Nhà văn Hoàng Bình Trọng: "Ra phố phải có tiền, mình không có tiền, mần răng được!?"

Chủ Nhật, 12/08/2018, 11:29
Có những nhà văn giữa đời cứ luôn giấu mình đi, vì họ nghĩ văn chương là cái nghiệp trời đày, viết văn vất vả, cực nhọc, do số phận run rủi, chẳng có sang trọng gì để mà khoe mẽ cả. 

Mà hình như người không nghề ngỗng gì mới quẫn bách, sinh viết văn, làm thơ để giải bày, giải tỏa nỗi buồn. Một trong những người như thế là nhà văn Hoàng Bình Trọng. Anh cương trực, không bon chen, không chịu luồn cúi nên luôn thua thiệt và... nghèo rớt mùng tơi.

1. Có lần Đại hội Nhà văn Việt Nam, thời gian rỗi tôi thường hay tìm đến phòng ở của Đoàn Nhà văn Quảng Bình chơi. Nhưng lần nào đến cũng chỉ gặp một “ông già” gầy nhom, má hóp, da mồi, đeo kính lão nằm đọc sách. 

Tôi hỏi: "Sao bác lúc nào cũng nằm nhà vậy?”. “Ông già” cười: “Ra phố phải có tiền. Mà mình không có tiền, mần răng được!”.

Đến lúc đó tôi mới hay “ông già đau khổ” trước mặt tôi đây chính là nhà văn Hoàng Bình Trọng, nhà văn của Bí mật một khu rừng... mà tôi từng đọc thuở nhỏ. Tôi la lên: "Trời ơi bác ơi là bác, là nhà văn sao lại kêu không có tiền được? Văn là tiền đó thôi!”.

Anh Hoàng Bình Trọng tròn xoe mắt nhìn tôi như nhìn một người từ thế giới khác đến. Dường như với anh văn thơ và tiền là có mày không tao! Rồi anh kể, lâu nay mình viết tiểu thuyết, in xong họ trả nhuận bút. Viết vài ba tháng mới được cuốn sách, chờ đợi duyệt, in mất vài ba tháng nữa, có khi cả năm, mà  nhuận bút chỉ vài nghìn đồng bạc, không đủ để mua sách tặng.

"Ví dụ cuốn Bí mật một khu rừng, mình viết xong năm 1971, năm 1973, Nhà xuất bản Kim Đồng in lần đầu tới 3 vạn bản, trả nhuận bút 1.600 đồng. Hồi ấy như thế cũng là số tiền lớn. Hồi đó mình còn có lương kỹ sư, bây giờ về “một cục” rồi, lương không còn nữa, lấy gì để ăn mà viết?" - anh chia sẻ.

Nói rồi Hoàng Trọng Bình thở dài. Tôi sáng kiến: “Bác phải lấy ngắn nuôi dài thôi. Trong lúc “thai nghén” tiểu thuyết, trường ca, bác phải tranh thủ viết cho các báo mới có tiền. Viết truyện ngắn, truyện dịch, ký, nhưng phải ngắn dưới 2.000 chữ các báo mới tải được.

Cũng văn chương cả đấy, nhưng nó nhanh mà có tiền sớm. Bác thử về viết mấy cái truyện ngắn, gửi vào Huế cho em. 2 tuần sau tôi nhận được 3 truyện ngắn của anh gửi bưu điện vào. 

Tôi đọc thấy anh viết truyện ngắn rất khá, bèn gửi cho mấy người bạn thân làm ở các báo, tạp chí. Tháng sau tôi nhận được cái thư Hoàng Bình Trọng gửi từ nhà ở Quảng Trạch.

Đọc thư mà cứ nghe cay cay sống mũi: “...Ngô Minh ơi, 3 truyện ngắn đã được in cả, mình vừa ra bưu điện nhận một lúc 500 ngàn đồng  nhuận bút. Từ ngày về hưu đến nay, chưa bao giờ mình nhận được khoản tiền lớn đến thế! Mình có thể gọi Ngô Minh là “ân nhân” được không?...”.

Và anh trở thành cộng tác viên đắc lực của nhiều tờ báo cho đến bây giờ. Nhớ đến anh là tôi cứ nghĩ đến nhà văn Nam Cao, ngồi viết văn trong nhà trong lúc chủ nợ đến đòi nợ chửi mắng vợ ngoài sân...

