Nguyễn Trọng Tạo: Thơ nhạc “ở đợ”

Thứ Sáu, 11/08/2017, 07:31
Nguyễn Trọng Tạo mà in một cái cạc-vi-dit, ghi đầy đủ chức danh vai trò ắt cũng sẽ tốn mực hơn người. Ông là nhà thơ, đương nhiên nổi tiếng rồi. Ông là nhạc sĩ thì cũng cả nước biết. Ông soạn nhạc thì ít người biết hơn. Ông vẽ tranh, vẽ bìa sách cũng lác đác người biết. Thế gọi là đa tài. Con người đa tài thì nhiều nông nỗi. Đụng vào lĩnh vực nào cũng đắm đuối. Và những ngày này ông đang đắm đuối âm nhạc...

Được mọi người gọi là nhạc sĩ, nhà thơ, họa sĩ, cái nào thích hơn, Nguyễn Trọng Tạo nheo mắt cười trừ. Đa tài đa tình như ông, bỏ cái gì mà chả tiếc. Mà cái gì cũng đắm đuối thì giống như người cha có nhiều con, đứa nào cũng yêu, làm sao so sánh được chuyện yêu đứa nào hơn đứa nào. 

Tuy nhiên, vì ông nói nhiều về âm nhạc, nên có lẽ thời điểm này ông đang quan tâm nhiều đến đứa con âm nhạc. So với thơ, gia tài âm nhạc của ông không đồ sộ bằng, nhưng độ phủ sóng trong công chúng thì chẳng kém cạnh gì.

Chỉ riêng Khúc hát sông quê, Làng quan họ quê tôi hay Đôi mắt đò ngang đã đủ khiến cho ông đi đến đâu có người bắt tay xin chữ ký, xin hầu chuyện đến đó. Khán giả mọi miền, có người cả đời chưa từng đọc thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhưng thuộc nằm lòng Khúc hát sông quê của ông. Bài hát là tiếng lòng của những người con đã từng sinh ra và lớn lên ở làng quê, với những hình ảnh da diết, thân thuộc mà trong trái tim người Việt nào cũng có.

Không chỉ trong nước mà khi đi ra nước ngoài, bạn bè, khán giả gặp Nguyễn Trọng Tạo họ đều yêu cầu được nghe Khúc hát sông quê. Ông đã nói giùm họ nỗi lòng của những người đi xa, mang một quê hương đến giữa lòng những người Việt xa xứ. 

Nghe kể khi Nguyễn Trọng Tạo đến châu Âu, có khán giả vì quá yêu bài hát mà sẵn sàng chiều chuộng ông nhạc sĩ vô điều kiện. Họ bỏ cả công việc, sẵn sàng đưa nhạc sĩ đi đến bất cứ nơi nào ông muốn.

Có lẽ bởi sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo nên trong thơ và nhạc của Nguyễn Trọng Tạo luôn đau đáu một mảnh hồn làng. Thơ ông thì đã có nhiều người viết rồi, thậm chí nhiều công trình nghiên cứu rồi.

Còn trong nhạc, “hồn làng” trong ông là chất nhạc giàu tính dân gian, dân ca. Là những ca từ được vang lên từ những tâm hồn đồng điệu, sinh ra từ làng, đi xa vẫn đau đáu nhớ làng với bao nhiêu kỷ niệm đẹp. Một người bạn của tôi ở nước ngoài kể, mỗi khi nhớ nhà, nhớ mẹ, bạn thường lên mạng nghe Làng quan họ quê tôi. Lần nào nghe cũng đầm đầm nước mắt. 

Nhớ thuở ngày xưa còn sống trong ngôi nhà của cha mẹ, bên con sông nước trong vắt. Mỗi tháng Giêng trời đất như mật ngọt, hội làng được mở rộn ràng lòng trẻ nhỏ. Mỗi lần nghe lại thầm cảm ơn ông nhạc sĩ đã phổ những tiếng lòng người đi xa trên từng nét nhạc.

Nghệ thuật luôn chứa đựng một quyền năng đặc biệt mà không gì có thể so sánh. Một bài hát sống lâu bền trong lòng công chúng bởi người nhạc sĩ đã viết cái điều không chỉ anh ta nghĩ, mà là viết cho những điều nhân dân nghĩ, số đông công chúng nghĩ.

