Nhà văn Lê Văn Nghĩa: Tự tình với Sài Gòn xưa

Thứ Bảy, 27/05/2017, 18:48
Có lẽ, câu hát "Những ngày tôi lang thang/ Tôi mới hiểu tâm hồn người Hà Nội" quá nổi tiếng nên đi đâu, người ta cũng hay nhắc "tâm hồn người Hà Nội" (nhạc Lê Vinh, thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường). 

Ít ai nói "tâm hồn người Sài Gòn". Nhưng nếu như một lần đọc những cuốn sách của nhà văn Lê Văn Nghĩa, có thể, ai đó sẽ bắt gặp những mảnh - hồn - tình mang gương mặt của Sài Gòn thất lạc ở đâu đó. Một gương mặt được mã hóa bằng lớp ngôn ngữ mà giờ đây khi nói tới, có khi người ta cũng èo ôi, giờ nói chi mấy cái chuyện ngày xưa ấy nữa.

Nhưng Lê Văn Nghĩa không làm một cuộc tẩu thoát bay biến như vậy. Với ông, Sài Gòn vẫn mãi ở đó, vẫn là xứ Sài Gòn - Chợ Lớn rong chơi. Và mùa hè đẹp nhất trong đời vẫn là mùa hè năm Petrus, những năm 60 của thế kỷ trước, gắn với ngôi trường trung học Petrus Trương Vĩnh Ký lừng danh. 

Trong tập tạp bút Sài Gòn dòng sông tuổi thơ, nhà văn Lê Văn Nghĩa từng bộc bạch: "Tự thân tôi đã sống trong "nó" (ý chỉ Sài Gòn - PV) và "nó" sống trong tôi như một dòng chảy ngầm bất biến".

Cuốn sách Địa chí văn hóa TP Hồ Chí Minh (GS. Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, GS. Nguyễn Công Bình chủ biên, NXB TP Hồ Chí Minh, năm 1988) từng viết đại ý rằng, tiếng Sài Gòn vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX từ vị trí là phương ngữ được hình thành ở vùng đất mới như các phương ngữ địa lý khác vượt lên, trở thành một ngôn ngữ thành phố, đáp ứng nhu cầu giao tiếp và phản ánh cấu trúc xã hội, sinh hoạt của thành phố này. 

Thì đến nay, rõ ràng, tiếng ấy đã đi một quãng đường khá dài. Trong quá trình ấy, có xáo trộn, có giao thoa, có đứt gãy, có quên lãng, có cả bị "trắng" hóa hoàn toàn. 

Ví dụ như, dân Sài Gòn của những năm 2016-2017 này, chẳng còn ai nói "hạng nhất" là "số dách", "hạng bét" là "nâm bờ then", "làm ra vẻ, làm bộ tịch" là "lấy le". Chẳng ai gọi "ông bà già" là "ông bô, bà bô" nữa. Chẳng ai nói đi uống bia là "uống la de" và cũng chẳng còn tụi trẻ con nào đi xem phim chui mà gọi là đi "coi hát cọp" cả... 

Một hệ thống ngôn ngữ Sài Gòn xưa, theo dòng chảy thời gian mà bị phai mòn và mất vết khỏi đời sống, như thể nó chưa từng hòa nhập để rồi hòa tan không có thân phận. 

Ảnh: Phong Quang.

Viết đến đây, sẽ có người thắc mắc, ngôn ngữ thì cần thân phận chi trời? Nhưng ngôn ngữ là diễn ngôn của đời sống, là một thứ đời sống đã được "mặc áo". Vì thế, ngôn ngữ cũng có thân phận, cũng cần thân phận.

 Qua mỗi trang viết, qua mỗi câu chuyện, qua những ký ức có phần lộn xộn, chắp vá năm này năm kia, Lê Văn Nghĩa muốn tìm lại chút thân phận có phần riêng tư ấy cho Sài Gòn. Và phải là tiếng Sài Gòn xưa mới chịu. Bởi lẽ, cuộc đời của ông đã dừng lại mãi ở những năm 1960 ấy. Những năm mà ông kể, đó là thời gian đẹp đẽ nhất của cuộc đời.

Nói như thế, không có nghĩa nhà văn là người cực đoan. Hơn ai hết, ông hiểu, ngôn ngữ luôn vận động, cựa quậy và khi một lớp ngôn ngữ cũ không còn hợp thời thì sẽ có một lớp ngôn ngữ mới ra đời. 

Lê Văn Nghĩa không kháng cự, không bài xích ngôn ngữ Sài Gòn hiện nay. Nhưng khi mọi người đều chuyển dịch, ông đứng lại, ngắm nghía cái ký ức của mình. Ông muốn tái hiện lại không gian hoài niệm ấy bằng chính ngôn ngữ mà nó thuộc về, đã từng thuộc về. Và ngôn ngữ trở thành hồn cốt, làm nên không gian, diện mạo Sài Gòn xưa trong những tác phẩm của nhà văn sinh ra tại đất Chợ Lớn này.

Để rồi, lúc nào, Lê Văn Nghĩa cũng xuất hiện trước mọi người với dáng vẻ đó. Hơi rầu rầu, hơi không muốn "vô can" tới cuộc đời; nhưng lại khiến người ta ngạc nhiên bởi tiếng cười khúc khích mà ông đem đến. Một tiếng cười biết ơn. Một tiếng cười tự tình.