2. Hoàng Bình Trọng sinh năm 1942, Mậu Tuất này anh 77 tuổi. Tâm sự với tôi về chuyện về “một cục”, anh kể: “Chuyện dài dòng lắm. Một phần mình biệt quê hương đến 45 năm. Lâu quá. Lúc đó vợ mình bệnh tật vừa về hưu non, đã về quê. Nhưng cái chính là do mình trực tính quá nên người ta ghét.

Khi chuyển về Hội Văn nghệ Vĩnh Phú, mình làm Thư ký Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ, mình không nén được lòng trước những cảnh chướng tai gai mắt xảy ra hằng ngày. Thế là mình phản ứng. Thế là họ ép mình “viết đơn tự nguyện” về “một cục”. Ừ thì viết, sợ gì. Tính mình vốn khí khái mà...".

Thế là dứt áo về quê. Gia đình 3 miệng ăn mà chỉ trông vào đồng lương hưu non của vợ, trị giá 1,1 triệu! Vợ thì bệnh tật đau ốm thuốc thang suốt ngày. Con thì nhỏ dại (Hoàng Bình Trọng 34 tuổi mới lấy vợ, 41 tuổi mới có con trai). May là ông anh ruột đã mua cho miếng đất cắm dùi ở xã Quảng Hòa, cách quê nội Thanh Khê một con sông Gianh để làm cái chòi chui đụt.

Lại bắt đầu từ hai bàn tay trắng. Vợ chồng làm ruộng, viết văn, đi rừng đốn củi, trồng rau màu, đơm cá... Một năm sau, may có anh nhà văn Văn Lợi, lúc đó là Tổng Biên tập Tạp chí Nhật Lệ mời vô Đồng Hới làm chân hợp đồng biên tập.

Đã về “một cục” thì không thể vô biên chế lại được nên dù là nhà văn, khởi đầu cũng chỉ 350 ngàn/tháng, 2 năm sau lên 450 ngàn/tháng, 12 năm sau (2006) lên 1,2 triệu đồng/tháng, bằng nửa lương công chức hạng trung, Hoàng Bình Trọng cũng vui vẻ làm.

Làm để khuây khỏa tâm hồn, làm để cho mẹ “Lại mừng con biết đọc thuê viết mướn/ Mà vòng đời danh lợi chẳng bon chen...” (Suy ngẫm).

Ngày thì ngồi bên bàn viết, đọc, đêm thì trải chiếu nằm ngủ ngay trên bàn, thật giản tiện. Một tuần, nửa tháng lại đạp xe 45 cây số ra với vợ con. 

12 năm nước lọ cơm niêu, dép râu, mũ cối. Một chiếc xe đạp cà tàng, chỉ dùng để đi chợ và đi uống rươụ khi có bạn gọi, một chiếc cặp da cũ từ thời Phú Thọ đựng đầy bản thảo tiểu thuyết, truyện dịch, thơ... Đi chợ một lần ăn hai, ba ngày, cơm rau xòang xĩnh... Hoàng Bình Trọng sống như bóng cây không gió nhưng anh lại toàn nghĩ chuyện văn chương đại sự.

Trong chiếc cặp mòn vẹt thời gian ấy là bản thảo trường ca ngàn câu về Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, mà anh ấp ủ bao nhiêu năm nay. 

Trường ca Tướng Giáp - người anh cả của toàn quân của Hoàng Bình Trọng là trường ca đầu tiên viết về cuộc đời Đại tướng. Trường ca này được Trung ương Đoàn và Hội Nhà văn trao giải nhất trong đợt xét các tác phẩm văn học cho thiếu nhi đầu năm 2010.

Nghĩ chuyện cho và nhận ở đời thì Hoàng Bình Trọng đã cho gấp nhiều lần nhận. Anh đã vắt óc mình ra để đổi lấy một cuộc sống không khác chi thầy giáo Thứ, lão Hạc của Nam Cao...

3. Hoàng Bình Trọng được ông  bố, một công chức thời Pháp làm việc ở Sài Gòn dạy tiếng Pháp, tiếng Tàu từ nhỏ. Sau này, ông cụ dắt con về quê làm phiên dịch tiếng Pháp cho Việt Minh huyện. Cái vốn ngoại ngữ ấy đã giúp anh nhiều trong học hành, công việc. Sau này còn giúp anh biên dịch kiếm sống qua ngày.

