Vợ chồng “…người yêu nước mình”: Dắt tay nhau rời cõi tạm

Thứ Sáu, 22/06/2018, 07:21
Nhà thơ Trần Vàng Sao ra đi ngày 9-5-2018 vì bệnh gan, chưa đến ngày thất tuần thì bất ngờ chị Võ Thị Hay - vợ nhà thơ - cũng qua đời vì nhiễm trùng máu.

Liên tiếp dự tang anh, rồi tang chị, tôi xót xa, bùi ngùi nhớ lại thơ anh: “Mẹ tôi nuôi tôi mười mấy năm không lấy chồng/ thương tôi nên ở góa nuôi tôi/…đêm nào mẹ cũng khóc”.

Người yêu thơ cả nước ai cũng thích, ai cũng xúc động khi đọc Bài thơ của một người yêu nước mình của Trần Vàng Sao... “tôi yêu đất nước này xót xa... tôi yêu đất nước này cay đắng...”. 

Cái điệp khúc “tôi yêu đất nước này...” lúc cất lên như tiếng nấc, lúc chìm sâu như nỗi nghẹn ngào, khi nghe như tiếng vọng của tâm linh thăm thẳm. Bài thơ đã được bạn đọc chọn là 1 trong 100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX!

Thật may cho tôi, hơn 30 năm nay, ở Huế, nhiều lần cùng nâng chén, chuyện trò với nhà thơ mà mình ngưỡng mộ. Anh Nguyễn Đính (tên thật nhà thơ) ở đường nhánh Tuy Lý Vương, vòng vèo sâu trong thôn Vỹ Dạ. Tôi về thăm anh nhiều lần, lần nào cũng đi sai đường, phải hỏi thăm.

Cái thôn Vỹ Dạ nổi tiếng trong thơ Hàn Mặc Tử ấy là nơi sinh trưởng nhiều nhà thơ, nhà văn, họa sĩ danh tiếng như Bửu Chỉ, Nguyễn Khoa Điềm, Mường Mán, Trần Vàng Sao... Gia đình nhà thơ sống trong một ngôi nhà vườn cổ đã xuống cấp do ông nội để lại. Ba của nhà thơ tham gia Việt Minh, bị Tây bắn chết năm 1947.

Mẹ anh ở vậy tần tảo chạy chợ nuôi anh mười mấy năm ròng. Nên tuổi thơ anh buồn, cô đơn, chơi suốt ngày với lá vú sữa, lá mít rụng trong vườn. Mỗi lần tôi đến chơi đều thấy nhà thơ tóc xoăn, mặc bộ quần áo nâu sòng, ngồi hút thuốc, hoặc nhấp tí trà, tí rượu, bó gối nhìn ra cổng.

Thỉnh thoảng anh vẽ tranh Bồ Đề Đạt Ma bằng bút chì, hay đọc sách Phật. Nhà treo nhiều tranh Bồ Đề Đạt Ma. Giá sách nhà anh ngoài sách văn học, sách bạn bè tặng, còn có bộ Kinh Đại Bát Nhã 30 tập dày cộp.

Trên bàn để một chồng sổ sách và bản thảo thơ gạch xóa viết trên loại giấy vở học trò xé ra. Hơn 15 năm nay, anh vẫn viết hàng trăm bài thơ tự sự dài dằng dặc, rất gan ruột, nhưng chẳng in ở đâu, mà chỉ để cho bụi phủ. Anh buồn nhưng khi tôi gợi đến chuyện ở chiến khu xưa thì nhà thơ như bừng tỉnh, nói chuyện rất sôi nổi.

Anh Nguyễn Đính sinh năm 1941 (Tân Tỵ). Năm 1961 tốt nghiệp tú tài, sau đó ghi tên vào Đại học Văn khoa Huế. Những năm sinh viên, anh đã tham gia hoạt động tranh đấu xuống đường. Lứa học sinh, sinh viên Huế đấu tranh thời đó có rất nhiều người nổi tiếng như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Quang Long, Ngô Kha, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Đắc Xuân, v.v...

Có thể gọi đó là thế hệ vàng của Huế những năm 60 thế kỷ trước. Thế hệ được học hành tử tế và được tắm trong luồng gió triết học hiện sinh từ phương Tây thổi tới! 

Nhà thơ Trần Vàng Sao.

Năm 1963, mới 22 tuổi, anh Đính đã tham gia chuyên san Nhận thức do Nguyễn Đắc Xuân làm chủ biên đấu tranh đòi tự do, hòa bình. Anh viết bài giới thiệu bài thơ Hoa cô độc của Ngô Kha với bút danh Trần Sao.

