Nhà văn trẻ Trần Thị Ngọc Lan:

Đuổi theo một giấc mơ...

Thứ Ba, 24/10/2017, 10:23
Lan bảo rằng, trong cuộc đời nếu thực sự có những điều ước thì chắc có lẽ, Lan mong muốn nhiều thứ được khác cuộc sống bây giờ, nhiều lắm lắm, nhưng có một thứ mà Lan luôn không bao giờ từ bỏ, đó là văn chương. 

Những trang viết, có thể, đối với một ai đó, trong thời hiện đại không còn cần thiết hay quan trọng nữa, nhưng với Ngọc Lan, văn chương là lẽ sống. Nếu không có nó, chị không thấy mình tồn tại. 

Có lẽ bởi cuộc đời chị đã gặp quá nhiều mất mát, khổ sở, thậm chí là đớn đau nên văn chương đang là một cứu cánh, một điểm tựa rồi trở thành một người bạn tri âm tri kỷ để chị trao gửi những nỗi niềm, những thành bại và nuôi nấng cả giấc mơ của chị về một tương lai xa ngái chưa có điểm dừng...

Gặp Lan trong một quán cà phê gần hồ Trúc Bạch, nơi Lan thuê trọ và gần với cơ quan Lan làm biên tập (NXB Văn học). Ngồi ngắm mặt hồ lăn tăn, những con sóng nhỏ, Lan hay lý sự về cuộc đời. Lan vẫn thế, đau đời và đau trái tim. Dường như số phận quá nghiệt ngã khiến chị không thoát khỏi được những ám ảnh về kiếp người. 

Cuộc sống hối hả trôi qua từng giây, còn chị, với một thân hình nhỏ bé, khuyết tật, quá thiệt thòi, nên phải sống chậm đủ để nhấm nháp từng khoảnh khắc khi có những thứ đã trôi đi rất xa. Bởi vậy mà Lan hay hồi ức quá khứ, sống cùng những kỷ niệm đẹp đẽ đã trôi qua. Chị thuê trọ một căn phòng nhỏ xíu xiu, đủ để kê chiếc giường và để mấy vật dụng như máy tính, sách vở, quần áo. 

Căn phòng chật chội, thiếu không khí, bất tiện đủ thứ nhưng Ngọc Lan bảo: “Tôi chấp nhận và khắc phục, tôi cần ở độc lập gần cơ quan vì tôi đi lại rất khó khăn. Tuy nhiên tôi vẫn có đủ không gian để ngủ nghỉ, giải trí và làm việc. Phòng của tôi gọn, đẹp, ngăn nắp và tôi không thấy khó chịu mấy. Người cầm bút như tôi thì dễ thích nghi với hoàn cảnh sống, dù khó khăn đến mấy. Điều tôi kiếm tìm trong đời sống là các giá trị tinh thần, phi vật thể và tôi đã tìm được những hành trang cho hành trình gian khổ. 

Trải nghiệm có thể bằng nhiều cách: quan sát, suy nghĩ, đi thực tế cọ xát với đời sống hoặc thông qua sách vở. Tôi đi lại khó khăn, kinh tế yếu, đối với tuổi đời của một nhà văn, đó là sự thiệt thòi, mất mát lớn. Nhưng điều phải khẳng định là: tôi đã trải nghiệm nhiều như bất cứ một nhà văn nào. Thế giới của tôi phong phú, đầy đủ, nhiều màu sắc, và tôi luôn muốn vươn đến những nhận thức mới. Không ngày nào là tôi dừng lại, nhàm chán, bất lực với chính mình. 

Có lẽ trời cho tôi một đầu óc biết tìm tòi. Tôi hoàn toàn yên tâm với con đường sáng tạo của tôi, chứ không nao núng với điều kiện sống và sức khỏe. Lương công nhân viên chức không đủ sống, bởi tôi sống một mình ở thành phố này, thỉnh thoảng gom góp một phần gửi về quê cho mẹ nuôi người anh trai bị bệnh. Trong cuộc sống ai cũng có khó khăn, tôi thì vất vả hơn một chút cũng là phải lẽ. Chẳng biết bao giờ cuộc sống của tôi mới đổi thay, nhưng tôi luôn hy vọng vào ngày mai hạnh phúc".

Trần Thị Ngọc Lan sinh năm 1979 tại Thọ Xuân, Thanh Hóa. Chị tốt nghiệp Khóa VI - Trường Viết văn Nguyễn Du (1999 - 2003). Đã có 5 giải thưởng văn chương. 

Tôi vẫn nhớ như in cảm giác của mình cái ngày cách đây gần 20 năm, hồi tôi còn là một học sinh cấp 2, được xem một phóng sự trên tivi về một cô gái viết văn bị bại liệt, quê ở Thanh Hóa, với tiểu thuyết đầu tay "Ánh sao rơi" (1996) đã nhận được nhiều lời khen ngợi của bạn đọc. Đây là cuốn sách viết về cuộc đời sinh viên của một cô gái trẻ. 

