Thi sĩ Văn Công Hùng: Gã Pleiku lãng tử

Chủ Nhật, 23/09/2018, 13:30
Tôi đã quen và làm việc với nhà thơ Văn Công Hùng không ít lần nhưng chúng tôi chỉ liên hệ với nhau bằng thư điện tử, Facebook hoặc trao đổi sách báo qua bưu điện. 

Mãi gần đây, khi anh vừa cầm sổ hưu (tháng 7-2018), tôi mới có dịp lên Pleiku gặp mặt. Đúng như tôi hình dung, anh tươi tắn, hóm hỉnh và hay có lối ví von bất ngờ trong câu chuyện làm ai cũng phải bật cười…

Hài hước với chính mình

Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Huế (1980), Văn Công Hùng viết đơn xung phong lên Gia Lai, chỉ vì thích phiêu du với miền đất ba zan kỳ bí. Chí trai ở tuổi 22 phải ngang tàng, lên non xuống biển, anh đâu hình dung được Pleiku vẫn còn ở bên những cánh rừng thiêng nước độc. Mộng văn chương đã chắp cánh cho chàng trai thành Huế bay bổng, mơ mộng trên những con đường bụi đỏ cùng mây bay muôn lối. 

Anh nhớ lại, kể, hồi đầu làm việc ở Ty Văn hóa (1981), có dịp gặp nhà văn Trung Trung Đỉnh. Có thể nói đây là người gieo mộng văn chương sớm nhất cho Văn Công Hùng. 

Nhà văn Trung Trung Đỉnh đã từng chiến đấu và sáng tác trên mảnh đất Tây Nguyên, vào những năm chiến tranh ác liệt. Sau này, thỉnh thoảng anh trở lại Pleiku thăm lại chiến trường xưa và đồng đội. Văn Công Hùng được phân công lo đón tiếp nhà văn Trung Trung Đỉnh. Đây là cuộc hội ngộ bất ngờ và qua sự khích lệ của nhà văn quân đội, Văn Công Hùng hăm hở cầm bút viết truyện ngắn. 

Sau một thời gian, anh nộp bản thảo cho Trung Trung Đỉnh đọc thử, hồi hộp chờ ý kiến nhận xét. Nhưng không ngờ anh bị dội gáo nước lạnh. 

Nhà văn Trung Trung Đỉnh cười, nói thẳng tưng, với ý rằng sự đóng góp của chú mày cho nền văn xuôi nước nhà là... đừng viết nữa. Bị phang một đòn chí tử, như môt cú “đo ván” trên võ đài lần đầu, Văn Công Hùng từ đó cấm bén mảng đến việc viết truyện ngắn. Anh tiếp tục làm thơ bởi năng khiếu sẵn có từ thời sinh viên.

Nhưng thật oái oăm, ngay bài thơ đầu tiên được in, Văn Công Hùng lại bị dính “đòn” luôn. Kể cũng hoảng. Anh nói, đó là bài thơ Không đề, in năm 1982, trên tạp chí Văn nghệ Gia Lai-Kông Tum. 

Bài thơ ngắn có mấy câu: “Tờ lịch mỏng rụng xuống một ngày. Trục thời gian thêm một vòng trái đất. Ta loay hoay tìm câu thơ vừa mất. Tóc trên đầu thêm một sợi chẻ đôi”. 

Trong cuộc họp cộng tác viên, tác giả bài thơ bị lãnh đạo nêu ra với kết luận, tư tưởng có vấn đề. Họ đay nghiến rằng, tại sao lại “Phải loay hoay tìm câu thơ vừa mất”, phải chăng đó là sự tiếc nuối cho chế độ cũ... 

Cứ thế họ quy chụp về tư tưởng cho từng câu thơ. Tuy cái tên Văn Công Hùng không được nêu đích danh nhưng sau khi giải lao, mọi người tiếp tục họp, thì không ai dám ngồi cạnh anh vì sợ bị liên lụy.

Nhưng đâu đã hết, cái tính hay “nói thẳng nói thật” của anh còn chịu nhiều “đòn tư tưởng” khác. Thậm chí mười năm sau, cũng chỉ qua bài thơ Suối đá, in trên tạp chí đặc san của Gia Lai, anh bị lãnh đạo rêu rao đây đó là “phản động”, thâm chí có “âm mưu bạo loạn lật đổ”. 

Ấy là còn chưa kể, sự kiện xảy ra “vụ án” xuất bản cuốn Truyện cổ Gia Lai-Kông Tum do anh biên tập cũng có vị lãnh đạo nêu chuyện Sự tích Pleiku kết luận, chuyện cổ tích dám nói xấu Pleiku. Họ suy diễn từ một chi tiết trong truyện cổ tích theo chiều hướng xấu, rồi kết luận cuốn sách có vấn đề và đòi thu hồi. 

Ông Phó Ty bị phê bình liền quay về cơ quan mắng Văn Công Hùng rằng “Người có học nhất cơ quan mà... ngu”. Văn Công Hùng kể đến đó làm tôi bật cười.

 Nhưng vẫn chưa hết, sau này anh còn bị chính vị lãnh đạo trên (tuy đã về hưu) kiện lên tới Trưởng ban Tư tưởng ngoài Trung ương vì cái tội làm thơ có ám khí qua bài Và buổi ấy... Rõ khỉ, thế đấy, vừa kể anh vừa cười cho một giai đoạn ấu trĩ về nhận thức.

Anh còn tự nhận xét, mình được nhiều người yêu nhưng cũng lắm kẻ ghét. Ngẫm nghĩ trong giây lát, Văn Công Hùng mỉm cười nói, nhưng hiện có nhiều người quý mình hơn. Vì sao? Anh lập tức trả lời: Vì mình “sạch”. 