Lúc này, anh đã tham gia tổ chức cách mạng hoạt động bí mật như rải truyền đơn, vận động sinh viên tranh đấu.

Tháng 6-1965, vì bị lộ nên tổ chức đưa anh “lên xanh”, công tác tại Ban Tuyên huấn Thành ủy Huế. Hồi đó, Thành ủy Huế thành lập một đài truyền thanh ở chiến khu A Lưới. Phải đào sâu vào lòng núi để đặt điện đài. Nhưng chưa kịp phát buổi đầu tiên đã bị bom Mỹ đánh sập.

Thời gian đó Đính viết bài cho đài truyền thanh, Báo Cờ giải phóng, viết bài gửi về Huế phần nhiều ký tên Trần Sao. Có lần anh ngồi cả tháng, soạn một bài Cương lĩnh diễn ca hàng trăm câu song thất lục bát để tuyên truyền đường lối của Mặt trận Dân tộc giải phóng, phục vụ cho công tác binh vận.

Những lúc bom đạn ác liệt, đói cơm, thiếu muối, phải đi đào củ mài, củ chụp, Nguyễn Đính vẫn làm ca dao hò vè động viên anh em: “Hy sinh gian khổ sá chi. Tự do độc lập có gì quý hơn”.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, người “trên xanh” cùng thời kể: Mùa thu năm 1966, địch bắn pháo vào nơi đóng quân, Nguyễn Đính bị thương vào chân ở chân dốc Kết Nghĩa gần núi Kim Phụng, nằm trạm xá. Tôi hỏi anh bị thương như thế mà họ có cấp thẻ thương binh cho anh không?

Anh Đính bảo: “Mình bị thương nhiều người biết, bây giờ trở trời vẫn đau nhức rất khó chịu ở vết thương nơi đầu gối, nhưng biết múi mớ mô mà khai cho có thẻ! Ngay cả ba mình là Việt Minh bị Tây bắn ngay tại làng, ai cũng biết, mà chẳng biết khai báo, chạy vạy những đâu để được liệt sĩ...”. Anh quên chuyện của mình nhưng lại rất nhớ những người đồng chí đã hy sinh:

“...mi về Đông Xuyên trước tết
và thoát chết trong một trận càn
...mi gửi cho tau mấy viên thuốc dạ dày
...bây giờ mi chết thật rồi sao...
(Đồng chí)”.

Cũng như trong Bài thơ của một người yêu nước mình, điệp khúc “bây giờ mi chết thật rồi sao” trong bài thơ Đồng chí là tiếng khóc của tình ruột thịt, lay động tâm can. Đó là thứ thơ gan ruột, như moi tim óc mình ra mà viết.

Tôi hỏi hoàn cảnh ra đời của Bài thơ của người yêu nước mình và tại sao anh lại ký là Trần Vàng Sao, một cái tên rất dễ gây nguy hiểm khi về hoạt động trong lòng địch.

Trần Vàng Sao sôi nổi kể: Cuối năm 1967, mình bị sốt rét nặng phải vô trạm xá chiến khu. Lúc đó Ban Tuyên huấn Thành ủy đang làm tập văn thơ Nổi lửa, chuẩn bị tuyên truyền cho cuộc Tổng tiến công nổi dậy tết Mậu Thân. Anh em vào viện hỏi mình có bài gì không để in. Mình viết ngay một mạch được bài thơ, toàn chuyện của đời mình.

Họ in ở chiến khu, sau đó đưa về Huế hàng ngàn bản cho lực lượng hoạt động nội đô phát hành vào tháng 12-1967. Không ngờ bài thơ cũng là tâm trạng chung của mọi người. 

Mới hay yêu nước không chỉ là chuyện “xuống đường” hay “đấu tranh giai cấp” mà yêu nước còn là tiếng nấc của sự đồng cảm trước nỗi đau của những người cùng khổ! Lúc đầu mình ký là Trần Sao nhưng sau đó sửa lại là Trần Vàng Sao vì lúc nghe tổng tấn công thì sướng quá, cứ ngỡ thắng lợi đến nơi...

Trần Vàng Sao là người thẳng thắn, trực cảm mạnh, thơ anh nhiều tầng nghĩa, nhưng lại là những hình ảnh thường ngày trong đời sống gia đình, bè bạn. Đó là một thứ thơ không dễ viết, viết không dễ hay. Nhưng anh đã viết và viết rất hay, viết thấm đẫm nỗi đời. Anh không bao giờ giấu giếm hay “tô hồng” cuộc sống.

