Chỉ có thể là Hoàng Cúc

Thứ Tư, 02/05/2018, 09:04
Đêm yên tĩnh, cảnh vật im lìm chìm lắng và đèn của mọi gia đình gần như cũng đã tắt thì tại một căn nhà khuất nẻo trong con phố Linh Lang có một người phụ nữ vẫn đắm mình vào những trang bản thảo. 

Nhiều năm nay, từ ngày diễn viên, NSND Hoàng Cúc về hưu, chị có thói quen viết kịch bản chân dung nhân vật cho đài truyền hình dựng. 

Không “tân thời” như những nhà biên kịch khác chỉ dùng computer,  internet, chị viết tay, nắn nót từng con chữ, tập kịch bản cứ dày lên, đầy lên. Chị viết về những người đồng nghiệp mà trên hành trình công tác chị đã từng tiếp xúc với họ. 

Và, quả thật ngoài năng khiếu diễn xuất tuyệt vời, chị còn có khả năng văn chương đáng nể. Không những vậy, ý chí thép, tâm thế bình thản vượt qua bệnh tật hiểm nghèo nguy nan mới làm cho người ta kinh ngạc bảo: “Chỉ có thể là Hoàng Cúc”.

Vâng, “chỉ có thể là Hoàng Cúc” mới ngang dọc tung hoành trên màn ảnh và sân khấu bằng những vai diễn để đời mà qua nhiều thập niên vẫn nằm lòng người hâm mộ. 

“Chỉ có thể là Hoàng Cúc” mới đang từ một Thanh dịu dàng, điềm đạm, hết lòng vì phân xưởng trong tác phẩm Tôi và chúng ta của cố tác giả - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ sang một Tám Bính lọc lõi, ranh ma trong Bỉ vỏ của cố nhà văn Nguyên Hồng. 

Rồi đến Thuỷ khôn ngoan, quỷ quyệt trong Tướng về hưu... Với vô vàn vai diễn của chị đã góp phần làm nên thành công của tác phẩm đưa tên tuổi của mình lên hàng solist. Chị không chỉ là một gương mặt thân quen ở sân khấu kịch mà còn là một thương hiệu ở phim trường. 

Lối diễn của chị dù ở bất cứ địa hạt nào cũng rất chất. Chất đến độ NSƯT Quốc Toàn - nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, nơi chị công tác nhận định: “Hoàng Cúc diễn rất điên. Mà điên thật. Một cái điên cần thiết trong nghệ thuật”. 

Quả đúng vậy, xem Hoàng Cúc diễn người ta quên đi không gian, thời gian, quên đi người diễn viên xinh đẹp sắc sảo, chỉ còn chị với nhân vật hay nói đúng hơn chị chính là nhân vật, nhân vật chính là chị. Hai người hoà vào nhau làm một bản thể không thể tách rời, không thể vừa vặn hơn được.

Vì quyền năng của sắc đẹp, vì tài năng nghệ thuật mà đã có không ít giai thoại xung quanh người đàn bà đẹp này. Người ta kể rằng, vào suốt những năm thập niên 80, chị đi đến đâu chỉ nở nụ cười là nửa Hà Nội nghiêng theo nụ cười của chị.

Mỗi lần chị đi ra đường có nhiều người mải ngắm nhan sắc siêu đình đổ quán ấy mà vô tình bị đụng xe. Hay như có những gã trai si tình sẵn sàng hàng đêm mua vé xem kịch chỉ dám ở hàng ghế khán giả qua hết ngày này tháng nọ âm thầm lặng lẽ ngắm “thần vệ nữ” của mình chứ tuyệt nhiên không dám lại gần vì ngượng ngùng, e ngại.

Vâng, đã có biết bao nhiêu người hâm mộ giấu mặt như vậy trong đó trẻ có già có, đàn ông có đàn bà có, và con đường đi trong sự nghiệp của chị như chỉ rắc hoa hồng trên thảm đỏ. 

Nhưng, thói đời “Trời xanh quen thói, má hồng đánh ghen”, nếu như  công việc thuận lợi bao nhiêu thì đường tình duyên lại có phần lận đận dang dở. Cuộc hôn nhân sóng gió rồi cũng qua, Hoàng Cúc có duy nhất một người con trai.

Ngày con trai chị chưa lấy vợ, chị nói với tôi: “Có con trai là có cả thiên đường rồi, chẳng cần gì khác nữa”. Sau nhiều năm, trước mặt chị mở ra nhiều cánh cửa thiên đường. Cho đến nay gia đình nhỏ nhiều năm chỉ có hai mẹ con giờ đã thêm ba thành viên mới, đo là con dâu và hai cháu nội, một trai một gái xinh đẹp bụ bẫm.  

Cả một chặng đường dài với những vai diễn đình đám, với ăm ắp kỉ niệm của những ngày đi làm phim, diễn kịch, Hoàng Cúc giờ lặng lẽ cất chúng lại một ngăn trong kí ức. Kí ức đó chỉ một cơn gió nhẹ cũng đủ làm lay động kỉ niệm khi xưa lại nguyên vẹn ùa về như mới ngày hôm qua. Chị trân trọng quá khứ nhưng thực tế ở hiện tại và định hướng tới tương lai.

Ngày chị sắp về hưu cũng là ngày cơn bệnh badơđô phát tác. Cơn bệnh này đã lấy đi tính mạng của người chị ruột của chị, lần này nó lại ập đến với chị, cơn bệnh tung hành tác quái trong cơ thể chị. Chị quên đi đau đớn để lại bung toả với nhân vật. 