Cuốn này Lan viết trong 15 ngày, lúc đó chị vừa học xong lớp 9, Lan viết trong cảm xúc mãnh liệt và quyết tâm cao để đạt được thành công như mong đợi. Khác với bề ngoài nhỏ bé, yếu mềm của một người bị di chứng bệnh bại liệt từ nhỏ (một tay của chị không viết được và chân đi tập tễnh)... 

Lan hơn 15 năm sống ở đất Hà Thành, gia tài chẳng có gì nhiều, vẫn đôi dép tổ ong đi về giữa phố xá, một tính cách và một cuộc đời đầy trăn trở trong những tác phẩm, chỉ có các tác phẩm, là gia tài của chị, thì cứ dày lên theo tháng năm: 4 tập tiểu thuyết Ánh sao rơi (1996), Sao nỡ chia đôi (1997), Có vơi niềm đau (2001), Phu Bòn (2003); 3 tập truyện ngắn: Bến đợi (2000), Mẹ trần gian (2008), Gương mặt con người (2010) và 4 tập thơ: Trăng rằm (1996), Nỗi buồn cho em (1999), Mắt đá (2001), Liên quan gì đến tôi (2005); Mẹ trần gian - tập truyện ngắn 2008; Gương mặt con người - tập truyện 2010.

Hỏi về con đường đến với văn chương, Ngọc Lan chia sẻ: "Tôi sáng tác thơ từ hồi còn rất nhỏ. Nhưng tác phẩm quan trọng đánh dấu bước tiến đầu tiên trên con đường văn chương của tôi là tiểu thuyết "Ánh sao rơi". Điều khiến tôi không bao giờ quên đó là ngày đầu viết văn, nhà nghèo không có bút để viết, tôi giã quả mồng tơi chín làm mực viết, triền miên như vậy cho đến khi cuốn tiểu thuyết đầu tay bằng mực quả mồng tơi Ánh sao rơi được in thành công và nhận hàng ngàn lá thư của độc giả trên cả nước. 

Tôi cảm thấy mình được sẻ chia rất nhiều, nỗi đau đớn vì mọi thứ khiếm khuyết đã vợi đi. Tôi nhận thấy rằng, đến với văn chương, tình yêu cuộc sống, tình yêu con người cũng như cảm xúc, suy nghĩ của bản thân được sẻ chia rất nhiều. Đó cũng là ngày tôi bước vào tuổi 16, khi cần phải chọn một nghề nghiệp mình yêu thích, phù hợp với bản thân và giúp ích cho đời, tôi đã quyết định chọn nghề cầm bút dù biết rằng, bao nhiêu khó khăn, thử thách, bao nhiêu gian khổ, thành bại ở phía trước, nhưng chắc chắn tôi sẽ vượt qua và đến nay, tôi đã làm được".

Vì không đi lại được nhiều, nên Lan chăm đọc sách lắm. Dường như những cuốn sách kinh điển và các đầu sách đang được chú ý, Lan đều đọc. Công việc biên tập đã giúp chị có nhiều thời gian để gần gũi sách và càng có sự chọn lọc trong cách đọc.

Lan cũng có những nhà văn là thần tượng. Lan kể: Tôi yêu tất cả những tác phẩm, thư từ, nhật ký của Franz Kafka, vì qua đó tôi hiểu được tâm thức và số phận con người hiện đại. Tôi cũng yêu Nietzsche, Krishnamurti, Phật giáo và Thiên Chúa giáo, vì đã tỏ cho tôi những sự thực của con người, đã chỉ cho tôi những con đường để khám phá thế giới. 

Nhưng mỗi lứa tuổi, mỗi giai đoạn của đời người tôi nhận thức mỗi khác. Họ có cảm nhận rất sâu xa về số phận. Các tác phẩm văn chương đó hé lộ cho tôi biết sự thật về số phận con người, số phận của một nền văn hóa sẽ đi đến đâu, để tôi dự liệu cho văn chương tôi, đó là điều tôi cần, chứ không là phải một cuốn lý luận văn chương thực sự. 

Câu châm ngôn mà hiện giờ tôi thích, áp dụng cho văn chương và cuộc sống của tôi là: "Ai hiến dâng cuộc đời cho việc tốt là sống lâu hơn tuổi của mình" (M. Macxian) hay "Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình" (Kinh Thánh). 

Vì tôi tin, khi cái tốt đẹp phát khởi ra từ tâm thức, cái tốt đẹp không mất đi, mà hòa vào cái tốt đẹp của tâm thức nhân loại. Vả chăng, người ta chỉ hy sinh, khi có lý do gì chính đáng để hy sinh. Đối với tôi, lẽ sống và lẽ hy sinh mới là ngọn cờ đầu, là lý do làm cho văn chương tôi không tàn lụi.

