Nhà thơ Nguyễn Chí Hiếu: Khua nước giếng cũ mắt cười trong veo

Thứ Ba, 25/07/2017, 08:03
Trong thế hệ cầm bút trưởng thành qua bom đạn ở căn cứ Trung ương Cục miền Nam, nhà thơ Nguyễn Chí Hiếu có vẻ thiệt thòi về mặt tên tuổi. Sự nổi tiếng một phần do cơ duyên và một phần do tính cách.

Nhà thơ Nguyễn Chí Hiếu chọn một con đường lặng lẽ để cống hiến: “Càng đọc, càng sống nhiều càng chới với hụt hẫng, cho nên tuổi càng lớn, tôi càng viết ít đi, và cố gắng viết thật ngắn. Tôi thích thu ẩn trong cõi tối của riêng mình để nhìn ra phía sáng và suy ngẫm về mọi thứ”.

Nhà thơ Nguyễn Chí Hiếu từ nhỏ đã đam mê hội họa. Không chỉ được đào tạo bài bản tại ĐH Mỹ thuật Hà Nội, chàng trai Nguyễn Chí Hiếu còn có nhiều năm tu nghiệp tại Nga - nơi thường khiến anh bồi hồi: “Trong tranh Lê-vi-tan không có bóng người/ Chỉ có dấu vết thời gian con người lưu lại/ Nhưng anh nhìn thấy em trong mùa thu vàng lộng lẫy/ Khi nhớ về những kỷ niệm xa xôi”.

Cảnh đẹp xứ sở bạch dương cũng như những cơ hội thăng tiến trên miền Bắc đã thanh bình, vẫn không đủ giúp Nguyễn Chí Hiếu nguôi ngoai nỗi nhớ mảnh đất Nam bộ chôn nhau cắt rốn đang thử thách chiến tranh.

Năm 1966, Nguyễn Chí Hiếu mang theo trái tim tuổi 25 đầy nhiệt huyết vượt Trường Sơn vào chiến khu Tây Ninh. Được giao nhiệm vụ công tác ở phòng hội họa, nhưng Nguyễn Chí Hiếu lại âm thầm làm... thơ. Thi ca bắt đầu trỗi dậy khi Nguyễn Chí Hiếu chứng kiến tình người bùng lên theo cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968. 

Một trong những bài thơ khởi nghiệp của Nguyễn Chí Hiếu là Ngọn đèn kháng chiến phản ánh không khí rạo rực thời ấy: “Đêm xuân này, ngọn đèn rung lên từng hồi náo nức/ Theo bước chân cả nước hành quân/ Ta đánh Mỹ đâu chỉ bằng gươm, bằng súng/ Còn bằng ngọn đèn đêm sáng giữa rừng...”.

Tham gia trực tiếp chiến dịch Mậu Thân 1968, Nguyễn Chí Hiếu không chỉ vẽ bức tranh Nữ pháo binh Long An mà còn viết bài thơ ca ngợi tinh thần quật cường của tóc dài eo thon: “Đêm nay lại nghe tiếng pháo gầm vang phía trời xa lắc/ Sao bồi hồi thương nhớ quá các em ơi/ Ôi có phải gió nổi bốn ngàn năm góp về một mùa xuân bão táp/ Đã đưa các em đi/ Làm ánh chớp giữa trời”.

Sinh ra trong một gia đình cách mạng ở Cần Đước - Long An, Nguyễn Chí Hiếu đã sớm hiểu được những cam go và nhọc nhằn thời khói lửa từ những người thân. 

Tự nhủ lòng “Có nơi đâu không phải chiến trường/ Nên thương nhớ cũng chia đều như nắng gió”, nhưng Nguyễn Chí Hiếu vẫn không cách nào che giấu nỗi bùi ngùi khi chia biệt mái tranh nghèo vì lý tưởng giải phóng quê hương: “Trên đường làng tuổi nhỏ dầm mưa/ Buổi ra đi lắng từng bước chậm/ Cánh chuồn chuồn chao nghiêng trong nắng/ Con đi rồi mưa đuổi mãi sau lưng”. Phía màn mưa khuất lấp kia, dặm dài mong ngóng và bạt ngàn ký ức.

Nguyễn Chí Hiếu thời chiến tranh.