Anh kể, hồi làm Trưởng phòng Kỹ thuật của Đoàn địa chất, có lần Đoàn tổ chức thi báo tường. Phòng anh, gọi là phòng trí thức không ai viết lách thơ phú gì. Thế là trưởng phòng Trọng đêm phải thức làm cho mỗi người một bài thơ, bảo họ ký tên vào rồi dán lên.

Thế rồi đầu xuân, có đoàn các nhà văn đi thực tế đến Đoàn địa chất, đọc báo tường khen hết lời. Sau đó họ viết bài giới thiệu trên báo, rồi in luôn bài thơ của Hoàng Bình Trọng. Hình như đây là lần đầu tiên anh được in thơ trên Báo Văn nghệ.

Làm nhiều thơ nhưng Hoàng Bình Trọng lại nhập làng văn bằng cuốn tiểu thuyết Bí mật một khu rừng. Năm 1967, từ vùng mỏ Mạo Khê, anh được điều về làm giáo viên trường Trung cấp Mỏ địa chất. Thời chiến tranh, có máy bay Mỹ, học sinh phải xuống hầm, nên thầy thường cháy giáo án.

Thế là anh phải cô đúc bài giảng lại cho gọn. Thế là thừa thời gian. Để khỏi ảnh hưởng đến lớp khác, anh bèn mang chuyện rừng núi ra kể cho học sinh nghe để chữa cháy. Đấy là những chuyện vượt qua hiểm nguy, suối sâu, vực thẳm, thú dữ của anh cán bộ địa chất đi tìm quặng trong rừng. 

Anh kể hồn nhiên, lại là chuyện thật nên học sinh rất thích. Chuyện đến tai nhà thơ xứ Nghệ Nguyễn Bùi Vợi, lúc ấy đang dạy cấp 2 ở trường bên cạnh.

Trong một chuyến về Hà Nội, anh Vợi kể chuyện ấy với nhà văn Nguyễn Quỳnh ở Nhà xuất bản Kim Đồng, thế là nhà xuất bản sốt sắng liên hệ đề nghị anh viết thành sách. Hoàng Bình Trọng nhận lời nhưng sợ lắm. Vì cả đời chưa từng viết một trang văn xuôi nào. Nhưng cứ liều xem sao. Thế là viết một lèo gần một tháng xong cuốn tiểu thuyết Bí mật một khu rừng. 

Sách ra, mừng run người lên. Từ đó Hoàng Bình Trọng phấn chấn lao vào cặm cụi viết tiếp hàng chục cuốn tiểu thuyết dày bốn, năm trăm trang như Quanh chỗ anh nằm, Những tấm lòng yêu thương, Thung lũng Tam Đài...

4. Ở Quảng Bình, anh em văn nghệ thường gọi Hoàng Bình Trọng là của hiếm, là trầm trong ruột gỗ, là ông đồ xưa, một kiểu Nguyễn Hàm Ninh xưa sót lại, sâu sắc và hóm hỉnh vô cùng. Dân chữ nghĩa ở Quảng Bình cứ xuýt xoa khen hoài những câu đối thông minh sâu sắc của anh. Có lần, Tổng Biên tập Văn Lợi bảo mọi người chơi câu đối.

Hoàng Bình Trọng ra vế đối: “Ông Văn Lợi, lợi nhờ văn, răng lại nhủ mần răng không lợi”. Câu đối rất hóc hiểm. Hai chữ Văn - Lợi được tách ra, đối nhau. Tức nhờ Văn mới có Lợi.

Rồi RĂNG, LỢI, LẠI, NHỦ đều liên quan đến tên gọi những bộ phận trong miệng. Những chữ LẠI, NHỦ, tiếng miền Trung là lưỡi, răng sữa! Văn Lợi  là nhà thơ rất rành câu đối, thế mà 15 năm rồi vẫn chưa đối được vế ra của Hoàng Bình Trọng.

Hoàng Bình Trọng là thế. Lặng lẽ mà sắc sảo. Mới gặp tưởng cục mịch nhưng lại rất thông minh. Lao động hết mình trên từng trang viết nhưng lại âm thầm nơi thôn dã, không nhờ cậy ai lăng-xê ồn ào.

...vẫn chưa hết cuộc hành trình
Vẫn nghe mình gọi tên mình nơi xa
Thì đi cho hết bài ca
Đi cho tiếng nấc bật ra tiếng cười...

(Tự hát)

Ngô Minh
.
.