Nói về chuyện viết nhạc Nguyễn Trọng Tạo chia sẻ, ông học nhạc từ khi còn rất trẻ, nhưng không được học bài bản mà chỉ là chắp nối, bập bõm. Nhưng chừng đó thôi đủ cho ông biết nốt nhạc, biết ký xướng âm, đủ cho ông có thể viết nên những bài hát của riêng mình. Và đủ cho ông trở thành một nhạc sĩ.

Không ít người lấy làm lạ là tại sao một nhà thơ nổi tiếng với nhiều bài thơ hay như Nguyễn Trọng Tạo mà ông lại thường viết bài hát dựa trên ý thơ của người khác. Cho đến nay gia tài âm nhạc của Nguyễn Trọng Tạo có khoảng chừng trên 2 chục bài hát, thì đa phần là ông phổ thơ của bạn bè chứ không phải thơ mình.

Đem thắc mắc hỏi ông, Nguyễn Trọng Tạo bảo: “Khi tôi gặp một bài thơ để có thể viết một bài hát, thì bài thơ đó phải gây ra một sự choáng, lạ đối với tôi. Nếu là thơ mình viết ra thì còn gì choáng, lạ nữa. Tôi đã viết bài thơ đó, và tôi đã quen thuộc với cảm xúc của bài thơ đó, thì tôi không hào hứng nữa. Mặc dù tôi biết những bài thơ của mình có đầy ắp tính nhạc. Nhưng nó chẳng thể mảy may động lòng tôi trong việc biến nó thành bài hát. Ngược lại, khi gặp một bài thơ hay của bạn bè, tôi lại có mong muốn biến nó thành bản nhạc”.

Một ví dụ về việc bất thần gặp thơ hay và bất thần phổ nhạc của Nguyễn Trọng Tạo, là bài hát Khúc hát sông quê. Nguyễn Trọng Tạo kể về cuộc hạnh ngộ với bài thơ của Lê Huy Mậu, sau khi đọc đến lần thứ ba bài thơ này, ông bắt đầu phổ nhạc.

“Tôi lấy giấy nhạc ra, và chỉ cần chép lại bản nhạc đã lưu vào bộ nhớ trong đầu tôi. Có những câu đã vang lên, nhưng lời thơ lại không khớp với nốt nhạc, tôi cứ để trống phần lời, vì với tôi, khi viết nhạc, tôi rất chú trọng đến khúc thức bản nhạc, như âm nhạc là một tác phẩm độc lập, không phụ thuộc vào lời thơ. Khi phổ nhạc cho thơ, tôi không thích âm nhạc phải “chạy” theo thơ, đánh mất tính độc lập của nó để rồi cuối cùng chỉ thành một tác phẩm “hát thơ”. Tôi muốn nó là một nhạc phẩm hoàn chỉnh, chỉ dựa trên cảm xúc của thơ, dựa vào lời thơ để làm nên một sự sáng tạo mới trong một hình thức khác. Khi viết xong phần nhạc, tôi viết lời cho những câu nhạc còn để trống. Nhiều câu thơ không thể bê nguyên xi vào bản nhạc được”.

Một bài thơ, khi được chắp cánh âm nhạc, nó có thể đã có một số phận khác, nhất là khi bài hát ấy lại được đông đảo công chúng yêu mến, nhiều ca sĩ lựa chọn biểu diễn, trong một thời gian dài như Khúc hát sông quê.

Riêng với Nguyễn Trọng Tạo, sự ủng hộ, yêu mến của công chúng là một món quà đặc biệt đối với ông. Ông cảm thấy hạnh phúc hơn nữa khi những người làng ông tâm đắc, chia sẻ và tự hào. Một đứa con của làng rời làng ra đi, làm những việc quan trọng đến mấy đi nữa, nhưng mong muốn duy nhất của nó là được người làng nhớ đến, nhắc đến, tự hào về nó. 