Một ngày kia, chị cảm thấy hình như căn bệnh đã vào sâu, sâu lắm, mình đã không thể đứng vững nổi nữa rồi. Chị về hưu tìm đến bộ môn Yoga,  giờ qua cả chục năm chị vẫn đồng hành với môn nghệ thuật này, sức khoẻ của chị được duy trì đảm bảo. 

Từ nhiều năm nay nhà của nữ diễn viên Hoàng Cúc trở thành câu lạc bộ tập Yoga. Nhờ tập Yoga chị được trở lại với sự sống dù đã hơn hai lần mang bản án tử theo kết luận của bác sĩ chị bị ung thư.

Quyết tâm giành cái chết từ tay tử thần, chị chống chọi lại với bệnh tật bằng những bài tập Yoga kiên trì đều đặn. Khi một mình trong căn phòng vắng, yên tĩnh đến tuyệt đối chị lặng lẽ ngồi thiền định. Để tâm thanh tịnh và lòng lắng trong. Và rồi, chị mỉm cười đón nhận cuộc sống với triết lí nhân sinh, không gì làm ta sợ, không gì làm ta nản, cứ tiến lên phía trước ngày mai sẽ nắng hồng.

Thật kì diệu, chị từ từ từng bước qua được hai lần mang bản án ung thư. Như một định luật, khi chị mỉm cười với cuộc sống, cuộc sống mỉm cười lại với chị. Chị cho đời nhiều nụ cười thì đời lại trả cho chị nhiều nụ cười. Hãy sống tốt, nhân ái sẽ được nhiều hơn mất.

Chị tin vào định luật nhân quả. Con người ta sinh ra đều có số phận, con người có mặt trong cõi đời này chính là bàn tay sắp xếp tuyệt vời của tạo hoá. Chị sở hữu nhiều thứ đáng giá, sắc đẹp trời ban, công danh sự nghiệp rạng ngời, nhà đất thênh thang và ôm trọn luôn cả tâm hồn đa sầu đa cảm.

Tôi tin người nghệ sĩ đích thực nào cũng có tâm hồn giông gió và bản lĩnh của người ta là đi về đâu?!. Hoàng Cúc sống với thực tại, đó là tổ ấm nhỏ của mình vui cùng con cháu. Khi mọi người chìm vào trong giấc ngủ, chị lại trăn trở  những trang viết tay về một người bạn, một người đồng nghiệp mà chị yêu mến.

Quả đúng, người ta không bao giờ mất thì giờ với những gì không yêu mến, và đương nhiên nếu yêu mến chị nắn nót viết bằng tâm thành, bằng tấm lòng chan chứa yêu thương, bằng khả năng văn chương trời phú.

Thi thoảng chị lại tìm đến thơ. Người ta tìm đến thơ khi tâm trạng man mác buồn. “Chao ôi, gió nghe thương mùa thay lá/ ngơ ngác con bìm bịp gọi mùa yêu/ Trên triền vắng con đê bồng bềnh nắng/ Thả hồn ta ngược lại những cánh diều/ Về quê mẹ theo triền sông Hồng chảy …”.

Quả vậy, chị bảo: Đôi lúc xa rời thành phố ồn ào huyên náo, đầy khói bụi này để tìm về nơi đất mẹ. Đó là nơi chị sinh ra và lớn lên, mảnh đất xanh màu mỡ Hưng Yên. 

Vào những buổi chiều tà đi trên triền đê sông Hồng nơi chị thấy “bồng bềnh nắng”  để  được đắm mình ngược dòng thời gian trở về quá khứ tuổi thơ êm đềm mơ mộng nơi có những cánh diều.

Trong tâm hồn của người nghệ sĩ ôm trọn cả mây trời sông nước ấy, cảm xúc quá đỗi dào dạt. Những cảnh vật thân quen khi xưa qua năm tháng đã khoác cho mình lớp bụi thời gian và chị như tan chảy trong thiên nhiên gợi nhớ đó. 

Không còn  một Hoàng Cúc sắc sảo, chẳng phải một diễn viên solist nào cả, chị đơn thuần trong thời khắc này chỉ là một người con lâu ngày xa quê và giờ đứa con ấy trở lại ôm trọn cảnh vật và con người quê hương trong tâm hồn chứa chan rộng mở: Trong nỗi niềm ấy, chị đã thốt lên: “Quê vẫn đợi chùm xanh vùng nhãn mọng/ Thôn nữ buồn lưu lạc chín phương trời/ Sông thì cạn vườn thì buồn buông lá…”

Càng có tuổi con người lại càng nhớ quê, chị cũng không nằm ngoài quy luật đó. Quê chị nơi có những cánh đồng xanh mướt mát, bờ tre rì rào đón nắng gọi gió, mái đình giếng nước gốc đa như bất kì làng quê nào của miền đồng bằng Bắc Bộ. Hoàng Cúc bỏ lại hào quang của danh vọng trở về thật mộc mạc chân tình. 

Cũng thật may mắn, số phận đã ưu ái chị. Hoàng Cúc kinh doanh địa ốc rất mát tay nên cơ ngơi của chị ngày càng thịnh đạt. Chị sắm cho mình một căn hộ đủ rộng, đủ đẹp ở ngay trên con đường về quê.

Thời gian trôi, bánh xe cuộc đời xoay tròn, chị đang sống những ngày an nhiên, tự tại vui cùng con cháu. Trên khuôn mặt giờ vẫn vương nét đẹp kiêu sa một thời, tôi tin không gì có thể làm chị gục ngã.

Trần Mỹ Hiền
.
.