Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh: Những tháng ngày thanh xuân tươi đẹp

Thứ Hai, 14/08/2017, 08:45
Ấu thơ Linh long lanh như ký ức của cậu bé Toto trong Cinema Paradiso, cuốn phim kinh điển của đạo diễn người Ý - Giuseppe Tortantore.

Vậy mà ngoài 35, Linh mới bắt tay thực hiện phim điện ảnh đầu tiên: Em là bà nội của anh - một trong số vài phim Việt vừa ra rạp đã được bàn tán, và đa phần là khen ngợi. Linh tiếp tục với một cuốn phim đầy chất thơ - Cô gái đến từ hôm qua. Chặng đường phim ảnh của anh đầy mê đắm nhưng cũng vòng vèo một cách lạ lùng. Song có lẽ vậy nên thước phim tình yêu ấy mỗi lúc thêm nồng nàn và mãnh liệt.

1. Linh là một đạo diễn nhiệt thành, thẳng thắn và có khí chất, ít nhất cho đến thời điểm hiện tại, về quan điểm, thẩm mỹ, trong đôi lần tôi có dịp trò chuyện và qua những bài phỏng vấn tôi đọc được. 

Nhưng đáng quý hơn hết, Linh vẫn giữ được cho riêng anh tâm hồn của một cậu bé nhiều mơ mộng mà tôi muốn ví von như nhân vật Hoàng tử bé của Saint Exupéry. Mẹ của anh là kế toán trong một công ty xuất nhập khẩu phim.

Năm Linh lên 3, vì yêu cầu công việc, cả gia đình chuyển từ Huế vào Sài Gòn, nhà ở ngay trong khuôn viên cơ quan. Thế giới tuổi thơ của Linh chìm đắm trong vô vàn thước phim, từ ngỡ ngàng, lạ lùng đến yêu dấu và đồng hành. 

Linh luôn đinh ninh "thể nào sau này mình cũng sẽ học cái gì đó liên quan đến phim ảnh" và "ủ mưu" lớn lên đi Pháp học. Nhưng cuộc đời là những ngã rẽ bất ngờ và không phải lúc nào cũng theo ý mình muốn.

Linh nói về Thư thơ thẩn - nhân vật trong Cô gái đến từ hôm qua - mà cũng là nói về mình: "Thời của tôi, đi học là phải học giỏi. Khác với bây giờ, quan trọng là bạn phải giỏi một cái gì đó. Thư gần với tôi ở chỗ có năng khiếu nghệ thuật. Albert Einstein từng nói: "Đừng bao giờ đánh giá một con cá dựa vào khả năng leo cây của nó".

Ảnh DUY ĐINH + CJ E&M.

Thư được đặt vào thời đại người ta không đánh giá cao những kẻ mơ mộng. Đó là một trong những lý do tại sao đến năm ba mươi mấy tuổi tôi mới làm phim điện ảnh đầu tay. Tôi đã mất một khoảng thời gian rất dài để làm vừa lòng người khác. Cố học thật giỏi, thi vào một trường mà mình biết là mình không thích học. Chật vật mãi mới theo được giấc mơ của mình. Thành ra, tôi muốn cho nhân vật chính của mình một cơ hội".

Linh đã tự an ủi bản thân từ một lần “mắt nhắm mắt mở' đọc thông tin hai đạo diễn anh yêu thích tại thời điểm đó là James Cameroon và Luc Besson cũng xuất thân là kiến trúc sư: "Biết đâu mình giống hai ông này".

Học kiến trúc, ra trường Linh đi làm... báo để níu giữ giấc mơ phim ảnh. Vốn dĩ, đã là cây bút bình phim có tiếng từ thời sinh viên nên không quá khó để Linh theo nghề. Đương yên đương lành ở vị trí thư ký tòa soạn của một tờ tạp chí điện ảnh, Linh may mắn được học bổng học làm phim, vậy là bỏ ngang hết thảy công việc, những mối quan hệ đang có, xách cặp qua Mỹ đi học.