Thông cảm những ngày mẹ thỉnh thoảng vắng nhà để cuốc lộ, vây đồn thì Nguyễn Chí Hiếu càng chia sẻ khoảnh khắc cha bất chợt trở về gõ cửa sau bao tháng biền biệt kháng chiến: “Đêm ấy, khi bọn biệt kích núp bụi bờ vừa quay lưng đi khỏi thì đột ngột cha về/ Tiếng gõ cửa của cha như vẳng lại từ một giấc mơ/ Sau này trong đời con, nhiều lần con sống trong giấc mơ như vậy/ Tiếng gõ cửa của cha tái hiện nhiều lần/ Như dội lại từ núi non, ruộng đồng, sông rạch.../ Nhưng đêm ấy là đêm có thật/ Mẹ nhận ra tiếng gõ cửa của cha trong tiếng cuốc miệt đồng và ầm ào trận gió qua sông”.

Những câu thơ bứt khỏi ranh giới dài ngắn và khuôn thước vần điệu, đã mở biên độ cảm xúc tràn trề cho thơ Nguyễn Chí Hiếu. 

Và từ ngọt đắng riêng tư, Nguyễn Chí Hiếu không khó khăn gì để nhận ra những xao xuyến khác: “Từ đường rừng rợp bóng cây che/ Bước ra Xóm Rẫy mắt tôi lóa nắng/ Nhìn đồng đội hành quân theo chiều dài của xóm/ Khăn nón vẫy theo phơ phất điệp trùng”.

Thơ Nguyễn Chí Hiếu ngay trong kháng chiến, đã không giống cấu trúc của những người cùng trang lứa. 

Có lẽ, do Nguyễn Chí Hiếu học mỹ thuật, nên ít bị ảnh hưởng bởi lối viết hào sảng và giục giã ở giai đoạn ấy. Sự rộn ràng rung động trai gái của Nguyễn Chí Hiếu cũng không giống kiểu tình ý lai láng thường thấy trong thơ Việt thập niên 70 của thế kỷ trước. Bài thơ Ở rừng viết năm 1973 tiêu biểu cho phong cách Nguyễn Chí Hiếu:

Đêm ấy là đêm đầu tiên em về ở rừng này
Nằm nghe tắc kè kêu trong bộng cây
Em thắc mắc hỏi anh bao điều không ngủ
Em ạ
Ở rừng này đã lâu, anh gặp nhiều giống thú
Biết lắm thứ cây
Và quên đủ loài hoa...
Nhưng đêm ấy anh cũng không tài nào ngủ
Có mùi hương rất lạ trong nhà...

Trải qua gần chục năm trong bưng biền kháng chiến mới có thể đi đến ngày thống nhất đất nước, Nguyễn Chí Hiếu nhận ra giá trị của sum họp và đoàn tụ không hề đơn giản: “Người mẹ Năm Căn thường gặp trong mơ/ Em gái Viên An quen từ thần thoại/ Anh muốn nói một câu gì rất thiêng liêng, rất dữ dội/ Mà chỉ cầm tay nức nở nghẹn ngào”.  

Tác phẩm của Nguyễn Chí Hiếu.

Non sông liền một dải, Nguyễn Chí Hiếu càng ý thức rõ hơn trách nhiệm thi ca: “Anh góp cho em, anh góp cho đời/ Những vần thơ đêm đêm thức cùng mắt thợ/ Có cành me nghiêng vào cửa sổ/ Xanh tự ngày xưa - đâu phải vô tình”. 

Cuộc sống mới trong hòa bình, thơ không ầm ĩ tiếng súng nữa, mà thơ nhận diện con người mới: “Tôi đã qua nhiều ngã bảy, ngã ba/ Đôi lúc trên đường chợt lóe sáng ra/ Một tứ thơ - ngọn đèn xanh - mới lạ/ Tôi sung sướng hòa vào dòng người trôi nhanh hối hả/ Dòng người trong sạch tôi yêu”.

Vẫn đắm đuối mỹ thuật, nhưng Nguyễn Chí Hiếu dùng thơ để bộc lộ yêu ghét của bản thân. Hơn nữa, gắn bó cùng nghề báo giúp Nguyễn Chí Hiếu có cái nhìn rạch ròi về số phận, trong nhộn nhịp có nỗi âm u, trong đông đúc có nỗi lẻ loi, trong hoang lạnh có nỗi ấm áp.