Những chuyện bi phẫn, chuyện buồn đau ngậm ngùi trong cuộc sống hằng ngày anh đều đưa vào thơ như là một sự sẻ chia, an ủi. Kể chuyện cùng các con múa lân rằm Trung thu, anh viết

“múa đi các con
cái bụng ông Địa to tròn giơ lỗ rún gài nút áo không được
ông Địa chống tay vỗ bụng ngửa mặt lên trời cười ha ha”

(Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình).

Bài thơ này Trần Vàng Sao viết tháng 9-1984, nhân sinh nhật tuổi Tỵ của mình, khi anh được trên cho nghỉ hưu non. Hưu sớm, lương rất ít, vợ không có nghề nghiệp, phải nuôi 2 đứa con, nên buồn là phải. Nhưng lại có người cực đoan, một chiều đã phê bình rằng “bài thơ u ám, bất lực, tuyệt vọng!”.

Năm 1970, anh được đưa từ chiến khu A Lưới ra chữa bệnh và an dưỡng ở miền Bắc. Trong thời gian chữa bệnh, anh có một cuốn sổ ghi nhật ký và những bài thơ mới viết của mình. Anh vốn trực tính, thấy cái gì chướng tai gai mắt thì ghi, thì viết.

Có người đọc được những suy nghĩ đó của anh liền báo cáo với cấp trên, thế là họ tổ chức chụp ảnh toàn bộ cuốn nhật ký, thơ của anh. Rồi họ cho là “mất lập trường”. Thậm chí, người ta còn đề nghị anh nên bỏ cái bút danh Trần Vàng Sao đi!

Tháng 3-1975, Huế giải phóng, anh từ Hà Nội về làm “mõ làng”, tức liên lạc ở xã. Sau một thời gian, anh được rút lên công tác tại Phòng Văn hóa thành phố Huế, rồi lại điều về làm liên lạc ở xã Hương Lưu, cho đến khi nghỉ hưu. Lương anh sau mấy lần tăng đến trước khi từ trần chỉ triệu mấy đồng, vừa đủ cơm rau qua ngày.

Sau khi hồi hưu non, nhiều buổi hai vợ chồng phải trốn chui vào sân bóng đá Tự Do để bán thuốc lá cho người xem. Trần Vàng Sao cũng đã từng ba lô cuốc thuổng đi đào vàng trên núi Quảng Nam, A Lưới, nhưng mấy tháng ròng không kiếm được chỉ vàng nào cả.

Chị Võ Thị Hay - vợ nhà thơ - lúc thì chạy chợ, lúc đi bán bánh canh cá lóc. Một thời gian, chị gánh bánh canh cá lóc, bún chạy lên tận khuôn viên Hội Nhà báo tỉnh ở 22 Lê Lợi để bán.

Anh em văn nghệ báo chí bảo nhau: “Đi ăn bánh canh cho vợ Trần Vàng Sao”. Hết vốn lại về chăm sóc vườn nhà, kiếm ngày dăm bảy ngàn tiền rau dưa. Có lần tôi về Vỹ Dạ tặng anh tập thơ mới in của mình.

Anh bắt tay tôi cảm ơn, rồi mở cuốn sách hít hít mùi giấy mới: “Giấy thơm hè, thơm hè!”. Tôi nhìn anh ngửi mùi giấy tập thơ mà xốn xang trong lòng. Thơ Trần Vàng Sao hay thế, nhưng muốn in thì phải có tiền. Mà anh thì tiền lương hưu không đủ nuôi con!

Năm 2012, Nhà xuất bản Lao động có in cho anh trường ca Gọi tìm xác đồng đội rất da diết. Đây là tập thơ đầu tay của Trần Vàng Sao được in! Ôi, giá mà có tiền để in toàn bộ thơ Trần Vàng Sao, tôi tin đây là một tuyển thơ rất hay!

Có lần, Hội Nhà văn gợi ý anh làm đơn vào Hội. Trần Vàng Sao cười thật thà: “Thật cảm ơn các anh, tôi hưu rồi, vô Hội làm được gì cho Hội nữa!”. 

Trong các cuộc rượu bạn bầu, anh lại kể miên man về những kỷ niệm thời chiến khu và hát, những bài hát miên man về Huế, rồi anh đọc thơ. Những câu thơ mặn như nước mắt...

“chuyện bông hoa mọc một mình trên đá
cứ hay cười mà không biết có người buồn...”.

Nhà thơ Trần Vàng Sao ra đi ngày 9-5-2018 vì bệnh gan (thọ 77 tuổi), chưa đến ngày thất tuần thì bất ngờ, ngày 30-5, chị Võ Thị Hay (1951) - vợ nhà thơ - cũng qua đời vì nhiễm trùng máu! Ôi số phận sao mà cay nghiệt thế! Tôi coi bài viết này như một nén nhang tưởng niệm anh chị.

Ngô Minh
.
.