Riêng điều này thôi đã khiến Nguyễn Trọng Tạo muốn cúi đầu cảm tạ làng quê, cái nôi êm đềm đã sinh ra ông, cũng như sinh ra những nhà thơ, nhạc sĩ - người cất giữ mọi di sản tinh thần văn hóa quý báu của làng.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (đứng giữa) tặng hoa ca sĩ thể hiện ca khúc “Khúc hát sông quê”.

Trong khi Nguyễn Trọng Tạo mê mải đi tìm thơ người để phổ nhạc, tạo ra những bài hát hay, thì chính thơ của ông lại trở thành nguồn cảm hứng để các nhạc sĩ khác viết nên những bài hát hay không kém. 

Hẳn khán giả, nhất là các khán giả trẻ không thể quên bài hát Cỏ và mưa của nữ nhạc sĩ Giáng Son, một bài hát liên tục đứng trong bảng xếp hạng những bài hit, được nhóm 5 dòng kẻ, Tùng Dương và nhiều ca sĩ thể hiện rất thành công. Lời của ca khúc này chính là thơ của Nguyễn Trọng Tạo. Hay một bài hát khác là Một dại khờ một tôi của nhạc sĩ Phú Quang.

Phú Quang đã gặp bài thơ của này của Nguyễn Trọng Tạo và ngay lập tức giai điệu của một bài hát đã vang lên. Bài hát cũng được nhiều công chúng đồng cảm, đón nhận. Bạn bè thường đùa với Nguyễn Trọng Tạo, ông có những đứa con xinh đẹp (ý nói những bài thơ hay) nhưng bố lại thích cho đi “ở đợ” nhà người, rồi lại đón con “nhà người” đến “ở đợ” nhà mình. Sơ sơ, những đứa con “ở đợ” nhà Nguyễn Trọng Tạo cũng đông đúc ra trò.

Ngoài Làng quan họ quê tôi và Khúc hát sông quê còn là Đôi mắt đò ngang, Tình ca trên một dòng sông, Non nước Cao Bằng, Mẹ tôi, Đồng Lộc thông ru, Tình ca hạt giống vàng, Trống hội cổng làng, Tình đông, Tình xuân, Tình hạ, Con dế buồn, Mưa, Nghe biển ru đêm... Từng đó tác phẩm âm nhạc đủ cho ông làm một đêm nhạc, tri ân những khán giả của mình, những người đã luôn nghe và ủng hộ ông.

Nguyễn Trọng Tạo chia sẻ, ý tưởng về việc làm một đêm nhạc tác giả xuất hiện trong ông cách đây không lâu, nhưng là một sự thôi thúc mạnh mẽ. Âm nhạc, với đặc thù của thể loại, đã mang đến cho Nguyễn Trọng Tạo nhiều bất ngờ. Ông có nhiều bạn bè hơn, nhiều người hâm mộ hơn nhờ việc họ tri ngộ những ca khúc mà ông viết. 

Bởi vậy, không có lý do gì ông lại không đến với công chúng của mình bằng một đêm diễn ấm áp. Nhất là khi ông có những người bạn hết lòng hỗ trợ, khuyến khích, giúp đỡ.

Nổi tiếng đa tài đa tình, thừa nhận mình vẫn còn “nặng nợ má đào” lắm, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo chia sẻ, trong âm nhạc, không có một bài hát nào ông viết riêng tặng một người đàn bà cụ thể. Trong thơ thì có nhưng trong âm nhạc thì không. Có lẽ vì trong âm nhạc, ông thường mượn ý thơ, tứ thơ của người khác, nên cũng không dễ có “bóng hồng” nào “chen chân” vào được chăng? 

Nhưng thôi, bàn về đàn bà trong thơ hay trong đời Nguyễn Trọng Tạo thì có lẽ phải dành cho những “chuyên gia” nghiên cứu về tác phẩm, sự nghiệp của ông, khó mà có thể nói trong một bài báo. Hơn nữa, thời điểm này hỏi chuyện ông về đàn bà cũng hơi khó, vì nghe đâu nhạc sĩ đang cô đơn. 

Lại nghe đâu ông vừa có một “bóng hồng” mới. Biết đâu ông sẽ bật mí với khán giả trong đêm nhạc sắp tới của mình, mùng 8 tháng 9 tới đây, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Bình Nguyên Trang
.
.