Những vòng hoa tang dành cho một nhà thơ nằm xuống cũng nhắc nhở Nguyễn Chí Hiếu một lẽ phải ân tình: “Vòng hoa ùn ùn nối bước xe tang/ Vòng hoa chất chồng lên mộ... /Chẳng ai hà tiện với người quá cố/ Cả một đồi hoa - thật đến không ngờ/ Vậy mà khi sống làm thơ/ Chẳng mấy khi trên bàn viết của anh có được một bông hồng trang điểm/ Nhưng cũng có những người đến viếng/ Không mang theo một đóa hoa nào/ Họ đến lặng thầm, và đứng ở phía sau/ Đó là những người bạn rất thân/ Đã từng vào sinh ra tử cùng anh trong chiến tranh/ Đã từng chia sẻ cùng anh đồng lương cuối cùng trong tháng/ Và yêu thơ anh như chính cuộc đời mình”.

Cả đoạn thơ trên, không có một câu nào xuất sắc nhưng lại có dư âm xao xác. Sự tử tế thường kín đáo và sự chân thành cũng không cần phô diễn. Sứ mệnh của thơ, lắm lúc chỉ cần gửi một tiếng thở dài cho những điều cao thượng lãng đãng xung quanh!

Nhà thơ Nguyễn Chí Hiếu có vẻ bề ngoài nghiêm trang nhưng lại dễ gần gũi. Ông có vẻ không ham hố danh vọng nhưng luôn giữ thái độ cương quyết với từng vấn đề cụ thể. 

Ưu điểm của Nguyễn Chí Hiếu nằm ở khả năng nâng niu những tâm tư thoáng hiện “Khua nước giếng cũ/ Mắt cười trong veo/ Lời gió mang theo/ Bao mùa lá đổ” để được rạo rực những suy tưởng ân cần “Tiếng chim kéo sợi chỉ bền/ Khâu lành vết rạn trên nền thời gian”.

Tuy nhiên, lối thơ ngỡ chừng khô khan của Nguyễn Chí Hiếu lại ẩn chứa không ít cuồng si của đàn ông mơ mộng. Không có phẩm chất thi sĩ thì không thể phát hiện “Bông hoa dại xinh tròn/ Như cúc áo ngực em/ Đứt văng nằm trong cỏ/ Bởi chiều nay nhiều gió/ Chứ phải tại ai đâu”.

Không có phẩm chất thi sĩ thì không thể nghiêng ngả “Hai đứa mình - hai giọt nước mát trong/ Chỉ mới chạm khẽ nhau thôi đã hòa thành một”. Và không có phẩm chất thi sĩ thì cũng không thể đong đưa “Thương nhớ hoài bến ấy/ Một tà áo thiên thanh/ Em giơ bàn tay vẫy/ Khiến thuyền anh chòng chành”.

Thế nhưng, phẩm chất thi sĩ của Nguyễn Chí Hiếu đậm nét nhất khi ông đứng hẳn vào những khoảng trống hắt hiu “Ráng chiều xa như vết son mờ/ Trên vai áo người ở lại/ Đàn chim thiên di/ Bay về phương trời nào xa ngái/ Mang theo tia nắng cuối cùng của buổi chiều thu” và bộc bạch phiền lụy ngây dại “Ta sẽ sống suốt đời trong nhung nhớ/ Suốt đời ôm mãi bóng hình em/ Ôi nước mắt sông hồ biển cả/ Đêm đêm ướt đẫm gối ta nằm...”.

Trai trẻ thử thách trong chiến tranh, trung niên ngụp lặn giữa ngổn ngang cơm áo tái thiết Tổ quốc, Nguyễn Chí Hiếu biết cách ngắm nghía trước sự thật và biết cách đau đớn cùng sự thật: “Những kẻ vô danh/ Lại thích viết tên mình trên bia đá, cổng chùa, danh lam thắng cảnh/ Nơi các vĩ nhân lặng lẽ giấu mình”.

Vì vậy, tuổi già của Nguyễn Chí Hiếu được nuôi dưỡng bằng hoài niệm nghĩa tình giữa thăng trầm thế sự đổi thay: “Tôi chắp hai tay/ Nhìn lên Trường Sơn/ Nơi hài cốt các anh thành đất đai cây cỏ/ Núi tiếp núi điệp trùng mây gió/ Xin dâng nén hương/ Thả khói lên nguồn...” và được gìn giữ bằng ưu tư tương lai giữa bộn bề đô thị bon chen: “Xin giữ gìn cho Phú Mỹ Hưng/ Vài cảnh sắc riêng/ Của vùng quê nghèo đã sinh ra nó/ Trái dừa nước chẻ đôi thơm vào ngọn gió/ Từ bãi sông lên, tiếng chim vịt kêu chiều...”.

Lê Thiếu Nhơn
.
.