Hay đúng hơn, có lẽ đến lúc ấy Linh mới dám sống cho mộng ước của anh, cho tình yêu lúc nào cũng thôi thúc. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng trêu: "Không chừng mày đi chuyến này về, mất một người bình phim hay hay mà có thêm một thằng làm phim cùi bắp!".

4 năm trở về từ Mỹ, trong hai môi trường dao động nhiều khác biệt, Linh gần như phải bắt đầu lại tất cả, để làm quen và cũng là để hiểu môi trường làm phim ở Việt Nam, từ những công việc nhỏ nhất ở các đoàn phim thay vì xắn tay vào làm ngay một bộ phim.

Song song đó, Linh làm việc "không công"... hơi liên quan tới phim - tổ chức và gầy dựng tiệc phim ngắn Yxineff dành cho những bạn trẻ mê điện ảnh. Một mình Linh bơi đủ kiểu, từ kết nối nguồn lực, vận động, kêu gọi tài trợ, tổ chức sự kiện, gặp gỡ người làm phim trẻ, thuyết phục thành viên BGK.

5 năm sau, Yxineff trở thành sự kiện thường niên được mong đợi, nhiều cuộc chơi phim ngắn khác cũng bắt đầu thành hình, một số người trẻ dần đủ lông đủ cánh, Linh mới bắt tay làm bộ phim đầu tay cho riêng mình. Anh thú nhận: "Tôi thuộc típ người cứng đầu, cái mình không thích thì không làm, sẵn sàng chờ đúng cơ hội. Đến nỗi nhiều người dị nghị là tôi không thể nào làm phim được".

Sau cú ngã từ phim truyền hình Bếp hát, lời dị nghị này có vẻ như càng có cơ sở. "Một trong những bài học lớn nhất của tôi sau thất bại của Bếp hát là mình không nên thỏa hiệp. Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến phim không như mình mong muốn, không đạt được kết quả như NSX đặt ra. Tôi là đạo diễn, đương nhiên tôi phải chịu trách nhiệm. Và tôi nghĩ, tôi cần cứng rắn hơn, cần phải đấu tranh hơn với sự thỏa hiệp" - Linh hồi đáp.

2. Gọi Linh là đạo diễn tỉ đô cũng đúng mà bảo là đạo diễn gắn với nhiều thị phi từ trên trời rơi xuống có lẽ cũng không sai. Bởi, hai bộ phim của Linh, một remake từ bộ phim cực kỳ thành công của điện ảnh Hàn, một chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, dẫu đều mang màu sắc của Linh thì vẫn đối mặt với không ít xăm soi.

Với Em là bà nội của anh, người ta bảo thành công của Linh là nhờ "ăn may" từ kịch bản sẵn có đã quá đỗi xuất sắc mà lờ đi dấu ấn văn hóa, dấu ấn đạo diễn trong phim, từ những chi tiết nhỏ nhất như bún bò nêm ruốc đến cảnh trí, trang phục, biểu tượng văn hóa.

Một cảnh trong phim "Cô gái đến từ hôm qua".

Với Cô gái đến từ hôm qua, việc dàn trải và không lập cú hit từ những ngày đầu công chiếu trở thành tiêu điểm bàn tán, kiểu "Đấy! Thấy chưa!" thay vì trải lòng hồi tưởng cùng những ký ức trong vắt về tuổi học trò, về thời thanh xuân tươi đẹp.

"Tôi cho rằng, đạo diễn làm phim trước hết là cho mình. Khán giả chỉ đứng sau. Có người hỏi tại sao như vậy? Câu trả lời của tôi là nếu đạo diễn không yêu bộ phim của anh ta thì không có lý do gì anh ta đòi hỏi khán giả yêu nó cả. Việc không quan tâm về doanh thu của phim giúp tôi loại đi một áp lực mà thật sự là không biết cách gì để giải quyết, hoặc, cũng không muốn cố gắng tìm cách giải quyết. Mục tiêu cuối cùng của tôi khi làm một bộ phim là truyền cảm xúc đến người xem, và nếu may mắn, thì phim thành công lớn về doanh thu. Tôi không đánh cược vào doanh thu phim, tôi chỉ đánh cược vào cảm xúc" - Linh thẳng thắn.