Đọc Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy; Sài Gòn dòng sông tuổi thơ; Mùa hè năm Petrus và Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ... để thấy dư âm của những mảnh hồn tình còn rơi rớt đâu đó; để thấy, sau nước mắt, sau khốn khó, là Sài Gòn nghĩa tình, là tình yêu thương đùm bọc giữa người với người.

Và giữa mông lung chai sạn ấy, gương mặt Sài Gòn hiện ra rõ ràng, mồn một với những nhân vật, những con người thuộc về Sài Gòn - không phải là vùng đất nào đó khác. Nhắc về Sài Gòn, cũng là nhắc tới ông Nguyễn Hùng Trương - chủ nhà sách Khai Trí trên đường Lê Lợi, nhà thơ Kiên Giang, nhà văn Sơn Nam, Thẩm Thúy Hằng,... hoặc những tờ báo học trò như Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc, Thằng Bờm... Tất cả những điều đó giờ đây trở thành một thứ biểu tượng của Sài Gòn.

Và trong không gian ấy, ngôn ngữ trở thành chất keo kết dính giữa hiện tại và quá khứ, giữa Sài Gòn xưa và Sài Gòn nay, giữa nhà văn Lê Văn Nghĩa của năm 2017 với cậu bé Lê Văn Nghĩa bé tí tẹo học ở trường Tiểu học Bình Tây ngày ấy. Ngôn ngữ cũng trở thành "vết lông ngỗng" để Lê Văn Nghĩa tìm về những tháng ngày bình yên ấy. Ông muốn phác thảo lại thứ ngôn ngữ ấy, để khi nói lên, để khi đọc lên, người ta sẽ biết ngay đó là ngôn ngữ của một thời, ngôn ngữ của Sài Gòn một thuở.

Thời này, ai gọi những người "gan lì, tài giỏi" là "chì" nữa? Thời giờ, còn ai nói "tính nhẩm" là "bí rợ" không trời? Và "phục vụ" thì nói phục vụ quách đi, sao nói "phổ ky" cho rắc rối không à? Rồi, trời ơi, kêu "cà phê sữa" mà nói là "cái xây nại" thì ai mà hiểu cho nổi?... Sẽ có người tức anh ách và phàn nàn những điều đại loại như thế khi đọc những trang viết của Lê Văn Nghĩa. 

Nhưng cũng sẽ có những người cười khúc khích khi gặp lại vì thấy bóng hình quê hương ở đó. Nếu "thua" thì phải gọi là "bú lủng", nếu "rời khỏi nơi nào đó một cách mau lẹ" thì phải gọi là "dông". Trẻ em mà thèm "kẹo sô-cô-la" thì phải viết là "chó-có-lát". Rồi nữa, "người lo giấy tờ, văn thư" thì phải kêu là "tùy phái". Thế mới là Sài Gòn. Thế mới chuẩn Sài Gòn không cần chỉnh.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa không tham vọng tái hiện hết không gian văn hóa Sài Gòn xưa. Ông cũng tự nhận, Sài Gòn với ông, chỉ là Chợ Lớn, là con đường nhỏ Phạm Văn Chí, là trường Tiểu học Bình Tây, là bến Bình Đông với những cái "chành" (kho) chứa gạo thương hồ đẫm mồ hôi những người làm nghề vác gạo, là những căn nhà Hoa nhưng có kiến trúc theo kiểu Pháp. 

Sài Gòn ấy, là dòng sông tuổi thơ, gắn với những rạp hát nhỏ như rạp Vĩnh Khánh, rạp Tân Lạc, Tân Bình..., là khu thị tứ với những chiếc xe hơi Renault, Deux Chevaux, những tòa cao ốc, những anh, những chị ăn mặc xinh đẹp vô cùng xa lạ với thằng nhỏ xóm nghèo Lê Văn Nghĩa ngày ấy. Sài Gòn mãi mãi dừng lại với những dư ảnh ấy.

Người ta hay nói "tâm hồn người Hà Nội" như một thứ "tâm hồn đô thị". Ít ai nói "tâm hồn người Sài Gòn". Cứ như Sài Gòn lạnh lùng, khô cạn. Cứ như Sài Gòn chạy xuôi, không có chạy ngược. Cứ như Sài Gòn không có tính cách đô thị. Nhưng Sài Gòn cũng có tính cách của mình, thậm chí là rõ nét. 

Nhà văn Lê Văn Nghĩa cho rằng, tâm hồn Hà Nội thích trầm lắng, thích suy nghĩ sâu xa những vấn đề của văn chương. "Tâm hồn Sài Gòn" thiên về nhanh, hiện đại. Và tâm hồn ấy, mặc dù có vẻ gấp gáp đó, chóng vánh đó, vẫn là một tâm hồn dễ động lòng với những điều đã qua.

Khi đọc những cuốn sách viết ra "cho thiếu nhi nhưng người lớn đọc cũng hổng sao, mà người già đọc càng khoái" của nhà văn Lê Văn Nghĩa, không hiểu sao, phía sau tiếng cười hóm hỉnh, khúc khích duyên dáng ấy, tôi vẫn thoáng thấy đôi mắt của ông. 

Một đôi mắt như mở ra be bé để nhìn đời sống, lại vừa như nhắm mắt lại để trầm ngâm, nhớ về quê hương Sài Gòn ngày xưa đó. Một Sài Gòn của những cửa hàng đầy màu sắc xanh đỏ tím vàng ở Chợ Lớn, một Sài Gòn đầy thân phận, có bản sắc, có ngôn ngữ riêng. Sài Gòn của cậu bé Lê Văn Nghĩa, sống mãi trong "mùa hè năm Petrus" đó.

Đậu Dung
.
.