Nói cho cùng có dính vào “tí” quan (Phó Chủ tịch Hội Văn hóa nghệ thuật Gia Lai và Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Gia Lai) nhưng có được ký tá gì đâu. Hẳn thế mà không có điều kiện “bẩn”. Vậy đó! Tôi lấy làm thú vị bởi nhà thơ tự giễu tưng tửng về mình như thế. Hóm hỉnh và thông minh. 

Thi nhân mắc nợ trần gian

Sau một hồi kể lại cuộc đời phong trần trên phố núi Pleiku; nào là họa văn chương, nào là vỡ hụi hay những ngày tháng đi hoạn lợn kiếm sống; cuối cùng, Văn Công Hùng đọc cho tôi nghe những câu thơ đầy lạc quan, nặng trĩu nhân tình. 

Tôi như mê đi cùng anh trong Pleiku những chiều không mất: “Pleiku như chân trời định mệnh/ Xa ngái nào cũng thấp thoáng mây trôi”. Cùng với đó là nỗi đau: “Chắt đến tận cùng sự sống. Lá vàng đau úa cả chiều” (Nhìn lá cao su rụng - Nghĩ). 

Tôi sực nhớ đến những câu thơ da diết của anh viết về cao nguyên: “Cao nguyên là gió, rượu cần/ Là lang thang bước chân trần lãng du/ Là cuồn cuộn bụi mù khô/ Là mang mang nắng giăng tơ mật vàng/ Là Khan, là Hội, là Xoang/ Là em tóc rối bên hàng thông xanh/ Lời yêu thương tận cùng anh/ Thổi vào em gió nở thành tơ rưng...”.

Mảnh đất thân yêu Pleiku gắn bó với Văn Công Hùng, đến nay đã ngót nghét 40 năm. Quê hương thứ hai của anh đây. Huế và Gia Lai không còn là hai nơi xa cách mà đọng lại hồn thơ của anh, với cốt cách trầm tư, sâu lắng và khắc khoải. 

Có chuyện lạ mà vui, khi anh trích một số chương của bản trường ca đưa lên mạng, một nhà tài trợ mê thơ đọc được và đã bỏ tiền ra để in cho anh. Quả một sự bí ẩn, bởi người này yêu cầu giữ kín danh tiếng. 

Nhưng, theo võ đoán của nhiều người, người yêu thơ đó hẳn phải là một người Tây Nguyên, mới cảm hết được những điều mà Văn Công Hùng đã bày tỏ trong bản trường ca.

Nhiều người nhớ đến Văn Công Hùng qua các bài thơ hay như: Pleiku những buổi chiều không mất, Ngã tư gió, Lục bát vẩn vơ, hay những Nghĩ vụn trên trời, Mùa rét, Viết trong đêm mất ngủ..

Bởi ở đó là tình yêu với Tây Nguyên; là nỗi đau cùng miền đất đỏ ba zan; là mộng mơ cùng rừng xanh, sông suối. 

Người đọc không thể quên những nỗi niềm cùng anh, khi: “Cao nguyên hóa chiều mưa đưa em đi/ Gốc thông già hát gì với tuổi/ Em cầm trên tay một bông liễu rủ/ Hoa tường vi lặng lẽ khóc vùi”; và có khi đó chỉ là chút bâng quơ về tháng Ba: “Cứ mãi mãi thanh tân, mãi mãi vụng về/ Mãi mãi nắng, mãi mãi sương/ Mãi mãi/ Cao nguyên tháng Ba những con đường thao thiết/ Vỗ dập dồn thăm thẳm nỗi gì ơi...”. 

Vậy đó, cái “nỗi gì ơi” theo bước chân kẻ giang hồ đó đây để vui, để khóc cùng người. Và đây bóng hồng: “Em nhẹ bước chiều cao nguyên sương khói” để cho nhà thơ: “Là cong cần thức thâu đêm/ Anh tan thành rượu cho em lờ đờ/ Cao nguyên xanh đến hững hờ/ Trời ơi! Rượu hóa Biển Hồ. Ru em...”.

Những góc hồn liêu trai sương khói

Văn Công Hùng là như thế, anh say thì mê gọi, khi tỉnh lại buồn mộng. Bất chợt với ngã tư phố núi, thi sĩ bỗng nhớ, bỗng yêu: “Em đi qua đường anh biến thành ngã tư/ Ngã tư chảy như dòng sông tháng Chạp/ Ngày tan tác như vừa qua rốn bão/ Sáng mai này đáng cháy một người dưng”. 

Có người nói thơ anh lãng mạn, du dương có thể hát lên được, bởi sức bay bổng tạo tiết điệu mê hoặc lòng người. 

Có thể rất đúng trong trường hợp này, sau cái Ngã tư gió kia, đó là: “Tôi gõ chiều vào bàn phím/ Hiện lên em ngơ ngác xa xăm/ Em ở phía không thể nào tới được/ Một con sông khóa những nhịp cầu/ Giá có thể lấp sông bằng nỗi nhớ/ Một phía bờ sẽ lại hóa dòng sông...” (Gõ chiều vào bàn phím). 

Mộng mị và thêm chất liêu trai chút trong một đoản khúc say: “Ừ về. Ta ở, mình đi/ Rượu mềm đến nhạt thiên di cả chiều/ Liêng biêng phố nhỏ đìu hiu/ Chân đăm díu đổ bước chiêu vô hình/ Liêu xiêu nắng tựa bóng mình/ Nghêu ngao líu lếu nỗi mình, mình nghe”.

Đó là những câu thơ rất Văn Công Hùng mà bạn đọc không thể không nhớ đến. Và tôi yêu thơ anh cũng ở chất mộng mị và liêu trai này.

Vương Tâm
.
.