may mắn của Nguyễn Một là được sống trong sự đùm bọc của bà ngoại và nhất là từ người cậu. Vợ cậu mất, cậu nuôi hai con mồ côi mẹ, phụng dưỡng ông bà ngoại và cả thêm Nguyễn Một.
Cậu cũng đã gieo giấc mộng ban đầu trong tâm thức Nguyễn Một với văn chương, qua những lời ru, câu ngâm từ Lục Vân Tiên, Phạm Công Cúc Hoa... khi dỗ cháu thơ bé bỏng thiếu hơi ấm mẹ được tròn giấc ngủ.
9 tuổi học lớp 3, cậu đi lính, ông bà nuôi 3 cháu thơ và đưa xuống Đà Nẵng để kiếm sống. Nguyễn Một sống trong trại dành cho người tản cư. Ông ngoại mất tại Đà Nẵng, Nguyễn Một phụ bà bươn chải kiếm cơm, buổi sáng đi học, buổi chiều đi bán kem. Tự học và tự sống.
Khi đang học lớp 6, cậu trở về nhà, Nguyễn Một và gia đình chuyển ra sống tại đảo Phú Quốc. Sau ngày đất nước thống nhất, cậu đưa gia đình về rừng lá gọi là căn cứ, đó là vùng đất nghèo giáp ranh giữa 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận.
Nơi ấy bạt ngàn cây lá buông, là nơi dành cho những người có thể sống chỉ với cây rựa và cái cưa. Buổi sáng đi học, buổi chiều cậu bé Nguyễn Một vào rừng cưa củi đốt than, bắt tắc kè núi với cậu.
Lên lớp 9, sống trong nghèo khổ, nhớ tài sản mất trắng ở quê nhà, bà ngoại khủng hoảng tâm lý, Nguyễn Một thì bị hen suyễn gầy còm, cậu khuyên nên tìm nghề nào đó phù hợp để học. Nguyễn Một chọn ôn thi vào trường Trung học Sư phạm tại Bà Rịa Vũng Tàu cách nhà rất xa.
Thời ấy, sau năm 1975, đất nước còn rất khó khăn, học viên chỉ có thể ăn bo bo và củ mì chống đói, phương tiện di chuyển từ nhà tới trường là xe than.
Khi đi thi, nhà rất nghèo không có gạo, cậu phải mang cái sườn xe đạp đi bán, mua được 2 kí gạo và ít cá khô để cháu mang xuống trường vừa thi vừa tự nấu ăn. Thi xong, Nguyễn Một quay về nhà tiếp tục công việc cưa củi đốt than, khi di chuyển thì đu bám vào xe than rất xập xệ và nguy hiểm.
Một ngày, nhận được giấy nhập học sư phạm, cậu cắt một cái quần kaki dọc ra thành cái áo may để cho cháu có đồ đi học.
Khi theo học, muốn có thêm cái ăn, Nguyễn Một cùng bạn phải ra ngoài ruộng muối để gánh muối thuê cho chủ lò, đưa muối hạt vào lò nấu cho thành bọt.
Sống như vậy được 3 năm, thì ra trường, Nguyễn Một xung phong đi bất cứ nơi đâu theo phân công để giảng dạy và anh giáo sinh nghèo được về vùng đất Xuân Thọ, Xuân Lộc dưới chân ngọn núi Chứa Chan: “Ngọn núi này cô đơn lắm, tách biệt ra khỏi dãy núi Trường Sơn. Đây là thời gian tôi có rất nhiều kỉ niệm dễ thương trong khổ cực, thầy và trò thân thiết với nhau, cùng nhau ra đồng làm ruộng. Vùng đất nhiều sình lầy và chưa có đường, một người bạn là Cao Việt Trung bị xuất huyết bao tử, anh em phải cõng nhau vượt qua đường lầy để cứu bạn”.
Giai đoạn khổ cực như vậy nhưng vẫn chưa cho Nguyễn Một khái niệm về văn chương bởi cả gia đình không ai biết “nhà văn nghĩa là gì”.
Nhưng một cách tự nhiên, Nguyễn Một lại làm thơ (dù chỉ là hình thức để tặng bạn gái nào anh giáo thích), bởi cũng bắt đầu từ tuổi thơ, đã được thấm đẫm những tứ thi ca xưa từ cậu.
Hành trình đến với văn chương, nếu ai quan tâm tới Nguyễn Một thì đều biết. Các tác phẩm của anh cũng đã được giới thiệu kĩ trên Từ điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia tiếng Việt. Ban đầu, Nguyễn Một sáng tác cho thiếu nhi, lấy bút danh là tên của con gái - Dạ Thảo Linh, với ý định là xây dựng những bài học về văn hóa sống, đạo đức dễ hiểu gần gũi cho con và học trò của mình. Sau, khi viết cho người lớn, ông quay trở về với tên thật “Nguyễn Một”.
Từ năm 1995, sau 25 năm cầm bút, Nguyễn Một đã viết hơn 10 tác phẩm, và được chia ra ba loại: Tác phẩm thiếu nhi (gồm truyện ngắn, truyện dài), tác phẩm dành cho người lớn (có truyện ngắn tản văn và tiểu thuyết), kịch bản phim tài liệu.
Nhìn lại những gì đã qua, Nguyễn Một mỉm cười, mắt dõi chăm chú vào chén trà Bắc đang rót, cẩn thận để nước vừa chừng, rồi dừng ấm trà, đặt nhẹ xuống bàn không tiếng động, nói: “Với tôi, mọi gian khó trải qua trong đời đều là tài sản, là vốn lớn. Tôi luôn mang ơn văn chương vì những gì văn chương mang lại. Và tôi cũng mang ơn tất cả những ai mà tôi đã từng gặp trong đời, kể cả những người ghét hay từng làm hại tôi, bởi nhờ họ, mà tôi có thể có những trải nghiệm sống theo một cách riêng khác”.