Tôi đã trải qua những gian truân, đau đớn quá sức chịu đựng, nên tôi hiểu cái duy nhất còn lại trong cuộc sống là niềm tin và tình yêu thương đối với con người. Không cái gì lớn hơn cái đó. Có con người tốt, có tri thức tốt, có niềm tin và tình yêu thương, mới hy vọng có văn chương giá trị. Văn chương có lẽ chính xác là một niềm tin yêu vô tư đối với cuộc đời. Cho nên, việc cần làm đối với văn chương là yếu tố con người. Con người hỏng thì văn chương cũng hỏng.

Lan sống một mình ở đất Hà Thành đã là một điều khó, gia đình chị ở tại Thanh Hóa cũng nghèo khổ tận cùng. Bố và chị gái Ngọc Lan mất đã lâu vì bị bệnh liên quan đến não. Bây giờ, cuộc sống gia đình chị càng điêu đứng vì không ai có đủ sức khỏe để lo cho nhau. 

Mẹ chị năm nay 68 tuổi, bệnh rất nặng, lại phải lo cho người anh trai bị tâm thần không tự lo được cho mình. Lan ở xa nhà, cuộc sống chật vật khó khăn, nên chỉ an ủi và bù đắp cho gia đình về tình cảm, có chút tiền tiết kiệm chi tiêu dành dụm được đồng nào, lúc mẹ cần, Lan cũng gửi về. Ở quê, vài trăm ngàn cũng đã sống được cả tháng trời. 

Lan bảo: “Bao năm qua, xã hội, bạn bè cũng đã tìm mọi cách để động viên, khích lệ tôi trên con đường văn chương. Tự đáy lòng mình, tôi hứa sẽ đi trọn với văn chương, và không phụ lòng mọi người đã thương tôi và hiểu tôi. Bất kể số phận như thế nào, thì văn chương cũng là một giá trị công bằng, sòng phẳng. Con người ta vượt lên, đáng trân trọng là ở tầm nhận thức, chứ không phải hơn nhau miếng cơm manh áo. 

Tôi đã kiên nhẫn vượt lên và mỗi ngày tôi như đi trên con đường mới. Tôi rất bằng lòng về cuộc sống hiện tại của mình. Vì tôi biết trong xã hội này cũng có bao người đang sống như tôi, vượt qua vất vả, yêu công việc của mình. Tuy nhiên, về gia đình tôi rất day dứt và lo lắng. Giá tôi có sức khỏe tốt hơn một chút, thì tôi đã gánh vác được công việc gia đình và giúp được người thân của tôi nhiều hơn”.

Lan trong sự thiếu thốn, vẫn luôn tự mỉm cười và tự hào rằng, mình dù khổ về mọi mặt, nhưng cũng còn sướng hơn nhiều người, đó là được làm việc mình thích, được đọc một cuốn sách mình thích. Lan luôn hài lòng và yên tâm về chính mình. 

Mất mát, thiệt thòi của bản thân thuộc về số phận, còn những nỗ lực của bản thân để vươn lên, Lan đã cố gắng hết sức rồi. Lan cũng có một tình yêu đẹp với một người đàn ông giấu mặt. Tôi vẫn đùa chị, có lẽ là hoàng tử trong trang sách bước ra rồi, hay là một vĩ nhân từ tiền kiếp? Cho dù là ai đi nữa thì đối với Lan, được yêu cũng là hạnh phúc lớn lao, là chỗ dựa lớn nhất của đời Lan để chị có thể sống và viết tiếp. 

Chị bảo: “Tôi rất cảm ơn tình yêu - món quà vô giá của số phận, cảm ơn người ấy đã cùng tôi bao năm đi qua đau thương, gian khổ. Tình yêu ấy đã giúp tôi trưởng thành và hoàn thiện chính mình, đã cho tôi thay đổi rất nhiều nhận thức về giá trị. Từ đó tôi sống cẩn trọng hơn, sâu sắc hơn và cũng biết ơn số phận của mình hơn”.

Có lẽ, như người ta thường nói, ông trời không lấy đi của ai tất cả khi bù đắp cho chị sự mạnh mẽ, đầy nghị lực của một tâm hồn đẹp, nhạy cảm. Cũng như đối với Trần Thị Ngọc Lan, chị bảo, mặc cảm là điều có thật, nhưng khi mình chưa hiểu cuộc sống thôi. 

Càng đồng hành cùng cuộc sống, cùng văn chương, biết vượt thắng những hoàn cảnh ngặt nghèo, nguy hiểm, thì người ta không còn chút mặc cảm nào nữa. Người ta sẽ sống hoàn toàn bình thường, thậm chí còn mạnh mẽ hơn nhiều người khác không gặp hoàn cảnh ấy. 

Mỗi con người một số phận, một cuộc sống, ai mà chẳng có khó khăn. Nhưng cái quý giá là họ biết vượt trên những điều kiện sống, để thực hiện được khát vọng, hoài bão, để nhận thức được giá trị và mục đích sống của mình...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.