"Tôi bước vào mỗi bộ phim bằng tình yêu và với tất cả cảm xúc của mình. Tôi cho rằng, lý do mình muốn làm một bộ phim rất quan trọng. Tôi không quan trọng chuyện remake hay không. Bởi tôi có lý do rất rõ ràng. Tôi làm phim không phải để chứng tỏ là tôi rất sáng tạo. Càng không phải để kiếm sống. Tôi cũng không định làm một bộ phim chứng tỏ mình thông minh hay giỏi hơn người khác. Tôi làm chỉ vì một lý do đơn giản: Tôi có điều muốn nói và cảm xúc muốn truyền tải".

Một người đã dành gần như cả tuổi trẻ để theo đuổi đam mê với nhiều thử thách, chắc chắn họ đủ trưởng thành và tự tin để biết mình cần gì, muốn gì và càng đủ tỉnh táo bỏ ngoài tai những lời ong tiếng ve.

"Nếu bạn để ý đến những lời rì rầm sau lưng mình, bạn sẽ không bao giờ làm được cái gì hết" - lời của Linh. 

Tất nhiên, một người đi đến cùng và làm đến cùng ấp ủ của mình sẽ không thể nào tránh khỏi sự cực đoan. Biên độ của điều này chấp nhận được hay không có lẽ tùy vào mỗi người.

3. Sau thế hệ đạo diễn Việt kiều, thế hệ của Linh được xem là thế hệ tiếp theo của điện ảnh Việt mà Linh là người mở đường thành công. Họ sinh ra và lớn lên trong nước, ra nước ngoài học tập, rồi trở về tìm tòi, khám phá và đi tìm lời giải cho câu hỏi rất chung mà cũng rất riêng: điện ảnh Việt ở đâu trong dòng chảy của điện ảnh thế giới?

Tuy nhiên, không chỉ miệt mài làm phim, họ còn gầy dựng và nuôi dưỡng tình yêu cho người trẻ muốn cháy tiếp ngọn lửa đó. Cũng như, 15 năm trước, mấy ai tin rằng phim Việt sẽ có ngày đàng hoàng ra rạp chuẩn quốc tế và có khán giả? 10 năm trước, ai tin rằng phim Việt không cần tết mới ăn khách?

5 năm trước, ai tin rằng mỗi tháng, có khi mỗi tuần đều có phim Việt Nam ra rạp? Rồi những con số doanh thu 50 tỷ, 70 tỷ, 100 tỷ liên tục được phá vỡ. "Các bạn trẻ bây giờ giỏi và năng động lắm, họ có rất nhiều ý tưởng hay ho. Chỉ cần có cơ hội phù hợp, chắc chắn những mầm tài năng ấy sẽ nở".

Vậy nên, ở một đoạn tạm nghỉ nào đó nếu có với Linh thì sẽ là khoảng thời gian rong chơi để kiếm tìm cảm hứng. Còn hiện tại ư? Rất nhiều dự án đang chờ Linh, dù là phía sau máy quay hay đồng hành cùng người trẻ làm phim. Mà Linh thì lúc nào cũng háo hức và tràn trề năng lượng như cậu bé ngày xưa lần đầu được xem phim, nghe tiếng máy chiếu chạy cạch cạch ở xưởng cạnh nhà.

Như những ngày trẻ trung và đầy "xốc nổi" của tuổi 23, 24, bỏ lại vị trí bao người mơ ước và tư tưởng ổn định để sang Mỹ với suy nghĩ "ngông cuồng" rằng: "Mình còn trẻ mà. Có thất bại thì làm lại, không sao cả!".

Hoàng Hoài Hương
.
.